đền Thờ Chử Đồng Tử

ĐỀN THỜ CHỬ ĐỒNG TỬ (trong Đường về, một thoáng mây bay)

Lê Thị Hàn

Tôi vẫn thường nghe nói nước ta có bốn vị tiên, người dân gọi là “Tứ bất tử”. Đó là Thánh Tản Viên, Phù Đổng Thiên Vương, Công Chúa Liễu và Chử Đồng Tử. Đền thờ của bốn vị tiên này được rất nhiều người đến lễ bái. Khi nghe nói đền thờ Chử Đồng Tử ở tỉnh Hải Hưng, không xa Hà nội lắm, chúng tôi nhất định làm một chuyến du hành.

Đền Chử Đồng Tử (*)

Buổi sáng Hà nội trời còn mù sương, chúng tôi ra xe lên đường đi xem làng Bát Tràng, nơi thổ sản đồ gốm. Sau đó đi đến làng Đa Hòa, nơi có đền thờ Chử Đồng Tử.

Quay sang nói với Hà-An : “Con biết không, thiên tình sử của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung được đưa vào quốc sử. Mình sẽ đến thăm di tích Đa Hòa, để mẹ kể con nghe chuyện tình ở bãi Tự Nhiên.”

“Công chúa Tiên Dung, con vua Hùng Duệ Vương, rất xinh đẹp, nhu mì. Các vương tôn, lạc tướng ai cũng muốn được kết hôn với nàng nhưng công chúa chỉ muốn được đi du ngoạn, xem cảnh đẹp núi sông. Một ngày đầu mùa hạ, công chúa xin vua cha cho dong thuyền trên sông Cái, xuôi ra cửa biển. Khi thuyền đến một bãi cát hoang vắng, trời nóng oi ả, cát mịn, nước lóng lánh sau khóm lau sậy, Tiên Dung bỗng muốn được dội mình trên dòng nước mát đó. Các tỳ nữ làm màn che cho nàng tắm. Tiên Dung cởi hết áo, múc nước dội lên người thỏa thích. Từ từ nước cuốn lớp cát bên khóm sậy trôi đi, để lộ ra thân hình một người thanh niên ở trần trùng trục … - Ô … Tiên Dung bàng hoàng không nói nên lời - Tôi là Chử Đồng Tử … Người thanh niên ấp úng Công chúa trấn tĩnh, dịu dàng hỏi : - Sao chàng lại ở nơi này ? Chàng trai chân thành kể chuyện đời mình. - Làng tôi ở bên bờ sông Cái. Mẹ mất sớm. Hai cha con sống một cuộc đời cực kỳ kham khổ. Cả hai chỉ có một tấm khố che thân. Khi cha đi ra ngoài thì cha mặc khố, tôi làm việc nhà. Khi tôi mặc khố ra ngoài thì cha làm việc nhà. Đến khi cha sắp qua đời, ông dặn : “Hết đời cha rồi, cha chỉ để lại cho con được một cái khố che thân. Con cố giữ lấy mà mặc …” Tôi vâng lời nhận khố cho cha yên lòng nhắm mắt, nhưng tôi không thể nào để cha ra đi với không một mảnh khố che thân. Tôi mặc tấm khố vào cho cha và đưa người về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ đó, để khỏi gặp dân làng, ngày ngày tôi phải đi ra sông từ sáng sớm đến tối mới trở về nhà. Hôm nay tôi đang kiếm cá thì thấy thuyền rồng dong buồm đi tới. Không biết trốn vào đâu, bèn ẩn mình trong đám lau sậy

