Đền Trấn Vũ - Quán Thánh - VOV Giao Thông

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đền Quán Thánh

“Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Bài ca dao mang màu sắc một bài thơ cổ điển, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc khi nói về cảnh sáng sớm mùa thu trên Hồ Tây, nơi kinh thành Thăng Long “ngàn năm văn vật”. Đền Quan Thánh Hà Nội hay chính là ngôi đền được nhắc đến trong câu thơ trên với cái tên Trấn Vũ, ngày nay đã trở thành một trong những điểm tham quan tâm linh thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày.

Đền Quan Thánh tên chữ là Trấn Vũ Quán hay còn có tên gọi khác là Đền Trấn Vũ, là một trong Thăng Long Tứ Trấn của kinh thành Thăng Long. Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một vị thần trấn giữ hướng Bắc của Thăng Long xưa. Hiện nay, đền Quán Thánh nằm gần ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền nằm ở phía nam Hồ Tây, gần cửa Bắc Hà Nội.

Để hiểu rõ hơn về lịch sử ngôi đền, nhà báo Ngọc Tiến, báo Hà Nội mới có đôi lời chia sẻ:

"Đền thứ 2 rất quan trọng trong đình đền chùa Việt Nam đó là đền Trấn Vũ. Đền Trấn Vũ trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép, cũng từ thời Lý Thái Tổ, khi Lý Thái Tổ rời Hoa Lư ra Thăng Long thì ông phong cho thần Trấn Vũ là Huyền Thiên Trấn Vũ Chân quán, chuyên để coi giữ mặt phía bắc của Thành. Đến năm 1102, lúc này là vua Lý Thánh Tông trị vì mới cho xây miếu thờ Trấn Vũ ở bên ngoài thành.

Tuy nhiên, trong sách Đại Việt Sử ký toàn thư thì không chép rõ ở đâu mà chỉ chép là Lý Thánh Tông xây đền Trấn Vũ trên hồ Thân Cáo, tức là Hồ Tây hiện nay nhưng không chỉ rõ vị trí là vị trí nào, vì thế cho nên, cái đền cũ chỉ được xác định là nằm ở trên hồ Tây và cũng ko xác định được vị trí.

Cho đến đời vua Lê Thánh Tông, tức là vào khoảng năm 1474, thì vua Lê Thánh Tông sau khi mở rộng xây thành Thăng Long, mở rộng thành và xây thêm nhiều nữa thì mới xây đền thờ thần Trấn Vũ này ở ngoài thành, tức là vị trí đầu phố Quan Thánh như hiện nay. Tuy nhiên, cũng trong Đại Việt Sử ký toàn thư cũng không chép rõ là xây như thế nào, nhưng cho đến đời vua Lê Hy Tông, tức là 1677, ông vua này cho xây dựng lại 1 lần nữa Trấn Vũ quán.

Vào giai đoạn này, đây là thời kỳ của vua Lê chúa Trịnh nên quyền quyết định là ở các chúa, và chúa Trịnh Tảo cũng đã sai con là chúa Trịnh Căn, đứng ra lo liệu việc xây lại Trấn Vũ quán. Vì thế cho nên Trấn Vũ được xây dựng lại rất to lớn, khang trang và được mở rộng hơn về cả 4 phía.

Giá trị nó rất lớn là về kiến trúc và về thuật đúc tượng vì dù hiện nay trên đình đền chùa khắp Việt Nam có rất nhiều tượng nhưng tượng có giá trị thẩm mỹ cao và chất lượng như tượng đồng ở Trấn Vũ quán là không nhiều. Quan trọng nhất, đây lại là trung tâm của đạo giáo vì Việt Nam xưa nay vẫn coi là nơi hỗn dung của tôn giáo, tức là chấp nhận nhiều tôn giáo được phối thờ cùng nhau 1 cách rất hài hòa và trong sự hỗn dung này cũng nói lên sự vi tha, nhân ái, và tôn trọng tất cả tôn giáo cùng trên mảnh đất Việt Nam này thì đó cũng là tính cách rất riêng của người Việt Nam.

