Đền Thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ - Báo Quảng Bình điện Tử

(QBĐT) - Đào Duy Từ sinh năm 1572, người làng Hoa Trai, xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nay thuộc làng Giáp Nỗ, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Là người học rộng tài cao nên dẫu mới gặp lần đầu nhưng Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đánh giá “thật là Tử Phòng(là Trương Lương, mưu thần của Hán Cao tổ) và Khổng Minh (là Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thời Tam quốc) ngày nay”(1).

Đào Duy Từ sớm được Chúa Nguyễn trọng dụng, bổ làm Nha úy nội tán, tước Lộc khê hầu, chuyên trông coi quân cơ và tham mưu việc chính sự. Có đất dụng võ, nên dù chỉ trong 8 năm cuối đời (1628 - 1634), Đào Duy Từ đã có những đóng góp hết sức to lớn về mặt quân sự, xây dựng đội quân hùng hậu, rèn đúc vũ khí, góp phần giữ vững bờ cõi xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn. Trong đó nét nổi bật làm rạng danh tên tuổi và tài năng kiệt xuất của Lộc khê hầu chính là xây dựng hệ thống lũy Thầy làm công trình phòng thủ từ xa trên đất Quảng Bình để bảo vệ kinh đô Phú Xuân. Suốt hơn 144 năm kể từ khi hoàn thành lũy Trường Dục (1630), lũy Đầu Mâu (1631) đến năm 1774, hệ thống phòng thủ lũy Thầy đã giúp Chúa Nguyễn giữ vững xứ Đàng Trong. Đặc biệt hệ thống phòng thủ này ngăn chặn và đẩy lùi các trận đánh mang tính tổng lực diễn ra vào các năm 1633, 1643, 1648, 1661, 1662, 1672, đồng thời bẻ gãy tư tưởng hiếu thắng của quân Trịnh.

Chỉ đến tháng 10 năm Giáp Ngọ, năm thứ 9 (1774), do sự yếu hèn, thối nát của quan tướng, con cháu Chúa Nguyễn và sự phản bội của Hoàng Văn Bật, Lê Thập Thí, quân Trịnh đã phá vỡ phòng tuyến lũy Thầy, sau đó tiến vào chiếm kinh đô Phú Xuân. Ngày 13 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), Hoàng Ngũ Phúc yết bảng yên dân, chấm dứt vương triều họ Nguyễn ở xứ Đàng Trong hơn 200 năm và kết thúc cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Hệ thống lũy Thầy là công trình phòng thủ lợi hại giúp Chúa Nguyễn ngăn chặn hiệu quả các cuộc xâm lấn của quân Trịnh. Chính nhờ hệ thống này đã tạo nên bước ngoặt trong lịch sử và được sử sách ghi nhận là một trong những cuộc nội chiến kèo dài nhất trong lịch sử dân tộc. Qua đó giúp Chúa Nguyễn giữ vững phên dậu phía bắc để gây dựng cơ nghiệp, mở rộng cương vực về phía nam của đất nước Việt Nam ngày nay. Ngày 17 tháng 10, năm Giáp Tuất (1634), Đào Duy Từ bệnh nặng không qua khỏi, thọ 63 tuổi. Chúa Nguyễn thương tiếc khôn nguôi, tặng là Hiệp mưu đồng đức công thần đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh Lộc khê hầu, thụy Trung Lương, đưa về an táng và cho lập “Đền thờ Đào Duy Từ chính thống xứ Đàng Trong” tại thôn Cự Tài (Tùng Châu), xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Là bậc danh tướng, túc trí đa mưu, văn võ song toàn, Đào Duy Từ đã giúp Chúa Nguyễn đưa xã hội xứ Đàng Trong từng bước đi vào thế ổn định.

Đào Duy Từ cũng chính là người đã đề nghị Chúa Nguyễn cho tổ chức các kỳ thi để chọn người tài và thực thi nhiều chính sách có lợi cho quốc kế dân sinh. Sử cũ triều Nguyễn đánh giá ngắn gọn, kiệm lời nhưng vẫn làm nổi bật công lao to lớn của Đào Duy Từ “Có tài lược văn võ, phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm thì trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà công nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu công thần khai quốc”(2).

Đền thờ Đào Duy Từ ở làng Cự Tài, xã Hoài Phú, Hoài Nhơn, Bình Định.
Đền thờ Đào Duy Từ ở làng Cự Tài, xã Hoài Phú, Hoài Nhơn, Bình Định.

