Đi Chợ Ghe Lúa Đồng Tháp Mười - Báo Nhân Dân

Chợ lúa mọc trên sông

Trong những tháng ngày rong ruổi ở vùng đất Đồng Tháp Mười này, ngoài hình ảnh quen thuộc là những cánh đồng lúa vàng ruộm, chín rộ trải dài khắp nơi thì trên sông ngòi, kênh, rạch, những chiếc ghe lúa ngược xuôi cũng để lại nhiều ấn tượng thú vị!

Từ những chiếc ghe vỏ lãi trọng lượng một vài tấn cho tới những chiếc ghe cỡ lớn hàng trăm tấn đổ đầy lúa. Nhiều ghe tụ họp thành những khu chợ nổi ven sông Vàm Cỏ Tây để buôn bán lúa, như một thói quen trao đổi hàng hóa hàng trăm năm nay của vùng đất này. Chúng tôi đến khu vực ngã ba sông Vàm Cỏ Tây gần thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh (Long An), mặt trời ngả về chiều nhưng ánh nắng vẫn gay gắt, hàng chục chiếc ghe nhỏ vẫn sè sè chạy tới, dừng máy tấp vào ven bờ. Lái ghe là những nông dân trong vùng, sau khi thu hoạch xong thì đưa lúa xuống, chạy ra ven sông này để chờ ghe lớn của thương lái tới thu mua.

“Nhà tôi ở mãi trong Bình Phong Thạnh, cách đây cũng hơn giờ chạy ghe máy, đợt này có hơn bốn ha lúa đến mùa thu hoạch. Nếu bán cho thương lái thì giá thấp nên quyết định tự gặt lúa xong mới bán. Mỗi ngày gặt xong đều cho vào bao, chở ra ven sông Vàm Cỏ Tây này chờ thương lúa đến mua trực tiếp. Ở đây, rất nhiều ghe nhỏ ở các xã trong vùng đều thu hoạch và bán lúa như thế. Bán lúa như vầy, mình được tính giá cao hơn mà lại còn lời cả tiền bán rơm nữa. Bây giờ, giá rơm rất cao, hơn sáu trăm ngàn một tấn chứ không ít”, anh Mạnh, một nông dân vừa cập ghe vỏ lãi vào bờ vừa kể.

Ngồi cùng anh chừng một giờ đồng hồ, chúng tôi thấy có thêm gần chục chiếc ghe nữa cũng cập bờ, đợi ghe lớn hơn đến mua lúa đưa về thành phố. Mặt trời xuống thấp hơn, nắng dịu và gió đã lùa về khiến cả khúc sông rộng mênh mông bỗng chốc trở nên nhộn nhịp với những ghe lúa đầy ăm ắp. Sau một lúc mọi người hỏi han nhau đủ thứ, bàn tán chuyện giá cả, sâu bệnh và giống lúa thì chiếc ghe thương lớn đến. Trải qua nhiều vất vả, cơ cực mấy tháng trời trên đồng ruộng mới có được hạt lúa, và đó cũng là sinh kế duy nhất của các gia đình, nhưng việc buôn bán, ngã giá của những người buôn bán lúa trên sông nước này diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn nhiều so với tôi tưởng tượng. Họ chỉ hỏi nhau về loại lúa, rồi đếm từng bao mà tính tiền, chứ không cân đong thật chính xác. Anh Mạnh bảo, lúa nông dân mới thu hoạch vẫn còn tươi, trọng lượng nhiều khi chưa chính xác nên tất cả đều tính theo bao, loại bao tải dứa mầu xanh đỏ quen thuộc của nông dân nơi đây. Mỗi bao giá khoảng 250 - 280 ngàn đồng, tùy theo loại lúa. Ngã giá xong, mọi người vận chuyển từng bao lúa qua ghe để tính tiền. Tại đây, lúa được đổ thẳng xuống khoang ghe lớn. Còn những chiếc bao ấy, người nông dân mang về cất đi, tiếp tục cho đợt gặt và mua bán tiếp theo.

Được biết, ở ven bờ Vàm Cỏ Tây hay những kênh, rạch lớn vùng Đồng Tháp Mười vào mùa thu hoạch lúa, có rất nhiều những chợ lúa nho nhỏ mọc tự phát, là nơi những ghe thuyền tìm tới gặp nhau, buôn bán xong lại theo con nước ngược xuôi. Những chợ nổi tự phát ấy đã trở thành thói quen, tập quán, làm nên một nét văn hóa độc đáo, hiếm thấy nơi nào khác ngoài vùng sông nước này.

Những chiếc ghe cuối cùng

Những ngày tháng 5, đi dọc tuyến quốc lộ 62 chạy men theo dòng sông Vàm Cỏ Tây, chúng tôi bắt gặp rất nhiều ghe lúa đang xuôi ngược. Có ghe chở lúa tươi được đóng bao tải, có ghe lại chỉ đổ lúa lên khoang, rồi cứ thể rong ruổi.

