Di Tích Lịch Sử Địa điểm Chiến Thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút gắn liền với chiến công hiển hách của dân tộc ta chống quân Xiêm (1785), diễn ra trên đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút là bằng chứng khẳng định cho tài thao lược của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và sức mạnh của phong trào Tây Sơn - phong trào nông dân đảm nhận sứ mạng bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.

Nửa sau thế kỷ XVIII, trong bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Năm 1771, phong trào Tây Sơn (ấp Tây Sơn - miền Tây phủ Quy Nhơn cũ) xuất hiện, phát triển mạnh mẽ, trở thành cuộc cách mạng nông dân có quy mô rộng lớn. Trong bước đường cùng, chúa Nguyễn đã phải cầu cứu ngoại hòng cứu vãn tình thế. Nhân thời cơ này, vua Xiêm (Thái Lan) Chakki I cử 5 vạn quân, gồm 3 vạn bộ binh và 2 vạn thủy binh sang xâm lược nước ta.

Đêm ngày 19 rạng sáng ngày 20/01/1785, từ Trà Tân - cách Rạch Gầm khoảng 15km về phía thượng nguồn, quân Xiêm dưới sự chỉ huy của Chiêu Tăng với 300 chiến thuyền, xuôi dòng tấn công vào Mỹ Tho. Vừa qua khỏi Rạch Gầm, toàn bộ chiến thuyền Xiêm bị lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ trực tiếp đốc chiến… Mọi cố gắng chống cự của giặc đều bị đập tan, các chiến thuyền bị đánh chìm hoặc bốc cháy. Kết quả, gần 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn bị tiêu diệt, hơn 300 chiến thuyền Xiêm bị nhấn chìm, tàn quân giặc phải liều chết mở đường máu mới thoát được thân, chạy bộ qua Chân Lạp.

Di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút hiện nay là các công trình được xây dựng trên địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử năm xưa, gồm các hạng mục: cổng, tường rào, tượng đài (phòng trưng bày số 1), phòng trưng bày số 2 và nhà cổ Nam bộ (phòng trưng bày số 3).

Cổng: rộng 4,1m, cao 6,61m, trên trụ cổng và tường rào bao bọc chung quanh di tích được làm theo dạng hình thuyền bên trên và bên dưới song sắt trang trí hình sóng nước.

Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút: bằng đồng, nặng 20 tấn cao 8m, đứng trên bệ tượng bê tông cao 10m, thể hiện 3 nhân vật gồm: Nguyễn Huệ với tư thế tay đang tuốt gươm, mặt nhìn thẳng ra sông Tiền (nơi xảy ra trận đánh); 02 tượng khác ở phía dưới, được tạc hình dạng ngồi, gồm 01 tượng người đang chèo thuyền (biểu trưng cho người dân Định Tường đang chèo thuyền) và 01 tượng người đang gương cung bắn (tượng trưng cho nghĩa quân Tây Sơn).

Phòng trưng bày số 1: nằm ngay phía dưới tượng đồng, xây dựng theo hình thuyền chiến, có diện tích 135m2. Mặt tường ngoài trang trí dãy phù điêu bằng đồng có chiều rộng 0,8m, nặng 6 tấn, với hoa văn, họa tiết chim lạc, hình người cầm khiên chiến đấu (được lấy nguyên mẫu từ Trống đồng Đông Sơn)... Trong phòng trưng bày các hiện vật, vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn và quân Xiêm. Đa số hiện vật trưng bày ở đây được tìm thấy dưới lòng sông nơi xảy ra trận đánh. Ngay giữa phòng, trưng bày một mỏ neo bằng gỗ sao, cao 3,39m, nặng hơn 200kg, có niên đại cách ngày nay khoảng 200 năm (được giám định bằng phương pháp C14) được nhân dân phát hiện năm 1990, trên sông Tiền đoạn gần doanh trại quân Xiêm đóng đại bản doanh (nay là khu vực vàm Trà Tân, huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang). Trên hai vách tường đầu hồi, trang trí 2 bức phù điêu các loại cây trái và chim muông ở địa phương, vách tường hai bên trang trí 2 bức tranh ghép gốm, nội dung tranh miêu tả quá trình khẩn hoang, lập ấp của cư dân Việt thế kỷ 17 vùng Định Tường xưa (nay là Tiền Giang) - trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút và khúc khải hoàn.

Phòng trưng bày số 2: tổng diện tích 132m2, diện tích trưng bày 93,5m2. Nội dung trưng bày diễn biến trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút.

Từ cửa phòng trưng bày số 2, đi 20m về phía sông Tiền là cầu tàu của khu di tích, là nơi đón khách tham quan du lịch đường thủy và cũng là nơi du khách ngắm sông Tiền - nơi xảy ra trận thủy chiến năm xưa, để tưởng nhớ về một chiến công lẫy lừng, oanh liệt.

Nhà cổ Nam bộ (phòng trưng bày số 3): nằm cách tượng đài 10m về phía trái (hướng Đông). Đây là ngôi nhà cổ 03 gian, xây dựng từ năm 1927, tái hiện hình ảnh ngôi nhà vườn cổ Nam Bộ. Trong nhà cổ có trưng bày một số hiện vật liên quan đến chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút lấy mốc thời gian là ngày 20/01/1785 để làm lễ kỷ niệm. Vào các năm chẵn, lễ hội được tỉnh Tiền Giang tổ chức với quy mô lớn, các năm khác do huyện Châu Thành tổ chức. Lễ hội diễn ra tại di tích bao gồm: mít tinh, biểu diễn văn nghệ, xiếc, bóng chuyền, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, bơi bắt vịt, bịt mắt đập nồi; các cuộc thi nấu bánh tét, nấu xôi, nấu cơm trong lúc hành quân… Trong các hoạt động phát huy giá trị di tích, nổi bật là chương trình “Bước chân thần tốc” do tỉnh Tiền Giang và Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức trong nhiều ngày, từ Rạch Gầm đi các tỉnh lân cận, đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia, được phát sóng trong chương trình của nhiều đài truyền hình, tái hiện hình ảnh hào hùng của đội quân Tây Sơn trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút và chiến trận Ngọc Hồi - Đống Đa, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đến công chúng.

Với những giá trị đặc biệt, Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ./.

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử Rạch Gầm Xoài Mút