Đền Thờ Chử Đồng Tử (Hưng Yên): Linh Thiêng Một Tình Yêu Bất Tử!

Đền Đa Hòa nằm ngay bên sông Hồng, thuộc địa phận thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung công chúa.
Đền Đa Hòa nằm ngay bên sông Hồng, thuộc địa phận thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung công chúa.

Đền Đa Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích “Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia năm 1962. Đền Đa Hòa là nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa (con gái Hùng Vương thứ 18) và Tây Sa công chúa. Các vị đi vào tâm thức dân gian và trường tồn qua năm tháng, không chỉ là biểu tượng bất diệt của tình yêu mà còn tượng trưng cho chí hướng phát triển cộng đồng, khai phá vùng đầm lầy chiêm trũng, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, mở mang việc buôn bán thông thương… Chử Đồng Tử còn được nhân dân suy tôn là một trong bốn vị Thánh bất tử của thần linh Việt.

Nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân tại Đền Đa Hòa
Nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân tại Đền Đa Hòa

Truyền thuyết xưa nói rằng, sông Hồng chính là nơi Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung công chúa bắt đầu viết câu chuyện tình của mình. Chuyển kể rằng, thưở xưa tại làng Chử Xá (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) có ông Chử Cù Vân, vợ là Bùi Thị Gia hạ sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử. Người vợ chẳng may mất sớm, để lại cảnh gà trống nuôi con. Một ngày nọ, hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ gia sản, hai cha con chỉ còn độc chiếc khố vải. Vì thế, chỉ khi ai đi đâu mới dùng khố. Một ngày kia, người cha ốm nặng trước khi qua đời, dặn con cứ giữ lấy khố mà dùng nhưng chàng không nỡ để cha trần nên lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn.

Bấy giờ, có một nàng công chúa tên là Tiên Dung nhan sắc tuyệt trần, tuổi đã lớn mà không chịu lấy chồng. Một hôm nàng cùng đoàn tùy tùng du ngoạn trên sông nơi Chử Đồng Tử sinh sống, cồng chiêng nổi lên, đàn áo hòa nhịp. Đồng Tử trông thấy vội vùi mình xuống cát. Thấy cảnh đẹp Tiên Dung cho dừng thuyền, quây màn để tắm, vô tình nơi Tiên Dung tắm lại đúng vào chỗ Đồng Tử giấu mình. Gặp Chử Đồng Tử, biết được nguyên cớ, Tiên Dung quyết định kết duyên cùng chàng. Mối tình của họ từ đó được bắt đầu. Vì sợ vua cha, Tiên Dung ở lại sông cùng Đồng Tử, hai người bảo ban nhau làm ăn, buôn bán.

Có lần, trên đường ra biển Đồng Tử gặp một nhà sư tên là Phật Quang và được nhà sư truyền dạy phép thuật. Đồng Tử bèn ở lại theo học rồi được Phật Quang cho một cây gậy và chiếc nón có phép lạ. Khi trở về nhà, Đồng Tử và Tiên Dung cùng nhau ngao du khắp nơi chữa bệnh, giúp đỡ dân nghèo. Nhờ chiếc nón và cây gậy thần, họ dựng được một cung điện lộng lẫy, uy nghi với nhiều binh lính. Vua biết tin, cho rằng họ làm loạn, bèn sai quân đến đánh dẹp, quân lính đến nơi thì cả cung điện cùng Đồng Tử và Tiên Dung đã bay lên trời, chỉ còn lại bãi đất trống giữa đầm, người đời sau gọi ấy là đầm Nhất Dạ (đầm một đêm). Sau này, nơi họ gặp nhau nhân dân địa phương đã lập nên một ngôi đền Đa Hòa để hương khói thờ phụng muôn đời.

Căn cứ vào các tài liệu, di vật hiện còn lưu giữ tại di tích cho biết đền Đa Hòa được khởi dựng từ sớm, trên thế đất hình lòng thuyền. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, Quan Án sát tỉnh Hưng Yên là tiến sỹ Chu Mạnh Trinh người tổng Mễ đứng ra vận động nhân tài và vật lực tiến hành tu bổ, tôn tạo lại ngôi đền trên nền móng cũ.

Hiện tại, đền Đa Hòa có bình đồ kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc”, tổng cộng gồm 18 hạng mục công trình nằm trên trục thần đạo: Trấn giang lâu, ngọ môn, gác chuông, gác khánh, thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, thiêu hương, cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, phương đình, dinh Chu Mạnh Trinh, hậu cung (điện thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân)… Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ tứ thiết, mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt, đỉnh của tất cả các nóc nhà đều làm hình con thuyền như tượng trưng cho hình ảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung về bến sông nơi đây thưở nào.

Ngày nay, đền Đa Hòa hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý hiếm, có một không hai như: Lọ bách thọ gốm (gồm 100 chữ thọ không chữ nào giống chữ nào), 38 đạo sắc phong (Lê - Nguyễn), thần tích, 03 pho tượng (cuối thế kỷ XVII), chuông đồng (1894), khánh đá (1922)…

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức 3 năm một lần, diễn ra từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 (âm lịch). Đây là một trong 16 lễ hội lớn của cả nước, là bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ ngàn nghìn năm về trước đây.

Lễ hội Chử Đồng Tử
Lễ hội Chử Đồng Tử
Lễ rước nước trong Lễ hội Chử Đồng Tử
Lễ rước nước trong Lễ hội Chử Đồng Tử

Lễ hội được tổ chức theo quy mô hàng Tổng (3 năm một lần) với sự tham gia của 9 làng Tổng Mễ xưa, nay là 9 thôn thuộc 2 xã: Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang). Xuyên suốt các ngày trong lễ hội nhiều nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian được diễn ra thu hút đông đảo khách du lịch thập phương đến đây.

Lễ hội không chỉ đại diện cho câu chuyện huyền thoại về một tình yêu đẹp giữa chằng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ sau này. Lễ hội cũng thể hiện khát vọng của nhân dân cầu cho mưa thuận gió hòa đề cấy cày thuận lợi, xóm làng yên vui, ấm no hạnh phúc./.

Sơn Thủy

Từ khóa » đền Thờ Chử đồng Tử Tiên Dung ở đâu