Di Tích đền, Chùa Thác Ô Đồ, Xã Phúc An, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên ...

Đồng chí Tô Thị Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho xã Phúc An huyện Yên Bình

1. Tên Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa đền - chùa Thác Ô Đồ.

- Tên gọi khác của Di tích: Đền, chùa Thác Ông Đồ Đền, chùa Đát Ô Đồ ("Đát" trong tiếng Cao Lan nghĩa là "Đá"). Tên gọi đền, chùa Thác Ông Đồ xuất phát từ tên của nhân vật ông đồ, người đã có công dạy chữ nho cho dân bản. Khi làng bị dịch bệnh tả hoành hành, làm chết nhiều người, ông đã lập đàn tế trời ba ngày trên một tảng đá lớn tại thác nước này để cứu giúp người dân tai qua nạn khỏi nhưng ông đã bị một cơn lũ cuốn đi. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân nơi đây lập đền thờ tại thác nước đó. Sau này, một ngôi chùa thờ Phật cũng được dân bản lập lên tại khu thác nước, hình thành nên cụm di tích: Đền, chùa Thác Ô  Đồ.

2. Loại hình Di tích: Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích: Quyết định số 3654/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, công nhận quần thể đền, chùa Thác Ô Đồ, xã Phúc An, huyện Yên Bình là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

Di tích đền, chùa Thác Ô Đồ tọa lạc tại thôn Đồng Tha, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, có diện tích khoanh vùng bảo vệ 2.171,5m2. Để đến được Di tích đền, chùa Thác Ô Đồ, xã Phúc An, huyện Yên Bình có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy đều thuận tiện.

Đi bằng đường bộ: Từ trung tâm tỉnh lỵ (km5 - thành phố Yên Bái), theo đường Đinh Tiên Hoàng đến km 9 (ngã ba Hà Nội - Lào Cai), đi tiếp theo Quốc lộ 70 Yên Bái - Hà Nội khoảng 20 km tới ngã ba Cát Lem, rẽ trái đi Quốc lộ 37 khoảng 25 km (hướng đi thị trấn Thác Bà), đến cầu Thác Ông, đi tiếp đường Tỉnh lộ 170 (Thác Bà - Cẩm Nhân) khoảng 26 km đến Ủy ban nhân dân xã Phúc An, đi tiếp 800 mét là đến di tích Đền, chùa Thác Ô Đồ.

Đi bằng đường thủy: Xuất phát từ Cảng Hương Lý (thị trấn Yên Bình) đi khoảng 30 hải lý (khoảng 55 km) đến bến Phúc An, theo biển chỉ dẫn đến Ủy ban nhân dân xã Phúc An, tiếp tục đi trên đường bộ 800 mét là đến Di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

- Những truyền thuyết liên quan đến đền Thác Ô Đồ

Liên quan đến các nhân vật được thờ tự tại Đền, trong vùng có các truyền thuyết dân gian kỳ bí và đậm chất nhân văn, lý giải nguồn gốc thờ tự cũng như sự ra đời của các địa danh dân gian liên quan đến Di tích. Cụ thể là có ba câu chuyện truyền thuyết như sau:

Câu chuyện thứ nhất, giải thích về việc Đền thờ ba cô công chúa và địa danh vực Bạch: Xưa kia, ở vùng đất này có con suối Ô Đồ chảy từ trên núi cao xuống, tràn qua ba cái thác, thác bên dưới gọi là đát Ô Đồ, trong thác có vực sâu, tương truyền là nơi trâu bạc ở. Theo sự tích đát Ô Đồ của người Cao Lan kể lại thì ngày xưa, cạnh miệng vực có một tràn ruộng nối liền với nương đồi của một ông già Cao Lan nghèo khổ. Một hôm, ông bỗng thấy một con trâu bạc đang ăn lúa ở ruộng. Ông rình bắt thì con trâu bạc lồng lên, chạy thục mạng, nhảy xuống vực sâu mất dấu vết. Ông ngồi canh đến sáng nhưng không thấy nên đành trở về. Khi đến chỗ trâu ăn lúa, ông bắt được một đoạn chạc trâu bị đứt, rơi bên bờ ruộng, ông đem về lán, vứt ở cạnh bếp. Sáng hôm sau, ông thấy đoạn chạc trâu đã hóa thành một cái dây bạc khá to. Từ đó, nhà ông trở nên giàu có nhất vùng.

