Đền Quan Hoàng Mười (ông Hoàng Mười) ở Nghệ An

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.

Sự tích ông Hoàng Mười

Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.

Sự tích ông Hoàng Mười Nghệ An

Cung thờ Ông Mười Nghệ An

Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Củi) không chỉ vì ông là con trai thứ mười của Vua Cha (như một số sách đã nói) mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương, không chỉ nơi trần thế mà các bạn tiên trên Thiên Giới ai cũng mến phục, các nàng tiên nữ thì thầm thương trộm nhớ. Sau các triều đại đã sắc tặng Ông Mười tất cả là 21 sắc phong (tất cả đều còn lưu giữ trong đền thờ ông).

Ông Hoàng Mười chấm đồng

Cùng với Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười cũng là một trong hai vị Ông Hoàng luôn về ngự đồng, cũng bởi vì ông còn được coi là người được Vua Mẫu giao cho đi chấm lính nhận đồng (khác với Ông Bảy, những người nào mà sát căn Ông Mười thì thường hay hào hoa phong nhã, giỏi thi phú văn chương).

Khi ngự về đồng Quan Hoàng Mười thường mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim.

Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam (quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền) và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng như Ông Bảy, người ta cũng thường dâng tờ tiền 10 ngàn đồng màu đỏ vàng để làm lá cờ, cài lên đầu ông. Khi ông ngự vui, thường có dâng đọi chè xanh, miếng trầu vàng cau đậu, thuốc lá (là những đặc sản của quê hương ông) rồi cung văn tấu những điệu Hò Xứ Nghệ rất mượt mà êm tai.

Tiệc Ông Hoàng Mười vào ngày nào?

Ngày Quan Hoàng Mười giáng sinh 10 tháng 10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông. Vào ngày tiệc quan Hoàng Mười, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền ông thật là tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách … để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

Sắm lễ đền Quan Hoàng Mười

Về cơ bản dù lễ ở bất cứ nơi đâu thì tâm thành vẫn là trên hết, tùy từng hoàn cảnh gia chủ mà sắm lễ Hoàng như nào cho phù hợp, lễ mọn tâm thành thì Hoàng vẫn chứng tâm chứng lễ cho bách gia trăm họ, cái tâm trong sáng, thành kính của người dâng lễ. Không nên nhất nhất phải sắm thật nhiều lễ, hoặc nghĩ rằng tốt lễ dễ kêu, mâm cao cỗ đầy được thánh chứng lễ phù trì nhiều hơn…. hoặc thấy người khác làm sao mình cũng cố gắng theo làm vậy. Tuỳ theo quy mô buổi lễ, công việc làm lễ, người làm lễ sẽ được nhà đền điện hướng dẫn chi tiết cách sắm lễ ví dụ: Lễ trình đồng mở phủ, lễ tiến căn, lễ tôn nhang bản mệnh, lễ trả nợ tào quan, lễ cầu an…

Lễ thông thường ngày tết, các ngày tiệc, ngày rằm mùng một hàng tháng cơ bản bao gồm: Hoa tươi, quả mới, trầu cau, tiền vàng lá, hương thơm, bánh kẹo hoặc có thể có thêm lễ mặn như xôi giò, gà…tuỳ theo từng người, phần này có thể ít nhiều không bắt buộc. Là lòng thành kính của cá nhân, thậm chí chỉ đơn giản là một nén hương một bát nước cũng vẫn đầy đủ linh ứng. Cũng có nhiều người không sắm lễ mà tuỳ tâm bỏ tiền vào hòm công đức cũng vẫn đầy đủ ý nghĩa.

Văn khấn Quan Hoàng Mười (khấn nôm)

Con nam mô A Di Đà Phật

Con nam mô A Di Đà Phật

Con nam mô A Di Đà Phật

Con tấu lạy Tam vị Đức Vua cha.

Con tấu lạy Tam tòa Đức Thánh Mẫu.

Con tấu lạy chư vị đình thần tam tứ phủ.

Con tấu lạy Đức thánh Trần triều, tấu lạy hội đồng nhà Trần

Con tấu lạy Tứ phủ chầu bà, hội đồng Quan hoàng.

Con tấu lạy Quan Hoàng Mười thủ phủ đồng đền nơi đây

Con tấu lạy Tứ phủ thánh cô thánh cậu cùng hạ ban năm dinh 5 tướng, 10 dinh quan ngự tại đền Quan Hoàng Mười Linh Từ.

Xuân thiên (*) cát nhật đương thời, hôm nay là ngày… đệ tử con là….. cùng toàn thề bản hội… ngụ tại địa chỉ….. về bái yết cửa Quan Hoàng Mười, chúng con có cơi trầu bát nước thanh bông trà quả thực, phù lang thanh tiết phù tiết thanh lang, tiền vàng sớ điệp kính dâng lên Quan Hoàng cùng chưa vị tiên thánh.

Cúi xin Hoàng chứng lễ, chứng mã, chứng tâm… độ cho chúng con được ……….

