Di Sản Thế Giới Là Gì? đặc điểm Và điều Kiện được Công Nhận?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Khái niệm di sản thế giới:
  • 2 2. Đặc điểm của di sản thế giới:
  • 3 3. Điều kiện để công nhận là di sản thế giới:
    • 3.1 3.1. Các tiêu chuẩn di sản văn hóa thế giới:
    • 3.2 3.2. Tiêu chí Di sản Thiên nhiên Thế giới:

1. Khái niệm di sản thế giới:

Thông thường ta vẫn hiểu, di sản là thứ tài sản được truyền lại hay được kế thừa từ quá khứ/từ các thế hệ tiền bối.

Tại Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này đề cập đến di sản dưới góc độ là di sản văn hóa, góc độ này vẫn chưa thể hiện rõ được khái niệm của di sản khi bên cạnh di sản văn hóa thì di sản thiên nhiên, di sản kết hợp giữa văn hóa và thiên nhiên cũng là các di sản được công nhận.

Tại Nghị định số 109/2017/NĐ- CP ngày 21 tháng 09 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đưa ra khái niệm về di sản thế giới như sau: “1. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi chung là di sản thế giới) là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản thế giới.”

Từ khái niệm trên, thì có thể nhận thấy các di sản thế giới chính là các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị to lớn đối với nhân loại, được công nhận và ghi vào Danh mục Di sản thế giới.  Việc ghi vào Danh mục Di sản thế giới được căn cứ trên quy định của Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, ký tại Paris ngày 16 tháng 11 năm 1972- đây là một thỏa ước quốc tế trong đó các quốc gia cùng bảo vệ các di sản trường tồn của thế giới. Mỗi quốc gia, hoặc “Quốc gia thành viên” tham gia Công ước công nhận trách nhiệm chính của mình nhằm đảm bảo việc xác định, bảo vệ, bảo tồn và chuyển giao các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước cho các thế hệ tương lai.

Các di sản thế giới được phân chia thành Di sản văn hóa thế giới; Di sản thiên nhiên thế giới và Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp. Theo Công ước di sản thế giới thì di sản văn hóa là:

Tính đến năm 2013, trên thế giới có tất cả 981 di sản được liệt kê, trong đó có 759 di sản về văn hóa, 193 di sản về những khu thiên nhiên và 29 di sản thuộc cả hai loại. Các di sản đó hiện diện tại 160 quốc gia. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia giàu tiềm năng về văn hóa – lịch sử. Tính đến hết năm 2013, nước ta có có tổng cộng 19 di sản thế giới trong đó có 16 di sản văn hóa phân bổ tương đối đồng đều theo chiều dài đất nước.  

2. Đặc điểm của di sản thế giới:

Là các di sản nên các di sản thế giới cũng mang các đặc điểm chung của di sản. Đó chính là tính chứa đựng lịch sử. Di sản thế giới hàm chứa những mặt giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học đã được tích lũy, tinh lọc qua nhiều thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, của nhân loại. Ví dụ như di tích văn hóa thì thể hiện cho những sự kiện lịch sử trọng đại, một giai đoạn lịch sử phát triển tiêu biểu, cung cấp các dữ liệu, sử liệu phản ánh trình độ, quan niệm của mỗi cộng động. Hay các di tích thiên nhiên thì chứa đựng quá trình phát triển của tầng địa chất, những sự kiện dẫn đến hình thành các di tích đó,….

Bên cạnh đó là tính giá trị của di sản, di sản thế giới là cái được xã hội coi là cao quý và đáng mơ ước. Các giá trị phổ thông được mọi nền văn hóa chấp nhận là cái đúng, cái đẹp, cái tốt và cái có ích. Di sản thế giới nào cũng mang ít nhiều những phẩm chất cao quý đó. Đây cũng chính là đặc điểm để phân biệt di sản nói chung với những sản phẩm, điều kiện tự nhiên thông thường khác.

Bên cạnh đó là đặc điểm những di sản “có giá trị nổi bật toàn cầu”, đặc điểm này có thể hiểu rằng di sản được công nhận là di sản thế giới phải có tầm ảnh hưởng vượt qua phạm vi quốc gia, và ảnh hưởng đến toàn thế giới, chứa đựng những nét riêng biệt. Đó có thể là việc chứa đựng những yếu tố lịch sử mà ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến lịch sử thế giới; hoặc chứa những nét độc đáo về tự nhiên là không nơi nào trên thế giới có. Những di sản này có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội con người ở hiện tại và ảnh hưởng đến cả các thế hệ tương lai.