Vua nghe tin bèn cho quân lính đến tát cạn vực sâu để bắt trâu bạc. Binh lính tát nước ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng cũng thấy trâu bạc nằm ở đáy vực, nhưng không sao kéo lên được. Vua thân chinh đến, dừng kiệu đến xem. Ba cô công chúa cũng đòi xuống vực để được xem tận mắt con trâu bạc. Nhìn thấy ba cô công chúa, trâu bạc rùng mình, chạy lồng lên, thế là mương phai, đập chắn bị vỡ. Nước suối trên thượng ngàn đổ xuống ào ào. Binh lính và ba cô công chúa bị lũ ống cuốn chìm, xác trôi ra ngoài sông Chảy. Vua cha và bà con thôn bản thương tình ba cô công chúa, nhất loạt nhảy xuống sông cứu vớt, đưa xác ba cô lên chôn cất tử tế.

Vua thấy vậy, bèn ban ơn cho dân bản cả vùng được làm nương vườn không phải nộp thuế. Từ đó, vùng đất này được gọi tên là Vua Tha, bao gồm ba thôn: Thôn Khuôn Đát, thôn Ngòi Tha, thôn Đồng Tanh. Sau này, dưới thời Pháp cai trị, chúng đổi tên là xã Vô Tha (tức là không tha, vẫn phải nộp thuế). Ngày nay, người ta không còn gọi là xã Vua Tha hay xã Vô Tha nữa mà đổi tên là xã Phúc An. Tuy nhiên, ở vùng này vẫn còn các địa danh gọi ghép, trong đó có từ "Tha". Ví dụ: hai thôn Ngòi Tha và Đồng Tanh ngày xưa được ghép thành "Đồng Tha", có hợp tác xã Đồng Tha. Nơi có đền thờ ông Đồ, ba cô công chúa và trâu bạc thuộc thôn Khuôn Đát. Vực sâu nhất, nơi trâu bạc ở được gọi là "Vực Bạch".

Câu chuyện thứ hai kể về nhân vật ông Đồ:Theo cụ Ma Văn Poóc (sinh năm 1937, người Dao quần trắng, cư trú ở thôn Đồng Tha, xã Phúc An) kể lại thì câu chuyện như sau: Từ xa xưa, trong vùng đất này đã có con suối lớn, chảy từ trên núi Yến xuống, người dân trong vùng gọi là suối Tha. Suối Tha khi chảy qua khu vực thôn Làng Cại thì đột ngột hạ độ cao thành thác nước tuyệt đẹp, trước khi nhập vào sông Chảy. Vùng đất này trước đây là nơi sinh sống của nhóm Dao quần trắng, họ sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Vào khoảng cuối đời nhà Lê, khắp nơi loạn lạc, đã có nhiều người ở vùng xuôi đưa vợ con, gia đình phiêu bạt lên vùng đất này kiếm kế sinh nhai. Mặc dù nghèo đói, dân bản phải vào rừng đào củ mài, củ nâu, lấy măng rừng, chuối rừng để ăn nhưng dân bản vẫn chia sẻ, cùng nhau vượt qua thời kì đói khổ ấy.

Một hôm, có một người trung niên từ nơi xa đến vùng này xin được ở và làm bạn với dân làng. Quê ông ở đâu không ai nhớ, chỉ biết rằng ông đã từng là người học hành đỗ đạt nhưng không ra làm quan, vì ông thấy chốn quan trường làm nhiều điều không được lòng dân, đầy những bất công. Ông chán nản, từ bỏ quê hương, lên rừng hái củi, dạy học cho dân và vùng đất Vô Tha đã trở thành điểm dừng chân của ông. Chính nơi cảnh rừng núi nên thơ, thác nước sâu rộng này đã được ông lựa chọn làm nơi dựng lán và dạy chữ Nho cho con em trong vùng.

