Đẹp Là Gì? :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
Có thể bạn quan tâm
Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”.
Mỹ cảm thường cho là riêng của từng người. Cùng một cảnh trí, cùng một bức vẽ, cùng một bài văn, cùng một điệu hát, có lẽ người này cho là đẹp mà người kia cho là xấu người kia khen là hay mà người này chê là dở, tùy sự sở thích, tùy cái thói quen của môi người. Song, nếu như vậy thì quan niệm về sự Đẹp không có chuẩn đích nhất định hay sao? Đã hay rằng lòng sở thích mỗi người một khác, không thể ép cho giống nhau được, nhưng có sao có khi cùng một bài văn, cùng một bức họa, ai ai cũng đều khen là hay, ai ai cũng đều nhận là đẹp? Như văn chương nôm ta có Truyện Kiều, dù là danh sĩ giai nhân cho đến nông phu dã phụ, cũng đồng thanh công nhận là hay cả, mỗi người cho hay ra một vẻ, nhưng ai cũng chịu là hay. Cớ sao lòng sở thích của người ta vốn bất nhất như thế, cái mỹ cảm của bác thợ cày với cái mỹ cảm của thầy nho sĩ không sao giống nhau được, mà có khi hòa hợp đến cùng khuynh hướng về một đường như vậy? Thế thì mỹ cảm tuy là một cảm tình riêng mà cũng có căn cứ chung; quan niệm về sự đẹp không phải là không có chuẩn đích. Bởi sao vậy? Bởi cái đẹp đã lên đến trình độ cao thì tự có sức mạnh vô cùng, cảm người sâu xa, đủ điều hòa được mọi sự phản trái. Các đế vương đời xưa dùng âm nhạc mà trị dân, thực đã hiểu rõ sức mạnh của mỹ cảm. Nhà triết học ngày nay cũng có người xướng lên lấy mỹ thuật làm giáo dục, cho xã hội được hưởng hạnh phúc hòa bình.
Xét như thế thì sự Đẹp không phải là không có phép tắc không phải là chỉ thuộc về cảm giác riêng của từng người, mà thực có quan hệ với nhân quần xã hội.
Phát biểu những phép tắc ấy, nghiên cứu sự quan hệ ấy, đó là mục đích của một khoa học tiếng gọi là “thẩm mĩ học”. Phàm hiện tượng trong thế giới, đều có thể học được cả; không những các hiện tượng mắt ta trông thấy, tai ta nghe thấy, giác quan ta cảm được, đến những hiện tượng vô hình vô ảnh ở chốn u âm trong tâm giới, cũng có thể nghiên cứu được. Như thế thì sự Đẹp là phong phú của cuộc đời, màu mè của cảnh vật phản chiếu vào trong lòng người, sự đẹp tăng thêm giá trị cho đời người, họ lại không thể học được sao ?
Vậy thẩm mĩ học là môn học riêng nghiên cứu về sự đẹp về hình thức, tính chất của sự đẹp.
Hoặc giả nói: Người không có tài thì chẳng mĩ học nào dạy cho có tài được. Đã không có tài thì dù theo phép tắc theo qui củ của mĩ học, cũng không bao giờ làm nên công trình mĩ thuật được. Làm ra đẹp, cảm sự đẹp là một cao hứng tự nhiên, không thể đặt thành khoa học mà dạy.
Xin đáp rằng: mục đích của mĩ học quả không phải là muốn dạy cho người ta có tài. Chỉ là nhân cảm cái gì đẹp, muốn giải xem sở dĩ làm sao thà nó đẹp; muốn nghiên cứu cái lý do của mọi sự cảm giác về mĩ thuật. Sự nghiên cứu ấy không sợ làm giảm mất thú của cái đẹp đi. Không những không làm giảm mất, mà lại có phần tăng thêm lên. Vì mĩ cảm không phải là mập mờ phảng phất mới là mạnh; mĩ cảm cũng như mọi mối cảm giác khác, càng biện giải được phân minh, càng thâm trầm rõ rệt hơn. Cái đẹp chân chính thì phong thú nó vô hạn, càng đến gần, càng biết kỹ, lại càng cảm sâu. Nghiên cứu mĩ học không phải là không bổ ích về thực tế; mĩ học có thể luyện cho người ta có tài thẩm mĩ, có lòng ái mĩ, mà gây nên tính tình phong nhã. Đứng trước một vật đẹp, quan sát cho kỹ, tự hỏi bởi đâu mà nó đẹp, bấy giờ mới biết giá trị của vật ấy và biết yêu mến quí trọng thêm lên.
