Di Tích ở Ninh Bình – Wikipedia Tiếng Việt

Chùa Nhất Trụ ở Cố đô Hoa Lư
Điện Tam Thế ở Chùa Bái Đính
Chùa Địch Lộng ở Gia Viễn
Khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình
Nhà thờ chính tòa Phát Diệm

Ninh Bình là một vùng đất cổ nằm ở vị trí cửa ngõ cực nam của tam giác châu thổ sông Hồng và miền Bắc. Vùng đất này còn nhiều dấu tích liên quan trực tiếp đến các nền minh cổ ở Việt Nam như văn hóa Tràng An, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn. Nơi đây có cố đô Hoa Lư từng là kinh đô của ba Triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý. Địa bàn hiểm trở ở vùng núi Ninh Bình là căn cứ quân sự của các Triều đại nhà Trần và Tây Sơn. Trong kháng chiến chống ngoại xâm nơi đây có phòng tuyến Tam Điệp, chiến khu Quỳnh Lưu, hành cung Vũ Lâm và là địa bàn trọng yếu của chiến dịch Hà Nam Ninh lịch sử. Những đặc điểm về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và con người đã tạo cho vùng đất Ninh Bình một hệ thống các di tích phong phú và đa dạng góp phần phát triển ngành du lịch Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm rất nhiều di tích với những giá trị nổi bật về thiên nhiên và văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới hỗn hợp.

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đến năm 2020, Ninh Bình có 1.821 di tích[1], trong đó 447 đền, 343 ngôi chùa, 263 đình, 98 miếu, 51 phủ, 165 nhà thờ công giáo, 255 nhà thờ họ. Trong số đó khoảng 1000 di tích thuộc loại di tích hỗn hợp giữa thắng cảnh, khảo cổ, cách mạng, lịch sử và kiến trúc.[2], Có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng là khu du lịch sinh thái Tràng An-Tam Cốc - Bích Động; Cố đô Hoa Lư và Núi Non Nước. Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới.

Ngoài các kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, các di tích ở Ninh Bình nổi bật lên với tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thánh, thờ Thần và chiếm số lượng lớn di tích liên quan đến hai Triều đại nhà Đinh - Tiền Lê.

  • Tín ngưỡng thờ Vua: Các di tích ở Ninh Bình nổi bật với việc thờ các vị Vua mà đứng đầu là Vua Đinh Tiên Hoàng với ít nhất 27 nơi thờ và hàng trăm di tích liên quan tập trung ở các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn thường nằm ở phía bắc tỉnh (xem bài Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ninh Bình). Vị Vua thứ hai là Vua Lê Đại Hành với 15 di tích thờ vài chục di tích liên quan nằm ở các huyện Hoa Lư, Thành phố Ninh Bình, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn thuộc nửa phía nam tỉnh. Riêng khu vực Tam Điệp thì nổi trội với hệ thống di tích trong phòng tuyến Tam Điệp liên quan hoàng đế Quang Trung. Một vị Vua khác cũng được rất nhiều nơi ở 3 huyện ven biển lập đền thờ là Triệu Việt Vương gắn với tín ngưỡng của người dân lấn biển nơi Vua tự vẫn. Các vua khác như Phùng Hưng, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, cũng được nhiều nơi thờ.
  • Tín ngưỡng thờ Thánh: rất nhiều di tích thờ Đức thánh Nguyễn Minh Không với hơn 40 đền thờ và nhiều chùa phối thờ, Đức Thánh Trần với 12 nơi thờ chính và 30 nơi phối thờ. Các di tích khác thờ các vị tổ nghề.
  • Tín ngưỡng thờ Thần: chủ yếu là các vị thần ở Hoa Lư tứ trấn như thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn và thần Quý Minh.
  • Tín ngưỡng thờ Mẫu: Ninh Bình có những di tích quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là đền Dâu, đền Quán Cháo, phủ Đồi Ngang, đền Cô Đôi, phủ Châu Sơn... Rất nhiều chùa ở Ninh Bình có cấu trúc theo kiểu "tiền Phật hậu Mẫu".
  • Các di tích thời Đinh và liên quan đến thời Đinh Lê chiếm áp đảo với số lượng gần 300 di tích, gồm các di tích liên quan đến kinh đô Hoa Lư, các nhân vật lịch sử thời Đinh - Tiền Lê.
Sơ đồ phân bố các di tích thờ Vua ở Ninh Bình

Lịch sử - Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Phía bắc giáp với Hòa Bình, Hà Nam, phía đông giáp Nam Định qua sông Đáy, phía tây giáp Thanh Hóa, phía đông nam giáp biển (vịnh Bắc Bộ). Trung tâm tỉnh là thành phố Hoa Lư cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía nam.

Ninh Bình xưa thuộc bộ Quân Ninh, nước Văn Lang. Qua thời thuộc Hán, Lương, vùng đất này thuộc Giao Chỉ, thời thuộc Đường, bắt đầu hình thành Trường Châu. Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế đóng đô tại Hoa Lư và đổi tên gọi Trường Châu thành Trường An. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, Ninh Bình nằm trong phủ Trường An, sau đổi là châu Đại Hoàng vào cuối thế kỷ 12. Đời nhà Trần đổi thành lộ, rồi lại đổi thành trấn Thiên Quan. Đời Lê Thái Tông, Ninh Bình sáp nhập vào Thanh Hóa; đời vua Lê Thánh Tông trở thành thủ phủ trấn trấn Sơn Nam xong rồi lại thuộc về Thanh Hóa cho tới đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Thời nhà Nguyễn, địa bàn Ninh Bình là 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan.

Năm 1831, Ninh Bình trở thành một trong số 13 tỉnh ở Bắc Kỳ với 6 huyện Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Gia Khánh, Gia Viễn và Yên Mô, thuộc Liên khu 3. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 12 tháng 8 năm 1991[3].

Ở vị trí điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, Ninh Bình bao gồm cả ba loại địa hình. Vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía tây bắc có đỉnh Mây Bạc với độ cao 648 m là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình.[4] Vùng đồng bằng ven biển ở phía đông nam thuộc 2 huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Xen giữa 2 vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Rừng ở Ninh Bình có đủ cả rừng sản xuất và rừng đặc dụng các loại. Có 4 khu rừng đặc dụng gồm rừng Cúc Phương, rừng môi trường Vân Long, rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư và rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn. Ninh Bình có bờ biển dài 18 km. Bờ biển Ninh Bình hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100m. Vùng ven biển và biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện 2 đảo thuộc Ninh Bình là đảo Cồn Nổi và Cồn Mờ.

Văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đặc điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa Ninh Bình tương đối năng động, mang đặc trưng khác biệt trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở núi Ba (Tam Điệp) thuộc nền văn hóa Tràng An sơ kỳ đồ đá cũ; động Người Xưa (Cúc Phương) và một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng. Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu.

Vùng đất Ninh Bình là kinh đô Hoa Lư của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba Triều đại Đinh - Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, con sông. Đây còn là vùng đất chiến lược để bảo vệ Thăng Long của Triều đại Tây Sơn với phòng tuyến Tam Điệp, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông với hành cung Vũ Lâm, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần với đế đô ở Yên Mô...

Thế kỷ XVI - XVII, đạo Thiên Chúa được truyền vào Ninh Bình, dần dần hình thành trung tâm Thiên chúa giáo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm đặt tại Kim Sơn với 60% tổng số giáo dân toàn tỉnh.[5] Bên cạnh văn hoá của cư dân Việt cổ, Ninh Bình còn có "văn hoá mới" của cư dân ven biển. Dấu ấn về biển tiến còn in đậm trên đất Ninh Bình. Những địa danh cửa biển như: Phúc Thành, Đại An, Con Mèo Yên Mô, cửa Càn, cửa biển Thần Phù cùng với các con đê lịch sử như đê Hồng Đức, đê Hồng Lĩnh, đê Đường Quan, đê Hồng Ân, đê Hoành Trực, đê Văn Hải, đê Bình Minh I, đê Bình Minh II... Cho đến nay vùng đất Ninh Bình vẫn tiến ra biển mỗi năm gần 100 m. Ninh Bình là một tỉnh mở rộng không gian văn hoá Việt xuống biển Đông, đón nhận các luồng dân cư, các yếu tố văn hoá từ Bắc vào Nam, từ biển vào. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng nổi bật như nghề đánh bắt cá biển, nuôi tôm sú, tôm rảo, nuôi cua... Nếp sống của cư dân lấn biển mang tính chất động trong vùng văn hoá môi trường đất mở.

Danh thắng

[sửa | sửa mã nguồn]

Dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc, Bích Động, động Vân Trình, động Tiên, động Thiên Hà, Tràng An, động Mã Tiên... Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động". Ở phía nam thành phố Hoa Lư có một quả núi giống hình một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách khi qua vùng sơn thanh thủy tú này. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn như Trương Hán Siêu, Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Xuân Quỳnh về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca. Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.

Danh nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Vùng đất Ninh Bình còn là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Trương Hán Siêu, Lý Quốc Sư, Vũ Duy Thanh, Lương Văn Tụy, Ninh Tốn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền...

Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Ninh Bình gắn liền với tín ngưỡng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần thông qua các đền thờ Vua (đặc biệt là các Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Quang Trung và Triệu Quang Phục với số lượng vài chục đền thờ mỗi vị); thờ Thánh (Nguyễn Minh Không và các tổ nghề); thờ Thần (phổ biến là các vị thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn và thần Quý Minh trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn).