Tên chính của ông là gì, không ai biết, chỉ biết nhân dân trong vùng gọi ông là ông Đồ. Thời đấy, lớp học của ông Đồ không có bàn ghế, học trò tiện đâu ngồi đấy, đến lớp cốt là học lấy cái chữ. Lúc đầu, lớp chỉ có ba học trò nhưng tiếng lành đồn xa, thỉnh thoảng lại có cha mẹ dẫn một em bé đến xin thầy Đồ cho học. Lớp học không quá đông, chỉ chừng độ mươi trẻ, lớn nhất không quá 15 tuổi, nhỏ nhất không dưới 7 tuổi. Học sinh được ông Đồ dạy dỗ, ai cũng trở nên thông minh, sáng dạ. Cứ như thế, họ truyền nhau, lớp này qua lớp khác, số lượng học trò của ông ngày càng tăng. Ông Đồ không những giảng giải cho học trò về chữ thánh hiền mà còn truyền dạy về đạo đức, giảng giải về những chân lí sâu xa mà cha ông đã gửi gắm lại cho đời sau.

Cứ vài năm lại kết thúc một lớp, những học trò hầu hết đã đọc thông, viết thạo, hiểu được chữ Nho. Không những thế, những môn sinh trong lớp học của ông đồ cũng được dân làng đánh giá cao về đạo đức và văn hóa ứng xử với cộng đồng. Trong cuộc sống, ông đồ là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị nên mọi người đều rất nể phục, quý mến. Ông trở thành người bạn thân thiết, tri kỉ của các cụ cao niên cũng như bà con dân bản. Thế rồi vào một năm đất trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội, làm chết rất nhiều người trong vùng, bản làng dần trở nên thưa vắng, không khí đau thương, tang tóc bao trùm khắp nơi. Thương cảnh dân tình trong làng bị lâm vào đại nạn, với tấm lòng nhân từ, bác ái, yêu dân, ông đồ đã lập đàn tế trời tại một hòn đá to nhất nằm chính giữa lòng suối, cầu nguyện trời phật phù hộ cho dân làng trở lại bình yên (tảng đá này nay vẫn còn, gọi là đá thề hay đàn trời nằm phía trên vực Bạch, trên mặt còn khắc một bài thơ chữ Hán).

Qua ba ngày cầu khấn, bỗng một đêm trời nổi giông bão, mưa lớn, nước lũ dâng cao, cuốn trôi tất cả lều lán và ông đồ, chỉ riêng đàn đá tế trời là vẫn còn và không di chuyển vị trí. Ít lâu sau, phía dưới chân thác bỗng xuất hiện một tảng đá có hình trái tim rất đẹp. Mọi người cho rằng đó là trái tim của ông Đồ để lại cho dân bản. Sau trận lũ lịch sử ấy, dịch bệnh cũng chấm dứt luôn. Dân làng thấy vậy, cho rằng, lời cầu khấn của ông Đồ đã lên thấu tới trời và ông chết là để thay cho dân làng được sống mà tai qua nạn khỏi. Mọi người cùng nhau góp công, góp của, kẻ ít người nhiều, dựng ngôi đền thờ ông Đồ bên cạnh thác nước, ngày đêm khói hương để tưởng nhớ công lao ông đã dạy dỗ con em mình nên người và chính ông đã hi sinh để cứu sống dân làng. Dân trong vùng đặt tên ngôi đền là Đền Ông Đồ và thác nước cũng gọi luôn là Thác Ông Đồ (người dân địa phương gọi là "Đát Ô Đồ" tức là Đá Ông Đồ).           

Câu chuyện thứ ba: Giải thích việc thờ thần rắn tại đền được cụ Vương Văn Bình (người Cao Lan, cư trú ở thôn Ba Chãng, xã Phúc An) kể lại như sau: Xưa có một người đàn bà Cao Lan mang thai nhưng lại đẻ ra hai quả trứng. Bà cho gà ấp, hai quả trứng nở ra hai con rắn, bà liền thả ra thác nước. Hàng năm, cứ đến ngày thả, bà lại ra thác nước thăm con, nghe thấy tiếng bà, hai con rắn ngóc đầu lên, bơi quanh nơi bà ngồi một lát rồi quay đi. Khi bà chết, bỗng xuất hiện một trận mưa to, lũ lớn, nước dâng lên ngập đến nơi bà ở và cuốn cả bà đi luôn. Dân bản cho rằng, các con bà đã đón bà đi. Từ đó, cũng không ai thấy hai con rắn xuất hiện. Người ta cho rằng, rắn đã hóa thần và được đưa lên thờ tại đền bên thác nước.

