Thông tin chung: Công trình: Đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh và Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trung Hà Nội Địa điểm: Đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh; Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam Thiết kế kiến trúc: Quy mô: Thời gian hình thành: Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt: Đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Hà Nội (Di tích lịch sử, năm 2013); Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2019). Theo truyền thuyết kể lại, Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái quan Lạc tướng (dòng dõi Hùng Vương) huyện Mê Linh, Hà Nội. Mười chín tuổi, Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên. Một năm sau, Thái thú Tô Định nhà Đông Hán (tồn tại năm 23- 220, kinh đô tại Lạc Dương) giết Thi Sách nhằm trấn áp người Việt. Căm thù giặc cướp nước, hận kẻ giết chồng, mùa Xuân năm 40, Trưng Trắc cùng em dựng cờ khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, Hai Bà cùng tướng sĩ và người dân chiếm được 65 thành, đuổi Tô Định ra khỏi bờ cõi. Sau đó, Hai Bà xưng vương với tên gọi là Trưng Nữ vương (tại vị năm 40 – 43 sau Công nguyên), lập quốc gia tên là Lĩnh Nam, đóng đô tại Mê Linh. Đại Việt Sử ký Toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử Việt Nam. Vương triều Lĩnh Nam của Trưng Nữ Vương có lãnh thổ liên quan đến các quận mà người Hán phân định trước đó: Giao Chỉ (Bắc Bộ Việt Tam và một phần phía Tây tỉnh Quảng Tây Trung Quốc); Cửu Chân (Ninh Bình đến Hà Tĩnh hiện nay); Nhật Nam (Quảng Bình đến Bình Định, Phú Yên) và một số quận như Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải miền Nam Trung Quốc. Từ đây kết thúc Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ nhất, kéo dài từ năm 208/179 TCN, khi nước Nam Việt của Triệu Đà diệt nước Âu Lạc của An Dương Vương, đến năm 40, khi nước Lĩnh Nam của Trưng Nữ vương được thành lập. Vương triều Lĩnh Nam là vương triều non trẻ, thế và lực còn yếu. Theo sử sách ghi lại, sự kiện duy nhất liên quan tới kinh tế thời Hai Bà Trưng là Trưng Nữ vương miễn thuế hai năm cho dân chúng. Quản trị quốc gia theo kiểu “đức trị” gắn với tập tục, tập quán mỗi vùng. Các đơn vị quân đội thuộc quyền quản lý của thủ lĩnh từng vùng, chưa được tổ chức một cách chuyên nghiệp trên bình diện quốc gia. Năm 43, nhà Hán tấn công Lĩnh Nam, Hai Bà Trưng không chống cự lại được với đội quân chuyên nghiệp của vương triều tập quyền nhà Hán, bị thua và tử trận. Từ đây, nước Việt lại bị nhà Hán đô hộ, bắt đầu Giai đoạn Bắc thuộc lần 2, từ năm 43, khi nước Lĩnh Nam của Trưng Nữ Vương bị diệt. Trong giai đoạn này, nhà Hán bãi bỏ chế độ cai quản cấp huyện cho các Lạc hầu, Lạc tướng, đặt quan lại cai trị trực tiếp đến cấp huyện. Giai đoạn Bắc thuộc lần 2 kết thúc vào năm 544, khi nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế (vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý, trị vì năm 544 – 548) được thành lập. Hai Bà Trưng là người đầu tiên có công xây dựng nền độc lập, đặt nền móng cho truyền thống đánh giặc, ý thức tự lập, tự cường của dân tộc Việt. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng góp phần định hình truyền thống anh hùng của giới nữ và của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập sau này. Đây là sự khác biệt, sự nổi trội của văn hóa Việt Nam so với Trung Quốc và cả phương Tây. Bản đồ Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng (năm 40-43) Hai Bà Trưng (tranh Đông Hồ) Sử gia Lê Văn Hưu (1230 – 1322, đời nhà Trần) viết trong Đại Việt sử ký toàn thư (bộ Quốc sử đầu tiên của Việt Nam): “ Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”. Vua Tự Đức (hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn, trị vì năm 1847- 1883) viết trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm !”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh viết trong Lịch sử nước ta (năm 1942): “…Quân Tàu nhiều kẻ tham lam. Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi? Hai Bà Trưng có đại tài, Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian, Ra tay khôi phục giang san, Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta…”. Tháng 11/2017, ông Donald Trump (14/6/1946, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45), trong một lần đến Việt Nam đã phát biểu:”…trong khoảng năm thứ 40 sau Công nguyên, hai chị em người Việt Nam là Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình”. Hai Bà Trưng được coi là Anh hùng dân tộc của Việt Nam và được thờ cúng tại nhiều nơi. Trên cả nước Việt Nam hiện có hơn 100 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh, tập trung ở các tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, trong đó riêng huyện Mê Linh, Hà Nội có 25 di tích ở 13 xã. Theo truyền thuyết, Trưng Nữ Vương có đến hơn 70 tướng lĩnh, trong đó có nhiều thủ lĩnh các địa phương. Nhiều vị được người dân tôn thờ thành Thành hoàng làng ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc, trong số này có nhiều nữ tướng. Đền Hai Bà Trưng ở đường Hoàng Hoa Thám, Quận Bình Thạnh, TPHCM. Đền Nghè thờ Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà tại quận Lê Chân, Hải Phòng Hai trong số đền thờ Hai Bà được nhiều người biết đến, cũng là Di tích quốc gia đặc biệt: Đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh và Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trung Hà Nội. Đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Hà Nội Đền thờ Hai Bà Trưng (còn có tên là đền Hạ Lôi) nằm ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, quê hương Hai Bà và kinh đô xưa của Trưng Nữ Vương. Chưa rõ ngôi đền đầu tiên được lập vào năm nào. Đời vua Lý Anh Tông (vị hoàng đế thứ 6 nhà Lý, trị vì năm 1138 – 1175), trời làm hạn hán, Hai Bà báo mộng, nhà vua làm lễ cầu đảo, linh nghiệm được mưa cho dây cày cấy. Vua cho phục dựng đền thờ Hai Bà tại cố hương. Đền được tu sửa lại vào thế kỷ 17. Năm 1881, 1934 và gần đây nhất vào năm 2002 – 2010, đền được tu bổ, tôn tạo cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực đền. Quần thể đền theo hướng Tây Nam, tọa lạc trên một khu đất cao thoáng đãng, nhìn ra đê sông Hồng, có diện tích khoảng 13ha, gồm: Khu vực Nội đền có diện tích khoảng 3,20 ha, bố trí: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội; Đền thờ Hai Bà Trưng; Đền thờ thân phụ mẫu Hai Bà; Đền thờ thân phụ mẫu ông Thi Sách; Đền thờ các Tướng của Hai Bà; Nhà Tả mạc, Hữu mạc; lầu Chiêng, lầu Trống; hồ Bán nguyệt, hồ Mắt Voi; Suối cạn; Hòm thư bí mật của đồng chí Trường Chinh…; Khu vực Ngoại đền có diện tích khoảng 6,6ha, bố trí: Công trình phụ trợ như cổng ngoài, đền Trình và không gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội… Khu vực khác có diện tích khoảng 3,2ha, bố trí: vành đai xanh và hồ tiếp giáp với khu dân cư thôn Hạ Lôi; khu vực tôn tạo Thành Ống, đất giao thông… Phối cảnh tổng thể Quần thể đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Tổng mặt bằng Quần thể đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Sơ đồ các hạng mục công trình chính trong Quần thể đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Tam quan ngoại Trước Tam quan ngoại là một sân rộng và một hồ hình bán nguyệt. Tam quan ngoại gồm 4 trụ biểu. Đỉnh trụ chính trang trí tứ phượng; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí tứ linh. Đỉnh trụ nhỏ trang trí con nghê chầu. Hai bên cổng chính