Một số di tích tiêu biểu

[sửa | sửa mã nguồn]

Di tích lịch sử văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng với 47 di tích trong đó nổi bật là: Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, lăng mộ Vua Đinh, đền thờ và lăng mộ Vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ, đền thờ Công chúa Phất Kim, đền thờ thần Quý Minh, phủ Khống, phủ Đột, động Hoa Lư, núi Mã Yên, bia Câu Dền, sông Sào Khê, phủ Đông Vương, phủ Vườn Thiên, hệ thống chùa cổ Hoa Lư...
  • Khu di tích lịch sử phòng tuyến Tam Điệp gắn liền với Triều đại Tây Sơn có các địa danh đèo Ba Dội, Kẽm Đó, lũy Quang Trung, núi Cắm Gươm, núi Cắm Cờ, núi Chong Đèn, núi Hầu Vua, Vương Ngự, đền Dâu, đền Quán Cháo, luỹ Quèn Thờ, đền Quèn Thờ, động Trà Tu, hồ Yên Thắng, hồ Mừng, hồ Đoòng Đèn.
  • Hệ thống các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư nằm ở phía bắc tỉnh, gắn với các giai thoại tuổi thơ và sự nghiệp lên ngôi, lập đô kinh đô Hoa Lư của Vua.
  • Hệ thống các đền thờ Vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư, Yên Mô, Kim Sơn phía nam tỉnh, gắn với sự kiện lập đô và những dòng sông nơi Vua đánh giặc đi qua.
  • Hệ thống các đền thờ Vua Triệu Quang Phục ở Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô gắn với sự kiện Vua tự vẫn ở cửa biển những vẫn hiển linh giúp đỡ nhân dân.
  • Hệ thống các đền thờ danh nhân khác: Nguyễn Công Trứ, đền Thái Vi, cửa Thần Phù, v.v.
  • Di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước với đền thờ Trương Hán Siêu, chùa Non Nước, núi Non Nước là tổ hợp di tích lịch sử và thắng cảnh tiêu biểu của thành phố Hoa Lư.
  • Di tích lịch sử cách mạng: Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, di tích chiến dịch Hà Nam Ninh, hành cung Vũ Lâm.v.v.

Di tích kiến trúc nghệ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đền Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền Vua Lê Đại Hành là những công trình kiến trúc nổi tiếng với nghệ thuật trạm khắc đá.
  • Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính mới với 5 toà lớn hội tụ nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam dọc theo sườn núi.
  • Quần thể nhà thờ Phát Diệm với 9 nhà thờ có kiến trúc độc đáo kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại được ví như kinh đô công giáo của Việt Nam, là kỳ quan thiên chúa giáo hấp dẫn ở Ninh Bình.
  • Di tích tâm linh nho giáo: chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, chùa Đồng Đắc, chùa Địch Lộng, chùa Bàn Long, chùa Bái Đính, chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh, chùa Non Nước v.v.
  • Quần thể kiến trúc nhà cổ Cố Viên Lầu với nhiều ngôi nhà cổ đặc trưng ở đồng bằng Bắc Bộ.

Di tích thắng cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động với nhiều tuyến du thuyền trên sông và các điểm hang động, di tích lịch sử như Tam Cốc, chùa Bích Động, đền Thái Vi, động Thiên Hà...
  • Khu du lịch sinh thái Tràng An với hệ thống rừng đặc dụng trên núi đá vôi, các hang động và hệ thống hồ, đầm.
  • Các ngọn núi, hang động đẹp: núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước, núi Kỳ Lân, động Địch Lộng, động Vân Trình, động Thiên Hà, động Nham Hao, động Thiên Thanh, động Mã Tiên, động Bích Động, động Tam Giao, động Vái Giời, động Tiên Cá, động Trà Tu, động Thiên Tôn, động Tiên, hang Sinh Dược, hang Múa...

Các di tích khảo cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình là địa bàn có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút và Đông Sơn:

  • Di chỉ núi Ba (Bắc Sơn - Tam Điệp) là nơi xuất lộ những khối trầm tích cổ sinh cách đây khoảng 30.000 năm thuộc nền văn hóa Tràng An cùng một số hang động có dấu ấn của cư dân văn hóa Hòa Bình cách ngày nay trên dưới 10.000 năm.
  • Di chỉ Thung Lang (Nam Sơn - Tam Điệp) tại đây đã tìm thấy răng người Homo Erectus cách đây khoảng 30.000 năm thuộc nền văn hóa Tràng An cùng một số dấu ấn cho thấy có sự xuất hiện của cư dân văn hóa Hòa Bình cách đây trên dưới 10.000 năm.
  • Di chỉ hang Đắng hay còn gọi là động Người Xưa thuộc vườn quốc gia Cúc Phương nơi đây là một di chỉ cư trú thuộc giai đoạn văn hóa Hòa Bình cách đây từ 7.000 đến 8.000 năm.
  • Di chỉ hang Đáo (Đông Sơn - Tam Điệp) nơi đây có tìm thấy những công cụ đồ đá của cư dân văn hóa Hòa Bình.
  • Di chỉ hang Yên Ngựa (Trung Sơn - Tam Điệp) xuất lộ dấu ấn cư dân văn hóa Hòa Bình.
  • Di chỉ động Mã Tiên xuất lộ tầng vỏ nhuyễn thể cùng công cụ cuội thuộc Văn hóa Hòa Bình.
  • Di chỉ hang Bói thuộc khu hang động Tràng An nằm giáp ranh giữa hai xã Trường Yên và Gia Sinh nơi đây có dấu ấn của cư dân cổ văn hóa Tràng An sống cách đây từ 5.000 năm đến 30.000 năm.
  • Di chỉ hang Bụt, động Nham Hao (Lạc Vân - Nho Quan) là địa điểm cư trú của con người cổ sống cách đây từ 2.000 đến 10.000 năm.
  • Di chỉ hang Dẹ (Nam Sơn - Tam Điệp) có dấu ấn của cư dân văn hóa Hòa Bình ở giai đoạn sớm trên 10.000 năm.
  • Di chỉ núi hang Sáo (Quang Sơn - Tam Điệp) với nhiều hang động và mái đá có dấu ấn của cư dân văn hóa Hòa Bình và cư dân văn hóa Đa Bút sống cách ngày nay từ 5.000 đến 10.000 năm.
  • Di chỉ Mái đá Thung Bình (Gia Sinh - Gia Viễn) xuất lộ dấu tích cư dân văn hóa Hòa Bình.
  • Cụm di chỉ hang Ốc; Núi Ốp (Yên Sơn - Tam Điệp) xuất lộ dấu ấn cư dân văn hóa Đa Bút và cư dân văn hóa Đông Sơn.
  • Cụm di chỉ hang Mo; hang Cò; hang Trâu; hang Hũ Ngoài; hang Hũ Trong; mái đá Thung Bình (hang động Tràng An) có dấu ấn văn hóa Hòa Bình, văn hóa Tràng An và văn hóa Đa Bút.
  • Di chỉ hang Khỉ (Đông Sơn - Tam Điệp) xuất lộ một số mảnh gốm cùng vỏ nhuyễn thể trên bề mặt nơi đây có dấu ấn văn hóa Đa Bút.
  • Di chỉ Đồng Vườn (Yên Thành - Yên Mô) là một di chỉ thuộc thời đại văn hóa Đa Bút. Đây là di chỉ cư trú ngoài trời ở Ninh Bình.
  • Di tích hang Chợ Ghềnh hay còn gọi là hang Núi Một (Bắc Sơn - Tam Điệp) thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách đây từ 2.000 đến 3.000 năm.
  • Di chỉ núi Hai (Bắc Sơn - Tam Điệp) xuất lộ rất nhiều gốm và xương động vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 3.000 năm.
  • Di chỉ Mán Bạc (Yên Thành - Yên Mô) là một làng của người cổ sống cách đây từ 3.000 đến 4.000 năm thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên. Nơi đây con lưu giữ được nhiều di cốt của tiền nhân còn nguyên vẹn được các nhà nhân chủng học hết sức chú ý.
  • Di chỉ mái đá Hang Chợ (Ninh Hải - Hoa Lư) thuộc quần thể hang động Tràng An có tầng văn hóa Hòa Bình cách đây trên 10.000 năm.

Danh sách di tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Di sản thế giới

[sửa | sửa mã nguồn]

Quần thể danh thắng Tràng An là một địa danh du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận ở Ninh Bình, Việt Nam. Nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu du lịch này là khu rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi và hệ thống sông, hồ, đầm với diện tích khoảng 12.000 ha.

Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Về mặt hành chính, Tràng An nằm trên 9 xã: Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Vân, Ninh Nhất, phường Tân Thành (thành phố Hoa Lư); Gia Sinh (Gia Viễn); Yên Bình, Yên Sơn (Tam Điệp) và Phúc Sơn, (Nho Quan) nhưng Tràng An không bao trùm hoàn toàn lên 1 xã nào.

Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 4.000 ha, là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong quy hoạch khu du lịch Tràng An với diện tích 12.000 ha. Quần thể danh thắng Tràng An nằm gần các Quốc lộ 1, QL38B, QL12B và trong tứ giác nước được giới hạn bởi các sông: sông Hoàng Long ở phía Bắc; sông Chanh ở phía Đông; sông Hệ ở phía Nam và sông Bến Đang ở phía Tây.

Bài chi tiết: Quần thể danh thắng Tràng An

Di tích quốc gia đặc biệt

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình có 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm:

  • Danh lam, thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động: nằm trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc Hoa Lư, Gia Viễn và Thành phố Ninh Bình.
  • Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư: gồm 47 di tích thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
  • Di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh núi Non Nước: gồm núi Non Nước, Chùa Non Nước và đền Trương Hán Siêu

Di tích cấp quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới đây là danh sách các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, bao gồm cả các di tích thuộc Quần thể di sản thế giới Tràng An:

TT Di tích Địa điểm Giá trị nổi bật
1 Đền Vua Đinh Tiên Hoàng Trường Yên - Hoa Lư Đền Vua Đinh là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa.
2 Đền Vua Lê Đại Hành Trường Yên - Hoa Lư Đền Vua Lê là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa.
3 Đền Thái Vi Ninh Hải - Hoa Lư Thờ các vua đầu nhà Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên đã lập ra hành cung Vũ Lâm
4 Đền Suối Tiên Ninh Hải - Hoa Lư Thờ thần Quý Minh - vị thổ thần từ thời Hùng Vương được Đinh Tiên Hoàng đế phong trấn Nam Hoa Lư tứ trấn
5 Đền Trần Trường Yên - Hoa Lư Do Vua Đinh Tiên Hoàng cho lập để thờ thần Quý Minh, Vua Trần Thái Tông sau này đã xây dựng lại đền đá như kiến trúc hiện nay nên gọi là đền Trần.
6 Đền Trình Trường Yên - Hoa Lư Thờ 2 vị tướng nhà Đinh có công bảo vệ ấu chúa Đinh Toàn và tận trung với nhà Đinh, chống đối việc lên ngôi của Lê Hoàn.
7 Đền Tứ Trụ Trường Yên - Hoa Lư Thờ Tứ trụ triều Đình nhà Đinh: Tể tướng Nguyễn Bặc; Ngoại giáp Đinh Điền; Thượng thư Trịnh Tú; Thái sư Lưu Cơ.
8 Đền thờ Công chúa Phất Kim Trường Yên - Hoa Lư Nằm ở làng cổ Yên Thành, thờ Công chúa Phất Kim con gái Vua Đinh Tiên Hoàng, người được Vua Đinh gả cho sứ quân Ngô Nhật Khánh.
9 Động Thiên Hà Sơn Hà - Nho Quan Động Thiên Hà là hang động đẹp, gồm cả động khô và động ướt với đa dạng hệ thống nhũ đá vẫn được kiến tạo. Động chứa nhiều dấu vết để lại của cư dân Việt cổ.
10 Động Tiên Cá Ninh Hải - Hoa Lư Động xuyên thủy dài hơn 1500m có hệ thống nhũ đá muôn hình vạn trạng. Du khách được đi trên một hành lang bằng bè tre để xuyên vào trong lòng động.
11 Động Vái Giời Ninh Hải - Hoa Lư Động Vái Giời rộng khoảng 5000m2, cửa động nằm ở độ cao 439 bậc đá với 3 tầng "Trần gian, Địa ngục và Thiên đường" với nhiều măng nhũ đá lung linh huyền ảo.
12 Động, chùa Bích Động Ninh Hải - Hoa Lư Xuyên thủy động nằm trong lòng núi Bích Động, nơi có ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê. Danh thắng được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động"
13 Động Am Tiên Trường Yên - Hoa Lư Là pháp trường xử án thời Đinh, nơi gắn bó và tôn thờ các danh nhân: Trương Ma Ni, Thái hậu Dương Vân Nga và Quốc sư Nguyễn Minh Không.
14 Đình Yên Trạch Trường Yên - Hoa Lư TổngTrường Yên xưa gồm 7 làng cổ: Yên Thượng, Yên Thành, Yên Trung, Yên Hạ, Yên Trạch, Chi Phong và Lạc Hối. Ngôi đình trong làng cổ Yên Trạch thờ Đinh Tiên Hoàng.
15 Hang Bói Trường Yên - Hoa Lư Di chỉ khảo cổ học chứa đựng dấu ấn người tiền sử sinh sống tại Tràng An cách ngày nay từ 5.000 đến 30.000 năm.
16 Hang Mòi Ninh Hải - Hoa Lư Di chỉ khảo cổ học thể hiện cư dân Tràng An sống ở 2 trạng thái môi trường khác nhau: lục địa và biển; mức sớm từ 7.000 đến 10.000 năm, muộn từ 3.500 đến 6.000 năm.
17 Hang Trống Ninh Hải - Hoa Lư Di chỉ khảo cổ học hang Trống là hang động có nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 3.000-30.000 năm trước thuộc nền văn hóa Tràng An
18 Hang Bụt Ninh Hải - Hoa Lư Hang Bụt là một hang đá tự nhiên dài 500m, xuyên thủy qua núi Tướng. Nơi rộng nhất tới 70m, trần hang cao khoảng 30m, hang có hệ thống nhũ đá lung linh kỳ ảo.
19 Hành cung Vũ Lâm Ninh Xuân - Hoa Lư Là căn cứ quân sự do Các vua đầu nhà Trần lập để củng cố lực lượng trong kháng chiến Nguyên Mông. Đây còn là nơi các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang Phật giáo.
20 Phủ Khống Trường Yên - Hoa Lư Thờ 7 vị quan trung thần với triều Đinh và Vị quan trấn ải nơi đây đã lập đền thờ và trồng cây thị đặc biệt ở bên cạnh phủ.
21 Vườn chim Thung Nham Vườn chim trải rộng trên diện tích hơn 300ha, là nơi cư trú của khoảng 40.000 con, khoảng 5.000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài chim, nhiều loài trong sách Đỏ VN.
22 Chùa Duyên Ninh Trường Yên - Hoa Lư Chùa Duyên Ninh được xem là một trong những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Chùa được xây dựng từ thế kỷ X dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng.
23 Chùa Bà Ngô Trường Yên - Hoa Lư Chùa Bà Ngô là một di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, chùa được xây từ thời nhà Đinh, gắn với vị hoàng hậu là bà Ngô phu nhân.
24 Chùa Nhất Trụ Trường Yên - Hoa Lư Chùa cổ thời Tiền Lê, nơi có bảo vật quốc gia cột kinh bằng đá với nhiều dấu tích minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Hoa Lư thế kỷ X.
25 Chùa Kim Ngân Trường Yên - Hoa Lư Ngôi chùa cổ từ thời Đinh, thuộc làng Chi Phong - thành Tây kinh đô Hoa Lư là nơi sinh ra Vua Lý Thái Tông đồng thời là ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở Việt Nam.
26 Hang Muối Trường Yên - Hoa Lư Hang Muối nằm ở gần sông Sào Khê thuộc phạm vi thành Đông kinh đô Hoa Lư, tương truyền là nơi cất giữ muối, lương thực.
27 Hang Quàn Trường Yên - Hoa Lư Hang Quàn nằm trong ngọn núi là tường thành Đông của kinh đô Hoa Lư, tương truyền là nơi các quan sử dụng kỹ thuật ướp xác để bảo vệ thi thể Vua Đinh.
28 Núi Chùa Am Trường Yên - Hoa Lư Núi có 2 ngôi chùa thời Đinh. Chùa Am thuộc thôn Yên Trung, nằm ở phía tây bắc núi; chùa Đìa thuộc thôn Yên Thành, nằm ở phía đông nam núi Đìa, xã Trường Yên.
29 Tam Cốc Ninh Hải - Hoa Lư Danh thắng Tam Cốc gồm cảnh quan thiên nhiên 2 bên sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi tạo ra 3 hang động xuyên thủy.
30 Phủ Đông Vương Trường Yên - Hoa Lư Phủ Đông Vương nằm biệt lập. Thờ Hoàng tử Đông Thành Vương Lê Ngân Tích, con thứ hai của Vua Lê Đại Hành.