Qua ba câu chuyện trên, có thể rút ra một số nhận định sau:

Thứ nhất: Yếu tố nước được đề cập đến trong tất cả các câu chuyện, chứng tỏ tầm quan trọng của nước cũng như nông nghiệp nói chung, hệ thống mương, phai, hình ảnh con trâu và cả những thiên tai bất thường (lũ) đều được nhắc đến. Chứng tỏ đây là vùng cư trú lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Thứ hai: Hình tượng Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với văn minh nông nghiệp đã được "địa phương" hóa trong câu chuyện của người Cao Lan.

Thứ ba: Đây là vùng đất có người từ miền xuôi lên định cư chứ không phải chỉ có cư dân bản địa (có thể từ thời Trần, Lê). Cũng có thể, nhân vật ông Đồ xuất hiện từ những thế kỷ này.

Thứ tư: Người miền xuôi lên đã mang theo văn minh chữ viết đến dân bản và đây là một vùng đất hiếu học.

 - Quá trình ra đời và tồn tại của đền Phúc An:

Có thể khẳng định, đây là một vùng đất có cư dân cư trú lâu đời ven sông Chảy với các dấu tích khảo cổ học cụ thể như: Di chỉ Hang Hùm (xã Tân Lập, huyện Lục Yên, cách xã Phúc An chừng 20 km đường thủy); Di tích khảo cổ học Hắc Y với các dấu tích kiến trúc thời Trần (thế kỉ XIII) ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (cách chừng 26 km).

Đối với Di tích, căn cứ vào những tư liệu thu thập được, những chi tiết trong những câu chuyện truyền miệng, đặc biệt là những di vật thám sát được như những mảnh gạch, ngói vỡ, chân tảng, có thể khẳng định Di tích có niên đại thời Trần - Lê (thế kỉ XIV - XVI). Theo chính sử ghi chép lại thì trong suốt hai thế kỉ XVI - XVII, Đại Đồng trở thành trấn lỵ khi họ Vũ trấn trị Tuyên Quang gần 200 năm (từ 1527 đến 1699). Sử sách không chép rõ niên đại trấn trị của từng chúa Bầu nhưng có thể khẳng định đây là thời kỳ hưng thịnh của vùng đất này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có chép: "Nhờ có tài linh dinh khôn khéo của anh em họ Vũ, xứ Đại Đồng trở thành một miền trù mật". (Đại Đồng ngày nay cách Phúc An chừng 60 km).

Nói về thời kỳ này ở Đại Đồng, sách "Đại Nam nhất thống chí" đã ghi nhận: "Phố Đại Đồng người đông hàng nhiều, buôn bán tấp nập, gạo trắng nước trong, cũng là nơi đô hội". Như thế, diện mạo của vùng này được vẽ lên khá phồn thịnh, nhiều thành lũy, chợ búa, đình, đền, chùa lần lượt ra đời như: Chợ Ngọc, chợ Ngà, Thác Bà, Thác Ông; Thành Hoàng Loan, thành Việt Tĩnh và đình Nội Thành; Thành Bạch và chùa Vắp ở Đại Đồng (được dựng vào đời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định với một số tuýp hoa văn Lý - Trần); Thành Bến Lăn, chùa Minh Pháp (với tấm bia Cung điền Minh Pháp tự lập bi dựng năm 1619); Chùa Trấu ở xóm Đức Huy, xã Yên Bình; Chùa Lệnh, xã Yên Bình; Đền Gia Quốc Công ở Đại Đồng (Đại đồng Vũ miếu ra đời thế kỉ XVII); Đền Minh Đạt công chúa ở Đạo Ngạn, đền Cao Biền ở sơn phận Vũ Linh; Miếu bà Ỏn và ba Đình thờ Lê gia (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và công thần Lê Lợi); Đình bản Chang, đình làng Cát, đình Úc, đình Lăng ở Điền Loan Hạ, đền Bà Loàn ở xã Khuôn Sơn, đình Cát Tường trên phố Cát Tường... Những cơ sở thờ tự này đã tồn tại qua nhiều thế kỷ với những kiến trúc đồ sộ, đặc trưng trong vùng.

