Đi Khám Bệnh Tại Bệnh Viện ở Nhật Bản|Kênh Du Lịch LocoBee

Tôi là Việt, hiện đang sống và làm việc tại Nhật. Vào độ trước dịp Tết cổ truyền Việt Nam vừa rồi, tôi đã bị phát sốt khoảng 38.2 độ, đồng thời bị ho, chóng mặt. Vì sống một mình, để an tâm tôi đã tự mình đi khám tại bệnh viện ở Nhật, và đó là lần đầu tiên.

Quả là một cái Tết thật buồn nơi đất khách quê người.

Tiếng Nhật sử dụng trong bệnh viện hoặc hiệu thuốc khi cơ thể mệt mỏi

Nội dung bài viết

  • Quá trình phát bệnh
  • Tìm bệnh viện
  • Một số từ khoá tìm kiếm về chuyên khoa
  • Tại bệnh viện
  • Tại hiệu thuốc
  • Những lưu ý khi bị bệnh
  • Tìm bệnh viện trước khi bị bệnh
  • Thẻ bảo hiểm

Quá trình phát bệnh

Vào buổi tối hôm trước, tôi cảm thấy trong người không được khoẻ, mặc dù buổi sáng thức dậy cơ thể đã thấy nóng, bị ho nhưng vẫn đeo khẩu trang rồi đi làm. Sếp thấy tôi bị ho và trán nóng, yêu cầu cặp nhiệt kế.

Đo ra được 38.2 độ, tôi bị yêu cầu về sớm đi khám, do có khả năng bị cảm cúm rất cao. Và được dặn, trong trường hợp kết quả khám bệnh là bị cảm cúm, thì phải nghỉ ít nhất 2 ngày để điều trị, không được đến công ty để khỏi lây nhiễm cho người khác. Khi đến nơi đông người như bệnh viện, nhà ga, công ty,… nhất định phải đeo khẩu trang.

Tìm bệnh viện

Cạnh nhà tôi có một bệnh viện khá lớn, tuy nhiên, khá nhiều bệnh viện lớn tại Nhật thường yêu cầu phải có giấy giới thiệu – 紹介状(しょうかいじょう)từ những bệnh viện, phòng khám nhỏ hơn. Vậy nên, sếp tôi đã tìm giúp tôi một bệnh viện khác.

紹介状(しょうかいじょう)- Giấy giới thiệu là một loại giấy tờ được cấp bởi những phòng khám, bệnh viện nhỏ mà người khám sau khi trải qua một quá trình chẩn đoán, để trước khi tiến hành chẩn đoán, trị liệu tại các bệnh viện lớn hơn như bệnh viện đại học, phía những bệnh viện lớn đó sẽ dựa trên giấy giới thiệu và những kết quả chẩn đoán từ phòng khám, bệnh viện nhỏ, để điều chỉnh, giản lược quá trình chẩn đoán, nhờ đó mà việc trị liệu sẽ nhanh và rẻ hơn. Nếu không có giấy giới thiệu, người đi khám sẽ phải chờ lâu hơn, phát sinh nhiều tiền khám chữa bệnh.

Nếu tìm bệnh viện trên Internet bằng cách gõ từ khoá: tên ga + 「病院」(bệnh viện – びょういん ) , sẽ thấy rất nhiêu bệnh viện, bao gồm cả bệnh viện không phải là chuyên khoa mình cần tìm. Vậy nên, tôi đã gõ từ khoá bao gồm: 「tên ga + 病院 + 内科」, 内科  (nội khoa – ないか) là chuyên khoa tôi cần tìm. Ví dụ trường hợp bị trúng gió, cảm, hoặc đau bụng thì là nội khoa (内科), bị thương ngoài da là ngoại khoa (外科 – げか), trẻ em bị bệnh là khoa nhi (小児科 – 小児科), có rất nhiều loại chuyên khoa khác nhau. Bệnh viện có nhiều chuyên khoa khác nhau thì gọi là bệnh viện tổng hợp (総合病院 – そうごうびょういん). Vì vậy, tôi đề nghị các bạn nên tìm hiểu trước bệnh viện cạnh nhà mình là bệnh viện gì.

