Đi Lễ Chùa để Làm Gì?

Cầu có được, ước có thấy?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, ngày trước có quan niệm “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” bởi người ta đi lễ để vãn cảnh chùa, đến nơi trang nghiêm, vắng vẻ tìm kiếm sự thanh tịnh, an nhiên tự tại.

Các ngôi chùa chỉ nằm trong cộng đồng làng xã, không quá tải vì khách thập phương, không phải chịu áp lực của sự nhốn nháo, đông đúc và giao thông phát triển như hiện nay.

Việc hành lễ ở đền, chùa luôn tuân theo bốn yếu tố “thân, khẩu, tâm, ý”. Đi lễ với sự cẩn trọng, thư thái, dung nhan đoan chính, trang phục gọn gàng, nói năng nhẹ nhàng chừng mực, sự thanh thản trong lòng, ý tứ trong cư xử mới đúng chính lễ.

Điều đáng buồn là bây giờ, nhiều người đến đền, chùa miếu mạo tôn nghiêm nhưng lại vướng vào tà lễ bởi phô bày ra những hình ảnh, hành vi không đẹp. Không chỉ xuề xòa trong phục trang mà điệu bộ cử chỉ, nói năng cười đùa với cái tâm tán loạn, hoặc tiện đi du lịch thì rẽ vào chùa.

Đi lễ cần kiệm lời thì lại bị tán ý khi ồn ào giao tiếp người này người kia, không nhất tâm chăm chú vào phật, pháp, tăng thì sao lĩnh hội giáo lý nhà Phật được?

Anh Việt Khôi (phố Cầu Đất - Hải Phòng) cho rằng: Những người đi chùa vãn cảnh tìm con đường đi đến sự giác ngộ Phật pháp rất ít. Sự cuồng tín khiến người ta mải chạy theo ông Phật bên ngoài mà quên đi ông Phật bên trong vốn có của họ.

Tham - sân - si chi phối khiến họ sẵn sàng biến những pho tượng thành ông thần, bà thánh cầu riêng, trục lợi. Đức Phật dạy phàm những người hành sai Pháp thì trong hiện đời hoặc các đời sau sẽ đi vào tà đạo.

Nếu Phật, thánh thần có thật, đầy quyền năng và từ bi thì thấy người nghèo khó, ốm đau, khổ cực sẽ giúp đỡ chứ đâu có đợi người vái lạy, dâng lễ hậu xin xỏ như sự đổi chác mới ra tay tế độ…

Cúng sao không giải được hạn

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo chỉ có lễ cầu an cho người còn sống và cầu siêu cho những người đã mất”.

Thế nhưng việc cúng sao giải hạnđã trở nên phổ biến và được thực hiện ở rất nhiều cơ sở tôn giáo, tâm linh khác nhau trên cả nước. Trào lưu “cúng sao giải hạn” mang tâm lý cuồng tín là hoạt động tự phát lây lan trong xã hội đang làm sai lệch giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.

Nếu hiểu được quy luật nhân quả, quy luật vận hành tốt xấu, quy luật của vũ trụ thì phải tu tâm dưỡng đức mới có được cuộc sống bình an chứ đã làm điều ác, điều xấu, phạm vào luật nhân quả thì Phật nào độ, thần thánh nào giải được hạn, xóa được tội cho mình?

Lý giải hiện tượng xã hội này, TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phân tích: Hành động đi lễ đền, chùa để xin lộc, cầu may, dâng sao giải hạn chỉ là một liệu pháp tâm lý nhằm giải tỏa bất an trong tâm. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân mê tín nhiều hơn.

Có thể khi bộ máy xã hội chuyển đổi sang cơ chế thị trường, nhiều sự cạnh tranh khiến cuộc sống và sự mưu sinh trở nên bấp bênh, không phẳng lặng như trước, người ta cần có một niềm tin để dựa cậy nên đã tìm đến các đấng tối cao.

Đến đền, chùa không phải là để trải nghiệm, sự thật là nhiều người không để tâm tìm hiểu xem ngôi chùa ấy xuất xứ thế nào, ngôi đền ấy thờ vị thánh nào, có công trạng gì với dân với nước mà chen chúc, người sau vái người trước rồi nhanh chóng rời đi. Đáng lý bỏ tiền công đức, giọt dầu thì lại dâng tiền cho tượng Phật…

“Để hạn chế những hành vi mù quáng, khơi thông tư tưởng, nhận thức của người dân trong vấn đề tín ngưỡng, tâm linh… các cơ quan chức năng phụ trách tôn giáo, tín ngưỡng, chính quyền, ngành văn hóa và giới truyền thông cần tích cực vào cuộc, tìm hiểu bản chất của những biến tướng trong mỹ tục văn hóa, nêu thực chất vấn đề góp phần nâng cao dân trí.

Trong sự phát triển bao giờ cũng có sự khủng hoảng phát triển và các hiện tượng lệch lạc sẽ bị tiêu vong khi kinh tế và dân trí được nâng cao. Với mỗi người, chúng ta cần chú ý vào cái tâm của mình. Cần có ý thức khi đến đền, chùa. Hãy tìm hiểu di tích rồi hãy tiến hành hành lễ và đọc kỹ qui định để biết điều gì nên làm, không nên làm mà có những hành xử phù hợp và văn minh”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh.

Từ khóa » đi Lễ Chùa để Làm Gì