Đi Khắp Nơi Trên đôi Chân Khuyết Tật Nhờ Tranh Giấy Xoắn - Báo Phụ Nữ

Vượt lên số phận

Trần Thụy Thúy Vi (44 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) bị khuyết tật đôi chân từ năm lên ba, sau một cơn sốt bại liệt. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Vi xin vào làm công nhân Khu chế xuất Tân Thuận. Buổi tối, chị theo học chương trình trung cấp thiết kế đồ họa tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên. Sau khi có tấm bằng trung cấp, Vi xin vào làm việc cho một công ty thiết kế đồ họa tại Q.12 (TP.HCM). Mãi đến năm 30 tuổi, khi đã tiết kiệm được một khoản tiền, chị mới chính thức bước chân vào Trường đại học Hồng Bàng để học chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp. Vi không ngờ rằng, bước ngoặt đó lại mở ra cho chị những điều bất ngờ.

Trần Thụy Thúy Vi tận dụng những phút giây rảnh rỗi để dần hoàn thiện một bức tranh do khách đặt hàng tại hội chợ trưng bày sản phẩm ở công viên Khánh Hội trong tuần vừa qua
Trần Thụy Thúy Vi tận dụng những phút giây rảnh rỗi để dần hoàn thiện một bức tranh do khách đặt hàng tại hội chợ trưng bày sản phẩm ở công viên Khánh Hội trong tuần vừa qua

Năm 2011, khi đang là sinh viên năm ba, Vi tham gia một cuộc thi sáng tạo mỹ thuật dành cho sinh viên và bất ngờ đạt giải nhất với bức tranh phong cảnh về một người phụ nữ gánh hàng hoa được cắt dán bằng giấy màu. Bức tranh sau đó có người đặt mua với giá 350.000 đồng. Vi nghĩ, tại sao không dùng giấy để làm tranh. Ý tưởng đó khiến chị bắt đầu tìm tòi, nghĩ cách làm tranh với chất liệu là giấy. Sau nhiều ngày lang thang trên mạng, chị mới biết, có một môn nghệ thuật làm tranh từ giấy, gọi là tranh giấy xoắn (quilling) đã ra đời rất lâu ở châu Âu, bắt đầu từ các nữ tu trong một tu viện ở nước Ý. “Phát hiện thú vị này khiến tôi tìm kiếm và đọc nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, cố gắng dùng vốn từ ít ỏi của mình để viết một bức thư rồi nhờ bạn chỉnh sửa để gửi đi với mong muốn được tạo điều kiện học một lớp ngắn hạn về môn nghệ thuật này ở Ý” - Vi kể. Một công ty chuyên về các dòng tranh có trụ sở tại Đức đã kết nối và tài trợ cho chuyến đi của Vi. Thế là, với đôi chân khuyết tật, Vi một mình ra nước ngoài để học về tranh giấy xoắn. Sau ba tháng, chị trở về để hoàn thành đồ án tốt nghiệp đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị quyết định dùng số tiền ít ỏi của ba mẹ hỗ trợ mở cơ sở làm tranh giấy xoắn Alice Quilling tại ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm ở Q.4.

Thời điểm đó, tranh giấy xoắn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tại TP.HCM chỉ có sản phẩm của Vi và một công ty khác trú đóng tại Q.7. Tuy nhiên, khi đó, chị chỉ mở cơ sở tranh để thỏa đam mê và mong muốn dạy nghề cho những bạn khuyết tật khác chứ chưa nghĩ sẽ phát triển kinh doanh như thế nào. Vi nhớ lại: “Cả nhà bảo mình khùng, cái thân chưa lo xong mà đòi lo cho người khác. Nói vậy, nhưng sau đó mẹ mình vẫn vui vẻ lo cơm nước cho cả chục con người, cũng đều khuyết tật như mình”.

Dạy nghề cho gần 200 người

Nhờ sự kết nối ban đầu cho chuyến “du học” Ý, Vi được công ty tranh ở Đức giữ liên lạc và trở thành “đầu ra” quan trọng cho những sản phẩm của chị. Năm nào, chị cũng được mời sang Đức một lần để biểu diễn cách làm tranh giấy xoắn tại các hội chợ trưng bày để khách tham quan hiểu thêm về sản phẩm. Sau những chuyến đi, Vi nhận về các đơn hàng gia công từ nước ngoài. Đó cũng chính là nguồn công việc giúp Vi san sẻ với những chị em khuyết tật khác. Ngoài ra, các chị em còn làm những sản phẩm nhỏ từ giấy xoắn như thiệp mừng, các loại hoa trang trí và tự mình giới thiệu, rao bán các mặt hàng trên trang cá nhân.

Trong nước, đôi chân khiếm khuyết của Vi cũng in dấu ở nhiều tỉnh, thành. Chị được mời đến nói về tranh giấy xoắn cho các dự án dạy nghề cho người khuyết tật. Đến nay, sau gần mười năm gắn bó với tranh giấy xoắn, Vi đã dạy nghề cho gần 200 người, trong đó có cả những người lành lặn. Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Vi tạo việc làm ổn định cho sáu chị em. Thời điểm có nhiều hàng gia công, thu nhập hằng tháng của các chị trung bình khoảng 8 triệu đồng.

Vi cho biết, sức cạnh tranh của tranh giấy xoắn tại Việt Nam hiện không nhiều. Những sản phẩm của chị được bán trong nước chủ yếu chỉ là những tấm tranh, thiệp nhỏ, nguồn thu chính của chị chủ yếu từ việc nhận gia công cho các đơn vị nước ngoài. Vi mong muốn, trong tương lai, chị có đủ khả năng để xây dựng một phòng trưng bày đúng nghĩa để nâng cao giá trị sản phẩm, cũng là để giúp chị giới thiệu dòng sản phẩm này đến với nhiều người.

Thu Lê

Từ khóa » địa Chỉ Bán Giấy Quilling Tphcm