Dì Ghẻ Hay Kế Mẫu - VNU

TG: PGS.TS Phạm Văn Tình - NGUỒN: VNU Media
Dì ghẻ hay kế mẫu

>>> Bản tin số 257

>>> Dì ghẻ hay kế mẫu (pdf)

Dì ghẻ, có lẽ có một xuất phát điểm về nguồn gốc là từ “dì”. Trong tiếng Việt, dì dùng để chỉ em gái (hoặc có nơi là chị gái) của mẹ. Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì (tục ngữ). Dì gần với mẹ và nhiều khi chẳng khác gì mẹ. Vì vậy, khi ai đó, do không may vợ mất, hay do hoàn cảnh phải chia tay vợ cũ để lấy vợ mới, các con của bố (với người vợ trước) thường gọi vợ mới của bố là “dì” (có lẽ là vì ít tuổi hơn mẹ). Khi người cha lấy một phụ nữ khác làm vợ hai (hay vợ lẽ) thì sự tình trở nên khó xử. Từ đây, câu chuyện “con anh con tôi” bắt đầu có chiều hướng phức tạp. Cũng bởi, do những xung khắc về tình cảm, về lợi ích bị chia sẻ mà mối quan hệ giữa vợ mới với con chồng ít khi “xuôi chèo mát mái”, thậm chí xung đột nặng nề. Dân gian đã có khá nhiều câu nói phản ánh điều này: Em ơi cởi áo giả dì/ Đến mai anh dẫn em đi ăn mày; Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng (ca dao). Thế là người dì kia tự nhiên lại có thêm một định ngữ mới (ghẻ, thành dì ghẻ) chẳng hay ho gì. Chính những điều không hay của cuộc sống đã dẫn đến ngữ nghĩa không hay của tổ hợp từ mới này.

Không rõ từ “dì ghẻ” có mặt trong kho từ vựng tiếng Việt từ khi nào. Nhưng tra Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes (1651) thì lúc đó tiếng Việt mới có duy nhất một từ “dì” đơn độc. Xuất hiện sớm muộn thế nào thì ta cần có thêm tư liệu, nhưng điều chắc chắn là, nghĩa của chữ “ghẻ” (tức ghẻ lạnh) làm cho nhân vật vốn dĩ có một từ Hán Việt đồng nghĩa là “kế mẫu” (và một từ đồng nghĩa nửa Hán nửa Việt khác là “mẹ kế”) trở nên rất thiếu thiện cảm trước mắt mọi người. Truyện Tấm Cám nổi tiếng năm xưa chính là một minh chứng rõ rệt nhất về sự xấu xa, tồi tệ của mụ dì ghẻ ác nghiệt. Để cho hả cơn giận, người kể chuyện đã bắt mụ phải ăn chĩnh mắm làm từ xác của con gái mình để rồi uất lên lăn đùng ra chết. Sự ác cảm của người đời lại có cơ hội nhân lên từ chuyện đó.

Nhưng thực tế, không phải ai là “mẹ kế” cũng đều xấu, cũng có cách ứng xử của “dì ghẻ” trong tâm tưởng dân gian. Nhất là bây giờ, cuộc sống có nhiều thay đổi, không thiếu những bà vợ mới của chồng lãnh trách nhiệm nuôi dưỡng đàn con, thương yêu chúng hết mực. Nhiều người đã trở thành ‘cứu tinh” cho lũ trẻ. Họ đã trở thành “kế mẫu” theo đúng nghĩa của từ này.

Vậy mà đây đó, trên báo chí, có nhiều bài viết “vô tâm vô tình” đã cố ý dẫn từ “dì ghẻ” trong những trường hợp không đáng dẫn. Ví dụ: Cháu A sống rất tốt với dì ghẻ của mình; Khi dì ghẻ đi vắng, mấy chị em lại cùng nhau gánh vác việc nhà; Mặc dù là dì ghẻ, nhưng cô rất thương yêu lũ trẻ,... Họ không biết rằng, viết như vậy là xúc phạm tới nhiều người, chứ không riêng gì “đương sự” mà được gán cho từ “dì ghẻ”. Khi đọc lên, ta cứ thấy một điều gì không ổn, gợn gợn trong lòng. Chính người viết đã vô tình “khoét sâu” nghĩa tiêu cực của từ này.

Trong một lần hội giảng, cô giáo dạy văn của một trường trung học cơ sở nọ đã quyết định không giảng bài “Tấm Cám” như dự định (mà chuyển giáo án sang bài khác). Vì cô biết trong số những người ngồi dưới nghe hôm đó, có cô trưởng phòng giáo dục. Cô trưởng phòng này đã vào vai mẹ kế khi kết duyên với một đàn ông vợ mất sớm. Cô vốn là một giáo viên dạy giỏi và là một phụ nữ đảm đang. Chính cô đã thay chồng dạy dỗ cậu con trai tật nguyền của vợ trước nên người. Cô giáo trẻ không muốn “bài tủ” Tấm Cám của mình chạm vào nỗi đau đồng nghiệp. Đó là một cách ứng xử rất người, rất nhân văn. Dù thực tế, nếu cô cứ thản nhiên dạy bài học kia thì cũng chẳng ai trách cứ điều gì.

Từ ngữ phản ánh hiện thực cuộc sống một cách khách quan. Nhưng việc chọn lựa từ ngữ trong ứng xử, nói năng lại là một việc mà ta phải cân nhắc. Điều này không chỉ là kĩ năng thuần túy mà là một vấn đề mang tính văn hóa. Nói trước công chúng, viết cho công chúng xem, chính là một cách ứng xử văn hóa mà người cầm bút không thể bỏ qua.

Từ khóa » Của Mẹ Ghẻ