Đi Sứ Trung Hoa, Nguyễn Du Và Lê Quý Đôn đã Viết Gì Về Hàn Tín?

Hàn Tín (229 – 196 TCN) là đại tướng quân, khai quốc công thần, có công phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang đoạt thiên hạ, lập ra nhà Hán. Nhưng khi đại nghiệp đã thành, ông bị vu cáo làm phản và bị tru di tam tộc. Người đời sau đều ngậm ngùi tiếc thương cho số phận anh hùng của ông. Trên đường đi sứ Trung Quốc, các văn nhân Việt Nam thuở trước như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn cũng đều dùng lời thơ để tỏ bày về Hàn Tín. Ta thử xem các bậc thi hào nước ta luận bàn thế nào về nhân vật lịch sử này.

Đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Du và Lê Quý Đôn đã viết gì về Hàn Tín? - Ảnh 1.

Tạo hình Hàn Tín trên phim.

Nguyễn Du

Năm 1813, Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc, qua sông Hoài, có viết bài thơ về Hàn Tín. Sông Hoài là con sông lớn của Trung Quốc, dài 1078 km. Hoài Âm Hầu là tước quan cuối cùng của Hàn Tín. Vì có người tố cáo Tín làm phản, Hán Cao Tổ lập mưu đi chơi đất Vân Mộng, ghé thăm bắt Hàn Tín, bỏ tù rồi lại tha, giáng xuống hai cấp từ Sở Vương xuống còn tước hầu. Lữ Hậu về sau nhân loạn Trần Hy, vu cáo bắt Hàn Tín giết cả ba họ.

Qua bến sông Nguyễn Du ngậm ngùi nhớ lại việc cũ. Mây trôi tan tác, cỏ úa hoa tàn bao trùm đất Hoài Âm tỉnh Giang Tô. Nguyễn Du tức cảnh sinh tình, làm ra bài “Độ hoài hữu cảm Hoài Âm hầu” (Qua sông Hoài nhớ Hoài Âm Hầu) này.

“Tầm thường nhất phạn báo thiên câm

Ngũ tải quân thần phận nghị thâm

Thôi thực, giải y nan bội đức

Tàn cung phanh cẩu diệc cam tâm

Bách man khê động lưu miêu duệ

Lưỡng Hán sơn hà biến cổ câm

Trù trướng giang đầu tư vãng sự

Đoạn vân suy thảo mãn Hoài Âm

Dịch thơ:

Ngàn vàng báo đáp bữa thanh bần

Tôi chúa năm năm thật hiểm thâm

Sẻ áo nhường cơm ơn đức bạc

Treo cung giết chó nỡ đành tâm

Bách Man khe động lưu con cháu

Lưỡng Hán cơ đồ chuyện cổ kim

Qua bến ngậm ngùi ôn chuyện cũ

Mây tan, cỏ úa đất Hoài Âm.

Về phò Lưu Bang, Hàn Tín từng lập nhiều công trạng: chiếm nước Triệu, Tề, đánh bại Sở Bá Vương Hạng Vũ, thống nhất Trung Hoa. Hán Cao Tổ đưa Hàn Tín vào hàng đệ nhất công thần cùng với Trương Lương và Tiêu Hà gọi là Tam Kiệt. Được phong làm Tề Vương. Hàn Tín bình sinh từng nói: “Vua Hán trao ấn Nguyên soái cho ta, cấp cho mấy vạn quân, cởi áo cho mặc, nhường cơm cho ăn, ta nói điều gì vua đều nghe, bàn kế gì vua đều dùng, nên ta mới được thế này”. Từ câu nói có thể thấy được hai nghĩa. Ân nghĩa của Lưu Bang thật thâm sâu, nhưng cũng có nghĩa là thật thâm hiểm, khi cần thì nhường cơm sẻ áo, khi đạt được cơ đồ thì ra tay diệt trừ không thương tiếc. Con người này thật thâm hiểm.

Nguyễn Du còn đi qua nơi Hàn Tín luyện quân, chua xót cho thân phận Hàn Tín: “Trăm vạn cờ xí vượt sông Hoàng Hà lên phía bắc. Dưới đất Yên còn có gươm, giáo chôn vùi. Việc đã xa xôi trải qua hai ngàn năm. Còn ở bên thành một bãi cát bồi mênh mông“. Ông viết bài “Hàn Tín Giảng binh xứ”:

Bách vạn tinh huy bắc độ Hà

Yên giao địa hạ hữu trầm qua

Du du sự hậu nhị thiên tải

Đãng đãng thành biên nhất phiến sa

Khoái ngũ vị thành cam lục lục

Quân tiền do tự thiên đa đa

Khả liên thập thế sơn hà tại

Hậu thệ đồ diên Giáng, Quán gia

Dịch thơ:

Vượt bắc Hoàng Hà trăm vạn cờ

Ngoài thành Yên cũ vùi giáo gươm

Hai ngàn năm thoáng xa xôi quá

Một dải bên thành cát sóng bồi

Với Khoái cùng hàng đành cam phận

Nhiều quân càng tốt vẫn khoe tài

Khá thương cơ nghiệp mười năm Hán

Giáng, Quán đáp đền được hưởng thôi.

