Đền Thờ Và Lăng Mộ Vua Lý Nam Đế

Vương triều Tiền Lý tồn tại trong thời gian khoảng 60 năm (544-602), với 4 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Lý Đào Lang Vương (549-555), Triệu Việt Vương (549-570) và Hậu Lý Nam Đế (571-602).

Cuối năm 541, Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) chính thức khởi binh chống nhà Lương. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) lớn mạnh. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Tinh Thiều, một người giỏi từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức "gác cổng thành", nên bỏ về Giao Châu theo Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) .

Ngoài ra trong lực lượng của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) còn có các võ tướng là Phạm Tu, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn. Theo sách Lương thư củaTrung Quốc, Tiêu Tư - Tướng nhà Lương khí đó, liệu thế không chống nổi quân Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) , phải sai người mang của cải đến đút lót để được tha chạy thoát về Quảng châu. Quân của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đánh chiếm lấy thành Long Biên.

Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) . Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao châu.

Cuối năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Giao châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp. Được tin quân Lương lại tiến sang, Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố đón đánh. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị quân Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đánh bại, 10 phần chết đến 6-7 phần. Chiến thắng này giúp Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) kiểm soát toàn bộ Giao châu, tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, cộng thêm quậnHợp Phố thuộc Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay. Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và đánh lên quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào Nam đánh giặc. Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy. Tháng giêng năm 544, Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.

Tháng 6 năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu,Trần Bá Tiên làm Tư mã, Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với Phiêu ở Giang Tây cùng đem quân xâm lấn nước Vạn Xuân.

Khi quân của Trần Bá Tiên đến Giao Châu; Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra đánh, bị thua ở Chu Diên và ở cửa sôngTô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận. Ông chạy về thành Gia Ninh (xã Gia Ninh nay thuộc xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tháng giêng năm 546, Trần Bá Tiên chiếm thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Sau một thời gian tập hợp và củng cố lực lượng, ông đem 2 vạn quân từ đất Lạo sang đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Quân Lương dừng lại ở cửa hồ không dám tiến đánh ngay. Đến đêm, mưa lũ, nước sông lên mạnh, tràn ngập vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng nước tiến vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ. Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão xã Văn Lương, huyện Tam Nông (ngày nay), giao binh quyền cho Triệu Quang Phục là con Thái phó Triệu Túc tiếp tục chống lại Trần Bá Tiên.

Ngày 20 tháng 3 (tức ngày 13-4 dương lịch), năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi. Thi hài của ông được an táng ngay trong động Khuất Lão. Trải qua hàng ngàn năm Lăng mộ của Vua Lý Nam Đế được nhân dân trong vùng chăm sóc thờ tự. Theo sách"Việt Nam văn minh sử cương"của Lê Văn Siêu dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, bị nhiễm lam chướng nên mù cả hai mắt, sau ốm chết. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ, khi cúng, thường phải xướng rõ tên các đồ lễ để Vua nghe thấy. Các nhà sử học khẳng định trong thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, kéo dài hơn 1.000 năm; cuộc khởi nghĩa Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) nói riêng và Vương triều Tiền Lý nói chung giữ một vị trí rất quan trọng, bởi cuộc khởi nghĩa Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đã thu được thắng lợi vang dội nhất và giành được quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất. Trong lịch sử nước nhà, Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng hiệu Đế và cũng là người đầu tiên đặt niên hiệu "Thiên Đức". Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội xưa...

Nhà nước Vạn Xuân, nhà nước đầu tiên mà người đứng đầu đã tự xưng Hoàng đế, đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự phát triển trong ý thức về độc lập chủ quyền dân tộc.

Chùa Hương Ấp, thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên (nơi Lý Nam Đế tu hành thời nhỏ).

Những tranh cãi về quê hương Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn)

Tuy cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa đã xưng Hoàng đế cách nay đã gần 1.500 năm, nhưng quê gốc của người anh hùng dân tộc này ở đâu lâu nay vẫn là vấn đề tranh cãi chưa thống nhất: Có người cho rằng quê hương Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) ở Thái Thuỵ tỉnh Thái Bình, có những ý kiến cho rằng quê ông ở vùng Giang Xá, Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Tây cũ nay là Hà Nội) và có những ý kiến cho rằng quê Lý Nam Đế ở Phổ Yên, Thái Nguyên.

Đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên

Để làm rõ vấn đề này, năm 2012 nhân kỷ niệm 1470 năm nổ ra cuộc khởi nghĩa Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) (542 - 2012) Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học "Một số vấn đề về vương triều Tiền Lý và quê hương của Lý Nam Đế".

Trên cơ sở tư liệu hiện có, kết hợp với những tư liệu điền dã thực địa trên các địa phương các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai... các nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận thống nhất về quê hương Lý Nam Đế là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây có chùa Hương Ấp, nơi chú tiểu Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) từng tu hành và Đền Mục thờ Lý Nam Đế làm Thành hoàng làng.

Đền thờ Lý Nam Đế mới được phục dựng tại xã Văn Lương (Tam Nông).

Vấn đề này đã được các cấp chính quyền của các địa phương Giang Xá, Hoài Đức (Hà Nội), Tam Nông (Phú Thọ), Thái Thuỵ (Thái Bình) và Tiên Phong, Phổ Yên (Thái Nguyên) đồng thuận và nguyện sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của cha ông, tiếp tục nối dài lịch sử hào hùng trên những vùng quê có di tích Lý Nam Đế.

Di tích thờ Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ tại nơi Ngài mất và Lăng mộ của nhà Vua.

Từ năm 2010 công tác tu bổ, tôn tạo đền thờ, lăng mộ, các di tích liên quan đến Vua Lý Nam Đế tại căn cứ động Khuất Lão xưa đã được triển khai vừa đảm bảo tính khoa học, vừa xứng tầm vị trí của bậc đế vương.

Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, xây dựng...

Công tác tu bổ di tích liên quan đến Vua Lý Nam Đế đã đáp ứng được các yêu cầu: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các lớp bổ sung xa lạ, gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích; giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy, khôi phục lại một cách chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của di tích; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cũng như thử thách của thời gian.

Công tác tôn tạo nhằm đạt được mục tiêu là xác định chính xác giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hoá, khoa học... tìm biện pháp bảo tồn nguyên trạng di tích để phát huy giá trị, phục vụ những nhu cầu do xã hội đặt ra.

Quá trình xây dựng và thực thi các dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích đã đạt những yêu cầu cơ bản như: Nội dung các dự án phù hợp với các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, phục vụ lợi ích cộng đồng và các nhu cầu do xã hội đề ra; xây dựng dự án theo đúng những định hướng cơ bản đã được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích.

Di tích Đền thờ Vua Lý Nam Đế và lăng mộ của Ngài được tu bổ, tôn tạo có giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt quan trọng bởi lòng tôn kính, tri ân công đức người có công giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phú Thọ được biết đến không chỉ bởi Đền Hùng linh thiêng - nơi thờ tự Tổ tiên của người Việt, mà còn là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam - nơi các vua Hùng đã chọn làm đất khởi nghiệp sơn hà; dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Một vùng đât sơn chầu thủy tụ; hùng vĩ tựa dáng cha, trữ tình như lòng mẹ đã trở thành bến hẹn cho những hành trình du lịch tâm linh, lịch sử, văn hoá và sinh thái đồng quê.

Việc khôi phục các di tích: Đền thờ, khu lăng mộ, các dịa điểm liên quan căn cứ địa động Khuất Lão, gò Cổ Bồng…sẽ tạo thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh miền đất Tổ.

Nguồn: Cổng thông tin Phổ Yên. Thái Nguyên

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » đền Lý Nam đế