Tại khu vực ngã ba chợ Tuyên Nhơn (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An), nơi có năm, sáu ghe lúa đầy ắp đang neo lại chờ nước triều lên. Ông Phạm Văn Bảo, chủ một ghe lúa chừng hơn năm chục tấn nhìn chúng tôi cười bảo: “Ghe lúa của anh em mới từ dưới Mộc Hóa lên đến đây thì gặp nước triều kiệt, phải neo lại con rạch này, đợi chiều mai nước lên thì chạy tiếp lên Tân An đổ cho vựa. Do ghe chở đầy nên phải đợi con nước lớn mới đủ mớn”. Cũng theo ông Bảo, mặc dù nhiều tuyến đường, cây cầu cùng các phương tiện cơ giới đường bộ đã xuất hiện ở vùng trũng Đồng Tháp Mười này, nhưng thói quen chở lúa bằng ghe sau thu hoạch vẫn còn rất phổ biến. “Nếu xe tải, dù là xe cỡ lớn cũng chỉ chở được hai ba chục tấn thì ghe loại trung cũng chở được gấp mấy lần. Những ghe lớn chở cả trăm tấn lúa là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lý do chính khiến cho ghe thuyền vẫn còn được nhiều người sử dụng chính là việc những cánh đồng lúa ở đây luôn gần các con sông, kênh, rạch hơn là đường bộ. Thậm chí, nhiều vựa xay xát lúa lâu đời ở Thạnh Hóa, Tân An cũng nằm sát các tuyến sông, chứ không phải ở các tuyến đường lớn”, ông kể tiếp.

Được biết, ông Bảo cùng những chiếc ghe của các bạn ông đang neo ở đây là những đầu mối buôn bán lúa ở khu vực này. Họ mua lúa của nông dân ở dưới vùng sâu Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng… sau đó đưa lên ghe chở về thành phố bán lại kiếm lời. Mỗi chuyến, sau thời gian chừng một tuần, họ lại trở về để tới những cánh đồng mới bắt đầu thu hoạch. Bước xuống chiếc ghe dài chừng hơn ba chục mét, đổ lúa chất đầy mà chúng tôi khá bỡ ngỡ vì không thấy gì che đậy, bảo quản. Như hiểu ý chúng tôi, ông Bảo cười nói: Mùa này, ở đây thời tiết rất tốt, hầu như ít gặp mưa gió gì nên lúa cứ để thế. Với lại quãng đường di chuyển cũng gần, chỉ chừng gần trăm km nên lúa được đổ sẵn ra khoang, khi tới các nhà máy, lúa được hút lên bằng băng chuyền sẽ dễ dàng hơn. Nếu đóng bao mà di chuyển chậm, lúa mới thu hoạch có thể bị giảm chất lượng, hoặc thậm chí là nảy mầm.

Tuy nhiên, không vì thế mà công việc của những người đi ghe lúa này dễ dàng. Bởi thực tế, có rất nhiều bất trắc, thậm chí là nguy hiểm mà những ghe lúa phải đối mặt. Ngoài mưa gió thì tai nạn sông nước là điều những người đi ghe lúa lo lắng nhất. Có lẽ đó cũng chính là lý do những ghe lúa chỉ di chuyển ban ngày, khi mực nước tốt chứ không như nhiều loại ghe chở hàng khác, có thể chạy suốt đêm bởi nếu xảy ra tai nạn, việc mất trắng cả gốc lẫn lãi là điều hiển hiện. “Tôi đi ghe lúa đến nay đã hơn 20 năm nhưng may mắn chưa gặp tai nạn nào nguy hiểm. Có mấy lần, thường là mùa mưa, ghe bị mưa lớn, gió to đánh chao đảo. May mà khi ấy có con rạch nhỏ ven sông nên đảo ghe vào nấp, chờ khi mưa hết mới đi tiếp. Tuy nhiên nước cũng làm hư hỏng lúa rất nhiều”, ông Bảo kể. Mặc dù hiện nay vẫn xuất hiện khá nhiều nhưng theo chính những người đi ghe lúa thì có thể ít năm nữa, vùng đất này sẽ không ai dùng ghe thuyền để chở lúa nữa. Ngoài việc hệ thống đường sá, phương tiện phát triển thì còn một lý do quan trọng nữa là nhiều cánh đồng vùng đất này được canh tác theo các phương pháp tiên tiến. Từ lúc gieo trồng đến thu hoạch đều theo các quy trình, không giống như thói quen của người dân nơi đây nữa. Lúa, cũng như nhiều loại nông sản vùng đất này, sau khi thu hoạch được chất lên xe chở về thành phố chứ không đi xuống ghe thuyền nữa. Những hình ảnh ghe thuyền chở lúa, chợ lúa quen thuộc đến thân thương của nhiều thế hệ người nông dân sông nước Nam Bộ, có lẽ rồi đây, sẽ theo đó mà vắng dần vào quá vãng!

Từ khóa » Ghe Lúa