Đền Sơn Hải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Chốn Thiêng

Tọa lạc bên cầu Chương Dương, số 16, ngõ 53, đường Bạch Đằng, nhìn ra sông Cái – sông Mẹ ngọt lành, đền Sơn Hải (tên chữ là Sơn Hải linh từ) thuộc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền cũng là nơi duy nhất của thành phố thờ bốn nam tử của Trần Hưng Đạo-Đệ nhất vương tử Trần Quốc Nghiễn, Đệ nhị vương tử Trần Quốc Hiến; Đệ tam Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng; Đệ tứ vương tử Trần Quốc Uất và 18 vị tướng tài danh của nhà Trần.

Lịch sử đền Trần Sơn Hải

Đền Sơn Hải được xây dựng tại khu vực bến Đông là nơi diễn ra trận kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258. Theo các tư liệu cổ thì đền được cư dân làng chài Thủy Cơ xây dựng vào thế kỷ XIX. Đền được trùng tu tôn tạo nhiều lần vào năm Kỷ Dậu 1969, năm Giáp Tý 1984. 

Vào kháng chiến chống Pháp, đền là nơi trú ẩn và hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh nên bị Pháp phá hoại rất nặng nề. Năm 1946, Pháp đánh bom khiến cả một vùng cháy lớn, trong đó, đền Sơn Hải cũng bị phá hủy. Sau khi Pháp chiếm đóng vùng này, nhân dân đã phải rước bài vị ngài xuống thuyền đinh để thờ. Đến năm 1984, đền được xây dựng lại trên mảnh đất hiện nay. Khi ấy, tượng Đức Thánh Trần mới được rước lên bờ. 

Qua 3 thập kỷ, nhờ tấm lòng thiện nguyện công đức của khách muôn phương, đền Sơn Hải mới có kinh phí tu sửa khang trang như ngày hôm nay. 

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đền Sơn Hải chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Kiến trúc đền Sơn Hải Hà Nội

Đền Sơn Hải được xây dựng ở cửa ngõ sông nước phía đông Thăng Long – Hà Nội. Đền trông ra sông Hồng gần khu vực diễn ra trận “quyết chiến chiến lực” đánh đuổi quân Nguyên Mông khỏi Thăng Long lần thứ nhất của nhà Trần. 

Cổng đền được xây dựng theo kiểu cửa cuốn vòm, hai bên là tranh khắc nổi hình bạch hổ và rồng phun nước. Gần ba thập kỷ qua, nhờ tấm lòng công đức của khách muôn phương, đền Sơn Hải đã đựơc tôn tạo khang trang hơn trước. Trước của tam quan, trên lầu cao, tượng Trần Hưng Đạo đúc đồng nguyên khối cao 3 mét, nặng 1,7 tấn, tay cầm kiếm hùng dũng, hướng ra sông Mẹ. Trong gian Điện tiền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng Lục bộ các tướng: bên phải là Đô dũng tướng quân, Trần Thông tướng quân, Địa lôi tướng quân. Bên trái là ba anh em Hà Bổng-Hà Chương-Hà Đặc người dân tộc đã có công đánh giặc Nguyên-Mông trên quê hương các ông. Đây là nét riêng biệt của đền Sơn Hải mà một số đền khác thờ Phạm Ngũ Lão, nhưng không thờ ba anh em họ Hà.

Gian giữa đền thờ Đức Thánh Trần uy nghi, bức hoành phi Khí tráng sơn hà và đôi câu đối ghi lại chiến công Đông Bộ Đầu hiển hách:

Nguyên soái trầm bạch thuỷ, truyền thư vạn kiếp trấn Nam Bang

Trần thánh hiển thanh sơn, minh kiếm Bộ Đầu tiêu bát quái

Dịch nghĩa:

Quân Nguyên bị đánh chìm ở sông Bạch Đằng còn lưu sử sách nước Nam

Đức Thánh Trần như núi cao, sáng rỡ kiếm linh thiêng diệt giặc ở Đông Bộ Đầu

Đặc biệt, hai tướng giỏi là Yết KiêuDã Tượng cũng được thờ ở điện và được đặt hàng trên bốn nam tử của Trần Hưng Đạo: Đệ nhất vương tử Trần Quốc Nghiễn, Đệ nhị vương tử Trần Quốc Hiến; Đệ tam Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng; Đệ tứ vương tử Trần Quốc Uất. Hai bên gian tiền tế thờ 18 tướng tài thời Trần: Đỗ Khắc Chung, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Khoái, Nguyễn Địa Lôi…

Gian Hậu cung phối thờ Trúc lâm Tam Tổ – Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa, thiền sư Huyền Quang. Ba pho tượng được tôn tạo uy nghi trên cao với bức đại tự Nam thiên nhất phái. Dưới ba vị Trúc lâm tam tổ, bên trái thờ Thượng tướng Trần Quang Khải, bên phải thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Đôi câu đối ca ngợi công đức của triều Trần, sáng mãi niềm tự hào dân tộc:

Kế tự truyền tôn, rực rỡ mấy ngàn thu

Trần tộc anh hùng vang lừng ba bẩy cõi

Cùng ở hàng cao nhất của gian hậu cung với ba vị Trúc lâm Tam Tổ, dân gian còn phối thờ An sinh vương Trần LiễuVương Mẫu – Cha và Mẹ Trần Hưng Đạo.

