Di Sản Chất độc Hậu Chiến Vẫn Chưa Vơi ám ảnh - ThienNhien.Net

Từ năm 1962 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun chất độc da cam khắp Việt Nam, bỏ lại ô nhiễm dioxin ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ba thế hệ người Việt. Giờ đây, chính phủ Mỹ và Việt Nam đã cùng thực hiện vào một dự án tẩy sạch quy mô lớn.

Một người lính Việt Nam đứng cạnh tấm biển cảnh báo ô nhiễm dioxin ở Biên Hòa. (Ảnh: Nguyễn Huy Khâm/AFP/Getty Images)

Tại thành phố công nghiệp thịnh vượng Biên Hòa, cách phía đông thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 30 km, chỉ cần vượt qua một khúc cong trên sông Đồng Nai là thấy một sân bay lớn. Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Biên Hòa được cho là sân bay bận rộn nhất thế giới. Kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, một cụm dày đặc gồm bốn khu dân cư đã mọc lên xung quanh căn cứ, tổng dân số chừng 111.000 người.

Hiện căn cứ này là chỗ đậu của các máy bay ném bom chiến đấu tầm xa tiên tiến của Không quân Việt Nam, và có thêm 1.200 cư dân thường trú.

Một con kênh thoát nước nhỏ, rộng chừng 3m, chảy từ đầu phía tây của đường băng – khu Pacer Ivy – chừng gần 1 km qua một trong những khu dân cư đông đúc này, được gọi là Bửu Long.

Trong một buổi chiều ngột ngạt gần cuối mùa khô, con kênh không khác gì một đám ứ đọng màu nâu pha xanh lợt, đầy rác và bị nghẹn ở những nơi có lục bình. Tuy nhiên, một phụ nữ trung niên tự giới thiệu mình là bà Mai đang rửa tay chân trong dòng nước bẩn. Gần đó, một ngư dân đang ngồi trên một bức tường xi măng thấp gần cửa kênh. Khung cảnh kông có gì hấp dẫn.

Tuy nhiên, vấn đề của Bửu Long là những gì không thể nhìn thấy được. Kênh bị ô nhiễm nặng với chất độc nhất từng được con người tạo ra: dioxin, sản phẩm phụ ngoài ý muốn của chất gây rụng lá có tên chất độc màu da cam, được đặt tên theo dải màu được mã hóa trên thùng 55 gallon dùng để lưu trữ trước khi được nạp vào máy bay C-123 đậu đầy căn cứ Biên Hòa và rải hầu khắp Việt Nam.

Trong chiến dịch Ranch Hand của Không quân Mỹ, chất độc màu da cam được sử dụng để triệt hạ rừng ngập mặn ven biển đồng bằng sông Cửu Long cũng như những khu rừng rậm rạp che giấu máy bay chiến đấu và đường tiếp tế của quân địch.

Biên Hòa là căn cứ lớn hơn trong hai căn cứ không quân đóng vai trò là trung tâm chính của chiến dịch. Căn cứ kia là tại thành phố biển Đà Nẵng, cách đó gần 1.000 km về phía bắc. Vào thời điểm Chiến dịch Ranch Hand kết thúc vào năm 1971, một phần sáu miền Nam Việt Nam đã bị phủ kín 20 triệu gallon thuốc diệt cỏ và có tới 4,8 triệu dân thường Việt Nam bị phơi nhiễm.

Trong thời chiến loạn, cả ở Biên Hòa và Đà Nẵng, sai lầm của con người cũng góp phần không nhỏ. Hóa chất chết người bị xử lý sai cách, đổ, hoặc ném đi đầy bất cẩn. Hàng ngàn gallon bị rò rỉ từ các bể chứa lớn vào lòng đất. Nhưng bây giờ, 50 năm sau khi ô nhiễm xảy ra, cuối cùng đã đến lúc tẩy sạch căn cứ không quân Biên Hòa.