Một số từ khoá tìm kiếm về chuyên khoa

内科(ないか)       - những bệnh liên quan đến nội tạng như cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy

小児科(しょうにか)    - bệnh của trẻ em

皮膚科(ひふか)      - bệnh da liễu

外科(げか)        - như gãy xương hay bị thương

耳鼻咽喉科(じびいんこうか)- bệnh tai mũi họng

眼科(がんか)       - bệnh về mắt

歯科(しか)        - bệnh răng nướu

産婦人科(さんふじんか)  - bệnh liên quan đến sản khoa và phụ khoa

Tại bệnh viện

Hãy mang theo “健康保険証” (thẻ bảo hiểm sức khoẻ – けんこうほけんしょう). Tất nhiên, không mang cũng vẫn khám vô tư nhưng sẽ tốn rất nhiều tiền. Có “健康保険証” thì chỉ cần trả khoảng 30% phí khám bệnh.

Tại khu vực tiếp tân, tôi bảo với y tá rằng muốn khám bệnh, và đây là lần đầu tiên tôi đi khám.

Tôi trao cho y tá “健康保険証” của mình sau khi được yêu cầu.

Tôi nhận từ y tá một tờ giấy điều tra dùng để điền triệu chứng bệnh và một vài thông tin liên quan, rồi điền, nộp lại và đợi đến lượt mình được gọi vào khám. Khoảng vài phút trôi qua, tôi tiến vào phòng phám bệnh sau khi được nhắc tên. Bác sỹ xác nhận lại triệu chứng bệnh, sau đó kiểm tra lưỡi và họng, nghe nhịp tim phổi, kết thúc quá trình chẩn đoán. Sau đó, tôi quay trở lại khu vực tiếp tân, đợi thêm chừng vài phút, nhận hoá đơn tiền phí chẩn đoán bệnh, thẻ khám bệnh của bệnh viện(診察券 – しんさつけん ) và toa thuốc(処方箋 – しょほうせん) ,  thanh toán 1050 yên – tương đương 30% phí chẩn đoán.

“処方箋” là toa thuốc – hoá đơn thuốc. Khác với những loại thuốc vẫn hay được bán trên thị trường tại các cửa hàng thuốc thông thường, đây là giấy tờ dùng để mua những loại thuốc có tác dụng ảnh hưởng cao đến cơ thể. Nếu không có 処方箋, bạn sẽ không thể mua được những loại thuốc này. Mang theo 処方箋 đến hiệu thuốc “調剤薬局(ちょうざいやっきょく)” để mua. Có thể hỏi nhân viên trong bệnh viện để biết vị trí của hiệu thuốc, vì gần bệnh viện luôn có hiệu thuốc.

Lưu ý, 調剤薬局 và những cửa hàng như Matsumoto Kiyoshi về cơ bản là khác nhau, tuy nhiên nếu trong những cửa hàng như của Matsumoto Kiyoshi có dược sỹ (薬剤師 – やくざいし), bạn vẫn có thể mua được những loại thuốc này. Ngoài ra, có thêm một dấu hiệu có thể nhận biết những cửa hàng thuốc thông thường có bán những loại thuốc đó hay không, đó là dán 処方せん  phía trước cửa hàng – đây là mẹo, bạn có thể tham khảo.

Tiếng Nhật sử dụng trong bệnh viện hoặc hiệu thuốc khi cơ thể mệt mỏi

Tại hiệu thuốc

Trao cho nhân viên hiệu thuốc thẻ bảo hiểm và toa thuốc và đợi nhận thuốc. Khi nhận thuốc, sẽ được nhân viên hiệu thuốc giải thích về các loại thuốc, công dụng, và liều lượng để uống.

