Đền Lảnh Giang Từ Trong Truyền Thuyết

Phương ngôn xưa có câu: “Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây” để nói đến sức hấp dẫn của di tích đền Lảnh Giang. Du lịch Hà Nam, tới đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh quan thơ mộng, hoài niệm về mối tình đẹp giữa Tiên Dung – Chử Đồng Tử và tham dự nhiều trò chơi dân gian độc đáo.

  • Bí ẩn về ngôi nhà Bá Kiến
  • Về Hà Nam tham quan đền Trần Thương
  • Vắng như chùa Bà Đanh
Khuôn viên đền Lảnh Giang rộng lớn, hài hòa với thiên nhiên
Khuôn viên đền Lảnh Giang rộng lớn, hài hòa với thiên nhiên

Đền Lảnh Giang và những truyền thuyết mang màu sắc dân tộc

Đền Lảnh Giang – Hà Nam là ngôi đền thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18. Đi lễ đầu năm vào đền Lảnh Giang thăm quan đền và cúng lễ cầu mong một năm mới an lạc và may mắn. Đền Lảnh Giang còn có tên gọi khác là Lảnh Giang linh từ, nằm trên thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Ngôi đền này thờ 3 vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và Tiên Dung công chúa. Kề bên đền Lảnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ Cô Bơ Thoải Phủ (hệ thống thờ Đạo Mẫu Việt Nam).

Đền Lảnh Giang - Hà Nam là ngôi đền thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và công chúa Tiên Dung
Đền Lảnh Giang – Hà Nam là ngôi đền thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và công chúa Tiên Dung

Theo thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (Sự tích ra đời của các vị thuỷ thần triều Hùng) cùng sắc phong, câu đối, truyền thuyết tại địa phương thì ba vị thần này là con của Bát Hải Long Vương và nàng Quý. Chuyện kể rằng, một hôm nàng Quý ra bãi biển tắm, có một con thuồng luồng quấn quanh mình, về nhà nàng mang thai, sau đó sinh ra ba người con mặt rồng, mình cá chép, cao tám thước khác người. Khi giặc phương Bắc bao vây bờ cõi, định cướp ngôi báu của vua Hùng Duệ Vương, ba vị bỗng trở thành các tướng giúp vua đánh tan giặc. Câu chuyện trên cho biết, nàng Quý ra biển tắm, là thuở đó vùng đền Lảnh Giang và vùng lân cận còn là cửa biển của sông Hồng. Câu chuyện trên có nói đến vua Hùng nên cũng liên quan đến truyền thuyết “Bà Âu Cơ đẻ trăm trứng”. Bà Âu Cơ gặp Lạc Long Quân trên núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) và hợp hôn với ngài. Bà là giống Tiên (chim) trên rừng, Long Quân là giống Rồng (tiền thân là rắn, thuồng luồng, sau này được các triều đại phong kiến ngày một trìu tượng hóa để lấy làm thần quyền) dưới sông nước. Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở trăm người con trai. 50 con theo mẹ lên rừng làm Sơn tinh (sơn thần), 49 con theo cha xuống bể làm Thuỷ tinh (thuỷ thần). Còn người con trai cả ở lại, được tôn phong làm vua Hùng thứ nhất. Như vậy, theo tư duy dân gian có thể suy ra tương ứng: Bát Hải Long Vương là do Lạc Long Quân biến hóa, nàng Quý chính là mẫu Âu Cơ, ba vị thuỷ thần thờ ở đền Lảnh Giang theo cha Lạc Long Quân xuống biển đã hóa thân thành các vị tướng giúp vua Hùng đời thứ XVIII đánh giặc (trong lễ hội đền Lảnh Giang ba vị thần này hiện lên là ba con thuồng luồng nở ra từ ba quả trứng).

Đền Lảnh Giang gắn liền với truyền thuyết trăm trứng nở trăm con và Tiên Dung- Chử Đồng Tử
Đền Lảnh Giang gắn liền với truyền thuyết trăm trứng nở trăm con và Tiên Dung- Chử Đồng Tử

Truyền thuyết: Chử Đồng Tử người làng Chử Xá (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Chẳng may nhà bị cháy, mất hết của cải, hai cha con Chử chỉ còn độc chiếc khố. Lúc cha mất, Chử lấy khố liệm cha, còn mình thì ở trần truồng, ban ngày dầm nửa người dưới sông bắt cá bán cho các thuyền buôn qua lại. Thuở ấy vua Hùng thứ XVIII có cô con gái tên là Tiên Dung, thích ngao du, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền của Tiên Dung đến vùng, nghe thấy tiếng chiêng trống, lại thấy nghi trượng…, Chử hoảng sợ vùi mình vào cát lẩn tránh. Thấy cảnh hoang sơ, sông nước mát mẻ, Tiên Dung ghé lên bờ sai người quây màn ở bụi lau để tắm. Ngờ đâu đúng ngay chỗ Chử Đồng Tử, nước xối dần để lộ một thân hình trần trụi. Tiên Dung kinh ngạc, hỏi han sự tình, nghĩ là do ý trời nên xin được cùng Chử Đồng Tử nên duyên chồng vợ.

