Đi Siêu âm, Mẹ Bầu Phải Mổ Khẩn Cấp Vì Dây Rốn Xoắn - AFamily

Dây rốn có cấu trúc giống như một cái ống hẹp, kết nối giữa em bé với nhau thai. Nó không chỉ là sợi dây luân chuyển sự trao đổi máu giữa thai nhi và nhau thai, mà dây rốn còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, oxy và loại bỏ các chất thải cho em bé.

Dây rốn bắt đầu hình thành khi thai nhi được 5 tuần. Nó sẽ dài từ từ cho đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Khi đó, dây rốn có chiều dài trung bình từ 55 – 60 cm. Dây rốn chứa ba mạch máu: hai động mạch và một tĩnh mạch.

- Tĩnh mạch mang oxy và chất dinh dưỡng từ nhau thai lấy từ máu của mẹ chuyển qua cho em bé.

- Hai động mạch vận chuyển chất thải của em bé đến nhau thai (nơi chất thải được chuyển vào máu và được xử lý bởi thận của mẹ).

Có rất nhiều vấn đề bất thường về dây rốn, như: dây rốn nén, dây rốn thắt nút, dây rốn quá dài hoặc quá ngắn, nhiễm trùng dây rốn... Nhưng dây rốn xoắn, tuy là hiện tượng hiếm gặp, nhưng nó lại cực kỳ nguy hiểm cho thai nhi trong quá trình mang thai và sinh nở.

Tuy hiếm gặp nhưng các mẹ bầu nên cẩn thận với tình trạng: dây rốn xoắn - Ảnh 1.

Dây rốn xoắn rất nhiều vòng sẽ gây nên tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất cho thai nhi (Ảnh minh họa).

Mới đây, mẹ N.M chia sẻ mình vừa đối mặt với hiện tượng dây rốn xoắn: "Em muốn nói với các mẹ là càng về cuối thai kì càng không được phép chủ quan nhé. Em đi khám thai 38 tuần vì tính mổ chủ động lúc 38,5 tuần mà đi khám rồi phải mổ luôn vì tim thai cao. Bác sĩ nói tiền suy thai và khẳng định dây rốn gặp vấn đề. Tuần trước siêu âm con em được 2,8kg. Thế rồi sinh ra được có 2,5kg. Và chính xác nguyên nhân gây sụt cân là vì dây rốn bị xoắn lại, hạn chế dinh dưỡng từ mẹ sang con. Cũng may mẹ con em an toàn rồi".

Dây rốn xoắn là gì?

Dây rốn xoắn xảy ra khi số lượng vòng xoắn vượt khỏi giới hạn chịu lực của dây rốn. Nó được coi là một biến chứng rất nghiêm trọng khi mang thai, gây nên tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất cho thai nhi.

  • Nín thở nghe mẹ kể chuyện con sinh ra không thở trong 28 phút vì dây rốn quấn chặt quanh cổ

Dây rốn xoắn xảy ra bởi nhiều yếu tố, có thể là do dây rốn dài hơn bình thường nên hay bị vướng vào chân, cánh tay cổ của bé, rồi bị xoắn. Hoặc mẹ bị đa ối, nên có thêm không gian trống để dây di chuyển. Số lượng vòng xoắn có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa mạng sống của thai nhi phụ thuộc vào chiều dài dây rốn. Trung bình, dây rốn sẽ chịu được một vòng xoắn cho mỗi 5 cm dây rốn.

Dây rốn xoắn nguy hiểm như thế nào?

Thông thường, khi bị dây rốn xoắn, mẹ sẽ được các bác sĩ theo dõi sát sao để tránh những biến chứng trong thai kỳ và cũng như trong quá trình sinh nở. Dây rốn xoắn sẽ gây nguy hiểm như sau:

1. Không có các cơn đau chuyển dạ

Các sản phụ có dây rốn xoắn sẽ ít có các cơn co thắt chuyển dạ hơn so với các mẹ có dây rốn bình thường, hoặc cổ tử cung mở sớm. Điều này thường xảy ra khi có sự không cân xứng giữa xương chậu mẹ và kích thước của đầu em bé.

Tuy hiếm gặp nhưng các mẹ bầu nên cẩn thận với tình trạng: dây rốn xoắn - Ảnh 2.

Khi phát hiện ra thai nhi có dây rốn xoắn chặt, các bác sĩ đều phải nhanh chóng thực hiện ca mổ khẩn cấp để tránh tình hình ngày càng tồi tệ, ảnh hưởng đến tính mạng của thai nhi (Ảnh minh họa).

2. Suy thai

Có những trường hợp thai nhi có dây rốn xoắn rất chặt, dẫn đến cắt đứt nguồn cung cấp oxy cho bé, khiến nhịp tim của thai nhi tăng cao hoặc hạ thấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng thai chết lưu. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ thực hiện mổ khẩn cấp trước khi tình hình trở nên tồi tệ, và trước khi em bé nuốt phải phân su gây ra các vấn đề về phổi.

3. Nhau thai bong tách sớm

Biến chứng nghiêm trọng này xảy ra khi nhau thai tách ra khỏi tử cung trước khi sinh. Điều này gây sự chảy máu bên trong cho người mẹ, cũng như làm gián đoạn việc cung cấp máu và oxy cho bé.

Dây rốn xoắn tuy có vẻ nguy hiểm đối với thai nhi. Nhưng với việc khám thai đều đặn, làm đúng theo lời khuyên của bác sĩ, chắc chắn cả mẹ và bé sẽ có một thai kỳ an toàn và một cuộc "vượt cạn" thành công.

Từ khóa » Hiện Tượng Xoắn Dây Rốn