Cả các quan chức Mỹ và Việt Nam đều gọi đây là một trong những dự án khắc phục môi trường lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới. Dự án sẽ liên quan đến việc xử lý lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm đủ để lấp đầy 200 bể bơi có kích cỡ Olympic và sẽ tiêu tốn ít nhất 390 triệu USD.

Dioxin thực sự là một họ gồm hơn 400 hợp chất hóa học, trong đó nguy hiểm nhất là 2,3,7,8-Tetrachlorodibenzo-P-Dioxin, hay TCDD. Trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, đó là ý nghĩa của từ dioxin.

Không ai cố tình phun chất độc da cam vào Việt Nam, nhưng chiến tranh được xác định bởi các vụ tai nạn thảm khốc cũng như sự tàn ác có chủ ý, và chất độc da cam có thể là thứ tồi tệ nhất trong số đó. Chất làm rụng lá vốn được tạo ra bằng cách kết hợp hai hóa chất. Mỗi chất đều độc hại theo cách riêng nhưng không chứa dioxin. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vô độ từ Lầu năm góc, quá trình sản xuất đã được đẩy nhanh, nâng hỗn hợp lên nhiệt độ cao hơn, và đó là điều đã tạo ra dioxin.

Người phụ nữ tự xưng là bà Mai rửa chân ở kênh Bửu Long. (Ảnh: Cuong Tran)

Quy mô ô nhiễm tại Biên Hòa khó có thể hiểu kỹ. Sự hiện diện của dioxin được đo bằng phần nghìn tỷ, hoặc ppt TEQ (mức độc hại tương đương). Trong trầm tích, mức độ được chính phủ Việt Nam chấp nhận là 150 ppt TEQ. Với kênh Bửu Long, nồng độ cao nhất được tìm thấy là 3.370, vượt giới hạn hơn 20 lần.

Đối với đất, mức tối đa Việt Nam quy định từ 40 ở vùng trồng trọt đến 1.200 ở các khu vực công nghiệp và thương mại (phân loại được sử dụng cho sân bay). Trong khu Pacer Ivy ở sân bay Biên Hòa, nồng độ trong một mẫu đất ở mức đáng kinh ngạc là 962.559 ppt TEQ, gấp khoảng 800 lần ngưỡng của Việt Nam và cao hơn 1.300 lần so với tiêu chuẩn khắt khe hơn được sử dụng ở Mỹ.

Hệ quả ở Biên Hòa là trong nửa thế kỷ qua, dioxin đã âm thầm xâm nhập vào các khu lân cận như Bửu Long, chảy xuống vào mùa mưa, lẫn vào gió dưới dạng bụi và đọng lại trong trầm tích dưới đáy kênh thoát nước. Tích lũy đều đặn khi nó di chuyển lên chuỗi thức ăn, dioxin hiện hữu trong ao nuôi cá và cá người ta ăn, gà vịt nuôi trong sân, và sữa mẹ nuôi nấng trẻ sơ sinh.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, người Việt Nam – cũng như các cựu chiến binh Mỹ – đã nhận thức được những mô hình bệnh tật mới đáng báo động. Không ai biết có bao nhiêu người đã chết vì liên quan đến phơi nhiễm với dioxin, bao gồm chín loại ung thư.

Nhưng nỗi kinh hoàng duy nhất của TCDD là hiệu ứng biểu sinh – gây ra những thay đổi trong biểu hiện gen có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Hậu quả có thể thấy ở các trại trẻ mồ côi và các làng quê Việt Nam: trẻ em và cả người lớn bị những dị tật kỳ dị trên khuôn mặt, tay chân gầy nhẳng, xiên xẹo theo những góc độ bất thường, đầu méo và sưng lên theo biểu hiện của bệnh não úng thủy – chứng tích tụ dịch não tủy trong não.

Dự đoán tích cực nhất là một triệu người Việt Nam bị khuyết tật do ảnh hưởng từ chất độc màu da cam. Theo bà Đào Nguyên, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, có 1.055 người ở thành phố Biên Hòa và hơn 14.000 người trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng.