Chúng con lễ mọn tâm thành có thiếu sót gì xin Hoàng tha thứ và hoan hỷ

Con nam mô A Di Đà Phật

Con nam mô A Di Đà Phật

Con nam mô A Di Đà Phật

*Ghi chú: thay Xuân thiên bằng mùa tương ứng Hạ thiên/Thu thiên/ Đông thiên

Văn khấn Quan Hoàng Mười (bản đầy đủ)

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.

Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh.

Con lạy Thánh Hoàng Mười tối tú anh linh

Đệ tử con là:…………. tuổi:……….

Ngụ tại:……………………………

Hôm nay là ngày…., nhằm tiết Xuân thiên cát nhật ngày đại cát giờ đại an, Chúng con đầu làm ngai hai vai làm trượng, bắc ghế ông ngồi làm ngôi ông ngự, nhất tâm nhất lễ đến trước cửa đền Quan Hoàng Mười với chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (*) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh cùng Thánh Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An. Cúi xin Hoàng về chứng đền chứng phủ, chứng đủ lô nhang, chứng cho đệ tử con lễ mọn tâm thành. Trên Hoàng tấu đế đình, dưới Hoàng hạ trình thoải phủ. Hoàng cho con trước thời được ăn, được nói, học gói, học soi, sau thời con lên danh, lên nghiệp, có của làm ra, cửa nhà làm nên, vẹn thời phê bút mà phút thời phê danh cho con lấy tiếng cho thánh, lấy danh, lấy diện cho trần.

Lạy Hoàng, con tâm thành lễ bạc, tâm có của không, con giàu một bó, con khó một nén, giàu làm hẹp, mà kém làm đơn. Một nén cũng có mà một bó cũng thơm. Hôm nay con mang miệng về tâu, cúi đầu vọng bái, việc âm chưa tường mà việc dương chưa tỏ. Nay cúi xin Hoàng phê chữ đỏ, Hoàng bỏ chữ đen. Hoàng ấn ngón tay, Hoàng xoay ngòi bút. Quyền của Hoàng, phép của Hoàng, gia bản nằm trong tay Hoàng để rồi ông thương cho danh cho diện, cho quyền cho phép để con được công thành danh tiến.

Lạy Hoàng, Hoàng cầm cân nảy mực, đặt bút chữ phê rõ ràng. Cho con được gặp thầy, gặp bạn, gặp vạn sự lành, gặp ông có nhân, gặp bà có đức. Nắn nở chở che, cho con nở cành xanh ngọn.

Trăm tội Hoàng xá, mà vạn tội cúi xin Hoàng thương, Hoàng chỉ đường dẫn lối để thuyền trôi một bến nước chảy xuôi dòng. Sông sâu bến ấy mà đáo lai thọ trường cũng là con Hoàng. Nước sông Lam chưa bao giờ cạn, lời của Hoàng chẳng dám đơn sai.

A di đà phật con kêu thấu nổi lạy Hoàng, để rồi phúc đó lại gần hơn!

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười vào ngày nào?

Hàng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch là ngày giỗ của ông Hoàng Mười. Ngoài lễ hội chính diễn ra vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hằng năm còn có lễ hội khai điểm vào ngày rằm tháng 3. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người…

Đền Quan Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược

Đền thờ Ông Hoàng Mười

Đền ông Hoàng Mười Nghệ An

Đền Quan Hoàng Mười ở Nghệ An còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 hecta ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện.

Sự tích ông Hoàng Mười Nghệ An

Đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên, Nghệ An

Đền Quan Hoàng Mười ở Hà Tĩnh

Ông Hoàng Mười cũng được thờ ở Đền Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chính là nơi năm xưa di quan ông trôi về và hóa, qua cây cầu Bến Thủy, bên sông Lam, núi Hồng Lĩnh, cũng chính là nơi quê nhà của Ông. Năm 1993, ngôi đền được cấp chứng nhận di sản văn hóa quốc gia và là nơi gìn giữ và bảo vệ những văn hóa tâm linh song hành cùng lịch sử đất nước. Trước cửa chính của đền là lá cờ đại mang dòng chữ “Đệ thập vương quan” tức Quan Hoàng Mười. Soi mình dưới dòng sông Lam hiền hòa, ngôi đền có diện tích 1040 mét vuông, mang kiến trúc đặc sắc như hồ bán nguyệt, hạ điện, trung điện, thượng điện, sân ngoài và sân trong. Nơi đây còn có miếu cô Chín và bia thờ cô ở góc trái và phải sân ngoài.

Sự tích ông Hoàng Mười Nghệ An-2

Đền chợ Củi (Hà Tĩnh) thờ ông Hoàng Mười

Bản văn ông Hoàng Mười

Các bạn đọc ở link này: https://vanhoatamlinh.com/ban-van-quan-hoang-muoi-day-du-nhat/

Từ khóa » Di Tích đền ông Hoàng Mười