Nói đến đây, Chử Đồng Tử như sẵn sàng chạy trốn. Công chúa nghe chuyện đời chàng, cảm động nói : - Ta và chàng tình cờ gặp nhau hôm nay, âu cũng là duyên Trời sắp đặt … Nàng gọi tỳ nữ mang áo quần cho Chử Đồng Tử mặc, hai người làm lễ kết hôn ngay trên thuyền, rồi quay về ra mắt vua cha. Hùng Duệ Vương nghe công chúa đã tự ý kết hôn với một người nghèo không có một mảnh khố che thân. Giận quá vua truyền lệnh không cho gặp mặt. Tiên Dung và Chử Đồng Tử đành trở về sông Cái, chặt tre cắt sậy, xây một căn nhà nhỏ sống qua ngày. Tiên Dung truyền nghề chăn tằm dệt lụa cho dân làng. Nhưng cuộc sống của dân nghèo gặp cảnh hạn hán lụt lội, đau ốm luôn luôn. Một hôm Chử Đồng Tử từ biệt vợ, một mình quyết ra cửa biển, đi tìm Thần Phật hỏi xem có phép mầu nào đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đang lênh đênh trên biển cả, một cơn sóng mạnh xô tới làm đắm thuyền. Khi tỉnh dậy, chàng thấy một vị tiên ông râu tóc bạc phơ giao cho một chiếc gậy trúc và một chiếc nón lá, dạy chàng một câu thần chú rồi biến mất. Chử Đồng Tử trở về làng, cùng Tiên Dung dắt nhau lên một mô đất cao, cắm gậy trúc, đội nón lá rồi dựa vào nhau, ngủ thiếp lúc nào không hay. Nửa đêm thức dậy, thấy mình nằm êm ấm trên giường, trong lâu đài có đủ đồ đạc không thiếu thứ gì. Từ đó hai người nhờ gậy trúc và nón lá đi khắp nơi cứu giúp dân làng, cải tử hoàn sinh cho rất nhiều người.

Tin đồn về với vua cha là Công Chúa và Chử Đồng Tử muốn lập nên bờ cõi riêng để chống lại vua. Vua bèn cử các lạc tướng đến để trị tội. Chử Đồng Tử và Tiên Dung bảo họ rằng : - Chúng tôi biết, làm con mà không nghe lời cha là bất hiếu, làm dân mà không nghe vua là bất trung. Chúng tôi không muốn gây ra cảnh dân tình chết chóc … - Nói xong, Chử Đồng Tử và Tiên Dung nhổ gậy thì lâu đài của cải biến mất. Quân lính trở về triều đình, báo là không thấy giang sơn nào cả. Ngày hôm sau Chử Đồng Tử cắm gậy xuống, lâu đài lại dựng lên. Vua Hùng Duệ Vương sai quân đi lại mấy lần vẫn không dẹp được. Lần sau cùng, quân lính tiến đánh lâu đài vào nửa đêm, lúc đó trời bỗng mưa to. Vợ chồng công chúa từ từ bay lên trời. Sáng sớm ngày hôm sau dân chúng đến nơi thì không còn thấy lâu đài ở đâu chỉ thấy một đầm nước mênh mông. Người ta gọi đó là đầm Nhất Dạ. Khi nghe tin con gái đã về trời, nhà vua buồn bã, muốn đến tận nơi xem xét tình hình. Khi đến đầm Nhất Dạ, vua còn đang ngẩn ngơ hối hận thì thấy trên trời có một con hạc trắng bay xuống ngậm một dải lụa hồng. Nhà vua với tay lấy dải lụa hồng, thì ra đó là bức thư của công chúa. Công chúa xin cha tha tội vì không còn trên đời để hầu hạ vua trong lúc tuổi già. Vua cảm động trước mối tình của Chử Đồng Tử-Tiên Dung nên cho lập đền thờ ngay trên bãi Tự Nhiên nơi hai người đã gặp nhau với duyên kỳ ngộ.”

Năm 31 tuổi, niên hiệu Thành Thái thứ tư (1892), Chu Mạnh Trinh đậu Tam giáp Tiến sĩ, được bổ về làm Tri phủ tỉnh Hà Nam. Sau đó ông được thăng chức Án sát các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Chu Mạnh Trinh vốn là người yêu thơ, đánh đàn hay, chơi cờ giỏi lại thích ngao du phong cảnh, thấy nhân gian ngưỡng mộ truyền thuyết Chử Đồng Tử, chính ông cũng muốn phát huy giá trị đạo đức nên đã đứng ra vận động nhân tài vật lực các nơi về khởi dựng Đền Đa Hòa.

