Đền Mẫu, Phố Đệ Nhị: Một Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Cấp Tỉnh

Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử, là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam. Theo truyền thuyết dân gian, Mẫu vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng trần, mỗi lần lại hóa thân thành một thân phận phụ nữ khác nhau. Vân Hương tam vị Thánh Mẫu chính là ba lần hóa thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Mẫu đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Chế Thắng Hoà Diệu đại Vương” và “Mã Vàng công chúa”. Đền được xây dựng kiên cố vào năm Bảo Đại thứ 2, năm 1926. Đền nằm trên phố Đệ Nhị, nay là phố Trần Hưng Đạo, trong một khuôn viên rất rộng, sân đền có hai cây đại cổ thụ. Khu vực thờ tự gồm Tòa Bái đường 5 gian, Tòa Hậu cung 3 gian. Phía bên hữu của ngôi đền còn có một công trình phụ trợ khác gồm 3 gian. Ngôi đền trong lịch sử là nơi hội tụ tâm linh của đông đảo cư dân thị xã Thái Bình xưa.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đền Mẫu nằm trong khu Trần Phú là khu vực chịu sự tàn phá nặng nề nhất của thành phố. Do khu vực này có cầu Bo - cây cầu huyết mạch nằm trên quốc lộ 10, nối liền Hải Phòng, Thái Bình với Nam Định và các tỉnh phía Nam, nên đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Vì thế, ngôi đền Mẫu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Năm 1977, đền được hạ giải, toàn bộ tượng pháp, đồ thờ được rước về thờ tại chùa Bồ Xuyên. Sau đó, khu đất của đền Mẫu được sử dụng để xây dựng trường học và các công sở. Tất cả các công trình cổ kính xưa kia chỉ còn giữ lại được bức tắc môn hoành mã là cổng đi vào phía bên tả của ngôi đền. Cách đây hơn 10 năm, cung thờ Thánh Mẫu đã được dựng trên vị trí phía sau bức tắc môn hoành mã này, trên chính nền gạch Bát Tràng lát sân đền Mẫu cũ. Năm 2019, được sự đồng ý của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và nhân dân đã góp sức khôi phục lại Đền Mẫu với quy mô bề thế. Phía trước cửa đền vẫn là bức tắc môn cổ xưa với những câu đối ngợi ca công lao của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ông Đoàn Công Nhiên, thủ nhang đền Mẫu cho biết: Việc thờ phụng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay các nữ thần không ngoài mục đích bày tỏ lòng biết ơn chư vị thần linh, các danh nhân văn hóa dân tộc, để mỗi chúng ta hy vọng, cầu mong được bảo vệ, chở che, ban phúc. Đó chính là tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, sự tự răn dạy để trau dồi đạo đức làm người. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND, cũng như nhân dân phường Lê Hồng Phong, bằng việc làm cụ thể, đã vận động nhân dân trong phường, khách thập phương trong và ngoài tỉnh gần xa, đóng góp công sức, hiến cúng, tôn tạo lại di tích đền Thánh Mẫu nhằm thỏa ước nguyện gửi gắm niềm tin, tinh thần vào nơi Đấng Tối cao.

Ngôi đền được xây theo kiểu chữ đinh, phía trước và hai bên hồi tả, hữu có hiên rộng, chiều cao của hiên so với mặt sân xấp xỉ 1 mét, từ phía trước và hai bên hồi đều có bậc ngũ cấp dẫn lên thềm hiên. Thiết kế này khiến cho đền trở thành một khối không gian thiêng nổi lên giữa một thềm hoa tráng lệ. Bộ khung kiến trúc đền được làm hoàn toàn bằng gỗ lim được chạm khắc chau chuốt, tỷ mỷ hoa văn lá lật mềm mại. Phía tả của ngôi đền là lầu Vọng cảnh, tại đây có thể nhìn vào chiêm bái vẻ đài các của ngôi đền thờ Thánh Mẫu, nhìn ra để ngưỡng vọng vẻ bề thế của hệ thống Nghi môn ba cửa và nhìn ra bốn phía để chiêm ngưỡng cảnh sắc của tổng thể ngôi đền.

Từ khi ngôi đền hoàn thành, bà Lê Thị Bình ở tổ 6 phường Lê Hồng Phong ngày ngày đều đặn hai buổi sáng chiều đều có mặt để phụ việc quét dọn, sắp lễ. Bà chia sẻ: Được đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Mẫu phường Lê Hồng Phong, đây là niềm tự hào cho cán bộ và nhân dân phường Lê Hồng Phong. Son đó cũng là trách nhiệm để mỗi chúng ta tự soi xét, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm người công dân hữu ích cho gia đình và cho xã hội. Để góp sức bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Sự chung tay góp sức của cộng đồng đã giúp ngôi đền được tái dựng vẻ tráng lệ đúng như câu đối cổ trên bức tắc môn hoành mã mà người xưa đã tạc để ngợi ca: “Cảnh đẹp linh thiêng còn truyền mãi trên đất Kỳ Bố - Đền cao vòi vọi sững sững giữa trời Thái Bình. Ông Nguyễn Ngọc Phát, Bí thư Chi bộ 6 phường Lê Hồng Phong chia sẻ: Di tích nằm trên địa bàn tổ dân phố số 6. Chúng tôi xác định di tích lịch sử văn hóa là những tài sản vô cùng quý báu của tiền nhân lưu lại cho hậu thế. Nó khẳng định sự tồn tại và phát triển của một làng xã, một cộng đồng dân cư. Do đó trách nhiệm của chúng tôi phải tuyên truyền, giáo dục và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của đền Mẫu. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân khu dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Tạo động lực các phong trào thi đua ở khu dân cư, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của phường Lê Hồng Phong. Và di tích lịch sử văn hóa đền Mẫu được quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa của di tích.

Đền Mẫu phường Lê Hồng Phong là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nét đẹp tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc, là ý niệm là tâm linh, tư tưởng yêu nước, sự biết ơn những người có công với nước với quê hương; là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là sự tôn vinh, ghi nhận giá trị tiêu biểu của di tích, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của chính quyền và nhân dân thành phố nói chung, phường Lê Hồng Phong nói riêng, để ngôi đền trở thành điểm khám phá, hành hương đầy ý nghĩa cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Từ khóa » đền đệ Nhị