31 Phủ Vườn Thiên Trường Yên - Hoa Lư Phủ Vườn Thiên nằm ở làng cổ Yên Thành. Thờ Thái tử Kình Thiên Vương Lê Long Thâu là thái tử, con cả Vua Lê Đại Hành nên còn gọi là phủ Kình Thiên.
32 Bia Cửa Đông Trường Yên - Hoa Lư Bia Cửa Đông (bia hang Thầy Bói) được tạc dưới chân núi Đầm, gọi cửa thành này là Đông Môn, là nơi bá quan văn võ triều Đinh Lê qua lại mỗi khi vào triều bệ kiến.
33 Lăng vua Đinh, lăng vua Lê Trường Yên - Hoa Lư Lăng Vua Đinh Tiên Hoàng nằm trên núi Mã Yên còn lăng Vua Lê Đại Hành nằm ở dưới chân núi Mã Yên; thuộc phạm vi thành Đông kinh đô Hoa Lư.
34 Núi chùa Bái Đính Gia Sinh - Gia Viễn Nơi có khu chùa cổ với hang động, đền thờ thần Cao Sơn có từ thời Đinh và Khu chùa mới với nhiều kỷ lục Việt Nam và châu Á được xác lập.
35 Núi Non Nước Thanh Bình - Hoa Lư Núi nổi tiếng với hơn 100 bài thơ khắc lên đá. Trên núi có lầu đón gió và Tượng đài anh hùng Lương Văn Tụy. Chân núi là chùa Non Nước và đền Trương Hán Siêu.
36 Núi Cánh Diều Thanh Bình - Hoa Lư Ngọn núi có hình cô gái tóc xõa mình trần nằm giữa thanh thiên trời đất. Bên núi có chùa Cánh Diều và đền thờ thần Thiên Tôn trấn đông Hoa Lư tứ trấn
37 Chùa A Nậu Ninh Khánh - Hoa Lư Một trong những ngôi chùa cổ thời Trần do Trần Thái Tông xây dựng khi về Ninh Bình lập hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến Nguyên Mông
38 Chùa Đẩu Long Tân Thành - Hoa Lư Chùa Đẩu Long là ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành từ thời Đinh - Lê thế kỷ X. Chùa là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, thờ 9 vị thần của các làng xung quanh.
39 Động Thiên Tôn Thiên Tôn - Hoa Lư Động chùa Thiên Tôn là di tích thờ thần Thiên Tôn, là vị thiên thần trấn ngự ở cửa ngõ phía đông vào thành Đông của khu di tích cố đô Hoa Lư.
40 Chùa Trung Trữ Ninh Giang - Hoa Lư Chùa Trung Trữ là di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Chùa cùng khu vực với đình Trung Trữ thờ các vị vua và hoàng hậu triều đại nhà Đinh và Tiền Lê.
41 Đền Cả La Mai Ninh Giang - Hoa Lư Đền Cả La Mai được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994; làng La Mai ở ven sông Đáy, thờ Thánh Quý Minh - vị thần trấn Nam Hoa Lư tứ trấn
42 Chùa Phong Phú Ninh Giang - Hoa Lư Chùa Phong Phú có từ thời Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X), thờ thần Trấn Vũ Thiên Tôn. Người xưa đa khéo lợi dụng hang động trong ruột núi để làm chùa.
43 Đền Đông Hội Ninh An - Hoa Lư Đền Đông Hội là một trong các di tích có sớm nhất Ninh Bình, từ thời Hai Bà Trưng gọi là Chùa Thanh Xuân. Đền thờ ba anh em, là Đống Bụt, Diệu Vũ và Ngọc nữ Trần Hoa.
44 Nhà thờ họ Đào Ninh An - Hoa Lư Nhà thờ họ Đào ở Hoa Lư là nhà thờ họ duy nhất tại tỉnh Ninh Bình được công nhận là di tích cấp quốc gia. Nhà thờ nằm trên một khu đất cao, rộng quay hướng chính đông.
45 Đền Kê Thượng, Kê Hạ, Miếu Sơn Ninh Vân - Hoa Lư Đền Kê Thượng thờ vọng Hùng Vương và Tản Viên. Đền Kê Hạ thờ Nguyệt Nga Công Chúa. Đền Miễu Sơn thờ Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh.
46 Chùa và động Bàn Long Ninh Xuân - Hoa Lư Chùa Bàn Long là chùa thiên tạo và nhân tạo, lấy động núi và con người làm chùa. Khi chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: “Bàn Long Tự” trên vách cửa động.
47 Chùa và động Hoa Sơn Ninh Hoà - Hoa Lư Tương truyền rằng động Hoa Sơn là nơi nuôi Ấu chúa thời vua Đinh. Trước đây động có tên là chùa Bà Đẻ, sau này khi vua Tự Đức đến thăm đổi tên động thành Hoa Sơn.
48 Đình Ngô Khê Hạ Ninh Hoà - Hoa Lư Đình Ngô Khê Hạ là một ngôi đình kiến trúc cổ, trong đình có tượng Định Quốc công Nguyễn Bặc và hơn 10 đạo sắc phong của các triều đại là những di vật lịch sử quý báu.
49 Đền Thánh Nguyễn Gia Tiến, Gia Thắng - Gia Viễn Là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia có giá trị đặc biệt ở Ninh Bình. Đền thờ thánh Nguyễn Minh Không trên quê hương ông.
50 Chùa và động Địch Lộng Gia Thanh - Gia Viễn Động Địch Lộng được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động". Động gồm quần thể hang động, núi, kiến trúc đình, chùa thờ Phật và quốc sư Nguyễn Minh Không.
51 Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh Gia Phương - Gia Viễn Đền Văn Bòng là di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng trên quê hương của ông. Đền cùng với khu di tích lăng Phát tích trên núi Kỳ Lân trở thành điểm du lịch về nguồn.
52 Động Hoa Lư Gia Hưng - Gia Viễn Động Hoa Lư là căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh trong quá trình gây dựng, chiêu binh để dẹp loạn 12 sứ quân. Động nằm trong quần thể đầm Cút, đầm Vân Long.
53 Đình Trùng Hạ Gia Tân - Gia Viễn Đình Trùng Hạ là di tích kiến trúc nghệ thuật thờ 5 vị: Đông Hải đại vương, Sóc Giang đại vương, Trang Hiền đại vương, Hưng Đạo đại vương và Quốc Mẫu.
54 Đình Trùng Thượng Gia Tân - Gia Viễn Đình Trùng Thượng là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đình thờ Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tảng và Đông Hải Đại Vương.
55 Đình Vân Thị Gia Tân - Gia Viễn Đình làng Vân Thị thờ Thái sư phụ chính Tô Hiến Thành được xây dựng năm 1699 - năm chính tòa thứ 20. Đến nay đã hơn 300 năm tuổi.
56 Chùa Lỗi Sơn Gia Phong - Gia Viễn Chùa Lỗi Sơn nằm trong chiến khu Quỳnh Lưu, chùa thờ Phật, còn thờ thêm Hai Bà Trưng và ba bài vị thờ 3 dũng tướng thời vua Hùng là Cao Sơn, Quý Minh và Tản Viên.
57 Chùa Lạc Khoái Gia Lạc - Gia Viễn Chùa Hạ xây dựng năm 1859, trước chùa Thượng 10 năm. Chùa Hạ thờ Phật và Tam vị Thánh Mẫu; chùa Thượng thờ Phật và Quan Âm Thị Kính.
58 Nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc Gia Phương - Gia Viễn Di tích lịch sử Quốc gia Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam. Nơi thờ thái thủy tổ Nguyễn Bặc, được xem là thủy tổ của họ Nguyễn chính tông ở Việt Nam.
59 Nhà thờ Đinh Huy Đạo Gia Phong - Gia Viễn Nhà thờ Đinh Huy Đạo, một danh tướng thời Tây Sơn đối với cuộc chiến chống quân Thanh. Ông còn để lại cho đời nhiều bài văn, tác phẩm văn học có giá trị.
60 Khu vực núi Kiếm Lĩnh Gia Tiến - Gia Viễn Núi Cắm Gươm liên quan đến truyền thuyết chú của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Thúc Dự cắm kiếm xuống đất để lậy khi thấy Rồng vàng đưa cháu mình qua sông Hoàng Long.
61 Chiến khu Quỳnh Lưu Nho Quan và Gia Viễn Chiến khu Quỳnh Lưu trải rộng trên 7 xã, là căn cứ cách mạng thời ký kháng chiến chống Pháp và Nhật đồng thời được xem là quê hương cách mạng của Ninh Bình.
62 Dốc Giang Phú Long - Nho Quan Dốc Giang là di tích cách mạng nằm trên đường Quốc lộ 45 từ Rịa đi Sòng Cạn. Chiến thắng Dốc Giang năm 1953 đã tiêu diệt và bắt sống gần 200 tên Pháp.
63 Thung Lóng Phú Long - Nho Quan Tháng 6/1945 Thung Lóng được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm điểm tổ chức nhiều cuộc họp bàn quan trọng và mở lớp huấn luyện cho các cán bộ và nhân dân địa phương.
64 Khu Trũng, Đồng Báng Sơn Lai - Nho Quan Khu Trũng, Đồng Báng thuộc xã Sơn Lai, là điểm di tích cách mạng thuộc khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, tỉnh Ninh Bình.
65 Đền Sầy Sơn Thành - Nho Quan Đền Sầy thờ Ngọc Quang Công Chúa tên húy là Vương Thị Tiên, một trong những nữ tướng thời Hai Bà Trưng.
66 Đình Mỹ Hạ Gia Thủy - Nho Quan Đình Mỹ Hạ là di tích lịch sử văn hóa trên quê hương của Thái hậu Dương Vân Nga và quê ngoại Vua Đinh Tiên Hoàng. Đình thờ Vua Đinh và Thái hậu Dương Vân Nga.
67 Đình Ác Sơn Thành - Nho Quan Đình làng Ác thờ Thủy Tinh Công chúa. Đình được xây dựng từ thời vua Trần. Lúc đầu đình được gọi là Hồng Kiều, sau gọi là đền Cầu Vồng, nay gọi là đình Làng Ác.
68 Phòng tuyến Tam Điệp Đông Sơn và Nam Sơn, TĐ Là Phòng tuyến kháng chiến thời Tây Sơn, nơi Vua Quang Trung tập hợp quân trước khi tiến ra Thăng Long làm lên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
69 Đền Năn Yên Thắng - Yên Mô Ngôi đền cổ này thờ 5 vị thần thời Hùng Vương thứ 6 trấn thủ vùng Nam Lĩnh là: Chàng Hoàng, Quý Nương, Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba.
70 Đền Bình Hải Yên Nhân - Yên Mô Thờ Linh Công - Vị tướng thời Hùng Vương được phong Đại Hải Long Hầu hiển hách Đại Vương Thượng Đẳng Thần.
71 Nhà thờ Vũ Phạm Khải, đền họ Vũ Yên Mạc - Yên Mô Thờ vị quan dưới 3 triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, tích cực nhất trong phái chủ chiến chống Pháp. Ông còn là một nhà thơ nổi tiếng đương thời.
72 Đền thờ Ninh Tốn Yên Mỹ - Yên Mô Thờ danh nhân văn hóa Ninh Tốn, một nhà thơ, nhà viết Sử, nhà biên soạn luật, nhà chính trị và nhà quân sự
73 Đền, chùa Khương Dụ Yên Phong - Yên Mô Đền, chùa Khương Dụ là cụm công trình di tích có giá trị kiến trúc và nghệ thuật
74 Đền Quảng Phúc Yên Phong - Yên Mô Thờ tam vị Ngọ Đại Vương – 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công dẹp cướp biển ở cửa biển Thần Phù, dẹp cướp rừng ở vùng núi Tam Điệp.
75 Đền La Yên Thành - Yên Mô Đền Hậu Trần nằm trên vị trí kinh đô Mô Đô xưa, nay thuộc thôn La nên còn được gọi là đền La, nơi đây nhà Hậu Trần ra đời dưới sự bảo trợ của danh tướng quê hương Yên Mô là Trần Triệu Cơ.
76 Chùa Tháp Khánh Thịnh - Yên Mô Chùa Tháp là nơi có xá lỵ của tướng quân Đinh Điền thời Đinh cùng ngôi đền thờ ông và phu nhân cùng Kiều Mộc thiền sư Lương Tuấn - người theo giúp Đinh Điền.
77 Đình Phù Sa Yên Lâm - Yên Mô Đình Phù Sa nằm trong khu vực cửa biển Thần Phù, Đình là nơi thờ Triệu Việt Vương, người đã mất tại khu vực cửa biển Đại Ác này.
78 Đền Trung Lận Khê Khánh Thượng - Yên Mô Đền Trung Lận Khê là công trình di tích có giá trị kiến trúc, nghệ thuật
79 Đền thờ Thái phó Lê Niệm Yên Mạc - Yên Mô Lê Niệm cháu của Lê Lai, làm quan đời Lê Thái Tông. Khi đóng quân ở làng Thiên trì, ông đã chỉ huy đắp đê Hồng Đức và được cấp 200 mấu ruộng ở làng Thiên Trì.
80 Nhà thờ và mộ Vũ Duy Thanh Khánh Hải - Yên Khánh Nơi thờ Trạng Bồng Vũ Duy Thanh trên quê hương. Vũ Duy Thanh là vị thủ khoa thời Nguyễn tương đương Trạng nguyên xưa, ông được người dân tôn vinh là Trạng Bồng.
81 Đền Văn Giáp Khánh An - Yên Khánh Thờ vị lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần cùng 3 vị tể tướng và 18 vị quận công, các danh nhân họ Tạ.
82 Đền Thượng, chùa Phúc Long Khánh Phú - Yên Khánh Chùa Phúc Long thờ phật và thờ Tiên thiên Thánh Mẫu, mẹ của Giác Hải thiền sư. Đền Thượng thờ tam thánh: Giác Hải, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không.
83 Đình thôn Đỗ Khánh Nhạc - Yên Khánh Đình thôn Đỗ là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Đình thôn Đỗ thờ Tề Hải Long Vương và các vị thành lập làng.
84 Đền chùa thôn Năm Khánh Tiên - Yên Khánh Đền chùa thôn Năm là cụm di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Đền thôn Năm thờ Tản Viên Sơn Thánh.
85 Chùa Dầu Khánh Hoà - Yên Khánh Chùa Dầu có từ thời Lý Thái Tông nhưng hiện có nhiều dấu tích của triều đại nhà Trần khi các Vua đời đầu đã về xây dựng hành cũng Vũ Lâm.
86 Đền Kiến Ốc Khánh Trung - Yên Khánh Thờ Phạm Tử Nghi là tướng thời nhà Mạc, ông còn được thờ ở Đền Hải Đức trên bờ đê sông Đáy thuộc xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
87 Đền Tiên Viên, chùa Kim Rong Khánh Lợi - Yên Khánh Thờ Phùng Kim và Triệu Việt Vương - những danh nhân lịch sử từ thế kỷ V. Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa cổ nhất ở Ninh Bình.
88 Chùa Phúc Nhạc Khánh Nhạc - Yên Khánh Chùa “Già Lê Tự” hơn 400 năm tuổi còn là bản doanh của Nguyễn Công Trứ khi chiêu mộ nhân dân quanh vùng, khẩn hoang lấn biển thành lập huyện Kim Sơn năm 1829.
89 Đền Tam Thánh, chùa Yên Lữ Khánh An - Yên Khánh Đền Tam Thánh thờ Đinh Điền, Kiều Mộc thiền sư Lương Tuấn và Thượng Trân Trưởng công chúa là những danh nhân thời Đinh. Chùa Yên Lữ được xây dựng từ năm 1019.
90 Đền thờ Nguyễn Công Trứ Quang Thiện - Kim Sơn Đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm tại trung tâm vùng đất Kim Sơn xưa, nơi ông chiêu dân khai khẩn bãi hoang ven biển để lập ra huyện này từ năm 1829
91 Nhà thờ đá Phát Diệm Lưu Phương - Kim Sơn Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm với những công trình kiến trúc độc đáo, là trung tâm của giáo phận, nơi được mệnh danh là kinh đô công giáo của Việt Nam.
92 Đình Thượng Kiệm Thượng Kiệm - Kim Sơn Đình Thượng Kiệm là nơi thờ Triệu Việt Vương. Đình nằm gần kiến trúc nhà thờ Phát Diệm.
93 Đền Chất Thành Chất Bình - Kim Sơn Đền Chất Thành là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đền thờ Triệu Việt Vương trên vị trí gần cửa biển Đại Ác khi xưa ông đã mất.
94 Miếu, chùa Lạc Thiện Quang Thiện - Kim Sơn Miếu, chùa Lạc Thiện là cụm di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu
95 Đền Như Độ Như Hòa - Kim Sơn Thờ quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng là hậu duệ nhà Trần, có công đánh giặc Nguyên Mông, thờ cụ Doãn Dư cùng các vị có công khai hoang lấn biển lập nên Ấp Như Độ.

