Đền Quan Lớn Tuần Tranh (Hải Dương): Ngôi đền Linh Thiêng Nổi ...

Cổng chính khu di tích Đền Tranh uy nghi nằm ở gần bến đò Tranh - Ảnh: Sơn Thủy
Cổng chính khu di tích Đền Tranh uy nghi nằm ở gần bến đò Tranh - Ảnh: Sơn Thủy

Đền Tranh Hải Dương nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía Nam thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đây là ngôi đền mà khi nhắc đến, bất cứ người dân địa phương nào cũng cảm thấy tự hào. Đền Tranh còn được gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh. Vào thời Lê - Nguyên, đền Tranh là một ngôi đền lớn thờ nhân vật huyền thoại theo tín ngưỡng của người dân địa phương. Theo tài liệu được truyền lại thì gắn liền với đền Tranh có rất nhiều truyền thuyết thần kỳ, nổi bật nhất là truyền thuyết về Quan Lớn Tuần Tranh, người được thờ tự trong đền.

Đền Quan Lớn Tuần Tranh (Đền Tranh) chốn linh thiêng mang đậm nét đặc sắc văn hóa dân tộc - Ảnh: Sơn Thủy
Đền Quan Lớn Tuần Tranh (Đền Tranh) chốn linh thiêng mang đậm nét đặc sắc văn hóa dân tộc - Ảnh: Sơn Thủy
Ban thờ Quan Lớn Tuần Tranh tại Đền Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương - Ảnh: Sơn Thủy
Ban thờ Quan Lớn Tuần Tranh tại Đền Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương - Ảnh: Sơn Thủy
Bia đá là tài liệu ghi chép lại lịch sử về Đền Tranh được dựng trong khuôn viên khu di tích  - Ảnh: Sơn Thủy
Bia đá là tài liệu ghi chép lại lịch sử về Đền Tranh được dựng trong khuôn viên khu di tích - Ảnh: Sơn Thủy

Nỗi oan Quan Đệ ngũ Tuần Tranh

Tương truyền kể rằng, ông là con trai thứ năm của vua cha Bát hải Động đình. Ông là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. Ông đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong Công hầu. Ông có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp là vợ lẽ của một viên quan, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh chồng chung, nàng cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói cho ông biết là nàng đã có chồng. Ông vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan kia biết chuyện, vu cho ông đã quyến rũ vợ mình.

Ông bỗng nhiên mắc hàm oan, bị đem đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn. Tại đây ông đã tuẫn tiết để chứng minh sự trong sáng của mình. Dải lụa đào tuẫn tiết đã hóa thành đôi bạch xà bơi về quê hương Ninh Giang của ông. Rồi một ông bà lão nông bắt được đem về nhà nuôi nấng như thể con mình. Đến khi viên quan phủ biết chuyện ông bà lão nông mua gà để nuôi đôi bạch xà, liền bắt ông bà phải lên cửa công chịu tội và đòi giết chết đôi bạch xà. Hai ông bà thương xót, xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà xuống thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy dữ dội.

Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để chống Nam Việt ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chỗ dòng xoáy đó, thuyền bè không tài nào qua được mà lại có cơn giông tố nổi lên giữa dòng. Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to. Ghi nhớ công đức, vua Thục giải oan cho ông và phong là Giảo Long Hầu. Sau này ông còn hiển Thánh linh ứng, có phép nhà trời, cai quản âm binh, ra oai giúp dân sát quỷ trừ tà, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.

Hiện chưa có thông tin chính xác về thời gian xây dựng đền Tranh, theo các bô lão truyền lại thì ngôi đền này vốn được dựng trên ngôi miếu Tranh Giang Đại Vương có từ thời vua Hùng. Cũng theo các cụ cao niên thì đền Tranh Hải Dương tọa lạc trên khu đất đẹp có nhiều cây cổ thụ xum xuê và đặc biệt linh thiêng nếu cầu đảo khi đi sông nước.

Vào thời nhà Nguyễn, đền Tranh được xây dựng rất hoành tráng, có tượng lớn quan Tuần Tranh và những hoa văn, chạm trổ tinh xảo. Đến năm 1887, thực dân Pháp đến Hải Dương và đã sử dụng đền Tranh làm điểm đóng quân nhưng không dám phá đền bởi biết đền rất linh.