Là người quê gốc Thanh Hóa, khởi nghiệp ở Bình Định nhưng Quảng Bình mới là mảnh đất làm nên tên tuổi và sự nghiệp lẫy lừng của Hoằng quốc công Đào Duy Từ. Quảng Bình là chiến địa để Đào Duy Từ thể hiện tầm trí tuệ và thiên tài lỗi lạc về quân sự, gắn liền với những chiến công của Chúa Nguyễn trong những năm tháng diễn ra phân tranh Trịnh - Nguyễn.

Chính vì vậy, sau khi qua đời, ngoài đền thờ chính tại thôn Cự Tài (Tùng Châu), xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định chắc chắn Đào Duy Từ được quan quân, người dân Quảng Bình mến mộ, thành kính lập đền thờ. Một trong những đền thờ được sử sách chép lại chính là đền Hoằng quốc công ở phía trong Võ Thắng quan,ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Sách Đại Nam nhất thống chí chép đền Hoằng quốc công như sau: “Ở huyện Phong Lộc phía tả cửa Võ Thắng. Thờ Đào Duy Từ, vị khai quốc công thần của triều ta. Đền điện nghiêm trang, bốn phía cây núi xanh tốt, sau trải qua cơn biến loạn bị đổ nát. Sau này người ta nhớ công đức của ông, nhân nền cũ đắp dài bằng đất cao hơn hai thước, hàng năm xuân thu hai kỳ cúng tế. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), cây ở bốn phía đài đất ấy gặp bão đổ cả, sắp bị đốn làm củi, nhưng trong khoảnh khắc cây đều đứng lại như cũ, mọi người cho đó là Thần hiển linh”(3).

Trận bão này hoàn toàn phù hợp với tư liệu trong Đại Nam thực lục “Quảng Bình ngày ấy cũng có bão lụt. Tin báo đến, vua dụ cho dinh thần xét dân có ai chết bẹp, chết đuối thì cấp cho tiền tuất. Còn nhà cửa nơi hành cung đáng lợp sửa thì lấy của công mà làm, chớ để phiền phí cho dân” (4). Sách Viêm Giao trưng cổ ký chuyên ghi chép, sưu tập các di tích cổ nước Nam của Cao Xuân Dục viết năm Thành Thái thứ 12 (1900) cũng chỉ có mấy dòng rất ngắn ngủi về đền Hoằng quốc công “Đền ở cửa quan Vũ Thằng (Thắng) huyện Phong Lộc, thờ khai quốc công thần Đào Duy Từ”(5).

Còn trong Quảng Bình nước non và lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Tú cũng chỉ đề cập chung chung “Ông được người Quảng Bình mến mộ như người địa phương mình, có nơi lập đền thờ thờ phụng (vùng chung quanh lũy Thầy đi qua)” (6). Qua tra cứu trong Đại Nam thực lục, nhất là các sự kiện: Gia Long năm thứ 4 (1805) liệt Đào Duy Từ vào thượng đẳng khai quốc công thần, cho thờ phụ ở Thái miếu; năm thứ 9 (1810) cho thờ vào miếu Khai quốc công thần. Minh Mạng năm thứ 2 (1821) sự kiện cây cối quanh đền bị đổ gãy do bão; năm thứ 5 (1824), cho sửa đắp lại luỹ từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ, năm thứ 7 (1826) đổi tên Lý Chính Đại quan môn thành cổng Võ Thắng, năm thứ 8 (1827) xây đá cổng Võ Thắng, năm thứ 12 (1831) truy tặng Đào Duy Từ là khai quốc công thần, phong Hoằng quốc công, năm thứ 17 (1836) cho 6 phu coi mộ, cấp 100 quan tiền để sửa sang và hương khói phần mộ tại Cự Tài (Tùng Châu), xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đều không đề cập đến chi tiết đền thờ Hoằng quốc công ở phía trong Võ Thắng quan. Năm Tân Mão, Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua có chiếu dụ phong tặng cho tước vương, tước công, tước hầu cho các vị công thần có công trong cuộc khai quốc (chỉ thời kỳ từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, Quảng Nam) và trung hưng (chỉ thời kỳ từ khi Nguyễn Ánh đánh nhau với nhà Tây Sơn lập lại triều Nguyễn) được gia tặng chức tước, trong đó có Đào Duy Từ “Nguyên Hiệp mưu Đồng đúc công thần, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Nội tán Lộc khê hầu, tặng Vĩ quốc gia mưu, Phù vận tán trị tôn thần, thuỵ Trung Lương là Đào Duy Từ, nay tặng làm Khai quốc công thần, Đặc tiến Vinh lộc đại phu, Đông các Đại học sĩ, Thái sư, vẫn thuỵ là Trung Lương, phong Hoằng quốc công”(7). Sau khi mất 195 năm, Lộc khê hầu Đào Duy Từ mới được vua Minh Mạng phong tặng tước Hoằng quốc công. Như vậy trước thời điểm năm 1831, chắc chắn đền thờ này có tên gọi khác. Chỉ sau khi Lộc khê hầu Đào Duy Từ được vua Minh Mạng phong tặng tước vị này thì đền mới có tên gọi là Hoằng quốc công và lưu lại trong sử sách cho đến sau này. Quá trình điền dã, khảo sát thực tế, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bình (SN 1936, hiện ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) để tìm hiểu thêm về Võ Thắng quan cũng như thông tin về đền thờ Hoằng quốc công. Ông cho biết, lúc còn nhỏ ông thấy trên cổng Võ Thắng quan có 1 cái lầu có mái che, phía ngoài cùng là vọng gác.