Di tích cấp tỉnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình hiện có 279 di tích cấp tỉnh.[6] Dưới đây là danh sách chưa đầy đủ các di tích cấp tỉnh ở Ninh Bình:

Thành phố Hoa Lư
  1. Đền Trầm Hương - Phố Phúc Khánh - Phường Ninh Sơn
  2. Đình Cam Giá- Ninh Khánh.
  3. Đền Đồng Bến- phường Đông Thành.
  4. Đền thờ Quý Minh Đại Vương và hang Đền - Ninh Nhất.
  5. Đền Thượng- Thôn Thiện Trạo- phường Ninh Sơn.
  6. Nhà thờ quận công Phạm Đức Thành - phường Nam Bình.
  7. Đền làng Phương Đình - phường Ninh Sơn.
  8. Nhà thờ Nguyễn Tử Tương- thôn Đề Lộc, Ninh Nhất.
  9. Nhà thờ Lê Đạo Trung- phố Phúc Lộc, phường Ninh Phong.
  10. Đền thờ Đức Thánh Trần- Hoàng Sơn, Ninh Tiến.
  11. Đình Hoàng Sơn - phường Ninh Tiến.
  12. Chùa Yên Khoái - thôn Yên Khoái - Ninh Phúc.
  13. Đền Vân Thị - phường Thanh Bình.
  14. Đền Hạ, thôn Cổ Loan Hạ, Ninh Tiến.
  15. Đền Vua Lộ, Ninh Tiến.
  16. Đền Trên, Ninh Phúc.
  17. Đình Các - xã Ninh Hải.
  18. Đền làng La Phù - xã Ninh Khang.
  19. Đền làng Đa Giá - thị trấn Thiên Tôn.
  20. Đình làng Yên Thành - xã Trường Yên.
  21. Đình Sen thôn Hành Cung - xã Ninh Thắng.
  22. Đền và miếu làng Bãi Trữ- xã Ninh Giang.
  23. Đền và chùa Khả Lương - xã Ninh Thắng.
  24. Nhà thờ Nguyễn Huyền Trung, xã Trường Yên.
  25. Nhà thờ Đặng Văn Hài, xã Trường Yên.
  26. Nhà thờ Nguyễn Khắc Nhân, thôn Trung, xã Trường Yên.
  27. Nhà thờ Dương Đức Vĩnh, thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên.
Huyện Nho Quan
  1. Đền làng Kho - xã Phú Lộc.
  2. Đình Hương Thịnh, làng Chạ- xã Phú Lộc.
  3. Đình làng Bái Ngọc - xã Phú Lộc.
  4. Phủ Đồi Ngang - xã Phú Long.
  5. Đình Mống - xã Yên Quang.
  6. Đình Lá - xã Yên Quang.
  7. Đình Tân Phong, thôn Sào Thượng - xã Lạng Phong.
  8. Đình làng Vạn Sào - xã Lạng Phong.
  9. Đình, phủ và chùa làng Đồi- xã Quỳnh Lưu.
  10. Đình và chùa làng Quỳnh- xã Quỳnh Lưu.
  11. Đình Hàng Xã- xã Thanh Lạc.
  12. Chùa Duy Khánh - xã Thanh Lạc.
  13. Phủ Ao Lươn, bản Ao Lươn - xã Kỳ Phú.
  14. Đình làng Vân Trung - xã Thượng Hòa.
  15. Miếu Châu Sơn - xã Phú Sơn.
  16. Đình làng Bái - xã Sơn Lai.
  17. Đình và phủ thôn Xát, xã Sơn Lai.
  18. Đình làng Lược, xã Sơn Lai.
  19. Đình và chùa làng Chàng- xã Sơn Lai.
  20. Đền Thượng, đền Hạ thôn Thái Sơn - xã Sơn Lai.
  21. Chùa Mý - xã Văn Phú.
  22. Đình Sơn Cao - xã Gia Tường.
  23. Đình An Nội - xã Gia Tường.
  24. Đình Ngọc Thự - xã Gia Tường.
  25. Đình, đền, chùa Kim Đôi, xã Gia Lâm.
  26. Phủ Kim Đôi - xã Gia Lâm.
  27. Đình làng Cẩm Địa, xã Lạc Vân.
Huyện Yên Khánh
  1. Đền Thánh Cả và đền Đức Ba- xã Khánh An.
  2. Đền Vua Thầy, xã Khánh An.
  3. Đền Thượng làng Yên Phú, xã Khánh An.
  4. Nhà thờ và mộ Bùi Thiện Tính- xã Khánh Cư.
  5. Đền Thánh Cả, làng Yên Cư- xã Khánh Cư.
  6. Đình làng Xuân Dương- xã Khánh Cư.
  7. Nhà thờ tiến sĩ Đinh Đình Thụy, xã Khánh Cư.
  8. Đền Đôi – xã Khánh Thủy.
  9. Đền Đông Bình Hoà- xã Khánh Hồng.
  10. Đền Duyên Phúc - xã Khánh Hồng.
  11. Nhà thờ Đỗ Thế Diệu- xã Khánh Hồng.
  12. Đền Đông Thổ Mật- xã Khánh Hồng.
  13. Đền thôn Ba- xã Khánh Hồng.
  14. Đền và chùa thôn Tân- xã Khánh Hội.
  15. Đền Quyết Trung- xã Khánh Trung.
  16. Đền Thánh Tứ- xã Khánh Mậu.
  17. Đền Lưu Mỹ- xã Khánh Vân.
  18. Đình Tiên Tiến- xã Khánh Tiên.
  19. Đền thôn Phạm- xã Khánh Nhạc.
  20. Đền thôn Đồng- xã Khánh Nhạc.
  21. Đền thôn Lê- xã Khánh Phú.
  22. Đền thờ Phạm Văn Ngoạn- xã Khánh Cường.
  23. Nhà thờ Thiên Hộ Giản- xã Khánh Thiện.
  24. Đền thờ Triệu Việt Vương, thôn Khu Đông, thị trấn Yên Ninh.
  25. Đền Nội- thị trấn Yên Ninh.
  26. Nhà thờ Nguyễn Văn Đức- thôn Phú Sơn, xã Khánh Phú.
  27. Đình làng Thượng và chùa Đống Tháp- xã Khánh Lợi.
  28. Nhà thờ Phạm Đình Giản, xã Khánh Lợi.
Thành phố Tam Điệp
  1. Đền Dâu, phường Nam Sơn.
  2. Đền Quán Cháo, phường Bắc Sơn.
  3. Đình làng Quang Hiển, phường Yên Bình.
  4. Chùa Quang Sơn, xã Quang Sơn.
  5. Đền Mẫu Thượng, xã Quang Sơn.
  6. Đền Thượng, phường Trung Sơn.
  7. Chùa Lý Nhân, phường Yên Bình
Huyện Gia Viễn
  1. Đình và chùa Giá Thượng - xã Gia Hoà.
  2. Chùa Phúc Hưng và núi Hang Toàn - xã Gia Minh.
  3. Chùa Hưng Quốc - xã Gia Hưng.
  4. Chùa Linh Viên - xã Gia Hưng.
  5. Đình Đông Khê- xã Gia Trung.
  6. Đền Thượng - xã Gia Phú.
  7. Đình Núi Thiệu, xã Gia Tân.
  8. Đền nhà bà (đền quốc mẫu) xã Gia Tân
  9. Chùa Phúc Thiện xã Gia Tân
  10. Đền làng Đoan Bình- xã Gia Phú.
  11. Đình Trai- xã Gia Hưng.
  12. Đền và chùa Me - thị trấn Me.
  13. Đền Vò làng Lỗi Sơn - xã Gia Phong.
  14. Đình làng Đồng Xuân- xã Gia Xuân.
  15. Đình và chùa Liên Huy- xã Gia Thịnh.
  16. Đình Kính Chúc - xã Gia Phú.
  17. Đình thôn Ngô Đồng - xã Gia Phú.
  18. Đình Vũ Nhì làng Vũ Nhì - xã Gia Trấn.
  19. Miếu Quan Nghè- tại xã Gia Trấn.
  20. Nhà thờ Lê Khả Lãng- xã Gia Vân.
  21. Đình, đền chùa Tập Ninh - xã Gia Vân.
  22. Miếu Bồ Đề - xã Gia Tiến.
  23. Đền quan Thái Bảo - xã Liên Sơn.
Huyện Yên Mô
  1. Đình làng Nộn Khê - xã Yên Từ.
  2. Đền Phụng Ban- xã Yên Hưng.
  3. Đền Trung Thạch Lỗi- xã Khánh Dương.
  4. Đền làng Yên Mô Càn- xã Yên Mạc.
  5. Chùa Hang làng Phượng Trì - xã Yên Mạc.
  6. Đền Ninh Thượng- Thị trấn Yên Thịnh.
  7. Đình Thượng làng Yên Tế- xã Yên Đồng.
  8. Đền và chùa Hoàng Kim- xã Yên Phong.
  9. Đền Vân Mộng- xã Yên Phong.
  10. Đình làng Trinh Nữ- xã Yên Hoà.
  11. Đình Trung Lạc Hiển - xã Yên Hòa.
  12. Miếu Quảng Từ - xã Yên Từ.
  13. Đình Trung Sơn - xã Mai Sơn.
  14. Chùa Cổ Linh thôn Yên Liêu Thượng- xã Khánh Thịnh.
  15. Đình làng Yên Liêu Thượng - xã Khánh Thịnh
  16. Đình làng Tiên Hưng - xã Yên Phú.
  17. Cụm di tích Đền Vua Đôi thôn Cổ Đà- xã Yên Phú.
  18. Đền Thượng Tịch Toàn - xã Khánh Thượng.
  19. Đình Lôi Thanh - xã Khánh Thượng.
  20. Đền núi Ngự Hầu - xã Yên Thắng.
  21. Đền thờ Trần Nhật Duật - xã Yên Thắng.
  22. Đền Muỗm Quảng Hạ - xã Yên Thắng.
  23. Đình làng Vân Du Hạ - xã Yên Thắng.
  24. Đền Nhân Phẩm - xã Yên Lâm.
  25. Đình Hậu Thôn - xã Yên Thái.
  26. Đình Đông Thôn - xã Yên Thái.
  27. Đền tiên Dương - xã yên thành.
  28. Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc - xã Yên Thành.
  29. Đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ.
  30. Phủ Đình Đông, xã Yên Mỹ.
  31. Phủ Núi Cấm, xã Yên Đồng.
  32. Nhà thờ Phạm Đình Chân, xã Yên Đồng.
Huyện Kim Sơn
  1. Miếu Thủ Trung- xã Kim Chính.
  2. Đền Trì Chính- xã Kim Chính.
  3. Nhà thờ Vũ Văn Kế- xã Như Hoà.
  4. Đền Hành Khiển - xã Như Hoà.
  5. Miếu Tuần Lễ - xã Như Hoà.
  6. Nhà thờ họ Trương - xã Như Hòa
  7. Đền, chùa Tuy Định- xã Định Hoá.
  8. Đền làng Yên Thổ- xã Định Hoá.
  9. Đền Lưu Phương- xã Lưu Phương.
  10. Đền Hoàng Kim thôn Thủ Trung- xã Kim Chính.
  11. Đền làng Kiến Thái - xã Kim Chính.
  12. Đình Thượng làng Tuy Lộc- xã Yên Lộc.
  13. Đình làng Yên Lâm - xã Lai Thành.
  14. Nhà thờ họ Bùi Phúc - xã Lai Thành
  15. Đình Tuy Lai - xã Lai Thành
  16. Đình Thượng làng Tự Tân, xã Tân Thành.
  17. Cầu Ngói Phát Diệm, Thị trấn Phát Diệm.
  18. Miếu Tuân Hóa, làng Tuân Hóa, xã Hồi Ninh.
  19. Miếu Hồi Thuần, làng Hồi Thuần, xã Hồi Ninh.
  20. Miếu làng Phúc Điền, xã Quang Thiện.
  21. Đình Bắc Thịnh - xã Thượng Kiệm.
  22. Miếu Phú Vinh - xã Thượng Kiệm.

Các chùa ở Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoa Lư - Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam dưới thời nhà Đinh (968-980) và nhà Tiền Lê (980-1009). Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Theo các thư tịch và dấu vết còn sót lại, vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp. Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống Phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên của Việt Nam là Khuông Việt. Ninh Bình cũng là quê hương của quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không, ông đã sáng lập ra ở quê hương mình khá nhiều chùa tháp như: chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, động chùa Am Tiên, chùa Non Nước... Ở Việt Nam có 3 chùa động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhất động" là chùa Hương, chùa Bích Động, chùa Địch Lộng thì 2 trong số đó nằm ở Ninh Bình. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc…

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Tỉnh Ninh Bình hiện có 343 ngôi chùa, phân bố như sau: Yên Mô: 66 chùa, Yên Khánh: 55 chùa, Gia Viễn: 50 chùa, Hoa Lư: 57 chùa, Nho Quan: 49 chùa, thành phố Ninh Bình 42 chùa, Kim Sơn: 17 chùa, Tam Điệp: 8 chùa.[7] Chỉ riêng trên địa bàn xã Trường Yên, Hoa Lư hiện có 8 ngôi chùa cổ thuộc cố đô Hoa Lư là chùa Nhất Trụ, chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Cổ Am, chùa Bà Ngô, chùa Am Thong Bái, chùa Bi Yên Hạ đều được xếp hạng di tích.

Về niên đại xây dựng, chủ yếu các chùa thuộc vùng cố đô Hoa Lư được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành; rất nhiều chùa được xây dựng thời Trần và Hậu Lê.

Một số chùa nổi tiếng như:

  • Chùa Bái Đính là chùa lớn nhất Ninh Bình đồng thời cũng là chùa lớn nhất Việt Nam.
  • Chùa Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động"
  • Chùa Địch Lộng được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động"
  • Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cầu duyên được xếp vào danh sách 4 đền, chùa cầu duyên linh thiêng nổi tiếng Việt Nam
  • Chùa Nhất Trụ là ngôi chùa cổ kính nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư.