Sau này, người dân đã góp công sức tiền của cho xây dựng một đền Tranh mới ở giữa phố của thị trấn Ninh Giang với tổng số 127 gian trên khu đất rộng 4 mẫu bắc bộ. Nhưng đến năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền bị phá chỉ còn 3 gian cung cấm.

Đến năm 1966, thể theo nguyện vọng của nhân dân thôn Tranh Xuyên, đền được chuyển về vị trí như ngày nay. Ban đầu chỉ chuyển 3 gian cung cấm về. Tại đây, đền từng bước được tu bổ, khôi phục lại các hạng mục. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc, đền Tranh đã được nhân dân trùng tu lớn. Đền quay hướng Tây Nam, nhìn lên đường lớn.

Đền Quan Lớn Tuần Tranh điểm đến văn hóa tâm linh

Đền Tranh ở Hải Dương hiện tại là một công trình kiến trúc tâm linh lớn và cũng là một trong những ngôi đền thiêng biểu tượng của vùng Đồng Bằng Bắc bộ. Quần thể kiến trúc ở khu vực Đền Tranh bao gồm cả chùa Tranh ngăn cách bởi một hồ nước. Đền được xây gồm 3 tòa: tiền đường, trung từ và hậu cung. Mỗi công trình gồm 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và thời Nguyễn. Đặc biệt, đền còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan Lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 kg, 4 pho tượng Tứ Trụ bằng đá, bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cuốn thư, chóe sứ…

Trong dân gian vẫn truyền tụng là “đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được nấy” nên kỳ hội mở hàng năm, du khách trong nước và nước ngoài về trẩy hội rất đông. Hàng năm, Đền Tranh có hai kỳ lễ hội. Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 20 tháng 2 Âm lịch, chính hội là ngày 14 tháng 2. Kỳ thứ hai là từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 Âm lịch, chính hội là ngày 22 tháng 8. Ngoài hai lễ hội chính, vào tháng 5 Âm lịch còn có một ngày đông du khách thập phương về với đền nhất là ngày “Tiệc quan tháng 5”. Tiệc này trong truyền thuyết là ngày Quan Lớn khao tiệc. Ngoài ra nhắc đến Quan Lớn Tuần Tranh là du khách nhắc đến hoạt động Hát xướng Hầu thánh với 36 giá Hầu thánh cùng 36 bài hát.

Vào năm 2009, đền Tranh vinh dự được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Để thu hút được đông đảo du khách về thăm quan, chiêm bái tại đền Tranh, những năm gần đây, huyện Ninh Giang luôn chú trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đền Tranh cũng như các lễ hội. Qua đó, những nét đẹp truyền thống của vùng đất Ninh Giang và tỉnh Hải Dương đã được quảng bá đến với du khách trong nước và quốc tế.

Trao đổi với phóng viên về một số nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại khu di tích, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Trưởng ban Quản lý di tích Đền Tranh cho biết: “Để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và công tác quản lý các hoạt động tại di tích Đền Tranh trước trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Phía UBND xã và Ban quản lý di tích đã chủ động xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ rất cụ thể đối với các thành viên thuộc Ban và Tổ phụ vụ ở di tích”.

Đền Quan Lớn Tuần Tranh (Hải Dương): Ngôi đền linh thiêng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam - Ảnh 1
Công tác đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách và nhân dân đến tham quan khu di tích Đền Tranh - Ảnh: Sơn Thủy
Công tác đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách và nhân dân đến tham quan khu di tích Đền Tranh - Ảnh: Sơn Thủy

“Cụ thể, bố trí chu đáo mọi cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn về mọi mặt để đón tiếp du khách và nhân dân về lễ những ngày cuối năm, đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới. Không tiếp nhận các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào khu di tích; không treo các loại đèn lồng không rõ xuất xứ, không phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách và nhân dân đến tham quan chiêm bái tại di tích…” - ông Phúc chia sẻ thêm.

Sơn Thủy

Từ khóa » đền Tranh Ninh Giang Hải Dương Việt Nam