Đặc điểm được ghi nhận trong Danh mục Di sản thế giới. Các di sản không được nhiên trở thành Di sản thế giới. Điều kiện đủ để một di sản trở thành di sản thế giới đó chính là được ghi nhận vào Danh mục Di sản thế giới. Để được ghi nhận vào danh mục này, các di sản phải đáp ứng các điều kiện nhất định đồng thời được chấp nhận bởi hội đồng thẩm định.

Các di sản thế giới được bảo tồn cả theo pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Ở phần trên đã viết Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, ký tại Paris ngày 16 tháng 11 năm 1972 ra đời nhằm bảo vệ, bảo tồn các di sản thế giới. Và pháp luật mỗi quốc gia cũng có các quy định về vấn đề này. Do vậy, di sản thế giới ở các quốc gia thành viên được bảo vệ bởi cả hai hệ thống văn bản này.

3. Điều kiện để công nhận là di sản thế giới:

Để được đưa vào danh sách Di sản thế giới, một tài sản cần phải đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí văn hóa hay thiên nhiên cụ thể, và phải chứng minh được các giá trị nguyên vẹn và/hoặc nguyên bản của nó. Cụ thể thì để được ghi vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, một tài sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn về văn hóa theo công ước về Di sản thế giới đã được Ủy ban về Di sản thế giới của UNESCO duyệt lại. Đến năm 2005, điều này đã được sửa đổi để chỉ có một bộ 10 tiêu chí, trong đó 6 tiêu chí đầu thuộc về di sản văn hóa, còn các tiêu chí 7 đến 10 thuộc về di sản thiên nhiên.

3.1. Các tiêu chuẩn di sản văn hóa thế giới:

– Là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.

– Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan.

– Là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất.

– Là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh hoạ cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.

– Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được.

– Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. (tiêu chuẩn này chỉ duy nhất được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và áp dụng đồng thời với các tiêu chuẩn khác)

Nhìn hệ thống 6 tiêu chí trên, chúng ta đã nhận thấy để một tài sản được công nhận là di sản văn hóa thế giới, thì nó phải đáp ứng các tiêu chí về tính sáng tạo, tính chưa đựng lịch sử, tính duy nhất và độc đáo, đặc điểm về kiến trúc, sự sinh sống, sinh hoạt của con người. Phạm vi ảnh hưởng của các di sản văn hóa thế giới là toàn cầu, do đó, các di sản này phải thể hiện được sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới một khu vực rộng lớn, trong một giai đoạn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc đến con người trong giai đoạn ấy, thể hiện những nét văn hóa đặc trưng hay nền văn minh thời đại.

3.2. Tiêu chí Di sản Thiên nhiên Thế giới:

– Là những mẫu hình nổi bật tiêu biểu cho các giai đoạn lớn của lịch sử trái đất, bao gồm hồ sơ về sự sống, các tiến trình địa chất có ý nghĩa đang diễn ra trong sự phát triển của địa hình hoặc các đặc điểm địa mạo hay địa văn có ý nghĩa.

– Là những mẫu hình nổi bật tiêu biểu cho các quá trình sinh thái và sinh học đang diễn ra trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái đất, nước ngọt, vùng duyên hải ven biển và của các cộng đồng động thực vật.

– Chứa đựng những hiện tượng tự nhiên siêu phàm hoặc những khu vực có vẻ đẹp tự nhiên kiệt xuất có tầm quan trọng về thẩm mỹ.

– Chứa đựng những khu cư trú tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo toàn tại chỗ tính đa dạng sinh học, bao gồm cả các loài có giá trị toàn cầu nổi bật có nguy cơ tuyệt chủng theo quan điểm khoa học và bảo tồn.

Khác với các di sản văn hóa thế giới có yếu tố gắn liền với con người, thì di sản thiên nhiên thế giới lại mang những nét đặc trưng riêng biệt của tự nhiên, không có yếu tố của con người ảnh hưởng đến. Các di sản thiên nhiên thế giới phải đáp ứng các tiêu chí đó chính là thể hiện lịch sử trái đát, thể hiện quá trình sinh thái và sinh học; chứa đựng vẻ đẹp, hiện tượng tự nhiên và đồng thời thể hiện nét cư trú tự nhiên. Các yếu tố này được đánh giá chi tiết, cẩn thận để di sản thiên nhiên được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Từ khóa » Di Sản Văn Hóa Unesco Là Gì