Chương trình của khoa mĩ học có thể chia ra làm ba phần như sau nảy :
Một là bắt đầu tự tâm lý mà cứu xét xem lúc người ta đứng trước cảnh đẹp, hoặc là cảnh thiên nhiên hoặc là công nhân tạo, trong lòng cảm ra thế nào;
Hai là nhân đó tìm xem bởi những tính cách gì mà cái đẹp cảm ta như thế; tức là giải tính chất của sự đẹp.
Ba là xét riêng về nhân công cấu tạo ra sự đẹp, tức là nghiên cứu về mĩ thuật cùng các mĩ nghệ.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.
Các tác phẩm chính:
- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)- Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007) - Một tháng ở Nam Kỳ- Mười ngày ở Huế- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)- Hoa Đường tùy bút
>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh
Nay cái đẹp nó cảm ta ra thế nào? Ai cũng biết trong tâm giới chia ra ba phần, gọi là ba “năng lực” của tinh thần: một là “ý”, hai là “trí”, ba là “tình”. Vậy xét lần lượt từng phần, cho biết cái đẹp cảm mỗi phần thế nào.
Trước nhất xét về ý. Về phần ý thì cái cảm của sự đẹp rút lại có một đặc tính như sau này: là đối với vật đẹp, ý ta xui ta muốn bắt chước, muốn hình dung lấy, truyền thần lấy. Phần nhiều người thời ý bắt chước ấy chẳng qua cũng là một cái mạn hứng nhất thời mà thôi. Nhưng vào những người có tài, có thể thành một khuynh hưởng rất mạnh, đủ khiến nảy ra tư cách sáng tạo mỹ thuật.
Nói đến trí, thì chắc có một phần to trong sự cảm giác cái đẹp. Đối với cái đẹp lòng ta sinh ra một cảm tình gọi là mỹ cảm, sự đó đã cố nhiên rồi; nhưng ta vừa cảm mà ta lại vừa phán đoán nữa. Có người tưởng lầm rằng sự đẹp cảm động thẳng ngay đến tâm tình người ta, làm cho như say như mê đi, phần trí không có can thiệp gì đến. Thực không phải thế. Mĩ cảm chân chính bao giờ cũng phải thỏa hiệp với lý trí mới gọi được là hoàn toàn. Nếu không thế, nếu chỉ cảm động đến phần tình thôi, thì là một sự du khoái thường, chưa phải là mĩ cảm, vì mĩ cảm dù mãnh liệt đến đâu cũng vẫn có vẻ bình tĩnh trang nghiêm, hợp với lẽ phải.
Nên khi xét đoán về mỹ thuật, đã đoán định cái này là đẹp cái kia là xấu, thì cho sự phán đoán ấy là, nhất định, là hợp lẽ, có bằng chứng hẳn hoi. Như ngắm một phong cảnh đẹp thời cái đẹp ấy nó cảm mình tưởng cũng rõ ràng, đích xác không còn nghi ngờ gì nữa. Đến như ý kiến người ta về mỹ thuật, nếu có phán đoán theo lẽ phải, thời cũng không phải là vô bằng cả.
Sau hết nói đến tình. Trong ba phần ý, trí, tình, thì phải chịu rằng sự đẹp quan hệ với phần này nhiều hơn cả. Nên người ta thường nói đẹp thuộc về tình không phải là nói sai. Cảm giác về sự đẹp là một khuynh hướng đặc biệt, trong khuynh hướng ấy không có chút tự kỷ nào. Ta thấy cái đẹp ở đâu thì tự nghiêng lòng về đấy, không phải là vụ cầu lấy ích lợi gì cho mình. Yêu chuộng cái dẹp, chỉ là vì đẹp mà thôi, không phải vì lẽ gì nữa. Đã đẹp thì không hề hỏi có thể dùng được việc gì. Trong cái đẹp tức đã gồm một sự ích lợi cao thượng, là khiến được cho người ta thỏa lòng mãn ý, hưởng một sự du khoái thanh cao. Vì người ta cảm sự đẹp, dường như thấy phẩm cách mình cao hơn lên, giá trị mình tăng hơn lên.
Thực thế. Mĩ cảm là một cảm tình cao thượng khác hẳn nhưng sự khoái lạc duy kỷ; mĩ cảm vốn có tính dễ ba cập ra ngoài: một người được hưởng cái đẹp, muốn chia cho một người cùng hưởng; càng lan rộng ra bao nhiêu, hình như cái thú lại càng tăng lên bấy nhiêu.
Đã có sức ba cập ra ngoài, lại bình tĩnh trang nghiêm dù mãnh liệt, vẫn uy nghiêm.
Nói thế tất có người bẻ rằng: Cảnh đẹp thiên nhiên, không gì đẹp bằng cảnh bể lớn đương buổi ba đào. Đứng ngắm cảnh ấy, cảm giác trong lòng có thể bình tĩnh đang nghiêm được không? Xin đáp rằng: Nếu là một cảm giác đẹp một mĩ cảm, tất phải bình tĩnh trang nghiêm, không thì không gọi là mĩ cảm được.
Duyên là gì? Cũng khó mà giải được cho rõ. Duyên có lẽ là cái vô hình màu nhiệm, “điểm nhãn” cho cái đẹp, mà không có thì đẹp thành ra trẽn ra “trơ”. Duyên là ở dáng điệu uyển chuyển mềm mại, ở sự vận động, sự sinh hoạt điều hòa. Nếu là một vật bất động, như bức tượng, thì duyên là ở cái hình thể nhẹ nhàng, tưởng như có khí sinh hoạt thực. Về âm nbạc thì duyên cũng ở sự vận động, nhưng sự vận động đây dường như ở ngay trong người mình, nghe tiếng đàn lưu loát mà tâm hồn tự nhiên khoan khoái. Lại như trông bông hoa đẹp, thì duyên là cái vẻ mỹ miều tươi tắn, như chúm chím muốn chào ta vậy.
Muốn hiểu rõ duyên là gì, thì nghĩ ngay thế nào là “vô duyên”. “Vô duyên” là cứng cỏi, lạt lẽo, trơ trẽn, hững hờ. Có cái đẹp “vô duyên” là cái đẹp bông hoa giấy, cùng mầu cũng sắc mà không vị không hương.
Nhưng vì sao cái gì có màu mè, có ý vị thì gọi là có duyên, đều khiến cho người ta khả ái? Vì nó có vẻ sinh hoạt, không phải là vật vô hồn. Vẻ sinh hoạt ấy lộ ra hình dáng uyển chuyển mềm mại, bóng bảy nhẹ nhàng. Những tính cách bề ngoài ấy lại là tiêu biểu cho mấy đức tính ở trong. Người đằm thắm dịu dàng là người có bụng tốt, có tình yêu có lòng tin với mọi người, đối với ai cũng dễ khiến sinh ra thiện cảm. Người như thế là người có duyên, mà có duyên thì hình như có cái hương thơm riêng, đi đến đâu cũng được lòng yêu của chúng. Đó là cái vẻ đẹp cái thú nhã của người ta. Có đẹp mà không có duyên với có duyên mà không có đẹp, người đời ưa duyên hơn đẹp. Đẹp mà nghiêm khắc quá, chưa phải là thật đẹp. Suy rộng ra các tác phẩm mỹ thuật, không phải cứ ngang bằng sổ ngay, không sai qui củ là đẹp, đâu phải có vẻ tự nhiên linh hoạt như cái duyên trong người ta mới thật là đẹp.
Bây giờ thử đem cái đẹp ra phân tích, xem có những duyên chất gì. Đã nói đẹp với duyên quan hệ với nhau thế nào. Duyên tuy là cái vẻ tốt tươi của sự đẹp, không có thì đẹp không được hoàn toàn, nhưng cũng mới là một nguyên tố trong nhiều nguyên tố khác họp lại thành ra đẹp. Các nguyên tố ấy có thể chia ra làm hai hạng: một là những nguyên tố thuộc về cảm tình, hai là nhữngnguyên tố thuộc về lý trí.
Cứ theo các nhà mỹ học phân giải, thì thuộc về cảm tình có ba phần tử như sau: lực lượng, sinh hoạt và nhã thú.
Lực lượng là cái vẻ mạnh mẽ, tuy mỗi vật mỗi khác, nhưng đại để ở nguyên khi sung túc, hình thể quảng hoạt, không yếu ớt, không eo hẹp, không thắt buộc, không cọc cằn. Như cây đa cây đề phải cao lớn rườm rà, cây lan cây huệ phải tốt tươi rậm rạp, giống nào sức sinh trưởng được bao nhiêu đến được bấy nhiêu, thế là đẹp. Như người nước: ta thích chơi những cảnh cây uốn, cảnh non bộ, thu rút hình thể thiên nhiên cho bé nhỏ lại, là vì cái tính riêng hiếu kỳ, không phải vì những cảnh ấy có đẹp gì.
Sinh hoạt là cái vẻ linh lợi, như con vật thì vận động lanh lẹ, tiếng đàn thì lưu loát dễ nghe, bông hoa thì mơn mởn tốt tươi, bức họa thì hiển nhiên như thực. Bông hoa giả dù làm khéo đến đâu, hệt đến đâu, dụng công đến đâu, cũng không đẹp bằng hoa thật, là vì không có vẻ linh hoạt.
Còn nhã thú, thì tức là “cái duyên” đã giải trên kia, cốt ở mềm mại êm đềm, mỹ miều khả ái, có lực lượng, có sinh hoạt chưa đủ khiến cho ưa thích, phải có nhã thú mới gợi được cảm tình.
Thuộc về lý trí, cũng có thể phân biệt được ba phần: nhất trí, chuyển biến và thích nghi.
Sự nhất trí là một sự yếu cần của lý trí. Tư tưởng tức là nối tiếp ý nọ với ý kia, nghĩa là xếp đặt cho nhất trí. Phàm sự gì loạn tạp, phiền phức, hõn độn thì trí thức không thể quan niệm được. Nên đã gọi là đẹp phải có nhất trí, phải có một nơi trung tâm yếu điểm bao quát hết thảy, khiến cho manh mối rõ ràng, trật tự chỉnh đốn, nhiên hậu trí thức mới thừa nhận cho là đẹp.
Nhưng nhất trí không phải là nhất luật, như cung đàn độc điệu, nghe phải chán tai, bức họa nhất sắc, nhìn phải mỏi mắt. Nhất trí là gồm nhiều phần khác nhau mà thống thuộc vào một nơi yếu điểm chung. Như cung đàn phải có nhiều tiếng nhiều điệu gián tiếp nhau, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng khoan, tiếng nhặt, miễn là có dịp dàng tiết tấu theo một cái khuôn khổ chung. Nên trong sự nhất trí phải có “chuyển biến” nữa. Như vẽ một bức tranh cảnh, phải thế nào cho hồn nhiên là một bức cảnh, nhưng trong cái hồn nhiên ấy phải có nhiều vẻ khác nhau khéo điều hòa làm một: non xanh nước biếc, cây có rườm rà, chỗ lạt chỗ đậm, chỗ sáng chỗ tối, đây chú tiều, đó cái quán, nọ dịp cầu, kia chiếc thuyền; tuy bấy nhiêu thứ ngổn ngang mà xếp lại thành một bức sơn thuỷ. Cũng có khi bức tranh vẽ thuần một vẻ, nghe toàn trời, hoặc toàn bộ mới trông tưởng là không có biến chuyển chút nào mà nhìn kỹ màu sắc phong phú là dường nào! Tả là một mảnh trời bể mên mông, trọi không có gì khác, chỉ có mây với nước, mà mắt la nhìn, tinh t àn ta như di theo. mộng du trong khoảng không vô ạn. ấy cũng là bởi khéo chuyen biến mà mắt nhìn không chán.
Thích nghi thì khác. Thích nghi là ở cách xếp đặt thế nào cho hợp với cảnh ngoài. Như cây đa cây đề phải mọc chỗ đất cao có hình thế mới xứng đáng. Nếu vẽ vào đất thấp, không có bề thế thì tất không thích nghi. Bài văn cũng vậy, chỗ nào lời nên bình dị phải bình dị, chỗ nào lời nên hùng hồn, phải hùng hồn, đương nghiêm trang mà trào phúng, đương trào phúng mà nghiêm trang thì khó nghe lắm, thế là không thích nghi.
Ấy trong sự đẹp có bấy nhiêu phần tử phân tích ra như vậy. Phải gồm được cả, đủ thỏa thích cả cảm tình cùng lý trí mới là thật đẹp.
Khi nào bấy nhiêu phần tử điều hòa bằng nhau, đều đặn không bên nào hơn bên nào kém, thế là chân mĩ. Khi nào hoặc kém hoặc hơn không cân nhau thì hoặc gọi là diễm lệ, hoặc gọi là hùng tráng.
Vậy thử xét ba thứ đẹp ấy khác nhau thế nào.
Từ khóa » Thế Nào Là đẹp
-
Đẹp – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thế Nào Là đẹp? - Sống Đẹp
-
Định Nghĩa Vẻ đẹp Trong Thế Kỷ 21 - Báo Thanh Niên
-
Thế Nào Là đẹp? - DKN News
-
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẸP? - AEONMall Bình Tân
-
ĐẸP LÀ GÌ? - Vài Lời Bàn Về Mĩ Học
-
ĐẸP LÀ GÌ ?
-
[Chia Sẻ] Răng Cửa Như Thế Nào Là đẹp? - NHA KHOA ĐÔNG NAM
-
Thế Nào Là Một Người Phụ Nữ đẹp? - Báo Công Lý
-
Thế Nào Là đẹp Chuẩn: Mắt, Mũi, Miệng, Da, Dáng?
-
Thế Nào Là Mắt đẹp? Tiêu Chuẩn Vẻ đẹp Của Phụ Nữ Trên Thế Giới
-
Cằm Như Thế Nào Là đẹp?
-
NTO - Thế Nào Là Người Phụ Nữ Xinh đẹp? - Báo Ninh Thuận
-
17 Đôi Mắt Đẹp Nhất Của Đàn ông, Phụ Nữ Việt Nam, Thế Giới