là cổng phụ có 2 tầng mái, 8 mái. Tam quan ngoại đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Tam quan nội Tam quan nội là một tòa nhà 3 gian, 8 mái. Hai bên là hai cổng phụ có hình thức tương tụ như hai cổng phụ tại Tam quan ngoại. Trong sân giữa Tam quan ngoại và Tam quan nội có đặt một tảng đá khắc lời thề của Hai Bà Trưng khi làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Sân trước Tam quan nội, đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Tam quan nội, đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Đền thờ Hai Bà Trưng Đền gồm: Tiền đường và Hậu đường (kiểu “tiền nhất, hậu đinh”), Tả mạc và Hữu mạc và công trình phụ trợ. Tòa Tiền đường (Tiền tế) gồm 7 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, 2 mái. Phía trước sân tòa Tiền đường là một hồ nước hình bán nguyệt. Hai bên tòa Tiền đường có hai cổng phụ với voi đá trong tư thế quỳ. Tòa Tiền đường thờ 6 nữ tướng thân cận của Hai Bà, mỗi bên đặt 3 vị. Tòa Hậu đường hình chữ “đinh” hay chữ T, gồm Bái đường (Trung tế) và Hậu cung. Tòa Bái đường 7 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, 2 mái. Tòa Hậu cung 3 gian, 1 dĩ. Trong Hậu cung có tượng thờ Hai Bà mặc áo dát vàng. Tòa Tiền tế, đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Ban thờ các nữ tướng của Hai Bà tại tòa Tiền tế, đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Tòa Hậu đường, đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Tượng thờ Hai Bà tại Hậu đường, đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội Các đền thờ khác Đền thờ thân phụ mẫu và sư phụ mẫu Hai Bà Trưng nằm bên phải đền thờ Hai Bà, có mặt bằng dạng chữ “đinh” hay chữ T, gồm Bái đường và Hậu cung. Bái đường gồm 5 gian, 2 dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, Hậu cung 3 gian, 1 dĩ. Đền thờ thân phụ mẫu ông Thi Sách nằm tại phía bên trái đền thờ Hai Bà, có mặt bằng chữ “đinh” hay chữ T, gồm Bái đường và Hậu cung. Bái đường gồm 5 gian, 2 dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, Hậu cung 3 gian, 1 dĩ. Chính giữa Hậu cung có tượng thờ phụ mẫu ông Thi Sách, gian bên trái hậu cung thờ ông Thi Sách. Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng nằm bên phải đền thờ Hai Bà, quay hướng Đông Nam, có mặt bằng dạng chữ “nhất”, gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, 2 mái. Đền thờ các Nam tướng thời Hai Bà Trưng nằm bên trái đền thờ Hai Bà, quay hướng Tây Bắc, có mặt bằng dạng chữ “nhất”, gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, 2 mái. Điện thờ thân phụ mẫu và sư phụ mẫu Hai Bà Trưng, Quần thể đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Điện thờ phụ mẫu ông Thi Sách, Quần thể đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Ban thờ ông Thi Sách bên trái Điện thờ thân phụ mẫu của ông, Quần thể đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Đền thờ Nữ tướng của Hai Bà, Quần thể đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Thành cổ Mê Linh Di tích Thành cổ Mê Linh nằm phía sau Quần thể đền Hai Bà Trưng, được hình thành cách đây khoảng 2000 năm. Tương truyền, xưa kia trong thành có hoàng cung của Trưng Vương, ngoài thành có các trại quân bộ, quân thủy. Thành cổ Mê Linh gồm 2 lớp: trong là thành, ngoài là quách. Di tích thành uốn lượn dài 1.750m, đắp bằng đất luyện, dày khoảng 2m, cao khoảng 4m. Bao bên ngoài bờ thành là quách dày 4m, cao khoảng 4m. Khoảng cách giữa thành và quách khoảng 4m, như một cái ống, vì vậy dân gian gọi là Thành Ống. Vòng ngoài cùng là hào cắm chông tre. Thành cổ Mê Linh đã được khai quật khảo cổ và thu được nhiều hiện vật có giá trị. Vết tích thành hào thuộc Thành cổ Mê Linh phía sau đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Ngoài