Đền Đa Hòa nằm ngay trên sông Hồng cách Hà nội độ 20 km về phía Nam. Du khách có thể đến thăm bằng đường thủy hay đường bộ. Từ Bát Tràng đến đền thờ, xe băng qua những khu đất ruộng xanh rờn. Hai bên là những căn nhà nhỏ với những cây chuối cây hoa, giản dị êm đềm. Qua những đoạn đường đất gồ ghề, mẹ con mãi ngắm cảnh nên cũng không thấy khó nhọc mấy. Chiếc xe đổ ngay ở khu ngoài ngay trước nhà Bia. Đứng ở nhà Bia nhìn xuống sông Cái, trước mặt là bãi Tự Nhiên. Nhà Bia nằm uy nghi trên một khoảng đất rộng. Gặp ngày nước lên, khách du thuyền có thể thấy nhà Bia ngay từ dưới bến. Ngày chúng tôi đến thăm gặp mùa nước cạn nên con sông thấy gần mình hơn là cái cảnh bao la trong các truyện của Tự Lực Văn Đoàn. Chúng tôi nhìn xuống một vùng lau sậy. Nắng xuyên qua các cành tre, lá nhỏ, không biết có phải là tre lá ngà không, gió thổi hiu hiu tựa hồ như cảnh ngày xưa đang diễn biến trước mặt mình. Xa xa thấy như có đoàn rồng từ từ tiến đến. Sông nước này, cảnh trí này, chuyện tình nào cũng đẹp, cũng nên thơ. Trong thâm tâm dân mình, ai cũng khao khát một tình yêu tuyệt hảo. Một tấm lòng hiếu thảo tột bực của Chử Đồng Tử. Một đức hạnh kiên trinh của công chúa Tiên Dung. Càng nghĩ đến cuộc tình của Chử Đồng Tử và Tiên Dung càng thấy người xưa đã đi trước thời gian từ bao nhiêu thế kỷ. Người xưa đã khắc khoải, hoài vọng một đời sống công bằng. Tiên Dung, nàng công chúa sống trong nhung lụa vật chất không thiếu thốn gì, bằng lòng đi cưới một Chử Đồng Tử, chàng trai nghèo xác xơ, nghèo như không ai nghèo hơn được nữa. Họ vẫn sống hạnh phúc êm đềm. Họ vẫn có lòng chia giúp nhân gian. Chúng tôi vừa đi vừa thích thú, nghĩ về Nữu Ước lúc này chắc là đang gió tuyết liên miên, trong lúc mình được mặc áo ngắn tay đi thong dong. Con đường từ nhà Bia vào đền đầy bóng mát của hai hàng cây gạo. Người Hà nội nói là mùa hoa gạo ở đền Đa Hòa đẹp hơn đâu cả. Mỗi năm vào cuối tháng ba âm lịch, đúng kỳ hội, dãy hoa gạo cổ thụ này nở đầy hoa đỏ thắm, những chùm hoa lung linh như những chiếc lồng đèn nhỏ. Đi tiếp vào là Ngọ Môn, gồm có ba cửa. Cửa chính bằng gỗ lim, được sơn son thếp vàng, chỉ mở vào ngày đại lễ, hai cửa hai bên vẫn mở hàng ngày. Qua khỏi cửa bên, vào khu trong cũng giống như những đền thờ khác. Người ta bảo rằng cụ Chu Mạnh Trinh vốn tinh tế, giàu tưởng tượng nên đã cho xây đền gồm 18 nóc, các bờ nóc nằm đều đặn như các khoang thuyền. Từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy như một đoàn thuyền đang dập dìu trên bến sông Hồng. Mười tám nóc bởi Tiên Dung lúc đó 18 tuổi và vào đời vua Hùng Vương thứ 18. Hiện tại đền thờ đã bị tàn phá nhiều nên tôi nói với Hà-An, con phải nhắm mắt lại, dùng trí tưởng để thấy được như ý tiến sĩ họ Chu. Bên trong là sân đại, nhà đại tế, tòa Thiên Hương. Trên nóc tòa Thiên Hương có ba chữ sơn son thếp vàng “Giao Quang Các” (nơi ánh sáng hội tụ). Ở trong tòa Thiên Hương và nhà đại tế có rất nhiều câu đối của các thi nhân, của Chu Mạnh Trinh và của nhiều tác giả vô danh cảm ứng mối tình Tiên Dung Chử Đồng Tử. Chúng tôi đi vào bên trong, hỏi chuyện các người lớn tuổi về di tích. Khu vườn nhỏ, hoa trái xum xuê. Những cây chuối “kiểng”, có những buồng chuối cả trăm quả nhỏ li ti, chỉ để làm kiểu như kiểu bon-sai cổ thụ. Có những bụi hoa trang màu đỏ màu vàng rất đẹp. Nhìn phía bên kia bàn thờ tôi thấy những cây cờ, viết chữ Xe Pháo mã … cao bằng đầu người. Vừa buộc miệng hỏi là đã có ngay câu trả lời, đó là cờ người … - “Cờ người …” Tôi chưa nói hết câu, ông cụ đã trả lời : - “Hội đền có múa rồng, đấu vật, có đánh cờ người. Đến kỳ mở hội nhà nào có con gái đẹp được có mặt trong bàn cờ người là vinh hạnh lắm. Có khi chỉ được làm con tốt thôi cũng được, miễn là có chỗ đứng. Cô nào được làm Tướng thì thế nào cũng khao. Hội đền này khác với các hội khác là có rước kiệu qua sông đến bãi Tự Nhiên. Người ta nói, ngày cụ Chu còn sống, những ngày lễ hội như thế lúc nào người ta cũng thấy ông mặc áo lam đội mũ có lông chim trắng, ngồi trên khoang thuyền nhìn thiên hạ vui chơi.

