Đền Thờ Cao Sơn Đại Vương Trên Vùng Đất Tổ

Tọa lạc trên đồi Nghè, cổ kính và uy nghi giữa một vùng tre trúc xanh tốt, đền Thượng là Di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ Phú Thọ.

Đến nay, khi nói về niên đại của đền Thượng, không có tài liệu ghi chép về thời điểm dựng đền. Vì vậy, người dân quanh vùng Đan Thượng, Đan Hà (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chỉ nhớ thời điểm phục dựng ngôi đền, ước chừng đền Thượng có niên đại vài trăm năm.

Tên của đền Thượng được khắc bằng bốn chữ Nho ở chính giữa cửa đền là “Thượng Đẳng linh từ”. Dấu thời gian và rêu phủ đã làm mờ dòng chữ nhưng trong tâm thức của cư dân nơi đây, đền Thượng chính là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương. Theo truyền thuyết Hùng Vương, Cao Sơn và em ruột ông là Quý Minh, là nhân thần, danh tướng huyền thoại đời Hùng Vương thứ 18.

Kiến trúc độc đáo của Đền Thượng.

Đền Thượng được xây dựng với kiến trúc khá đặc biệt. Phía trước, bên tả, bên hữu đều không có tường, không có cửa, chỉ có một bức hồi ở phía chính giữa, trong cùng, phần tựa lưng vào núi đồi. Xưa kia, đền Thượng làm bằng gỗ trắc, dựng 5 gian dọc, lợp lá cọ.

Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1833) thì đền được lợp ngói, lát gạch, làm sân, cổng, khang trang (tư liệu ghi). Đền gồm hai mái lợp bằng ngói đỏ, được nâng bởi hai hàng cột gỗ sơn đỏ chạy song song từ cửa vào tận phía hậu cung, mỗi bên 12 cột, tổng 24 cột gỗ. Trên đỉnh cột, phần tiếp giáp với xà và mái đều có đầu rồng được chạm khắc tinh xảo.

Đền Thượng nhìn ra hướng chính Đông, phía trước là cánh đồng không gian thoáng đãng, rộng mở; phía tả là đồi núi nhấp nhô, trùng điệp, phía hữu là cánh đồng lúa và dòng sông Thao cuộn chảy. Đây là địa thế sơn thủy đắc địa được các bậc cao niên xưa lựa chọn để làm địa điểm dựng đền.

Địa điểm đền cũng khá đặc biệt bởi xưa kia là chính giữa giáp ranh giữa địa giới khu 7, xã Đan Hà và khu 2, xã Đan Thượng. Đặc điểm này là nguyên do để cả hai làng Đan Hà và Đan Thượng cùng tổ chức lễ hội hằng năm.

Không gian thờ tự của đền Thượng được bài trí phía trong cùng. Ban thờ phía trên có ba bát hương, chính giữa thờ ngài Cao Sơn, bát hương bên tả thờ thất vị, võ tướng, bát hương bên hữu thờ nhất vị. Ban thờ phía dưới có một bát hương công đồng.

Trong cung cấm có tượng ngài Cao Sơn Đại Vương được tạc bằng gỗ, phía trước có đôi rồng chầu, bên trên có hai chữ thếp vàng “Thiện Đức”. Phía hữu có ban thờ ngài bản cảnh Thành hoàng làng Đan Hà, có một pho tượng cổ bằng gỗ.

Trước đây ngài được thờ ở đình Trắng làng Đan Hà nhưng sau này đình bị xuống cấp nên nhân dân rước ngài về thờ ở đền Thượng. Ở hai bên tả, hữu bức tường có phù điêu ngũ hổ và ban thờ. Trong đền có hai quả chuông đồng và một trống cái để phục vụ cho các nghi lễ, tín ngưỡng tại đền.

Xưa kia đền Thượng được các triều vua ban nhiều đạo sắc như sắc phong vào thời Tự Đức năm thứ 6 (1853), Tự Đức năm thứ 33 (1880), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924). Nhưng do chiến tranh, hỏa hoạn nên đến nay không còn giữ được.

Lễ hội của đền Thượng được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm. Theo truyền thống từ xa xưa, cả hai xã Đan Hà và Đan Thượng cùng đồng lòng tổ chức lễ hội. Vào sáng mùng 7, trong tiết trời mùa xuân ấm áp, dân làng rước lễ từ UBND hai xã đến sân đền Thượng để tiến hành nghi lễ.

Xưa kia, các làng thường tổ chức mổ lợn đèn tuyền để dâng thánh, tổ chức cuộc thi mổ lợn nhanh, nếu làng nào mổ nhanh, đem đầu lợn nhúng nước sôi rồi mang lên đền trước để cúng lễ sẽ thắng cuộc.

Đến nay tục mổ lợn vào hội không còn nữa. Thay vào đó, chính quyền và dân làng hai xã dâng lễ gồm bốn lễ xôi gà. Trong đó ba lễ đặt cúng ở ban trên, một lễ cúng ban dưới cùng với hoa quả, bánh kẹo.

Khi lễ đã được sắp đầy đủ, thủ nhang đền đọc bài khấn sau đó đại diện Đảng ủy, chính quyền và nhân dân vào thắp hương tri ân công đức của ngài Cao Sơn Đại Vương, các vị thần và bản cảnh thành hoàng. Phần hội xưa kia được tổ chức với các trò chơi dân gian, hội vật nhưng nay không còn tổ chức nữa.

Ngoài ngày lễ chính, trong năm, đền Thượng còn có các lễ như lễ xuân thu nhị kỳ vào ngày mùng 10/2 và mùng 10/8 âm lịch hằng năm. Hai ngày lễ này cũng dâng cúng bốn lễ như ngày mùng 7 tháng giêng. Ngày lễ đóng cửa rừng vào 25 tháng chạp hằng năm dâng cúng hai lễ xôi gà, hoa quả. Vào ngày mùng 1 và ngày rằm của các tháng trong năm chỉ dâng cúng lễ chay gồm hoa, một cầu bánh khảo, một cầu bánh nướng, một cầu bánh dẻo.

Sau lớp rêu phong in đậm dấu ấn thời gian, lần theo những hàng chữ nho và nét kiến trúc phía mặt tiền của ngôi đền, chúng ta sẽ cảm nhận được nét tài hoa của nghệ thuật tạo tác đền chùa, những tư tưởng được cổ nhân gửi gắm vào dòng câu đối hai bên cửa đền cùng với bài thơ được dân gian truyền tụng. Trong đó, hai câu thơ: “Rồng bay phượng múa lừng Nam Bắc/ Hổ phục nghê chầu nức Tây Đông” được lấy làm hai câu đối, viết bằng chữ Nho ở hai bên cửa đền.

Đền Thượng là ngôi đền cổ kính, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Hạ Hòa, ngôi đền kết tinh những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo từ xa xưa.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hạ Hòa, Phú Thọ

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » đền Thờ Cao Sơn đại Vương