ra trong Quần thể đền còn có các hạng mục Tả mạc, Hữu mạc hai bên, mỗi tòa 7 gian. Tại tòa Hữu mạc, phía trước bài trí voi, ngựa, sư tủ, bên trong trưng bày một số di vật tại thành cổ Mê Linh. Bên cạnh Tả mạc, Hữu Mạc là lầu Trống, lầu Chiêng. Nhà Tả mạc và lầu Chiêng, Quần thể đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Nhà Hữu mạc và lầu Trống, Quần thể đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội Những năm 1943 - 1944, đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng làm nơi hội họp bí mật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945. Tại đây còn lưu lại di tích liên quan đến hòm thư bí mật của đồng chí Trường Chinh. Trong Quần thể đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh có nhiều bức đại tự, câu đối cổ ca ngợi công đức Hai Bà và các nữ tướng. Trong đền, cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối và những đồ thờ tự chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày 6- 10 tháng Giêng hàng năm. Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh nằm phía sau, bên trái Hậu cung đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội. Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Quần đền, chùa, đình nằm tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bên phải đền Hai Bà Trưng hay đền Đồng Nhân là đình thờ thành hoàng làng Đồng Nhân. Bên trái đền là ngôi chùa thờ Phật, tên chữ là Viên Minh Tự. Sơ đồ vị trí đền, chùa, đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà, Hà Nội Đền Hai Bà Trưng – đền Đồng Nhân Theo truyền thuyết vào đời vua vua Lý Anh Tông (vị hoàng đế thứ 6 nhà Lý, trị vì năm 1138- 1175) có pho tượng đá nổi trên dòng Nhị Hà, tỏa sáng cả một đoạn sông, thuyền bè không dám đến gần. Vua Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Theo ý của các bô lão, người ta lấy vải đỏ buộc vào tượng, làm lễ rồi rước vào. Đó là một pho thượng cao lớn, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay chỉ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Tương truyền, pho tượng đá ấy là do khí thiêng của Hai Bà Trưng hóa thành sau khi tự vẫn trên sông Hát. Vua cho dựng đền thờ Hai Bà Trưng ở ngay khu đất bãi sông của làng Đồng Nhân. Đến năm 1819, do đất bị xói lở, dân làng phải dời ngôi đền tới trường Giảng Võ cũ của thời Lê ở thôn Hương Viên, nhưng vẫn giữ tên đền cũ. Đền Hai Bà Trưng được coi là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở Kinh đô Thăng Long, Hà Nội. Đền được cải tạo, chỉnh trang thời gian gần đây nhất vào năm 2015. Đền Đồng Nhân hiện tại nằm trong khuôn viên diện tích 4000m2, có tường bao ngoài. Đền xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm: Tam quan; Điện thờ, Tả mạc, Hữu mạc và các công trình phụ trợ. Tam quan của đền nằm đối diện với hồ bán nguyệt. Tam quan gồm 4 trụ biểu gắn với tường bảo vệ. Hai trụ biểu tại giữa cao, lớn; đỉnh trụ trang trí tứ phượng; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí tứ linh. Hai trụ biểu hai bên thấp, nhỏ; đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Giữa hai trụ biểu chính và phụ có cổng phụ, trang trí 2 tầng mái, 8 mái. Sau Tam quan là sân đền. Trong sân, bên trái có bia đá mang tên Trưng Vương sự tích bi ký, đặt trên lưng rùa, được dựng vào năm 1840. Bia khắc chữ một mặt, khổ 105 x 153cm. Toàn văn gồm 13 dòng, 400 chữ Hán, nội dung ca ngợi uy danh lẫy lừng khắp Lĩnh Nam của Hai Bà, khiến nhà Hán lo sợ nhiều năm. Bên trái sân có một Phương đình kiểu mái 2 tầng, 8 mái có đôi rồng chầu, phía sau là bàn đá và cột cờ. Điện thờ có hình chữ “công” hay chữ H, gồm tòa Tiền tế, Thiêu Hương và Hậu cung. Tòa Tiền tế 7 gian, 2 mái, bên trong có bày tượng 2 con voi thờ bằng gỗ sơn đen châu đầu