Khi xây dựng nhà máy Thủy điện Thác Bà (năm 1964), các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng cũng phải di dời để tiếp tục thờ tự. Theo thống kê của huyện Yên Bình, thời kỳ này, trên toàn huyện có 30 nhà thờ của đồng bào Thiên Chúa, 15 đền, 17 chùa, 11 miếu thờ phải di dời. (Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Bình - tập II (1954 - 1975), tr.78).

Theo sách "Đền, chùa, đình ở tỉnh Yên Bái" của Hồ Văn Thái (chủ biên) và Nguyễn Liễn, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Yên Bái, xuất bản năm 2005 thì khi xây dựng Thủy điện Thác Bà, "Cán bộ Bảo tồn, Bảo tàng Yên Bái được cấp trên giúp đỡ chính quyền chỉ đạo và Mặt trận Tổ quốc phối hợp đã hướng dẫn nhân dân Yên Bình, Lục Yên dời chuyển trên 100 di tích và đình chùa đền ra khỏi vùng hồ Thủy điện Thác Bà". Trong số những Di tích này, phần nhiều thuộc về các xã ven sông Chảy, huyện Yên Bình.

Qua những phân tích, nhận định trên có thể nhận thấy, vùng đất dọc sông Chảy (trong đó có xã Phúc An ngày nay) là nơi có con người cư trú từ rất sớm, cũng là nơi đã từng phồn thịnh về kinh tế, đậm nét về lịch sử - văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh trong dòng chảy với hệ thống đình, đền, chùa, nhà thờ khá dày đặc và phong phú.

Các tài liệu đều chưa thấy nhắc đến tên các cơ sở thờ tự tại xã Phúc An ngày nay, nhưng những cái tên liên quan ở cấp tổng như Ẩm Phước, Đại Đồng, Đạo Ngạn lại được nhắc đến rất nhiều với hệ thống đình, đền, chùa dày đặc trong khoảng thế kỉ XVI - XVIII (Vô Tha xưa vào cuối đời Lê thuộc tổng Ẩm Phước). Như thế, có thể khẳng định, Phúc An ngày nay là một trong những địa điểm có sự tồn tại của những cơ sở thờ tự như vậy. Đền thờ Mẫu tại thác Ô Đồ có thể đã xuất hiện trong khoảng thời gian này cùng với sự hưng thịnh về kinh tế - văn hóa của cả khu vực. Còn việc thờ ông đồ có thể cùng thời gian này hoặc muộn hơn. Nhiều khả năng là muộn hơn và để ghi nhận công lao của ông, người ta đưa ông vào phối thờ cùng Thánh Mẫu tại Đền và lấy tên là Ô Đồ.

Có ý kiến cho rằng, theo một số tài liệu lịch sử viết về vùng đất Yên Bái đầu thế kỷ XX có ghi: Khoảng những năm đầu thế kỷ XX, tuyến đường sắt Hải Phòng - Côn Minh bắt đầu hoạt động, dân cư bắt đầu có những thay đổi lớn về cơ cấu và phân bố, các phương tiện tàu bè hoạt động xuôi ngược. Ở đâu cũng đã nảy sinh các tầng lớp khác nhau, bao gồm nhà buôn, nhà công nghệ, công nhân, thợ thủ công...và không ít các nhà buôn mang sản vật, hàng hóa dưới xuôi lên trao đổi, mua bán. Cùng vào khoảng thời gian này, nhiều nho sĩ nhất là các thầy đồ, thầy khóa quê Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phú Thọ bị lỡ vận sau khi triều đình bãi bỏ các trường dạy chữ Hán - Nho ở các xứ đã đổ lên Yên Bái mưu sinh, lập làng, lập xã. Nhân vật ông Đồ có thể xuất hiện vào thời gian này, sau khi ông sinh sống và chết tại đây, người ta đã đưa ông lên Đền để thờ tự.

Cũng có ý kiến cho rằng, sự ra đời của đền Ô Đồ chắc chắn phải gắn với nhân vật ông đ, tức là có ông đồ mới có Di tích, Di tích sẽ ra đời muộn hơn. Thờ Mẫu là tín ngưỡng đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống cư dân Việt, Mẫu gắn với Mẹ, gắn với cư dân nông nghiệp lúa nước ở vùng đất này từ những thế kỉ XIII - XVII, chắc chắn có sự tồn tại của cư dân Việt từ vùng đồng bằng và trung du lên cư trú và họ sẽ mang theo tín ngưỡng này và  gây dựng cơ sở thờ tự tại đây. Những kiến giải này góp phần khẳng định sự xuất hiện dày đặc của những cơ sở thờ tự trong vùng ven hồ Thác Bà (trong đó có xã Phúc An ngày nay).