Và những trường hợp mới vẫn xuất hiện ở thế hệ thứ ba được sinh ra kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Máy bay C-123 của Mỹ rải chất độc da cam xuống rừng Việt Nam những năm 1960. (Ảnh: US Airforce)

Thường thì khó theo dõi một cách chắc chắn con đường đi của bệnh tật. Nguyễn Kiên sống ở phường Trung Dũng, cách phía nam căn cứ không quân vài trăm thước, anh ra đời bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đôi chân khẳng khiu của anh bị uốn cong và biến dạng theo cách thường xuyên làm khổ nạn nhân chất độc da cam, nhưng không giống như nhiều người khác, anh vẫn sử dụng được tay và phần trên cơ thể của mình.

Kiên đã chiến đấu hết mình để vượt qua khuyết tật, bán vé số để có thêm thu nhập ngoài phần trợ cấp ít ỏi từ chính phủ, trở thành VĐV đua xe lăn giành huy chương và gần đây đã kết hôn – mặc dù, anh nói, “Tôi lo sợ rằng có con thì sẽ lây cho chúng”.

Nguồn cơn khuyết tật của anh là từ đâu? Có phải do cha anh – người đã chiến đấu nhiều năm trên đường mòn Hồ Chí Minh, và là mục tiêu chính của việc phun chất độc – di truyền cho anh? Hay là kết quả của việc lớn lên và ăn thức ăn được sản xuất ở Trung Dũng? Chỉ cách nhà Kiên hai dãy phố là hồ Biên Hưng, một điểm giải trí nổi tiếng đã bị ô nhiễm nặng nề từ thời chiến tranh do sự cố tràn chất độc từ căn cứ không quân.

“Năm 2003, chúng tôi chỉ biết được rằng chất độc màu da cam là độc hại. Trước đó, đó chỉ là một tin đồn”, bà Phạm Thị Gái – mẹ Kiên – chia sẻ.

Vào một buổi sáng tháng 4/2019, ở rìa khu Pacer Ivy, có một dãy băng đỏ đang chờ được cắt. Mỗi nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng, bảy thuộc đảng Dân chủ và hai thuộc đảng Cộng hòa, do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy của bang Vermont dẫn đầu, người đã thực hiện sứ mệnh giải quyết di sản nhân đạo của cuộc chiến, sẽ cắt một dải băng. Gần đó, hai chiếc xẻng màu vàng gắn phù hiệu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẵn sàng cho việc xúc tượng trưng xẻng đất bị ô nhiễm đầu tiên.

Trong ngày hôm đó, tại một khách sạn ở thành phố Biên Hòa, sẽ có một buổi lễ thứ hai cũng cực kỳ quan trọng: ký một cam kết năm năm mới về khoản viện trợ nhân đạo dự kiến 50-60 triệu USD cho những người khuyết tật nặng ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam hoặc bị nhiễm dioxin.

“Trên tất cả – và điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng – đây là về con người. Chúng ta cần làm sạch Biên Hòa, nhưng mục tiêu là cải thiện cuộc sống của người dân. Để giúp người khuyết tật đạt được bất cứ điều gì đúng với tiềm năng của họ, để chấm dứt sự kỳ thị đối với người khuyết tật, và để giúp đỡ gia đình họ”, Leahy phát biểu.

Các diễn giả ở cả hai phía, từ các tướng lĩnh Việt Nam đến đại sứ Mỹ, đã ca ngợi tinh thần hữu nghị và hợp tác mới giữa những cựu thù. Đó là một khoảnh khắc đáng chú ý vì trong nhiều thập kỷ, chất độc màu da cam là trở ngại lớn nhất cho sự hòa giải.

Không phải đến tận năm 2006, các nhà khoa học, chính trị gia và các tổ chức phi lợi nhuận mới tìm ra một khuôn khổ và ngôn ngữ chấp nhận được để đối phó với di sản da cam. Bước đột phá này phần lớn nhờ vào một loạt các nghiên cứu được Quỹ Ford tài trợ, và người năng nổ nhất là Charles Bailey, phụ trách văn phòng Hà Nội của Quỹ giai đoạn 1997-2007.