Giai thoại

Dân gian truyền lại rằng: Bến Đông Bộ Đầu xưa, bắt đầu từ quãng sông Hồng nay là dốc Hàng Than, kéo dài xuống ô Tây Luông (nay là khu vực Nhà hát lớn, Hà Nội). Ngày 21/1/1258, dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông trên bến sông này đã diễn ra trận đánh quyết liệt, đánh tan quân Nguyên, giải phóng Thăng Long. Đến thời Hậu Lê, vào năm 1785, dân vạn chài Biện Dương, Đông Trạch, Lãng Hồ, Trúc Võng, Cơ Xá đã dựng đền thờ Đức Thánh Trần. Ông Trần Văn Hai đang trông coi đền Sơn Hải cho tôi biết thêm: đền Sơn Hải xưa được xây trên đất bãi sông Hồng thuộc địa phận thôn Cơ Xá, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương. Nơi đây hoang vu, dân chủ yếu sống nghề chài lưới trên sông Hồng nên đến đầu thế kỷ XX, tư bản Pháp mới mở đường đất nối đầu phố Balnuy (nay là phố Trần Nguyên Hãn) qua bãi đất rộng ven sông ra bến tàu thuỷ của hãng Sauvage (Xô-va) và tàu chở khách của người Hoa, sau này, con đường đất có tên là phố Fellonneau (sau khi Hà Nội giải phóng đổi thành phố Hàm Tử Quan).

Theo lời các cụ cao niên kể lại, mùa đông năm 1946, địch thả bom pháo, lửa cháy rừng rực suốt đêm trên khu Phúc Xá, đền bị cháy, còn dân phải chạy vào trong đê, ở tạm trên các phố Hàng Muối, Hàng Mắm, Lò Sũ…..Sau đó, Pháp chiếm đóng thành phố nên dân vạn chài đã rước bài vị, xuống thuyền đinh để thờ. Ông Hai dẫn tôi đến nơi để bài vị, kiệu thu nhỏ, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo cũng thu nhỏ, chỉ cao khoảng 50 cm, tất cả để dưới lòng thuyền đinh. Đến năm 1984, đền được xây dựng lại trên thửa đất hiện nay, giáp sông Hồng, đồ tế tự và tượng Thánh mới được rước lên bờ. Câu chuyện kỳ lạ về tâm thức dân gian, về lòng ngưỡng mộ, tôn thờ Trần Hưng Đạo và các vị tướng nhà Trần hiển hiện theo từng di vật linh thiêng đã được lòng dân gìn giữ qua bao cơn binh lửa, loạn lạc, hưng phế… Đặc biệt, chính giữa hậu cung là bài vị vua Trần Nhân Tông đã được nhà đền giữ gìn và mang xuống thờ dưới thuyền đinh từ sau khi đền bị thiêu huỷ năm 1946.

Thờ phụng

Hàng năm, đền Sơn Hải có lệ lấy ngày giỗ Đức tổ nhà Trần, Đức Thánh Trần và các nam tử, lấy đó làm tiết: Ngày 17 tháng Giêng giỗ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa và đó cũng là lễ Thượng Nguyên của năm mới. Ngày 24/4, giỗ con cả Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Nghiễn, và đó cũng là lễ vào hạ. Ngày 20/8, giỗ Trần Hưng Đạo còn gọi là Giỗ Cha, như dân gian vẫn lưu truyền câu ca: Tháng Tám giỗ Cha/ Tháng Ba giỗ Mẹ cũng là lễ ra hạ. Ngày 17 tháng Chạp, giỗ Hưng chí vương Trần Quốc Uất, con út của Trần Hưng Đạo là dịp làm lễ Tất niên.

Nhớ ơn người anh hùng dân tộc, đúng dịp giỗ Đức Thánh Trần, ngày 20/8/2003, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đền Sơn Hải dâng hương. Năm 2010 vừa qua, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đền Sơn Hải dược công nhận là di tích lịch sử văn hoá của thành phố. Dịp 20/8 tới, quận Hoàn Kiếm sẽ làm lễ trọng thể, kỷ niệm 5 năm công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Bên sông Hồng ngàn năm sóng vỗ, thắp nén hương thơm lên dâng lên Đức Thánh Trần và các võ tướng tài danh, lẫm liệt ta như nghe vang vọng tiếng thơ hào sảng của vua tôi nhà Trần: Chương Dương cướp giáo giặc/ Cửa Hàm Tử bắt thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu.

Tham khảo

  1. http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/18646/djen-son-hai.html
  2. https://mytour.vn/location/1076-den-son-hai.html
  3. https://oancotam.com/den-son-hai/

3/5 (2 bình chọn)

Từ khóa » đền Sơn Hải