Theo như mô tả của các cụ cao niên trong vùng thì đền và chùa Ô Đồ được nhận diện như sau: Di tích được dựng với hai ngôi nhà bằng gỗ, vách nứa, lợp cọ, nền đất. Một ngôi nhà có một gian thờ Phật (có một tượng và bát hương), gọi là Chùa. Một ngôi nhà có ba gian thờ Mẫu, thần sông, thần núi và thờ ông đồ, gọi là Đền. Trong ba gian ở Đền này thì gian giữa thờ Mẫu (ba nàng công chúa áo đỏ, áo xanh, áo trắng, có tranh vẽ ba mẫu và nón quai thao, bát hương), bên tả thờ ông Đồ, bên hữu thờ thần thánh (có một ngai gỗ, bát hương), gian thờ thần này có thần núi Cao Biền, núi Yến, thần sông Chảy, thần suối (suối Yến, Khú Lực), thần đèo Nu. Trải qua thời gian, thiên tai và những thăng trầm của lịch sử thì chùa và đền hiện đã không còn nữa.

- Quá trình ra đời và tồn tại chùa Thác Ô Đồ:

Chùa Thác Ô Đồ là nơi thờ Phật, là địa chỉ để các Phật tử trong vùng đến chiêm bái, cầu bình an. Thời gian ra đời của chùa Ô Đồ cũng được xác định cùng thời điểm với đền Ô Đồ. Thời nhà Trần, Phật giáo có sự phát triển mạnh mẽ (Phật giáo được coi là Quốc giáo), trong vùng đã ghi nhận những trung tâm Phật giáo lớn như Hắc Y - Đại Cại, chùa Hang São, chùa Trấu, chùa Lệnh, chùa Vắp được hình thành và phát triển trong thời kỳ Trần - Lê.

Thời gian tồn tại và bị phá hủy của chùa Thác Ô Đồ cũng chưa thấy tài liệu nào nhắc đến. Theo kết quả khảo sát thực tế, vào khoảng giữa thế kỷ XX, nơi đây xảy ra một trận lũ lịch sử lớn chưa từng có đã cuốn trôi nhiều ngôi nhà ven suối, trong đó có đền và chùa Thác Ô Đồ. Sau đó, do chiến tranh và đói nghèo, việc nhang khói tại Di tích bị gián đoạn. Theo các cụ cao niên kể lại, trong khoảng những năm 80 - 90 của thế kỷ XX đã nhiều lần dân làng lập lại đền thờ bằng tranh tre nứa lá nhưng với phong trào bài trừ mê tín dị đoan, Di tích đã nhiều lần bị dỡ bỏ. Từ đó đến nay, chưa lần nào dựng lại ngôi đền, chùa mà dân làng chỉ thờ cúng tại gốc cây cổ thụ bên thác (phía trên vực Bạch). Nơi đây thờ cả ba cô công chúa, ông Đồ và thờ Phật.

- Thác Ô Đồ:

Về sự ra đời và tồn tại của Thác Ô Đồ, chúng tôi cho rằng, thác đã xuất hiện từ rất lâu trong quá trình vận động tạo sơn của cả khu vực nhưng cái tên "Ô Đồ" xuất hiện muộn hơn, gắn với nhân vật ông Đồ. Thác Ô Đồ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong vùng. Trên thác còn một tảng đá, trên đó có khắc bài thơ chữ Hán (được cho là của ông Đồ) và rất nhiều tảng đá to, được tạo hình khá độc đáo. Trải qua thời gian, sự tồn tại của Thác Ô Đồ gần như vẫn còn nguyên trạng, nơi này là danh thắng gắn với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trong vùng.