Đến năm 1883,lúc này kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải mới cho xây dựng lại đền Quan Thánh bằng cách cho xây thêm 4 cột ở ngoài . 2 con voi đặt ở trong sân mãi đến năm 1991 mới có.

Cho đến sau này, quanh đền Quán Thánh có rất nhiều giai thoại như cho đến bây giờ, nhiều ng vẫn tỉn ằng cái tượng đúc trong đền Quán Thánhlà tượng đồng đen. Năm 1966 xảy ra vụ trộm cắp tượng đồng trong đền này, lợi dụng Mỹ ném bom Hà Nội có 2 người đem cưa vào cưa bàn tay tượng trong đền Trấn Vũ nhưng 2 kẻ gian này đã bị sư trụ trì trong đền báo công an và 2 kẻ gian này bị bắt, chuyện này đã được đăng trên báo.

Tuy các nhà khoa học đã khẳng định tượng này không phải là đồng đen nhưng người dân vẫn tin. Điều đó cho thấy niềm tin của dân gian rất kỳ lạ, vì họ tin là phải là đồng đen thì mới đủ sức mạnh để ngăn chặn ma quỷ và kẻ thù từ phương bắc. Thì niềm tin đó cũng rất dễ thương"

Đền Quán Thánh (Ảnh: Lao động)

Một cổ vật có thể trường tồn với thời gian cũng một phần bởi những ý nghĩa lịch sử và những giá trị nghệ thuật độc đáo.

Tương truyền, thánh Trấn Vũ là người có công trị loài hồ ly tinh chuyên quấy nhiễu dân lành vùng xung quanh thành Thăng Long: trừ rùa thành tinh đời Hùng Vương 14; trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông. Năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị II năm 1677, đời vua Lê Hy Tông, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được chúa trịnh và triều đình cho đúc lại bằng đồng đen.

Pho tượng cho đến ngày hôm nay vẫn là một công trình nghệ thuật quý giá thể hiện trình độ đúc đồng tinh xảo của nghệ nhân đúc đồng năm xưa của nước ta ở thế kỷ 17.

"Nếu nói là đền Trấn Vũ thì tôi sẽ nghĩ ngay đến đền Trấn Vũ ở phố Ngọc Trì Long Biên .Cái đền mà thờ thần Trấn Vũ bên Hồ Tây ý, tên nó là đền Quán Thánh. Cả 2 đền này thì đều thờ 1 vị thần là thần Trấn Vũ và đều có tượng đồng đen rất to trong đền thờ. Người ta đến lễ bái thì hay chạm vào tượng đồng đen lấy may."

"Vị thần ở đây rất là thiêng, cho nên là cứ đợt đầu năm hay là rằm mồng 1 thì đền rất đông gửi xe kín vỉa hè đường Thanh Niên. Đến đây thì người ta cầu đủ thứ, rồi còn có những người chen nhau xếp hàng để sờ bằng đc chân tượng đồng đen, nhiều người người ta quan niệm đầu năm sờ chân tượng là may mắn bình an. Và cứ đến khoảng 3/3 âm là ở đây người ta có hội to lắm."

Song hành cùng lịch sử, ngôi đền Quán Thánh đã in dấu bao năm tháng thời gian, để toát lên một vẻ đẹp cổ kính, rất xưa, rất Hà Nội. Ngôi đền không chỉ là công trình mang tính nghệ thuật lịch sử, đền Quan Thánh còn nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Hà Nội xưa. Trấn Vũ Quán gọi là quán vì là nơi thờ tự của Đạo giáo

Đền Quán Thánh hướng Bắc và cũng giống như nhiều đạo quán trước kia được làm theo kiểu kiến trúc cổ. Được xây theo kiểu chữ Đinh ngoài chữ Quốc có cổng tam quan lộng lẫy đề “ Huyền Tẫn Chi Môn” mà theo Đạo nghĩa là cửa của hư vô. Trước cổng đền có bốn cột trụ được xây theo lối cũ, đối diện là hồ Tây rộng lớn.

Cổng tam qan được xây trên những tấm đá lớn, phía trên có hai gác chuông. Gác chuông bên trái hiện vẫn treo một quả chuông được đúc từ thời vua Lê Hy Tông, cùng thời với pho tượng Huyền Thiên. Qua cổng là một sân rộng được trang trí bằng một chiếc ang lớn, bên trong để hòn non bộ và nuôi cá vàng. Trước gian đại bái có tấm hoành phi lớn đề 3 chữ “Trấn Vũ Quán”.

Bên trong các cột xà, cửa võng đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ khắc họa những hình ảnh, biểu tượng của sự sống trường thọ, đắc đạo lên cõi tiên như hoa thủy tiên, tùng, bách, rùa, hạc, sư tử, kỳ lân, long, phượng, bức phù điêu miêu tả cảnh tam giới với thiên-địa-thủy… vốn là đặc trưng mỹ thuật Đạo giáo. Đền đã qua nhiều lần sửa chữa, kiểu kiến trúc hiện nay mang đậm nét văn hóa của thời Nguyễn.

Kinh thành Thăng Long xưa – Thủ đô Hà Nội nay vốn được mệnh danh là mảnh đất hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trải qua 1.000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn khu đất Đại La bên cửa sông Tô Lịch làm nơi định đô cho muôn đời, nơi đây, còn lưu giữ những giá trị truyền thống, những di sản quý báu của dân tộc mà Đền Quán Thánh chính là một trong số đó.

Hàng tháng vào dịp rằm lễ mùng một hay dịp đầu năm, dịp lễ hội... nhân dân trong vùng và du khách thập phương lại nô nức kéo nhau đến để đi lễ Đền Quán Thánh, để dâng nén hương, dâng phẩm vật cầu xin cho mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no hạnh phúc.

"Tôi không phải người mê tín hay theo đạo nhưng tôi cũng nghĩ đền quán thánh là ngôi đền rất thiêng, bởi không phải tự nhiên mà các vua chúa ngày xưa coi nó là 1 trong Thăng long tứ trấn tức là 1 trong 4 ngôi đền nằm ở 4 hướng kinh thành trấn giữ cho Thăng Long.

"Quanh khu vực Hồ Tây rất nhiều đền chùa linh thiêng mà nhà tôi đầu năm là hay đi liền một lúc mấy chùa. Đây là đền Quán Thánh này, trên kia có đền Voi Phục, xuống dưới ngay đây là chùa Trấn Quốc rồi phủ Tây Hồ. Cái hay của đền Quán Thánh này không  phải ai cũng biết xưa là trung tâm đạo giáo giờ là trung tâm phật giáo mà 2 tôn giáo này người ta vẫn thờ song song ở đây."

"Cũng từ cái chùa Trấn Vũ này thì vào thời gian chuyện thi cử hưng thịnh thì rất nhiều sinh đồ đến đây để cầu mộng và xin thơ giáng để đi thi vì thế người ta đã tập hợp tất cả các thơ giáng và trong tập gọi là tập Trấn Vũ thần mộng ký.

Và cũng có truyền thuyết nữa nói về chuyện này là chính tại đền Trấn Vũ này, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã được báo mộng để đi vào Lam Sơn hợp sức với Lê Lợi chống lại quân Minh nhưng thực tế ko phải như vậy vì lực lượng khởi nghĩa chống quân Minh từ đầu thế kỷ 15, cho đến đời vua Lê Thánh Tông cũng là cách đó khoảng mấy chục năm rồi thì lúc đó mới xây dựng lại cái đền Trấn Vũ này ở phía ngoài thành, vì thế cho nên truyền thuyết Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn được báo mộng ở đền này cũng chỉ là truyền thuyết nhưng nó cũng là minh chứng cho thấy rằng, Trấn Vũ là nơi rất thiêng."

 

Từ khóa » Hình ảnh đền Trấn Vũ