Đi Tìm Chân Dung Công Chúa Thiệu Ninh đời Trần - Công An Nhân Dân

  • Tìm chân dung các vị vua Việt

Chị kể rằng, chị thường mơ thấy được ai đó dẫn vào trong một hậu cung tối mờ ảo, có nhiều tượng thần. Ban đầu chị không để ý, chỉ nghĩ đó là những giấc mơ vu vơ nào đó, dù nó vẫn cứ thi thoảng lặp lại. Cho đến một hôm, có việc giỗ chạp ở quê, chị sắp lễ vào đình làng, khi lần đầu bước vào gian hậu cung, chị giật mình nhận ra đây chính là khung cảnh mà chị vẫn thường gặp trong giấc mơ. Cảm nhận có sự dẫn dắt nào đó từ quá khứ, chị mới hỏi han các cụ thì mới biết nhiều vấn đề liên quan đến đình Phú Xuân hiện vẫn còn đang có nhiều nghi vấn: như Thành hoàng là ai?

Vì thế chị đã đứng ra mời các chuyên gia từ Hà Nội để tư vấn cho các cụ. Chúng tôi đã có một ngày làm việc đáng nhớ, khi bắt đầu từ chỗ chưa biết gì, để đến cuối ngày được vỡ òa trong nhận thức và cảm xúc khi tìm lại được những sử liệu quan trọng nhất về tín ngưỡng của đình làng Đông Á nói riêng và của vùng đất Tây Quan cổ nói chung. Đó là hiện tượng Thành hoàng làng kiêm Hậu Phật qua trường hợp gia đình Thiệu Ninh công chúa vào đời Trần, với những tư liệu về bi ký, văn hiến và tượng pháp hiện tồn.

image001.jpg -0
Tượng Thiệu Ninh Công chúa, chùa Từ Ân.

Một thao tác bình thường trước mỗi cuộc điền dã là tôi phải sưu tập các nguồn tư liệu trong các kho lưu trữ, cũng như địa phương để biết được cơ bản về thần hiệu và lịch sử của địa phương. Tư liệu đầu tiên là tấm bia Từ Ân tự bi minh tịnh tự khắc vào niên hiệu Xương Phù thứ 6 (1382), do Hồ Tông Thốc (1324-1404) soạn. Đây là sử liệu quan trọng nhất về tín ngưỡng của địa phương.

Nội dung văn bia ghi việc công chúa Thiệu Ninh xây dựng chùa ở đất Tây Quan, trong chùa có nhà hương hỏa thờ thân mẫu là ưu bà di Thiện Huệ (Vũ Nương). Thái tử Trung Tịnh thượng hầu, đặt tên chùa là Từ Ân, sau đó thỉnh Hồ Tông Thốc về Tây Quan để xem hình thế đất đai và quá trình xây dựng chùa

Với tư liệu minh văn này ta chỉ biết đến bà Thiện Huệ - mẹ công chúa Thiệu Ninh là người được phối thờ vào chùa Từ Ân. Văn bia không nêu rõ cấu trúc tự viện ra sao, nhưng chùa có một đơn nguyên kiến trúc độc lập nằm ngoài Tam bảo là “nhà hương hỏa” thờ bà Thiện Huệ, ngay khi bà còn sống.

Văn bia không cho biết Tây Quan có đình, càng không có thông tin nào nói về việc bà Thiệu Ninh là Thành hoàng. Điều này là dễ hiểu bởi đời Trần chưa có thiết chế đình như từ thời Lê – Mạc về sau. Vậy thì, chùa Tây Quan xưa không còn là vì lý do gì? Hay ở Phú Xuân, chùa đã đổi thành đình làng? Vì sao bà Thiệu Ninh lại trở thành Thành hoàng? Vậy mẹ bà hiện được thờ ra sao? Văn bia chùa Từ Ân hiện còn tại di tích hay không?

Để tìm hiểu tiếp, tôi tiếp cận Thần tích - thần sắc thôn Giàng làng Thượng Tầm tổng Thượng Tầm phủ Thái Ninh tỉnh Thái Bình. Tài liệu này cho biết Thần Thành hoàng là Thiệu Ninh công chúa - con gái của vua Trần Nghệ Tông, sinh ngày 6-6, hóa ngày 29-3. Công chúa có cho thôn Giàng 80 mẫu ruộng để cày cấy lấy hoa lợi phụng sự ngài.

Đến đời ông Thánh tổ họ Trịnh thì ruộng đó đổi thành công điền, đem cấp đều cho toàn xã. Sự tích và ngọc phả đều có truyền lại. Thần được triều đình nhiều lần ban cấp sắc phong các năm Cảnh Hưng 44 (1783), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Bản kê khai cho biết khi còn sinh thời thì công chúa chưa được làng thờ sống. Trước khi thờ ngài, thì làng cũng chưa từng thờ vị nào.

9h sáng ngày 15-5, chúng tôi dừng xe trước cửa đình Phú Xuân. Một ngôi đình trùng tu xây mới, cổng gạch phía ngoài quét viền xanh đỏ quanh các liễn đối mới đắp, sân rộng bên trong được lợp mái tôn. Đình xây bằng gạch, nhưng đã xuống cấp. Hệ thống hoành phi câu đối đều mới, chữ viết lối dân gian.