Bài thơ kể lại những điển cố về Hàn Tín, Phàn Khoái và Lưu Bang. Phàn Khoái là anh em rể với Lưu Bang, là tướng tiên phong của Hàn Tín. “Sử Ký” (Tư Mã Thiên) kể lại rằng: Sau bị giáng từ Sở Vương xuống làm Hoài Âm Hầu do sự nghi kỵ của Lưu Bang, Hàn Tín qua chơi nhà tướng quân Phàn Khoái. Khoái quỳ lạy và tiễn ra cửa, xưng là thần và nói “Đại Vương lại chịu quá bộ đến nhà thần sao? Hàn Tín cười mà rằng: “Ta nay hóa ra ngang hàng với bọn Khoái”.

Một lần khác, Hàn Tín đến trước mặt vua Hán Cao Tổ, nhân hỏi về tài năng các tướng, Cao Tổ hỏi: “Như ta có thể cầm được bao nhiêu quân?”. Hàn Tín đáp: “Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn”. Hỏi: “Thế còn nhà ngươi cầm được bao nhiêu?”. Đáp: “Thần thì càng nhiều quân càng tốt”. Lúc bắt Tín, Cao Tổ cười nói: “Càng nhiều càng tốt sao lại bị ta bắt?”. Hàn Tín đáp: “Bệ hạ không thể cầm quân nhưng giỏi chỉ huy các tướng, vì vậy nên Tín mới bị bệ hạ bắt”. Đó là câu chuyện được chép trong “Sử Ký”.

Lê Quý Đôn

Một danh sĩ khác, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) khi đi sứ Trung Quốc, qua Hoài An, có ghé thăm đài câu cá của Hoài Âm Hầu Hàn Tín lúc còn hàn vi. Ông viết bài “Trú Hoài An phỏng Hoài Âm hầu điếu đài”.

Văn thuyết Hàn hầu cựu điếu than

Tiêu nhiên cảm cố vấn Hoài An

Kiền khôn không thoát anh hùng viễn

Sơn thủy vi mang tín thệ hàn

Du tử vô tình ca kích trúc

Tướng quân hữu hận hối đăng đàn

Nam Xương, Tứ Thượng giai đình trưởng

Yếm bạc không ta tổng nhất ban

Dịch thơ:

Ở Hoài An thăm đài câu cá của Hoài Âm hầu

Rằng chốn Hàn Hầu câu cá đài

Hoài An chuyện cũ lòng u hoài

Mênh mang trời đất, anh hùng khuất

Mù mịt núi sông, thề ước phai

Du tử vô tình ca “kích trúc”

Tướng quân hối hận nhận phong bài

Nam Xương, Tứ Thượng đều đình trưởng

Bạc bẽo một phường cả, hỡi ôi.

Thuở hàn vi, Hàn Tín câu cá kiếm sống không đủ nuôi thân. Phải để bà phiếu mẫu cho cơm ăn đã là một điều hổ thẹn cho một thanh niên. Nhưng vác một thanh gươm mà chịu chui qua háng một anh hàng thịt giữa chợ, thì thật là một điều sỉ nhục xưa nay hiếm, chẳng có bậc anh hùng nào làm như Hàn Tín cả. Trong Thủy Hử, các anh hùng Lương Sơn Bạc gặp trường hợp như thế, thì giết chết kẻ thách mình và trốn lên núi thành cướp núi, để tránh quan quân truy nã. Hàn Tín lúc đem thân làm tôi cho Hạng Vũ, nhận chức Chấp Kích lang, người vác kích theo hầu. Bỏ Sở về Hán, Lưu Bang giao cho chức Liên Ngao, chức Tri túc Đô úy vốn là những chức vụ rất tầm thường, ông cũng không hề mặc cảm, vui vẻ làm tròn nhiệm vụ. Có thể nói Hàn Tín có một sức chịu đựng nhẫn nại tuyệt độ, hơn cả người bình thường. Người có thể nhẫn được những việc phi thường như vậy mới có thể làm nên việc lớn.

Thuật dùng binh của Hàn Tín rất sáng tạo. Binh pháp viết: “Bày trận dựa lưng bờ sông không đường lui, là việc tối kỵ”. Nhưng Hàn Tín cũng dựa vào binh pháp: “Đưa vào chỗ chết thì mới sống, đặt vào chỗ mất thì mới còn”. Khi đem quân đánh Triệu, Hàn Tín mang quân tinh nhuệ đóng ở bờ sông, khiến binh sĩ chỉ có một đường sống là phải đánh để thắng trận. Thừa cơ quân Triệu kéo hết lực lượng đến đánh, Hàn Tín cho hai nghìn quân kỵ trong đêm tối lẻn vào trại giặc cắm toàn cờ Hán. Quân Triệu đang đánh với quân Hán, nhìn lại thấy dinh trại mình đều có cờ địch, ngỡ là quân Hán đã phá được Triệu, mạnh ai nấy bỏ chạy. Thế là quân Triệu hỗn loạn, đại bại. Vua Triệu bị bắt sống. Trận này Hàn Tín lấy 3 vạn chống lại 20 vạn quân địch. Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín được xem là một trong những nguyên soái chỉ huy tài ba nhất. Từ việc nhỏ đến việc lớn, ông đều là người xuất sắc.

Khi làm chức Liên ngao, coi kho kiểm điểm thóc lúa, tính toán sổ sách, mau lẹ phi thường, không sai một mảy. Những người cai kho thấy Hàn Tín tính toán minh bạch đều sụp lạy thưa: “Từ khi có kho đến nay, chúng tôi chưa thấy ai thần toán như ngài”. Hàn Tín cho Tiêu Hà biết: “Phép toán có nhiều lối, có số tiểu cửu, có số đại cửu. Nếu tinh tường các phép ấy thì dầu bốn bể năm châu cũng chỉ ở trong bàn tính đó. Trước kia vua Phục Hy chỉ có 61 quẻ, mà thiên biến vạn hóa, việc vũ trụ không thoát ra ngoài các quẻ ấy được”.

Khi giữ chức Tri túc Đô Úy, Hàn Tín coi sổ sách lương tiền, thu nộp chi phí. Lúc trước những quan Đô Úy đến nhận chức, hay ăn lễ lạt đút lót từ các người coi nhà kho, nên chúng bảo thế nào thì nghe thế ấy, dân tình thán oán, mất lẽ công bằng. Nay Hàn Tín đến, trước hết ra giấy yết thị, tra xét những kẻ nhũng lạm trước kia, cách chức tất cả, rồi đưa vào những người đứng đắn, vì vậy trăm họ hoan hỉ, tranh nhau nộp thuế. Chỉ trong nửa tháng mà thuế khóa nộp hết không thiếu một đồng tiền nào. Hàn Tín đã chứng minh tài năng mình như lời nói với Đằng Công Hạ Hầu Anh: “Văn võ song toàn, thông hiểu vũ trụ, ra tướng vũ, vào tướng văn, trăm trận trăm thắng, lấy thiên hạ như trở bàn tay, đủ sức phá Sở”.

Hàn Tín là một bậc đại tướng quân bách chiến bách thắng, giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm, được hậu thế bàn luận, kính phục. Nỗi oan của Hàn Tín cũng khiến người đời phải ngậm ngùi thương tiếc. Những dòng thơ của Lê Quý Đôn và Nguyễn Du cũng đã nói rõ điều đó. Cuộc đời Hàn Tín như một vai diễn làm nổi bật lòng trung thành, mưu trí, hình tượng Hàn Tín không thể tách rời chữ Nhẫn, người có thể nhẫn được những việc khó nhẫn nhất là người làm lên nghiệp lớn.

  • Loạt ảnh cực hiếm về chùa Một Cột thế kỷ 19

    Loạt ảnh cực hiếm về chùa Một Cột thế kỷ 19 25/01/2022 10:31

  • Đại thi hào Nguyễn Du chết trong trận dịch bệnh lịch sử nào?

    Đại thi hào Nguyễn Du chết trong trận dịch bệnh lịch sử nào? 23/01/2022 18:31

  • Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ là anh em cọc chèo: Sự trớ trêu của lịch sử

    Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ là anh em cọc chèo: Sự trớ trêu của lịch sử 22/01/2022 20:31

  • Vì sao sông Ngự Hà có tầm quan trọng sống còn với nhà Nguyễn?

    Vì sao sông Ngự Hà có tầm quan trọng sống còn với nhà Nguyễn? 22/01/2022 08:30

  • Dưới triều đại Lê - Nguyễn, hành vi dâm ô trẻ em bị xử nặng ra sao?

    Dưới triều đại Lê - Nguyễn, hành vi dâm ô trẻ em bị xử nặng ra sao? 21/01/2022 18:31

Từ khóa » Những Bộ Phim Về Hàn Tín