Dựa trên những phát hiện trước đó của các nhà khoa học Việt Nam và Canada – vốn xác lập được mối liên kết giữa dioxin và ô nhiễm chuỗi thức ăn ở khu vực nông thôn – các nghiên cứu này đã khảo sát từng điểm một trong số 2.735 cơ sở quân sự cũ của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Hầu hết các cơ sở hiện nay đều an toàn, nhưng họ đã xác định được ba “điểm nóng” có mức độ của chất độc da cam gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng gồm Đà Nẵng, Biên Hòa và căn cứ không quân nhỏ hơn tại Phù Cát. Biên Hòa cho đến nay là tồi tệ nhất.

Phù Cát đã nhanh chóng được làm sạch mà không cần Mỹ trợ giúp.

Tiếp đến là Đà Nẵng, một dự án kéo dài sáu năm mới kết thúc vào tháng 10/2018, được đánh dấu bằng một buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó James Mattis. Dự án này trị giá 110 triệu USD, trong đó 100 triệu đến từ Bộ Ngoại giao, được chuyển qua USAID.

Biên Hòa sẽ tốn kém hơn nhiều, và sẽ mất ít nhất 10 năm.

Nguyễn Kiên có chân bị dị tật vì phơi nhiễm dioxin, sống ngay gần sân bay Biên Hòa. (Ảnh: Cuong Tran)

Khối lượng tuyệt đối đất và trầm tích phải khắc phục là đáng kinh ngạc. Ở Đà Nẵng là 90.000m3; ở Biên Hòa là 495.300 – gấp đôi ước tính ban đầu và nó có thể sẽ còn nhiều hơn nữa. Vùng lan tỏa của căn cứ không quân có một chút khác biệt trong chiến tranh, theo Chris Abrams, người giám sát dự án cho USAID tại Hà Nội. Gần đây USAID kêu gọi các nhóm cựu chiến binh nhớ lại để tìm thêm các khu vực có thể bị ô nhiễm.

Ước tính chi phí ban đầu 390 triệu USD có khả năng tăng lên, tính cả sự chậm trễ và những bất ngờ không lường trước được trong quá trình vận hành của một dự án phức tạp như vậy; dự kiến kinh phí có thể lên tới 683 triệu USD.

Ngay cả số tiền khổng lồ này cũng dựa trên một sự thỏa hiệp cần thiết. Cách chắc chắn nhất để loại bỏ dioxin là thiêu hủy, nhưng tại Biên Hòa, mức giá cho điều đó có thể tăng lên 1,4 tỷ USD. Thay vào đó, đất và trầm tích ít bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ được chứa trong bãi rác, trong khi đất và trầm tích ô nhiễm nhất sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt gia nhiệt. Công nghệ này đã được sử dụng ở Đà Nẵng, nơi vật liệu chứa đầy dioxin được làm nóng đến 335 độ C trong một lò đốt khổng được xây dựng ở đầu phía bắc của đường băng chính.

Trong khi Mỹ cam kết 300 triệu USD cho việc làm sạch Biên Hòa trong hơn 10 năm, USAID không phải chịu toàn bộ chi phí, và sau nhiều cuộc tranh luận, Bộ Quốc phòng sau rốt đồng ý đóng góp một nửa.

Ba lập luận đưa ra đều thuyết phục: giải quyết các di sản nhân đạo của cuộc chiến phải là một cam kết của toàn bộ chính phủ Mỹ; việc làm sạch không thể xảy ra mà không có nguồn tiền với quy mô chỉ Lầu Năm Góc mới có thể diều phối; và đây sẽ là một biện pháp xây dựng lòng tin để củng cố một liên minh quân sự đang nở rộ giữa những cựu thù hiện có mối quan tâm chung trước việc Trung Quốc bành trướng xâm lược ở Biển Đông.