vào gian giữa, ngà của voi là ngà thật. Giáp tường hồi đặt bia đá. Tòa Thiêu Hương 3 gian, 4 mái, bên trong đặt ngai thờ và một bức khảm thể hiện hình Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Tòa Hậu cung 3 gian, 2 chái, 4 mái, bên trong đặt tượng vua chị Trưng Trắc, vua em Trưng Nhị cùng 6 nữ tướng hầu cận bên cạnh, mỗi bên 3 vị. Hai bên Thượng điện có hai dãy Tả mạc, Hữu mạc. Tại đây có cửa ngách thông sang chùa Viên Minh. Hiện trong đền vẫn còn giữ được khá nhiều các đồ tế khí sơn son thếp vàng, các bức hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với nội dung ca ngợi công đức Hai Bà Trưng. Ngoài ra trong đền còn có các công trình phụ trợ, như Trai đường 5 gian nằm phía sau Hậu cung. Tam quan đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội; nhìn từ trong ra Sân và bia đá đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội Phương đình, đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội Tòa Tiền tế, đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội Tượng voi đặt trong tòa Tiền tế, đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội Tượng thờ Hai Bà Trưng trong Hậu cung, đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội Tượng các nữ tướng của Hai Bà Trưng đặt hai bên Hậu cung, đền Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà Nội Hành lang Tả mạc, Hữu mạc hai bên đền Hai Bà Trưng, quận Hai Bà, Hà Nội Chùa Viên Minh Chùa Viên Minh nằm bên trái đền Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa được xây dựng cùng với đền thờ Hai Bà Trưng vào năm 1819. Chùa đã được trùng tu vào các năm 1890, 1912, 1930, 1940, 1950, 1982. Năm 2015 - 2018, chùa được tu bổ, tôn tạo lại. Chùa gồm các hạng mục công trình chính: Tam Bảo, nhà Mẫu, gác Chuông và các công trình phụ trợ khác. Tòa Tam Bảo và nhà Mẫu đều có kiểu chữ “đinh” hay chữ T, gồm Tòa Tiến tế và Hậu điện. Giữa hai tòa Tam Bảo và nhà Mẫu là một sân trong, bên trong đặt gác Chuông. Các tượng thờ, pháp khí và các đồ thờ tự hầu hết mang phong cách thời Nguyễn. Tại ngôi chùa còn bảo lưu giữ được nhiều di vật là tiêu bản không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ. Mặt trước chùa Viên Minh, quận Hai Bà, Hà Nội; đang tu sửa (2015) Đình Đồng Nhân Đình làng Đồng Nhân nằm bên phải đền Hai Bà Trưng, Hà Nội, được xây dựng cùng thời với đền Đồng Nhân. Tòa Tiền đường gồm 3 gian, 2 chái, 2 mái, xây theo kiểu tường hồi bít đốc. Công trình kết hợp với đền Hai Bà Trưng, chùa Viên Minh tạo thành một tổng thể thống nhất đền - chùa - đình, nơi lưu giữ đức tin cốt lõi và tổ chức các hoạt động cộng đồng của làng xã Việt Nam, thời Phong kiến. Đình làng Đồng Nhân, quận Hai Bà, Hà NộiĐền thờ Hai Bà Trưng nằm ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội là công trình xây dựng ghi dấu sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng đối với tiến trình lịch sử dân tộc, mở đầu thời kỳ đấu tranh giành độc lập trước các thế lực ngoại bang và gắn với Anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng. Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có giá trị tiêu biểu cho một quần thể kiến trúc đền - chùa - đình của một làng xã thời kỳ Phong kiến Việt Nam. Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD Nguồn : https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA% B7c_bi%E1%BB%87t https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A3nh_th%E1%BB%95_Vi%E1%BB%87t _Nam_qua_t%E1%BB%ABng_th%E1%BB%9Di_k%E1%BB%B3 https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Hai_B%C3%A0_ Tr%C6%B0ng_(V%C4%A9nh_Ph%C3%BAc) https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_%C4%90%E1%BB%93ng_Nh%C3%A2n Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây |