Di Tích Lịch Sử Đôi Bờ Hiền Lương - Bến Hải - Cục Di Sản Văn Hóa

Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị.

Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Sau khi Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Trục chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Các thành phần chính của di tích gồm:

1. Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương

- Cầu Hiền Lương: từ cuối năm 1954 đến khi bị bom Mỹ đánh sập (năm 1967), cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” của sự chia cắt Bắc - Nam và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc. Để bảo tồn một chứng tích lịch sử, cầu Hiền Lương đã được phục dựng theo thiết kế chiếc cầu sắt do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu thông là 3,20m. Công trình này được khởi công năm 2001, khánh thành năm 2008.

- Nhà Liên hợp: kiến trúc nhà hiện nay được xây theo nguyên mẫu của Nhà Liên hợp trước đây, kiểu nhà sàn 4 mái, mặt tiền hướng ra quốc lộ 1A. Không gian nội thất chia thành ba phân khu, trong đó, khu chính giữa là bốn gian liên thông. Đây là phòng họp giao ban của Nhà Liên hợp cũ, nội thất của Nhà trưng bày tái hiện lại một cuộc họp giao ban giữa Ủy ban Liên hợp hai miền Bắc - Nam có sự giám sát của Tổ Quốc tế 76.

- Cột cờ Hiền Lương (Kỳ đài Hiền Lương): gồm phần đài và cột cờ. Phần đài là tổng thể khối kiến trúc được xây cao hơn so với mặt bằng của di tích. Cột cờ có tổng chiều cao 28,00m, được làm bằng 6 đoạn thép ống, liên kết với nhau. Trên thân cột cờ (từ chân đến đỉnh cột) có gắn các thanh thép, hình chữ nhật để làm thang. Khi treo cờ, người treo còn dùng hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời.

- Hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc: gồm hai giàn loa (1 giàn ở phía Đông, 1 giàn ở phía Tây) được dựng sát mép sông ở bờ Bắc, cách chân cầu chừng 30m. Mặt giàn loa được tạo dựng bởi 3 trụ bê tông, với kết cấu dạng chân kiềng. Trên thân 3 trụ bê tông lắp đặt một giàn loa phóng thanh gồm 33 chiếc, trong đó, 27 chiếc hướng sang bờ Nam, 2 chiến hướng về bờ Bắc, 4 chiếc hướng về phía Đông.

- Đồn Công an Hiền Lương: nằm sắt mố cầu bờ Bắc, về phía Đông quốc lộ 1A, được phục dựng theo nguyên mẫu Đồn Công an Hiền Lương những năm 1955 - 1967, gồm hệ thống trụ, tường chịu lực và hệ mái, hợp thành ngôi nhà 3 gian, hai chái, cửa chính quay về hướng Tây. Ở bờ nóc mặt Nam có gắn phù hiệu của Bộ đội Biên phòng (bằng xi măng).

- Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”: được xây dựng ở bờ Nam, gồm gian khánh tiết (có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức phù điêu phía sau) và gian trưng bày (gồm 4 chủ đề: Hiệp định Giơ Ne Vơ và giới tuyến quân sự tạm thời; Tinh thần không khuất phục của người dân Vĩnh Linh và cuộc chiến đấu bảo vệ địa đầu giới tuyến; Nhân dân vùng Nam vĩ tuyến 17 với cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước; Vĩ tuyến 17 sau giải phóng Quảng Trị năm 1972). Nhà trưng bày đang lưu giữ 53 tài liệu, hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Đồn, Trạm Cảnh sát bờ Nam: sau chiến tranh, hệ thống đồn, trạm, giàn loa phóng thanh ở bờ Nam sông Bến Hải bị tháo bỏ. Trong Dự án trùng tu, tôn tạo di tích Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương năm 2005, ở bờ Nam, một số hạng mục được quy hoạch tôn tạo, như khuôn viên, sân lễ hội, hồ nước, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, nhà đón tiếp, nhà trực, nhằm phục vụ việc đón khách tham quan, phát huy giá trị di tích.

- Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”: Tượng đài nằm ở bờ Nam sông Bến Hải, phía Đông quốc lộ 1A, có diện tích 2.700m2, gồm hai phần: phần bệ đài, với mặt cạnh là mảng phù điêu, được ghép từ nhiều khối đá, có kích cỡ khác nhau; phần tượng đài là hình tượng bà mẹ miền Nam (cao 7,70m) và người con trai (cao 5,50m), được tạo trên chất liệu đá xanh Thanh Hóa. Tượng đài thể hiện một niềm tin son sắt của đồng bào miền Nam vào một ngày mai chiến thắng, thống nhất nước nhà.

2. Đồn Công an Cửa Tùng

Hiện nay, địa điểm Đồn Công an Cửa Tùng thuộc doanh trại Đồn Biên phòng 204. Ngoài chức năng dùng để làm việc, lưu trú, công trình còn phục vụ cho mục đích an ninh quốc gia. Tầng dưới của khu nhà hai tầng được dành một phần để làm Nhà truyền thống của Đồn, trưng bày 92 ảnh tư liệu, 60 hiện vật liên quan trực tiếp đến lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng, các đồn, trạm dọc theo bờ Bắc sông Bến Hải và Đồn Biên phòng 204 từ năm 1954.

3. Các bến đò trên sông Hiền Lương - Bến Hải

- Bến đò Cửa Tùng (Bến đò A): nằm trong khuôn viên diện tích 187,6m2, có hệ thống tường rào bao quanh. Bia đài tưởng niệm di tích gồm hai phần: bệ đài và tổ hợp hình tượng kiến trúc nghệ thuật, thể hiện nổi bật hình tượng những con thuyền vượt qua sóng gió để chuyên chở cán bộ, bộ đội qua sông và khát vọng về ngày vui thống nhất đất nước.

- Bến đò Tùng Luật (Bến đò B): trước đây, bến đò này kéo dài trên một đoạn sông chừng 150m ở bờ Bắc sông Hiền Lương, thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang. Đài di tích gồm: bệ đài và tổ hợp mang tính nghệ thuật biểu trưng, với hình tượng những con thuyền đang lao về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy, bom đạn của kẻ thù, đêm đêm đưa hàng hóa, bộ đội vào chiến trường đánh Mỹ.

- Bến đò Lũy (Bến đò C): bến thuộc thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang. Sau chiến tranh, bến đò này không còn được sử dụng nữa.

- Bến đò Thượng Đông và Dục Đức: Bến đò Thượng Đông thuộc thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn. Bến đò Dục Đức thuộc thôn Dục Đức, xã Vĩnh Sơn.

Ngoài việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, Lễ hội thống nhất non sông được định kỳ tổ chức tại di tích vào ngày 30 tháng 4 hằng năm (năm thường do địa phương tổ chức, năm chẵn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức). Đây là một lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Quảng Trị, có nội dung phù hợp, hình thức sáng tạo, đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn và có nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức về chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không chỉ hôm nay mà còn mãi với các thế hệ mai sau.

Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013)./.

Nguyễn Khắc Đoài (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Thuyết Minh Du Lịch Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải