Đi ô Tô Gặp Sự Cố, Cần Làm Gì Trước Khi Gọi Cứu Hộ để Tránh Mất Tiền ...

Đặt biển hoặc phát tín hiệu cảnh báo

Xe gặp sự cố giữa đường, dù có tấp được vào lề đường hay không thì việc cần làm sớm bật đèn khẩn cấp rồi xuống xe tìm vị trí thích hợp đặt biển hoặc dụng cụ để phát tín hiệu cảnh báo.

Nên đặt cảnh báo ở cả phía trước và phía sau, cách xe khoảng 50 m để các phương tiện giao thông dễ nhận biết. Nhờ vậy mà các tài xế khác có thể chủ động điều chỉnh tốc độ, hạn chế va chạm đáng tiếc do bị bất ngờ, không kịp xử lý tình huống. Điều này càng trở nên quan trọng khi xe "nằm đường", trên cao tốc, khi trời tối hoặc thời tiết xấu.

Nắm thông tin cơ bản về chiếc xe

Trước khi dùng đến sự trợ giúp nào thì bạn cũng nên tự thân vận động, trong đó việc cơ bản là hiểu sơ lược về chiếc xe mà mình đang đi. Dĩ nhiên, ô tô do bạn sở hữu thì việc này không quá khó khăn.

Ý nghĩa của các biểu tượng báo lỗi phổ biến.

Nhưng nếu là xe đi mượn hoặc thuê thì việc trả lời rành rọt tất cả những câu hỏi liên quan đến chiếc xe có thể không phải ai cũng làm được. Do vậy cần có sự chuẩn bị trước để phải biết chiếc xe thuộc thương hiệu nào, dòng xe, đời xe cũng như một số thông số kỹ thuật quan trọng…

Cũng cần biết chiếc xe gặp vấn đề gì, trong đó các thông tin lỗi thường sẽ được báo trên mặt đồng hồ phía sau vô-lăng. Nên nắm các biểu tượng báo lỗi cơ bản để có thể đọc đúng hoặc chụp lại để sử dụng cho các bước sau.

Tham khảo thợ, gara quen

Một số vấn đề với xe có thể được "bắt mạch" từ xa thông qua việc tham khảo ý kiến của thợ sửa xe hay gara quen. Vì thế, hãy có cho mình số điện thoại của một số kỹ thuật quen, những trung tâm mà mình hay bảo dưỡng hay đơn giản là gọi tới tổng đài trợ giúp tại xưởng dịch vụ của hãng xe mình đi.

Tự kiểm tra và khắc phục một số hỏng hóc cơ bản

Một vài hỏng hóc chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể khắc phục được, không nhất thiết phải nhờ tới cứu hộ. Chẳng hạn bạn có thể tự thay lốp dự phòng khi xe bị xịt lốp giữa đường. Việc này giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa, chủ động thời gian đi đường và không quá lệ thuộc vào cứu hộ.

Không cố sửa chữa khi chưa có kinh nghiệm

Nếu không hiểu gì về chiếc xe thì đừng cố sửa. Những bài hướng dẫn trên mạng không thể bổ trợ cho "tay nghề" của bạn khi bạn chưa có kinh nghiệm sửa chữa xe. Cố tình sửa có thể chỉ càng làm chiếc xe thêm hỏng nặng.

Chọn đúng phương án chở hay kéo

Hình thức cứu hộ phổ biến nhất hiện nay là kéo hoặc chở, tương ứng với từng kiểu hệ dẫn động gồm:

Xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước (FWD) có thể dùng hình thức kéo hoặc chở. Tuy nhiên trung tâm cứu hộ thiên về biện pháp kéo từ trước. Xe sử dụng hệ dẫn động cầu sau (RWD) thường được nhân viên cứu hộ áp dụng hình thức kéo từ sau. Về cơ bản thì dẫn động ở đâu, bánh xe đó sẽ không tiếp xúc trực tiếp với đường khi cứu hộ.

Xe sử dụng hệ thống dẫn động 2 cầu gồm dẫn động 4 bánh bán thời gian (FWD) và dẫn động 4 bánh toàn thời gian (AWD) với thiết kế đặc thù nên thường phải chở hoặc phải nổ máy trong khi kéo hoặc đẩy. Một kiểu khác là sử dụng bốn con lăn để nâng cả bốn bánh xe lên trước khi kéo.

Hỏi rõ chi phí sửa chữa

"Mất lòng trước được lòng sau" nên hãy hỏi rõ từ đầu về các khoản chi phí. Các trung tâm có thể báo giá trọn gói cho việc vận chuyển xe cứu hộ hoặc tính theo quãng đường. Cũng cần xác định xe của mình sẽ được chở về đâu, bạn có được giảm hoặc miễn trừ phí cứu hộ hay không sau khi sửa chữa.

Nên sử dụng đơn vị cứu hộ của gara mà mình quen hoặc các trung tâm lớn để được giảm chi phí và tránh bị "chặt chém". Lựa chọn dịch vụ chính hãng cũng là cách nên được ưu tiên nếu bị hỏng xe cách xa nhà, ở nơi lạ lẫm. Các trung tâm chính hãng có giá niêm yết, sẽ tránh được việc bạn bị "vặt lông" không thương tiếc.

Từ khóa » Di ô Tô