Đền Văn Thánh - Di Tích Lịch Sử (Lưu Niệm Sự Kiện) Cấp Tỉnh

Địa điểm: Xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế

Thanh Thủy Chánh là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa thuần Việt: Hệ thống đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ họ… gắn liền với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian.

Là những thiết chế văn hóa lâu đời hiện hữu và tồn tại bên cạnh đình, chùa, miếu, đền Văn Thánh cùng với Hội Tư văn (làng Thanh Thủy Chánh) xuất hiện khoảng thế kỷ XVIII, là một yếu tố độc đáo của văn hóa làng xã. Đền Văn Thánh được xây dựng để thờ Đức Khổng Tử, với mục đích đề cao đạo đức, lễ giáo phong kiến theo tư tưởng của Nho gia, tôn vinh việc học, tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Nhưng cùng với thời gian, đền Văn Thánh trở thành biểu tượng cho việc giáo dục nếp sống văn hóa, lễ nghi, tôn ti trật tự, đạo đức lành mạnh cho dân làng; góp phần hình thành, phát triển truyền thống hiếu học, coi trọng giáo dục, xem việc học như là phương tiện để hình thành nhân cách tốt đẹp cho con em trong làng; hình thành tình yêu thương gia đình, dòng tộc, yêu quê hương, Tổ quốc.

Cùng với việc tôn vinh những bậc hiền tài đỗ đạt, cống hiến công sức cho nước nhà, đền Văn Thánh còn là một trong những di tích quý ghi lại những sự kiện, dấu ấn lịch sử, nhiều chiến công của người dân nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Với vị trí tự nhiên thuận lợi, kín đáo, ít người qua lại, khó tiếp cận, có nhiều lối thoát hiểm, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đền Văn Thánh trở thành một địa điểm lý tưởng để hoạt động bí mật của cách mạng. Nơi đây, là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Đông Sơn (xã Hồng Thủy), nơi sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng địa phương, đồng thời là điểm cất giấu vũ khí phục vụ cho kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với hệ thống hầm bí mật được bố trí ở những vị trí bất ngờ, ngụy trang một cách khéo léo, đền Văn Thánh trở thành cơ sở nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện xuống nằm vùng, bám trụ trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng để giữ vững địa bàn mang tính chiến lược là xã Thủy Thanh, nơi trung chuyển, cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến, là vùng đệm nối liền các xã vùng ven biển của huyện Phú Vang và vùng giải phóng.

Đền Văn Thánh còn là địa điểm ẩn nấp của cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở địa phương, là địa bàn đứng chân, tập kết của nhiều lực lượng vũ trang cách mạng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Xuân 1975).

Chiến tranh đã lùi xa, đền Văn Thánh lại trở về với không gian tĩnh mịch, trang nghiêm vốn có của một chốn thờ tự thiêng liêng, nhưng giờ đây trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân ở vùng đất này, đền Văn Thánh còn là một địa danh gắn liền với một thời kỳ đấu tranh vô cùng gian khổ với những hy sinh, mất mát, nhưng cũng rất vinh quang với nhiều chiến công rất đỗi tự hào vì độc lập, tự do của dân tộc; với tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của người dân làng Thanh Thủy Chánh nói riêng và người dân xã Thủy Thanh nói chung trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và cách mạng đó, đền Văn Thánh hoàn toàn xứng đáng là một di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp Tỉnh cần được gìn giữ, phát triển cho muôn đời sau, để nơi đây không chỉ dừng lại là “tài sản” riêng có của dân làng, mà còn là “tài sản chung”, địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, đồng thời là điểm dừng chân để nhân dân trong tỉnh đến tham quan, ngưỡng vọng về một vùng đất văn hóa, cách mạng; là địa điểm thích hợp để tổ chức lễ vinh quy bái tổ, các hoạt động khuyến học và trao học bổng cho con em trong làng, qua đó giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho thế hệ mai sau.

Đền Văn Thánh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh tại Quyết định số 1709/QĐ-UBND ngày 02/8/2017)./.

Từ khóa » đền Niệm