Một công trình kiến trúc ở đền Lảnh Giang
Một công trình kiến trúc ở đền Lảnh Giang

Vua Hùng biết chuyện, giận dữ vô cùng, không cho con gái về cung. Tiên Dung ở lại cùng chồng mở chợ, đổi chác với dân gian, buôn bán tấp nập với người trong nước và ngoài nước. Một lần đi buôn, Chử Đồng Tử gặp đạo sĩ Phật Quang trên núi, bèn xin học phép thuật. Phật Quang cho Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là những vật thần thông. Về nhà Chử Đồng Tử bàn với vợ cùng đi tầm thầy học đạo. Một hôm đi giữa đường thì trời tối, vợ chồng Chử bèn cắm gậy, úp nón lên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm chỗ đó nổi lên thành quách, cung vàng, điện ngọc nguy nga, lính tráng người hầu tấp nập. Sáng hôm sau dân chúng quanh vùng kinh ngạc, bèn dâng hoa thơm quả ngọt, xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng. Nghe tin, vua Hùng cho rằng vợ chồng Chử Đồng Tử có ý tạo phản, vội xuất binh đến đánh. Tiên Dung từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, nhà vua đóng quân ở bãi Tự nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện, lính tráng và cả bầy tôi cùng Tiên Dung – Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời, chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm lớn. Dân trong vùng gọi đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự nhiên hoặc Bãi Màn Trù, và chợ đó gọi là chợ Hà Thị.

Đền Lảnh Giang và lễ hội đền Lảnh Giang

Diện tích đền vào khoảng 3.000 m2, quanh đền không có núi đồi nhưng lại biêng biếc với màu xanh của rừng nhãn, bến nước, đầm sen, phảng phất hào khí của một miền địa linh nhân kiệt, phồn thịnh êm đềm. Tổng thể kiến trúc được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc, gồm ba tòa với 14 gian lớn, nhỏ. Đặc biệt tam quan được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái vút cong; bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đục, chạm, gọt, tỉa tạo nên các mảng chạm khắc với các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) cổ kính trang nghiêm và thanh thoát sinh động, góp phần tôn thêm vẻ đẹp và sự độc đáo của ngôi đền. Cửa đền nhìn hướng ra là dòng sông Nhị Hà hay Sông Hồng. Phía Tây đền cách khoảng 300m là màu xanh của lúa, bảng lảng khói lam chiều, thấp thoáng đền thở Đức Vua (vua Lê). Giáp xã Mộc Nam về phía bắc Lảnh Giang, thôn Yên Từ, Mộc Bắc trầm mặc ngôi đền thờ Ngọc Hoa công chúa, em gái Tiên Dung. Phía nam giáp làng Nha Xá, đình thờ Trần Khánh Dư, vị tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công đánh giặc Nguyên Mông trên chiến tuyến Vân Đồn (Quảng Ninh).

Hấp dẫn, độc đáo lễ hội đền Lảnh Giang
Hấp dẫn, độc đáo lễ hội đền Lảnh Giang

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, một năm, đền Lảnh Giang có hai kỳ lễ hội vào tháng sáu (từ ngày 18 đến 25) và ngày 20 tháng 8 âm lịch, với các nghi lễ: chồng kiệu, kéo cờ thần trước cửa đền, lễ cáo kỵ; rước kiệu thánh. Nhiều trò chơi dân gian phong phú được tái hiện như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, đánh cờ người, chọi gà, đuổi vịt dưới nước… Ngoài ra, quanh năm du khách thập phương vẫn tìm về nơi đây cầu tài, cầu lộc. Bởi, lễ hội đền Lảnh Giang từ lâu đã trở thành tín ngưỡng văn hóa, ăn sâu vào đời sống tâm linh của người dân đồng bằng sông Hồng, luôn nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam

Từ khóa » đền Mẫu Hà Nam