Một số chùa tiêu biểu

[sửa | sửa mã nguồn]
Chùa Trung - chùa Bích Động
Đại tượng phật ở chùa Bái Đính
  • Chùa Bích Động: Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đây là một di tích lịch sử văn hóa thuộc khu du lịch quốc gia là Tam Cốc - Bích Động. Chùa Bích Động nguyên có tên "Bạch Ngọc Thanh Sơn Đồng"- Mang ý nghĩa một ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Đây là một kiểu động làm chùa phổ biến ở Ninh Bình, động Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam sau động Hương Tích. Chùa gồm có 3 toà: Hạ, Trung và Thượng
Bài chi tiết: Chùa Bích Động
  • Chùa Bái Đính: Chùa Bái Đính là một quần thể chùa gắn với nhiều danh nhân Việt Nam như Lý Quốc Sư, Đinh Bộ Lĩnh và Quang Trung. Khu chùa Bái Đính mới được xây dựng tại đồi Ba Rau, gần chùa Bái Đính cổ, đây là khu chùa lớn nhất Đông Nam Á[8] Đây cũng là một dự án lớn để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội.
Bài chi tiết: Chùa Bái Đính
  • Chùa Địch Lộng: Chùa Địch Lộng nằm trên núi Kẽm Trống, thuộc xã Gia Thanh, Gia Viễn.[9] Chùa ở lưng chừng núi Địch Lộng, có hang động đẹp nên được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động". Chùa Địch Lộng hàng năm đều tổ chức lễ hội vào thời gian từ ngày 6 đến 10 tháng giêng Âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3.
  • Chùa Đồng Đắc: Chùa Đồng Đắc thuộc xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn. Là chùa lớn nhất ở vùng công giáo huyện Kim Sơn.[10]. Kiến trúc tôn giáo sớm nhất ở Kim Sơn là chùa Đồng Đắc, nó có trước quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm mấy chục năm. Chùa Đồng Đắc kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, phần ngang là tiền đường, phần dọc là chính điện.
  • Chùa Nhất Trụ: Chùa Nhất Trụ (Còn gọi là chùa Một Cột) là ngôi chùa cổ thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư. Chùa có tên như vậy là do trước chùa có một cột đá cao hơn 3 m, có 8 mặt, trên các mặt khắc bài thần chú trong Kinh Lăng Nghiêm và một số bài kệ. Cột đá này được dựng khoảng năm 995. Trên cột đá còn thấy các chữ "Đệ tử Thăng Bình hoàng đế tả tạo". (Hoàng đế Thăng Bình tức vua Lê Hoàn).
  • Chùa Bà Ngô: Chùa Bà Ngô được xây từ thời nhà Đinh. Nằm bên phải bờ sông Hoàng Long thuộc khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Tấm bia đá dựng ở chùa, niên đại 1877 có đoạn: "Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam của đô cũ Đại Việt trước. Vốn là một danh thắng nhưng do thế đại chuyển dời, phong quang thay đổi, am ngọc quạnh quẽ dưới ánh dương tà, chùa báu điêu tàn trơ trọi trong ánh trăng đêm". Tương truyền là nơi hoàng hậu mẹ Ngô Nhật Khánh tu hành. Trong chùa có bức đại tự thời Nguyễn ghi 3 chữ Bà Sa tự. Theo từ điển Hán Việt, Sa có nghĩa là nhiều khổ não. Chùa Bà Ngô ở thế kỷ thứ X chính là nơi tiến hành nghi thức sám hối, rửa sạch mọi tội lỗi nghiệp chướng trần gian. Tại đây còn khai quật được ngôi mộ cổ thời Hán – Đường.[11] Khi khai quật khảo cổ học khu cố đô Hoa Lư, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khu mộ Hán cạnh chùa Bà Ngô bên dòng sông Hoàng Long. Đây là cơ sở nêu lên một nhận định nơi đây hẳn là trụ sở của Trường Châu thời nhà Đường, vì theo sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh thì đất Ninh Bình thời Đường thuộc về Trường Châu; còn ở Thăng Long Hà Nội vốn là thành Đại La do Cao Biền xây đúng như sử sách ghi chép.[12]
  • Chùa Duyên Ninh: Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cổ được hình thành dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Chùa hiện nằm ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, trên đường nối Tràng An tới chùa Bái Đính. Nơi đây xưa thuộc thành Tây kinh đô Hoa Lư. Tương truyền, Chùa Duyên Ninh xưa là nơi vui chơi của các công chúa, nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông.[cần dẫn nguồn] Sau khi kinh đô được dời về Thăng Long, Hoàng hậu Lê Thị thường lui về đây để tác hợp cho các đôi lứa nên duyên. Từ đó chùa Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở Hoa Lư.

Nhà thờ công giáo ở Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa bàn Ninh Bình thuộc Giáo phận Phát Diệm, vốn là một giáo phận Công giáo Rôma tại Việt Nam[13][14][15]. Đây là giáo phận đầu tiên ở Việt Nam được ủy thác cho hàng giáo sĩ Việt Nam cai quản thay cho các giáo sĩ truyền giáo ngoại quốc, vì thế mà nơi đây được ví như "kinh đô của Công giáo" ở Việt Nam.[16].

Địa giới giáo phận Phát Diệm rộng 1.787 km². Năm 2004, giáo phận Phát Diệm có khoảng 144.721 giáo dân (15,9% dân số), 31 linh mục và 76 giáo xứ[17]. Nhà thờ Đức mẹ Mân Côi (còn gọi là nhà thờ đá Phát Diệm) ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn tỉnh (Ninh Bình) được chỉ định làm nhà thờ chính tòa của giáo phận[18].

Mặc dù giáo phận Phát Diệm nằm trên diện tích rộng 1.787 km², bao gồm toàn bộ tỉnh Ninh Bình và vùng phía nam tỉnh Hòa Bình nhưng mật độ giáo dân lại tập trung nhiều ở huyện Kim Sơn với 80.000 giáo dân và 32 giáo xứ, chiếm 55% tổng số giáo dân của giáo phận mặc dù diện tích chỉ chiếm 11,6% tổng diện tích giáo phận. Do đó, các nhà thờ công giáo ở Ninh Bình tập trung dày đặc ở huyện Kim Sơn.

Bảo tồn di tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoạt động tu bổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ hội Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình là vùng đất phong phú các lễ hội văn hóa đặc sắc như Lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội đền Thái Vi... Các lễ hội khác: Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, lễ hội Yên Cư, hội thôn Tập Minh, lễ hội động Hoa Lư, đền Thánh Nguyễn, đền Dâu, hội vật Yên Vệ, lễ hội đền Trần Ninh Bình... Ninh Bình là đất tổ của nghệ thuật hát Chèo, là quê hương các làn điệu hát xẩm, ca trù và của nhiều làng nghề truyền thống như nghề điêu khắc đá Ninh Vân - Hệ Dưỡng, Xuân Vũ, nghề mộc Phúc Lộc, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề chiếu cói ở Kim Sơn...

Theo thống kê, Ninh Bình có 443 lễ hội truyền thống, trong đó quản lý cấp tỉnh 2 lễ hội, cấp huyện 13 lễ hội, cấp xã 428 lễ hội.[19] Các lễ hội văn hóa ở Ninh Bình chủ yếu diễn ra ở mùa xuân, trừ số ít các lễ hội tưởng niệm ngày mất của các vị danh nhân.

  • Lễ hội chùa Bái Đính (Gia Viễn): bắt đầu chiều ngày mùng 1 tết âm lịch, khai hội ngày mùng 6 tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, phần lễ tổ chức dâng hương, tưởng nhớ các vị danh nhân như Lý Quốc Sư, Đinh Bộ Lĩnh, thần Cao Sơn, bà chúa Thượng Ngàn và tín ngưỡng thờ Phật. Phần hội diễn ra sôi động với các trò chơi dân gian.
  • Lễ hội đình Vật ở làng Bồ Vi là lễ hội đấu vật lớn nhất ở Ninh Bình, diễn ra tại thị trấn Yên Thịnh, Yên Mô vào ngày 4 tết hàng năm. Lễ hội làng Bồ Vi suy tôn đức thánh Nguyễn và tinh thần thượng võ của người dân Yên Mô.[20]
  • Lễ hội làng Yên Vệ cũng có hội thi đấu vật, diễn ra ngày mùng 4 tết âm lịch ở làng Yên Vệ xã Khánh Phú, Yên Khánh tại đền Thượng thờ Nguyễn Minh Không và chùa Phúc Long.
  • Lễ hội làng Ngọc Lâm được tổ chức vào ngày mùng 5 tết hàng năm tại làng Ngọc Lâm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô.[21]
  • Lễ hội đền Áp Lãng - cửa Thần Phù diễn ra ngày 6 tết âm lịch tại xã Yên Lâm, Yên Mô.
  • Lễ hạ cây nêu của cộng đồng người Mường xã Cúc Phương, Nho Quan diễn ra vào ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm.
  • Lễ hội đền thờ họ Trương Việt Nam diễn ra vào ngày 9 tháng giêng hàng năm.
  • Lễ hội đền Năn - chùa Quảng Thượng - đền núi Hầu diễn ra vào ngày mồng 10 tháng giêng hàng năm ở làng Quảng Thượng, xã Yên Thắng, Yên Mô suy tôn các vị tướng thời Hùng Vương.
  • Lễ hội đình Hàng Tổng - chợ Xanh diễn ra ngày 10 tháng giêng hàng năm tại xã Khánh Thiện, Yên Khánh.
  • Lễ hội động Hoa Lư tổ chức tại 4 địa điểm: Đình Trai, chùa Hưng Quốc, động Thung Lau, đền Thung Lá đều thuộc xã Gia Hưng, Gia Viễn; diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng giêng để tri ân Đinh Tiên Hoàng Đế, Thái hậu Dương Vân Nga, Quốc sư Nguyễn Minh Không.
  • Lễ hội báo bản làng Nộn Khê: vào hai ngày 13, 14 tháng giêng hằng năm tại xã Yên Từ, Yên Mô.
  • Lễ hội đền Hậu Trần: Diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng giêng ở thôn La Phù, xã Yên Thành, Yên Mô, tưởng nhớ hai vị Vua thời Hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang Đế.
  • Lễ hội đình Mống Lá diễn ra 15 tháng giêng hàng năm tại đình, chùa Mống Lá xã Yên Quang, Nho Quan.
  • Lễ hội đền Dâu: là lễ hội lớn ở Tam Điệp, diễn ra 15 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp.
  • Lễ hội đình Phúc Lộc ngày 9-11 tháng 2 âm lịch tại làng nghề mộc Phúc Lộc, Ninh Phong, thành phố Ninh Bình.
  • Lễ hội phủ Đồi Ngang tổ chức từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 2 âm lịch tại xã Phú Long.
  • Lễ hội làng Xuân Vũ ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư.
  • Lễ hội đền Sầy tổ chức vào 12 tháng 2 âm lịch tại xã Sơn Thành.
  • Lễ hội chùa Dầu vào ngày 29 tháng 2 âm lịch trong 3 ngày ở các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu tại xã Khánh Hòa, Yên Khánh.
  • Lễ hội đền Thượng Thái Sơn ngày 3 tháng 3 âm lịch suy tôn công chúa Nhồi Hoa và truyền thống tốt đẹp hai dân tộc Việt - Lào tại xã Sơn Lai, Nho Quan.
  • Lễ hội chùa Địch Lộng (Gia Viễn): ngày 6 và 7 tháng 3 âm lịch. Phần lễ có dâng hương lễ phật như ở các chùa khác, phần hội thường tổ chức các trò chơi dân gian, múa rồng, cờ tướng, viết chữ nho.
  • Lễ hội Hoa Lư (huyện Hoa Lư): thường diễn ra vào các ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng 3 âm lịch tại quảng trường lễ hội cố đô Hoa Lư.
  • Lễ hội đền Thánh Nguyễn từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch tại di tích đền đức Thánh Nguyễn, thuộc địa bàn hai xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn. Lễ hội tôn vinh Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không.
  • Lễ hội đền Quảng Phúc: từ ngày 10 đến 15/3 âm lịch tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, Yên Mô tưởng nhớ các vị thần Cao Sơn, thần Quý Minh.
  • Lễ hội làng Khương Dụ diễn ra từ ngày 10 ngày 12 tháng 3 âm lich hàng năm tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô.
  • Lễ hội đền Thái Vi (Hoa Lư): từ ngày 14 đến ngày 16/3 âm lịch để tưởng nhớ công lao của các vị vua Trần.
  • Lễ hội Tràng An và Lễ hội đền Trần (Tràng An - Thành phố Ninh Bình) suy tôn thần Quý Minh trấn cửa ngõ phía nam kinh đô Hoa Lư diễn ra ngày 18/3 âm lịch hàng năm.[22]
  • Lễ hội Kỳ Phúc (hay Hội làng Hà Thanh) diễn ra từ 16 đến 18 tháng 3 âm lịch tại làng Hà Thanh, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô.
  • Lễ hội Yên Cư: Thường tổ chức vào 20 tháng 8 hàng năm ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, nơi thờ Trần Hưng Đạo cùng các quận chúa. Phần lễ có lễ rước kiệu qua sông Đáy tới làng Phú Hào.
  • Lễ hội đình Tân Phong (xã Lạng Phong) tổ chức vào rằm tháng giêng và 22 tháng 8 âm lịch hàng năm.
  • Lễ hội đình Voi đá Ngựa đá diễn ra vào ngày 12/10 âm lịch tại phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình.
  • Lễ hội phủ Châu Sơn: Diễn ra vào ngày 12 tháng 11 âm lịch hàng năm tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan nhằm tưởng nhớ Sơn Tinh công chúa giáng sinh xuống đất Ninh Bình ngày nay học đạo phép để giúp dân.
  • Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn): từ 13 đến 15 tháng 11 âm lịch. Lễ hội tưởng nhớ công lao người đã chiêu dân khai sinh ra huyện Kim Sơn.
  • Lễ hội Giáng sinh trung tâm giáo phận Phát Diệm diễn ra vào 25/12 dương lịch hàng năm tại nhà thờ Phát Diệm, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm bao trùm địa bàn tỉnh Ninh Bình.
  • Lễ hội Đầu Xuân (xã Kỳ Phú) tổ chức từ 27-12 đến 7-1 âm lịch.

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Du lịch Ninh Bình
  • Cố đô Hoa Lư
  • Quần thể danh thắng Tràng An
  • Chùa Bái Đính

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Ninh Bình công nhận thêm 12 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Lưu trữ 2014-05-29 tại Wayback Machine
  • Lên núi Bái Đính, xem chùa lớn nhất nước Nam[liên kết hỏng]

Ghi chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020
  2. ^ “Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn ở [[Ninh Bình]]: Bài 2: Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững ?”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2014.
  3. ^ Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành
  4. ^ “Những hồ sâu và núi cao nhất Ninh Bình”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2014.
  5. ^ Ninh Bình: Vùng đất nhiều kỳ tích và huyền thoại Lưu trữ 2014-05-28 tại Wayback Machine, TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH - TỔNG CỤC DU LỊCH, Nguồn: website Ninhbinhtourism, Cập nhật: 08/10/2008
  6. ^ Ninh Bình có 279 di tích cấp tỉnh
  7. ^ “Danh sách chùa ở Ninh Bình”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2015.
  8. ^ “Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á đang được hoàn thiện”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2009.
  9. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2009.
  10. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2009.
  11. ^ PHẬT GIÁO THỜI ĐINH, TIỀN LÊ TRONG CÔNG CUỘC DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC Lưu trữ 2011-02-25 tại Wayback Machine, Thích Gia Quang - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng trên báo Đại Tạng Kinh Việt Nam
  12. ^ “Những nét tương đồng giữa Hoa Lư-Thăng Long Hà Nội”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2013.
  13. ^ Diocese of Phát Diêm, Catholic-Hierarchy.
  14. ^ Nhà thờ Chình Toà Nữ Vương Rất Thánh Mân Cói, GCatholic
  15. ^ Bolla Venerabilium Nostrorum, Vatican, AAS 53 (1961), p. 346
  16. ^ “Đêm Noel lung linh ở nhà thờ đá Phát Diệm”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2014.
  17. ^ “Thống kê trên trang giáo phận Phát Diệm, thời điểm 11/2011”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2014.
  18. ^ Giga Catholic Information
  19. ^ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc tại Ninh Bình[liên kết hỏng], Thanh Thủy, Báo Ninh Bình điện tử, Ngày gửi: Chủ nhật, 16:25, 8/1/2012
  20. ^ Đôi nét về lễ hội Đình Vật làng Bồ Vi
  21. ^ Kiệu tự “bay” trên đường rước ở Ninh Bình
  22. ^ Lễ rước Thánh Trần độc đáo ở Ninh Bình, VnExpress.net, Tiến Dũng, 2/5/2010
  • x
  • t
  • s
Du lịch Ninh Bình
Vùng du lịch phía Bắc:Gia Viễn – Nho Quan
  • Suối Kênh Gà – Động Vân Trình
  • Chùa Địch Lộng
  • Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long
  • Động Hoa Lư
  • Các đền thờ Vua Đinh
  • Đền Thánh Nguyễn
  • VQG Cúc Phương
  • Hồ Đồng Chương
  • Chiến khu Quỳnh Lưu
  • Phủ Đồi Ngang
  • Đan viện Châu Sơn
Quần thể danh thắngTràng An
  • Tam Cốc – Bích Động
  • KDLST Thung Nham
  • Cố Viên Lầu
  • Động Thiên Hà
  • KDLST Tràng An
  • Chùa Bái Đính
  • Hành cung Vũ Lâm
  • Cố đô Hoa Lư
  • Đền Vua Đinh
  • Đền Vua Lê
  • Chùa Nhất Trụ
  • Chùa Duyên Ninh
  • Động Am Tiên
  • Thành Hoa Lư
  • Hoa Lư tứ trấn: Động Thiên Tôn
  • Đàn Kính Thiên
  • Hang Múa
Du lịch trung tâm đô thịThành phố Hoa Lư
  • Di tích đặc biệt núi Non Nước
  • Núi Kỳ Lân
  • Núi Ngọc Mỹ Nhân
  • Chùa Đẩu Long
  • Chợ Rồng Ninh Bình
  • Ga Ninh Bình
  • Cảng Ninh Phúc
  • Cầu Ninh Bình
  • Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế
  • Làng hoa Ninh Phúc
  • Công viên văn hóa Tràng An
Vùng du lịch phía Nam:Tam Điệp – Kim Sơn
  • Phòng tuyến Tam Điệp
  • Hồ Yên Thắng
  • Sân golf Hoàng Gia
  • Hồ Đồng Thái
  • Cửa biển Thần Phù
  • Nhà thờ chính tòa Phát Diệm
  • Bãi Ngang - Cồn Nổi
Lễ hội, làng nghềĐặc sản ẩm thực
  • Lễ hội Hoa Lư
  • Lễ hội chùa Bái Đính
  • Lễ hội Tràng An
  • Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ
  • Rượu Kim Sơn
  • Cơm cháy Ninh Bình
  • Cá rô Tổng Trường
  • Dê núi Ninh Bình
  • Dứa Đồng Giao
  • Cá tràu tiến vua
Du lịch Việt Nam

7 khu du lịch quốc gia • An Giang • Bà Rịa – Vũng Tàu • Bạc Liêu • Bắc Giang • Bắc Kạn • Bắc Ninh • Bến Tre • Bình Dương • Bình Định • Bình Phước • Bình Thuận • Cà Mau • Cần Thơ • Cao Bằng • Đà Nẵng • Đắk Lắk • Đắk Nông • Điện Biên • Đồng Nai • Đồng Tháp • Gia Lai • Hà Giang • Hà Nam • Hà Nội • Hà Tĩnh • Hải Dương • Hải Phòng • Hậu Giang • Hòa Bình • Thành phố Hồ Chí Minh • Hưng Yên • Khánh Hòa • Kiên Giang • Kon Tum • Lai Châu • Lạng Sơn • Lào Cai • Lâm Đồng • Long An • Nam Định • Nghệ An • Ninh Bình • Ninh Thuận • Phú Thọ • Phú Yên • Quảng Bình • Quảng Nam • Quảng Ngãi • Quảng Ninh • Quảng Trị • Sóc Trăng • Sơn La • Tây Ninh • Thái Bình • Thái Nguyên • Thanh Hóa • Thừa Thiên Huế • Tiền Giang • Trà Vinh • Tuyên Quang • Vĩnh Long • Vĩnh Phúc • Yên Bái

Từ khóa » đền Mẫu ở Ninh Bình