6. Các nhân vật được thờ tự:

Di tích quần thể đền - chùa Thác Ô Đồ là nơi thờ ba cô công chúa theo câu chuyện dân gian trong vùng (Tam tòa Thánh Mẫu: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn, Đệ Tam Thoải Phủ). Nhân vật ông đồ là người có công dạy chữ và cứu sống dân làng tai qua nạn khỏi được phối thờ tại đền. Ngoài ra, đền còn thờ các vị thần sông, thần suối, thần núi, thần cây cổ thụ, thần rắn,… theo quan niệm tín ngưỡng dân gian của cộng đồng các dân tộc trong vùng.

7. Các hiện vật trong di tích: Do đền - chùa Ô Đồ đã bị sụp đổ từ lâu nên hiện chỉ còn dấu tích tảng đá lớn khắc chữ Nho (trong vùng gọi là đàn trời hay đá thề).

8. Phong tục lễ hội:

 -  Đền Thác Ô Đồ: Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, tại đền Ô Đồ xưa cứ vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, Đền tổ chức lễ hội đền Thác Ô Đồ. Lễ vật gồm các sản vật của địa phương như gà luộc, bánh chưng, bánh dày, xôi, hương, hoa, quả... Trong dịp này, mỗi làng góp một con lợn để làm lễ dâng lên Thánh Mẫu cùng Ô Đồ. Sau khi cúng lễ xong, tất cả dân làng cùng nhau thụ hưởng lễ vật. Trong ngày này, làng tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, chọi gà...

Đặc biệt, khi con cháu tham gia các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng thì đây là địa chỉ tin cậy để con em các dân tộc trong vùng tìm về, thắp một nén nhang thơm, bày tỏ lòng thành kính và cầu mong ông đồ phù hộ cho một chuyến đi bình an, một kỳ thi thành công, đỗ đạt. Không cần biết kết quả thế nào, khi trở về, họ đều mang lễ vật đến tạ ơn ông đồ với lòng thành kính và sự trân trọng nhất. Như thế, mặc dù cơ sở thờ tự chưa có nhưng sự tưởng nhớ của nhân dân tới ông đồ chưa khi nào gián đoạn.

Hàng năm, vào dịp tháng Giêng, tháng Hai, dân làng còn đến cúng viếng trước ngọn thác Ô Đồ, miệng thầm gọi tên ông đồ gắn với thác nước linh thiêng "Ô Đồ Đát thượng, Ô Đồ Đát hạ" và tưởng nhớ, thương tiếc bà áo đỏ, bà áo xanh, bà áo vàng (tượng trưng cho ba cô công chúa).

Lịch sử đất nước trải qua nhiều thăng trầm, biến động, mà chủ yếu là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền thờ ông đồ bị tàn phá và việc nhang khói tại đây cũng bị lãng quên, nhưng đối với người dân trong vùng, ông đồ mãi là linh hồn bất tử. Trong những ngày lễ tết, trên bàn thờ các gia đình vẫn đọc bài khấn ông Đồ (gọi là hồn ma Đát) để cầu mong cho nhà nhà, bản làng bình yên và con cháu học hành đỗ đạt.

- Chùa Thác Ô Đồ: Tại chùa Thác Ô Đồ, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng diễn ra vào các ngày rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, rằm tháng Bảy và các ngày lễ khác của đạo Phật. Lễ dâng lên Phật trong những ngày này là lễ chay, gồm có cơm xôi, oản, chè lam, hương, hoa tươi, quả, …

Tại Di tích, ngoài các lễ chính theo định kỳ, hàng tháng vào những ngày mùng một, ngày rằm, dân bản đều có lễ dâng lên chùa. Trong bản, trong vùng, gia đình ai có việc gì đều lên chùa cầu xin Phật, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, bình an.

Di tích đền, chùa Thác Ô Đồ mang trong mình những giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất. Chùa là nơi chứng kiến những sinh hoạt, thuần phong mỹ tục và mọi đổi thay cuộc sống của người dân và là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, tâm linh rất cần cho cuộc sống với ý nghĩa về sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Việc phục dựng lại đền, chùa Ô Đồ là điều vô cùng cần thiết và có ý nghĩa tối quan trọng đối với đời sống, tâm linh của nhân dân địa phương. Năm 2016, Ủy ban nhân dân xã Phúc An cùng với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đã đo đạc, khoanh vùng bảo vệ di tích là 2.171,5m2.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

7908 lượt xem Ban Biên tập

Từ khóa » Sự Tích đát ô đồ