Tầm quan trọng của việc làm sạch là chất độc màu da cam không thể tự chôn vùi di sản của chính nó. Trần Thị Tuyết Hạnh thuộc Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, tác giả của một số nghiên cứu về ô nhiễm thực phẩm sản xuất tại địa phương, thói quen ăn uống, đánh giá và giảm thiểu rủi ro ở các vùng xung quanh căn cứ Đà Nẵng và Biên Hòa khẳng định: “Việc khắc phục là rất quan trọng bởi sẽ giải quyết các vấn đề bên trong sân bay và ngăn ngừa dioxin lan rộng. Nhưng vấn đề là dioxin đã lan rộng trong nhiều thập kỷ và có thời gian bán hủy rất dài, khoảng 100 năm trong đất và 14 năm trong cơ thể người”.

Theo khoa học, dioxin kỵ nước và ưa mỡ. Nó chìm vào trầm tích dưới đáy của các vùng nước, bám vào chất hữu cơ, di chuyển lên chuỗi thức ăn từ sinh vật phù du sang động vật thủy sinh nhỏ và cuối cùng là cá. Trong đất, nó kết thúc ở thịt và trứng gà vịt thả rông. Nó trở nên cô đặc đều đặn hơn ở mỗi giai đoạn theo quá trình được gọi là tích lũy sinh học. 87% dioxin đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, trước khi di chuyển vào mô mỡ, gan và sữa mẹ.

Cá và gia cầm là lương thực chính của chế độ ăn uống ở Việt Nam. Nuôi trồng thủy sản là ngành phát triển mạnh; có tới hơn 30 ao hồ nhỏ trong sân bay và nhiều cái khác ở xung quanh, sản xuất khoảng 25 tấn cá mỗi năm, phần lớn được người dân ở đó tiêu thụ, còn lại bán ở chợ địa phương. Câu cá đã chính thức bị cấm từ năm 2010, nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo.

“Người dân vẫn câu cá. Họ có nguy cơ bị bắt, nhưng dù có cảnh báo thì họ vẫn lẻn vào. Ảnh hưởng đến sức khỏe không đến ngay lập tức, vì vậy họ ăn cá và nói, ‘Xem này, có gì xảy ra với tôi đâu!’”, bà Đào Nguyên chia sẻ.

Quan điểm của bà được chứng minh ngay tại hồ Biên Hưng, gần nhà Nguyễn Kiên. Đây là một trong những vị trí ô nhiễm sớm nhất được các nhà khoa học xác định, kết quả tích được kiểm nghiệm vượt 12 lần mức độ an toàn.

Mối đe dọa đã giảm, nếu không nói là được loại bỏ, khi 10 năm trước, chính phủ Việt Nam tách các loại đất bị ô nhiễm nhất vào một bãi rác tạm thời. Mặc dù vậy, quanh hồ vẫn còn các tấm biển đề Cấm câu cá. Thậm chí vào buổi tối trước lễ cắt băng ở căn cứ không quân, một người đàn ông cầm cần câu ngồi ngay bên một tấm biển, ơ thờ câu cá rô ron rồi ném trở lại hồ vì cá quá bé để ăn.

Tình trạng ô nhiễm của Bửu Long đưa ra một thách thức nghiêm trọng hơn nhiều. Sau khi việc rải chất độc kết thúc, hơn một triệu gallon chất độc da cam vẫn còn lưu lại tại Biên Hòa, chờ vận chuyển đến đảo Johnston – một cơ sở xa xôi ở Nam Thái Bình Dương – để thiêu hủy theo chiến dịch thu hồi mang tên Pacer Ivy. Tuy nhiên, một lần nữa xảy ra sự cố tràn chất độc ra kênh thoát nước Bửu Long.

Quy mô đầy đủ của vấn đề không được phát hiện cho đến khi USAID tiến hành đánh giá môi trường cuối cùng vào năm 2014-2015. Điều đó có nghĩa là Bửu Long, không nằm trong kế hoạch dọn sạch sân bay, đã bỏ lỡ một chiến dịch giáo dục công cộng mà chuyên gia Tuyết Hạnh tham gia vài năm trước đó. Kết quả là giảm đáng kể việc tiêu thụ thực phẩm có nguy cơ cao ở một số khu vực lân cận xung quanh sân bay – nhưng không phải Bửu Long.

Thượng nghị sĩ Leahy trong một buổi lễ viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh: Nguyễn Thạc Phương/USAID)

Tuyết Hạnh chỉ rõ: “Vẫn rất thiếu thông tin. Cư dân Bửu Long cần biết rằng họ nên tránh xa các thực phẩm địa phương như cá, gà vịt thả rông, và trứng. Các bà mẹ cũng cần học cách giảm thiểu rủi ro từ việc nuôi con bằng sữa mẹ”.

Có lẽ thống kê gây sốc nhất là tổng lượng dioxin tiếp nhận hàng ngày ở trẻ sơ sinh, được các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Dioxin tại Hà Nội đưa ra trong một nghiên cứu công bố năm ngoái. Tổ chức Y tế Thế giới quy định mỗi ngày cơ thể có thể chấp nhận tối đa từ 1 đến 4 picogram (một phần nghìn tỷ gram) cho mỗi kg trọng lượng. Mức tiếp nhận trung bình của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ở Bửu Long là 80. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nguy cơ lớn nhất là với đứa con đầu; khi người mẹ cho con bú lần đầu tiên thì sẽ bài tiết khoảng một nửa lượng chất độc trong cơ thể vào sữa.

“Vì vậy, trong vài tuần đầu tiên, chúng tôi khuyên phụ nữ nên vắt một ít sữa trước khi cho em bé bú. Tuy nhiên, rất khó để biết một người phụ nữ cụ thể có mức độ nhiễm dioxin cao hay không, bởi vì để xét nghiệm cần thiết bị phức tạp có giá hàng trăm đô la mỗi chiếc. Đã không biết, làm sao bạn có thể bảo mẹ đừng cho con bú?”, Tuyết Hạnh chia sẻ.

Ở khoảng sân sau bừa bộn nhà bà Mai, sát mép kênh Bửu Long, vịt gà đang lội trong bụi bẩn. Bên kia một cây cầu nhỏ là một ngôi chùa Phật giáo Nam tông được chạm khắc công phu, nơi sư trụ trì Pháp Tín, một người đàn ông bụng phệ vui tính, mặc tăng y màu nghệ đẫm mồ hôi, đang giám sát một nhóm công nhân sửa sang lại một số đồ nội thất bằng gỗ tếch.

“Chúng tôi thường tắm ở kênh, và lấy nước từ giếng cho đến 10 năm trước, khi nhà nước đưa nước máy về”.

Pháp Tín không biết ô nhiễm là gì. Từ dioxin không có trong từ điển của anh.

Anh biết về việc làm sạch sân bay, nhưng không phải về kế hoạch chính phủ Việt Nam mới đây tuyên bố giải tỏa 300 người khỏi khu vực kênh, bắt đầu từ tháng 6. Thực tế, những người đầu cơ đất gần đây đã chuyển sang khu cạnh đó, và những ngôi nhà mới mọc lên gần kênh, căn mới nhất được hoàn thiện chỉ vài tháng trước.

Ngay cả khi chính phủ có kế hoạch dọn sạch khu vực, Pháp Tín cũng thắc mắc điều đó có xảy ra sớm hay không. Và điều gì sẽ xảy ra với ngôi chùa, với những bức tranh tường đầy màu sắc, các bức phù điêu và bức tượng phật vàng cao gần 4 mét?

Anh mỉm cười: “Giờ tôi 43 tuổi rồi, và sau 30 năm nữa thì tôi đã chết. Vì vậy, chất độc da cam này có lẽ không ảnh hưởng đến tôi. Nhưng nếu họ không làm sạch, ai biết điều gì sẽ xảy ra với thế hệ sau này?”

Nhật Anh (Theo Yale Environment 360)

Nguồn: BVR&MT

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Đốt rác phát điện ở Hà Nội: Mừng – Lo – Hy vọng
  3. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  4. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  5. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  6. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  7. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
  8. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất

Từ khóa » Dioxin Có Tên Gọi đầy đủ Là Gì