Ở giữa có pho tượng hình một vị quan cao hơn 2m, không rõ làm bằng chất liệu gì nhưng được sơn son thếp vàng, đầu đội mũ có hia ở hai bên, dái tai to. Dưới chân tượng có 1 chữ Hán. Trước mặt pho tượng có một cái đỉnh đồng to, đường kính khoảng hơn 1m, hai bên có 2 cái tai như lư đồng truyền thống hiện nay.

Trên cổng Võ Thắng có hai khẩu súng thần công bằng đồng, lỗ súng khá to, người bình thường chui lọt. Trong giai đoạn cải cách ruộng đất (1956), cổng Võ Thắng bị đập phá phần vọng lâu. Bức tượng, đỉnh đồng và hai khẩu súng thần công cũng biến mất không rõ nguyên do. Đây là một chi tiết rất đáng lưu tâm. Theo phỏng đoán của chúng tôi rất có thể sau khi đền đổ nát, quan quân, dân làng Lệ Kỳ đã đưa tượng Đào Duy Từ và đỉnh đồng lên trên cổng Võ Thắng để thờ cúng. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, tao loạn của chiến tranh, sự tàn phá của thiên nhiên và ý thức con người mà đến nay lũy Đầu Mâu, Võ Thắng quan đã bị hư hỏng, xuống cấp nhiều. Riêng đền thờ Hoằng quốc công không còn lại vết tích. Công lao và sự nghiệp của Đào Duy Từ lẫy lừng như vậy nhưng đến nay trên đất Quảng Bình không có một đền thờ nào cả. Đây là điều rất đáng suy ngẫm. Trong khi sử cũ, nhất là sách Đại Nam nhất thống chí đã đề cập tương đối rõ về đền thờ này. Bởi vậy, việc minh định thời gian, phương vị, chủ thể, quy mô xây dựng đền thờ Hoằng quốc công ở phía trong Võ Thắng quan cần được nghiên cứu để sớm có kế hoạch phục dựng lại di tích này làm điểm tham quan trong hành trình thăm lại lũy Thầy. Đây cũng chính là đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của hậu thế để có nơi hương khói tưởng nhớ thiên tài quân sự và những đóng góp của Hoằng quốc công Đào Duy Từ trên vùng đất Quảng Bình trong tiến trình lịch sử nước nhà.

Hữu Danh

---------------------------------------------------------

Chú thích: (1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 37 https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-thuc-luc (2) Đại Nam thực lục (Tiền biên), sách đã dẫn, trang 41 (3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, Hà Nội, 2012, tập 1, trang 517 - 518. (4) Đại Nam thực lục (Chính biên), sách đã dẫn, tập 2, trang 151. (5) Cao Xuân Dục, Viêm Giao trưng cổ kí, NXB Thời đại, Hà Nội, 2010, trang 41. (6)Nguyễn Tú, Quảng Bình nước non và lịch sử, Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình xuất bản năm 1998, trang 187. (7) Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, tập 3, trang 297.

Từ khóa » đền Thờ đào Duy Từ