Chúng tôi từ giã các cụ ra về, trong lòng vẫn còn muốn nghe chuyện quá khứ, nghe truyền thuyết. Cái gì đã qua cũng có thể đẹp hơn hiện tại, cái gì tưởng tượng cũng tràn đầy mộng mơ … Trên đường trở lại nhà Bia, chúng tôi gặp một dãy các bà bán hương đèn, kẹo cau, kẹo mè gói trong những bọc nylon nhỏ. Các bà già, da nhăn nheo, lưng đã còm, ngồi dưới nắng mưa, chờ mời du khách. Lúc đi vào đền chúng tôi bận rộn với những cây hoa gạo, những cây nhãn nên không để ý đến họ. Mỗi thứ kẹo bánh hương đèn trên thúng của các bà chỉ độ vài xu tiền Mỹ. Tôi không thấy cần mua gì nhưng “lỡ dại” đưa năm chục ngàn đồng VN (độ 3,5 đô-la) cho một bà xem ra già nhất trong đám và nhờ bà chia cho tất cả các bà khác. Chân chưa bước ra khỏi khu bán hàng đã nghe các bà nhao nhao cãi nhau. Tôi bối rối vì sự tưởng-là-công-bằng nhưng làm người ta khó xử của mình. Tiếng các bà la oang oảng bên tai, tôi nhớ lời người em dâu dặn :

- “Chị phải cẩn thận. Ở đây cho cũng không phải để cho đâu …” Hà-An nghe tiếng cãi vả sau lưng, không hiểu gì hết ghé vào tai tôi vừa hỏi nhỏ vừa có ý trách móc : - “Me làm gì vậy ? Me mua đồ của một bà mà không mua cho mấy bà kia hả ?” - “Không phải đâu con, chắc chuyện gì riêng của họ.”

Tôi nghĩ, nói là mình cho tiền để các bà chia nhau chắc là các bà không chia đồng đều nên cãi vả om sòm … thì Hà-An – sinh ra, lớn lên ở xứ này – sẽ không thể nào hiểu được. Tiếng các bà chỉ còn là dư âm. Trước mặt chúng tôi là hàng cây gạo xanh mướt. Tôi nhủ thầm, chuyến sau tôi sẽ về Hà nội vào mùa hoa gạo. Tôi sẽ lên lại đền Đa Hòa xem ngày hội lễ, tôi sẽ đi Sapa xem hoa gạo trong trời mù sương.

Hà nội Tháng Giêng 2000

(*) Hình của catcara83

Từ khóa » Chư ấp Công Chúa