Ngoài ra, bạn sẽ được phát một cuốn sổ thuốc (おくすり手帳 – おくすりてちょう) nếu bạn chưa có, cuốn sổ sẽ được dùng để các nhân viên hiệu thuốc ghi lại các loại thuốc mà bạn mua tại bất cứ hiệu thuốc nào.

Vì có thẻ bảo hiểm nên chỉ phải trả 530 yên – tương đương 30% giá trị toa thuốc. Với thẻ bảo hiểm, bạn có thể mua các loại thuốc được kê trong toa, tuy nhiên, vẫn phải trả 100% các loại thuốc thị trường tại các hiệu thuốc hay cửa hàng khác như Matsumoto Kiyoshi.

Tiếng Nhật sử dụng trong bệnh viện hoặc hiệu thuốc khi cơ thể mệt mỏi

Những lưu ý khi bị bệnh

  1. Cầm theo thẻ bảo hiểm sức khoẻ đến bệnh viện gần nhà, bệnh viện nhỏ cũng không sao.
  2. Tại khu vực tiếp tân bệnh viện, nói với nhân viên y tá rằng bạn lần đầu đi bệnh viện, nên mong được trợ giúp để nhận được sự giúp đỡ (nếu bạn đi lần đầu).
  3. Khi chẩn đoán bệnh, nếu tiếng Nhật khó thì hãy dùng ứng dụng dịch tiếng Nhật trên smartphone, phải đảm bảo truyền đạt chính xác triệu chứng về bệnh tới bác sỹ.
  4. Để mua thuốc, cần mang theo toa thuốc đã nhận ở bệnh viện, và mua tại hiệu thuốc.
  5. Uống thuốc và nghỉ ngơi.
  6. Nếu không khỏi, quay lại bệnh viện khám lại.

Trong trường hợp bệnh nặng, xin giấy giới thiệu rồi mang đến bệnh viện lớn hơn để có thể tiến hành nhiều chẩn đoán cụ thể và chuyên khoa hơn.

Tiếng Nhật sử dụng trong bệnh viện hoặc hiệu thuốc khi cơ thể mệt mỏi

Tìm bệnh viện trước khi bị bệnh

Để tránh bị bối rối sau này, hãy tranh thủ thời gian tìm bệnh viện xung quanh nhà bạn trước. Nếu nhà bạn ở Meguro, có thể dùng từ khóa sau để tìm kiếm trên Google map “目黒 病院 内科”. Hoặc bạn cũng có thể tìm bệnh viện ở gần công ty hay nơi làm việc của mình.

Thẻ bảo hiểm

Thẻ bảo hiểm là vật chứng minh bạn đang tham gia đóng bảo hiểm sức khỏe tại Nhật Bản. Khi bị bệnh hoặc bị thương bạn sẽ chỉ phải tự trả 30% chi phí khám chữa bệnh. Lần này tiền khám và tiền thuốc của tôi hết 1,580 yên. Nếu không có thẻ bảo hiểm tôi sẽ phải trả 5,267 yên. Hãy luôn mang theo thẻ bên người hoặc giữ tại nhà ở nơi bạn dễ dàng lấy ra nếu bạn sợ làm mất.

Nếu làm mất thẻ hãy tiến hành làm thủ tục phát hành lại thẻ. Trong trường hợp bạn là nhân viên công ty, hãy thông báo cho bộ phận nhân sự hoặc hành chính của công ty để báo là bị mất thẻ bảo hiểm sức khỏe.

Nếu đến bệnh viện mà không có thẻ bảo hiểm, bạn hãy trả 100% lệ phí, sau đó mang theo hóa đơn và thẻ bảo hiểm đến bệnh viện để nhận hoàn lại 70% số tiền bạn đã thanh toán.

Tùy thuộc vào phương pháp điều trị và loại thuốc mà viện phí sẽ có thay đổi. Do đó hãy giữ cẩn thận thẻ bảo hiểm của bạn!

Việt (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

Từ khóa » đi Khám Da Liễu Tại Nhật