DI TÍCH CHIẾN THẮNG MỎ CÀY - Bảo Tàng Tổng Hợp Quảng Ngãi
Có thể bạn quan tâm
Di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày có vị trí tọa độ 14°59’57.6″ vĩ Bắc, 108°52’26.7″ kinh Đông, thuộc thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi khoảng 15 km về hướng Nam, cách huyện lỵ Mộ Đức 6km về hướng Bắc.
Khách tham quan có thể sử dụng các phương tiện ô tô, mô tô đi từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi theo quốc lộ 1A vào phía Nam khoảng 15km là đến di tích.
Sự kiện lịch sử Chiến thắng Mỏ Cày:
Ngay sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, từ tháng 3/1945 đến tháng 5/1945, Tỉnh ủy quyết định chuyển Đội du kích Ba Tơ đến hoạt động ở vùng Cơ Nhất thuộc vùng rừng núi Cao Muôn (huyện Ba Tơ), xây dựng Chiến khu kháng Nhật ở vùng Nước Sung, Nước Lá (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc địa phương cùng đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng.
Từ 28 chiến sĩ được huấn luyện ở Nước Sung, Nước Lá, Đội du kích Ba Tơ đã nhanh chóng phát triển lực lượng, chuyển về đồng bằng xây dựng căn cứ đứng chân ở khu căn cứ Vĩnh Sơn (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) và khu căn cứ Núi Lớn (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức), hình thành hai đại đội võ trang cách mạng mang tên Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám.
Đại đội Phan Đình Phùng do đồng chí Phạm Kiệt làm Đại đội trưởng, các đồng chí Phan Phong và Võ Thứ làm Đại đội phó, đồng chí Tạ Phượng làm Chính trị ủy viên, được biên chế thành 5 trung đội: Ấm Loan, Bố Khiết, Xung Phong, Cao Thắng, Tú Trọng và Từ Nhại. Mỗi Trung đội có 5 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 12 người. Đại đội Hoàng Hoa Thám cũng có 5 trung đội: Nguyễn Nghiêm, Cử Đình, Phạm Hồng Thái, Ngô Đáng và Tân Tú, biên chế cũng giống như đại đội Phan Đình Phùng, do đồng chí Nguyễn Đôn làm Đại đội trưởng kiêm chính trị ủy viên, sau đó đồng chí Trần Công Khanh về làm Đại đội trưởng thay đồng chí Nguyễn Đôn, các đồng chí Nguyễn Khoách (Thạnh) và Lê Văn Đức làm Đại đội phó, đồng chí Nguyễn Cừ (Nhạn) làm Phó chính trị ủy viên.
Giữa lúc Đội du kích Ba Tơ phát triển nhanh chóng thành lực lượng vũ trang nòng cốt cho cao trào tiền khởi nghĩa ở Quảng Ngãi thì ngày 14/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng minh. Thời cơ đã đến, tuy chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương nhưng qua nắm bắt tình hình, đúng 16h ngày 14/8/1945, từ Thi Phổ, Mộ Đức, Tỉnh ủy đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Chấp hành mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Tỉnh ủy và theo kế hoạch đã được thống nhất, Đại đội Phan Đình Phùng từ chiến khu Vĩnh Sơn xuất kích đánh chiếm các đồn Di Lăng, Hà Thành, Trà Bồng và bót gác cầu Châu Ổ, sau đó kéo quân về đứng ở Xuân Phổ, phía Tây thị xã Quảng Ngãi chờ lệnh.
Đại đội Hoàng Hoa Thám từ chiến khu Núi Lớn cấp tốc hành quân đánh chiếm các đồn Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ sau đó tiến về đứng chân ở khu vực ga Lâm Điền (Mộ Đức), rồi triển khai đội hình phục kích đánh Nhật ở Mỏ Cày
Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, đơn vị của đồng chí Nguyễn Hoa và Nguyễn Khai về tới ga Lâm Điền, sau khi đã phá hủy đường sắt, đào hầm bố trí chờ Nhật đến, nhưng không thấy lính Nhật đến. Các đồng chí đã chuyển hướng sang quốc lộ 1A và bố trí phục kích tại Thi Phổ. Khi thấy chiếc xe quân sự của Nhật xuất hiện, ta bất ngờ nổ súng giết chết 5 tên. Quân Nhật hoảng loạn phóng xe bỏ chạy. Ta thu được một tiểu liên Sten Nhật và 75 viên đạn.
Sau đó, đơn vị tiếp tục hành quân tiến đến Mỏ Cày, triển khai kế hoạch phục kích đoàn xe của Nhật từ phía Nam kéo xe ra thị xã Quảng Ngãi. 16 giờ cùng ngày, Ủy ban Cách mạng lâm thời các xã Hoài An, An Phong (nay thuộc xã Đức Chánh) đã tổ chức cho các đội tự vệ đỏ và nhân dân đào đường, phá cống làm chướng ngại vật để cản trở đoàn xe quân sự Nhật đi trên quốc lộ 1A nhằm ngăn chặn đường hành quân của quân Nhật từ phía Nam kéo về thị xã.
Địa hình, thời tiết:
Khu vực tác chiến diễn ra trên quốc lộ 1A, đoạn đường chạy qua Mỏ Cày dài 1000m, từ cây số 1071 đến cây số 1073. Đoạn đường này là đường cong thuận tiện cho việc giấu quân, quan sát địch từ xa và vận động phục kích đánh địch. Còn địch thì bị hạn chế tầm nhìn vì đi qua đường cong tròn ở Mỏ Cày.
Hai bên đoạn đường quốc lộ lúc bấy giờ là đồng ruộng với các bờ cỏ chạy dọc theo mép đường là nơi đội du kích Ba Tơ ém quân, ngụy trang kín đáo để phục kích đánh địch.
Tình hình địch: Trong khi quần chúng khắp nơi nổi dậy khởi nghĩa, bọn Nhật ngoan cố dùng xe jeap chở quân Nhật càn vào làng Xuân Phổ để uy hiếp nhân dân và càn vào phía Bắc cầu sông Vệ xả súng bắn vào trường học làm chết hai chiến sĩ của đội Du kích Ba Tơ là đồng chí Huỳnh Quang Lầu và đồng chí Nguyễn Như Côn. Vì vậy, đội du kích Ba Tơ tổ chức đánh Nhật để đè bẹp sự phản ứng điên cuồng của chúng.
Tình hình ta: Đơn vị được giao nhiệm vụ phục kích đánh địch tại Mỏ Cày là một Trung đội thuộc Đại đội Hoàng Hoa Thám do đồng chí Nguyễn Khai chỉ huy. Trung đội này được biên chế thành 5 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 12 người, được trang bị vũ khí là súng trường, gươm và dao bảy. Phối hợp với trung đội nói trên là đội tự vệ đỏ và lực lượng du kích của xã Đức Chánh.
Về sử dụng lực lượng và phạm vi chiến đấu:
Sau khi dự đoán địch có thể di chuyển bằng xe quân sự từ phía Nam ra thị xã Quảng Ngãi và ngược lại, chỉ huy đơn vị đã kiểm tra thực địa và bố trí đội hình đánh địch như sau:
Trung đội được giao nhiệm vụ đánh địch gồm 5 tiểu đội là tiểu đội 1, tiểu 2, tiểu đội 3, tiểu đội 4 và tiểu đội 5
– Tiểu đội 1 có nhiệm vụ đánh chặn đầu.
– Tiểu đội 2, tiểu đội 3 từ phía Đông vận động phục kích đánh vào sườn phải của địch.
– Tiểu đội 4, tiểu đội 5 từ phía Tây vận động phục kích đánh vào sườn trái của địch
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị trận địa, triển khai xong đội hình phục kích đánh Nhật, đúng vào lúc 23 giờ ngày 17/8/1945 một đoàn xe lính Nhật từ phía Nam kéo ra thị xã Quảng Ngãi. Đến Mỏ Cày (Mộ Đức), đoàn xe này chiếu đèn sáng tiến tới trận địa phục kích của ta, lệnh nổ súng tiến công được truyền đi bằng tiếng súng tiểu liên của trung đội trưởng Nguyễn Khai. Tiểu đội 1 liền nổ súng xuất kích đánh chặn đầu đoàn xe Nhật. Chiếc xe đầu trúng đạn bốc cháy, mấy chiếc sau ùn lại. Quân Nhật nhảy xuống đường và bắn trả loạn xạ. Tiếp đó, từ dưới ruộng ở hai bên đường tiểu đội 2, tiểu đội 3 nổ súng xuất kích đánh vào sườn phải; tiểu đội 4, tiểu đội 5 đánh vào sườn trái của đội hình địch. Bị đánh bất ngờ từ hai bên sườn, quân Nhật không kịp trở tay đối phó, hàng ngũ rối loạn. Liền đó, các chiến sĩ đồng loạt xung phong dùng gươm, dao đánh giáp lá cà tiêu diệt địch. Tiếng trống, mõ, thanh la, tù và của nhân dân vang lên khắp nơi để cổ vũ quân ta và cùng phối hợp đánh địch.
Gần nửa giờ sau, có 10 chiếc xe địch khác đến tiếp viện, chúng dừng lại từ xa và điên cuồng bắn xối xả vào đội hình ta làm 5 đồng chí hi sinh, đồng chí Nguyễn Khai chỉ huy đơn vị cũng bị thương. Mặc dù vậy quân ta vẫn giữ vững trận địa, vận động tiến công đánh mãnh liệt vào đoàn xe tiếp viện này tiêu diệt nhiều tên địch. Lúc này trời gần sáng, với lại trận đánh diễn ra hơn một giờ đồng hồ, đạn gần hết. Tình thế không có lợi cho ta. Vì vậy, Ban chỉ huy truyền lệnh cho đơn vị rút quân. Quân Nhật thu lượm xác chết và nhanh chóng tháo chạy vào phía Nam.
Kết quả trận đánh, ta đánh cháy 3 xe quân sự của Nhật, diệt 63 tên. Bên ta có 5 đồng chí hi sinh, 4 đồng chí bị thương nhẹ và 1 đồng chí bị thương nặng.
Khảo tả di tích
Trận đánh diễn ra trên đoạn đường Mỏ Cày dài 1km thuộc quốc lộ 1A. Phía Tây đường là các cánh đồng Gò Dúi, Phước Lai và Văn Thánh. Phía đông đường là đồng ruộng Tổng Giang thuộc thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Ruộng lúa lúc bấy giờ đã gặt xong, nổi lên nhiều bờ ruộng, mương máng rất thuận lợi cho việc ém quân và vận động phục kích tiến công tiêu diệt địch.
Trải qua thời gian thì giờ đây những chiến tích gốc của trận đánh Mỏ Cày gần như không còn nữa, ngay cả địa hình, địa mạo và cảnh quan thiên nhiên của trận đánh năm xưa đã bị thay đổi theo thời gian, chỉ còn lại địa điểm liên quan đến trận đánh này
Do địa điểm di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày trải rộng trên đường quốc lộ 1A dài 1000m, rộng 60m và đồng ruộng nên khu vực bảo vệ phải được phân định theo điểm di tích tiêu biểu có liên quan đến trận đánh. Điểm di tích này được xác định là các thửa ruộng ở phía Tây đường Quốc lộ có tổng diện tích là 2885m2. Năm 1994, khoảnh ruộng có diện tích 2.885m2 nói trên đã được san lấp mặt bằng để xây dựng khuôn viên và tượng đài chiến thắng Mỏ Cày.
Khuôn viên di tích gồm các hạng mục: cổng, tường bao, sân, đường đi, hệ thống điện chiếu sáng, nơi trồng hoa và cây cảnh. Tượng đài được xây dựng giữa khuôn viên. Cấu trúc tượng đài là bê tông cốt thép thể hiện một nhân vật trong tư thế đứng cầm dao giơ lên cao, mặt hướng về phía đường quốc lộ. Đến năm 2008 tượng đài được xây dựng mới bằng đá Granit, cao khoảng 12,75m trong đó phần đế tượng cao 2,75m còn cụm tượng cao khoảng 10m. Cụm tượng thể hiện hai nhân vật cầm súng, một nhân vật cầm gậy, mang ý nghĩa khái quát hóa: chiến thắng Mỏ Cày được làm nên bởi sự hợp đồng tác chiến của Đội du kích Ba Tơ với lực lượng du kích và nhân dân địa phương. Phần bệ tượng có trang trí phù điêu thể hiện đề tài khói lửa và vầng mây, biểu tượng của chiến thắng và hòa bình.
Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày là một công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử, ghi dấu chiến công xuất sắc của đội du kích Ba Tơ bằng hình thức kiến trúc điêu khắc hoành tráng kết hợp với vườn hoa tạo được sự hài hòa của hình khối kiến trúc với cảnh quan chung quanh.
Trận Mỏ Cày giành thắng lợi của Đội du kích Ba Tơ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong việc vận dụng linh hoạt chiến thuật vận động phục kích đánh địch trên tuyến giao thông quốc lộ 1A đạt hiệu suất chiến đấu cao diệt nhiều sinh lực địch. Bài học kinh nghiệm này đã được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, ngày 07/6/1966 tiểu đoàn 48, lực lượng vũ trang tỉnh đã anh dũng chặn đánh tiểu đoàn 3, thuộc trung đoàn 4 ngụy diệt 408 tên, có 2 tên Mỹ, bắn cháy và bắn hỏng 18 xe, thu 267 súng các loại. Từ đây, Mỏ Cày trở thành địa danh ghi dấu chiến công đánh Nhật và đánh Mỹ Ngụy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày là nơi ghi dấu chiến công và tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong kháng chiến chống phát xít Nhật, là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong nhân dân nhất là thế hệ trẻ.
Phương Dung
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
* Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995;
* Địa chí huyện Mộ Đức, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mộ Đức, 2008
* Hồ sơ bảo vệ di tích Chiến thắng Mỏ Cày năm 1999 (Lưu tại Bảo tàng tỉnh).
* Khu V- 30 năm chiến tranh giải phóng, tập 1 (Thời kỳ kháng chiến chống Pháp), Bộ Tư lệnh Quân Khu 5, 1986;
* Lịch sử Đảng bộ huyện Mộ Đức (1930-2005), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộ Đức, 2010;
* Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1929-1945), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, 2005;
* Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975) tái bản có sửa chữa, bổ sung. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005;
* Quảng Ngãi- Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Nxb tổng hợp Nghĩa Bình; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghĩa Bình, 1988;
[1] Xem số liệu Lịch sử đảng bộ huyện tỉnh Quảng Ngãi (1929-1945), tr 173
Từ khóa » Di Tích Mỏ Cày
-
Khu Di Tích Quốc Gia đặc Biệt Đồng Khởi Bến Tre - Du Lịch Miền Tây
-
Di Tích Lịch Sử Đồng Khởi Bến Tre - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Di Tích Chiến Thắng Mỏ Cày - Cơ Sở Dữ Liệu Ngành Du Lịch
-
Công Nhận Thêm 2 Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Cấp Tỉnh - Báo Đồng Khởi
-
Danh Sách Di Tích Lịch Sử – Văn Hóa Tại Bến Tre - Du Lịch Tôi Và Bạn
-
Khu Di Tích Lịch Sử Đồng Khởi, Mỏ Cày Nam, Bến Tre, Việt Nam
-
Mỏ Cày Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Khu Di Tích Đồng Khởi - Điểm đến - Tổng Cục Du Lịch
-
Di Tích Căn Cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định: “Địa Chỉ đỏ” Trên Quê ...
-
Thăm Khu Di Tích Lịch Sử Đồng Khởi (Định Thủy-Mỏ Cày Nam)
-
Chùa Tuyên Linh | Du Lịch Mỏ Cày Nam - Dulich24
-
Thông Tin Văn Bản
-
Ben Tre News - Công Nhận Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa Cấp Tỉnh