Tất cả các đồ pháp khí, kiệu, bài vị, bát hương, cơ bản đều là đồ mới sắm sửa. Hiện nay, gian hậu cung đang thờ 3 ban: ban giữa thờ Thành hoàng làng (bài vị để trắng, không có chữ), hai ban bên cạnh 01 ban thờ thổ địa và 01 ban thờ các dòng họ trong làng. Gian bên ngoài: giữa thờ ban công đồng. Bên phải thờ các liệt sĩ. Bên trái thờ Trần triều, phía dưới thờ quan Ngũ hổ và có một kiệu đặt bát hương thờ Bác Hồ.

Các cụ trong địa phương cho biết thành hoàng làng là Ỷ Lan thái hậu và Thiệu Ninh công chúa. Vào buổi họp, chúng tôi ngồi ngay ở dưới mái tôn trước sân đình. Đồng chí Phí Văn Vui, Chủ tịch xã chủ trì, anh trước đây từng đảm nhiệm việc quản lý văn hóa xã trong 20 năm, nên hiểu rất rõ về tình hình địa phương. Các cụ thay nhau giơ tay phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến đình và lai lịch của thần. Cuộc thảo luận dường như không thể đi đến kết luận bởi mỗi người đều có ý kiến riêng.

Khi đó, với tư cách là chuyên gia khách mời, tôi đứng lên chia sẻ những gì mình biết qua các nguồn tư liệu có được. Tôi nói rằng, tấm bia Từ Ân tự bi minh tính tự khắc năm 1382 là một báu vật của làng, có ghi rõ ràng Thiệu Ninh công chúa cho xây chùa Từ Ân để báo hiếu thân mẫu là bà Vũ Nương.

Thần tích còn ghi rõ rằng: “Công chúa là con của vua thứ 8 nhà Trần, ông ngoại tên là Vũ Đình Quang - người bản huyện - xưa là hương Cổ Lũ. Vua Trần Nghệ Tông có ban cho [ngài] hương Cổ Lũ này [làm trang ấp]. Đến thời Lê Thánh Tông thì Cổ Lũ mới đổi thành xã Hạc Hải. Ông Quang có con gái là bà Vũ Nương, được vua Nghệ Tông nạp làm Phi, sinh một con gái là công chúa Thiệu Ninh, một con trai là Trung Tịnh thượng hầu, cuối đời tuổi cả mới về chùa ở bản quán trụ trì” (trang 938-940;).

Thái Bình tỉnh Thái Ninh phủ Thanh Quan huyện Đồng Hải tổng các xã thần sắc Thôn Giàng, xã Thượng Tầm gồm sự tích Thiệu Ninh công chúa người Cổ Liêu, huyện Thanh Quan, con của vua Trần Nghệ Tông và bà Vũ Nương, có công cấp 80 mẫu ruộng và dựng chùa Từ Ân.

Tất cả các tư liệu lịch sử hiện tồn này đều cho phép nhận định Thiệu Ninh công chúa là Thành hoàng của làng Giàng, được thờ tại đình Phú Xuân ngày nay. Và hiện chưa tìm thấy tư liệu nào ghi chép việc thờ cúng thái hậu Ỷ Lan. Nhưng trong làng hiện không còn bất kỳ tư liệu nào. Vậy chùa Từ Ân xưa, và tấm bia cổ đời Trần đã mất đâu? Sao không ai còn ghi nhớ và biết đến? Đầu giờ chiều chúng tôi sang miếu thôn Phần - cũng là nơi thờ Thiệu Ninh công chúa. Miếu cũng xây mới, có một số hoành phi câu đối cổ xen lẫn mới đắp. Anh Vui đề nghị được mở sắc, nhưng người thủ từ xin âm dương không được. Chuyến đi tưởng chừng đi vào bế tắc.

Tầm 3h30’ chiều, chúng tôi di chuyển sang chùa xã Đông Vinh, nơi nghe nói có tấm bia ghi tên bà họ Vũ. Chùa nằm ngoài rìa làng trong một cánh đồng mênh mông lúa xanh mướt. Trước chùa là hai khoảnh hồ trấn ngang, và có cây cầu bắc vào sân trong. Sư cô trụ trì ra đón, và dẫn đoàn vào trong.

Tôi khựng lại ngay giữa mé sân, thấy một văn bia đã mòn mờ núp dưới nhà bia. Nhìn vào hoa văn, thấy trên trán có đôi rồng mờ tỏ, diềm chân bia có hoa văn cửu sơn bát hải, thì đã ngờ ngợ, đọc tên bia và lạc khoản niên đại thì mới giật mình reo lên. Đúng là bia Trần đây rồi. Tôi đến đây mới vỡ lẽ! Không phải bia đã bị mất, hay chùa đổi thành đình. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn ở đây, chỉ là hai xã khác nhau. Sư cô nghe nói đoàn nghiên cứu về Thiệu Ninh công chúa, bèn dẫn đoàn thẳng ra phía sau chùa.

Đoàn đứng ở gian mé ngoài, thiết kế thông thoáng, khang trang, ngay trong gian đầu là một văn bia đặt trên mai rùa. Bia dựng thời vua Tự Đức. Sư cô sai người lấy khóa mở cửa, chúng tôi bước vào trong, gian thứ hai có tượng một vị quan, hai chiếc ngai đặt đôi bài vị. Màu sơn tuy mới, nhưng mỹ thuật điêu khắc cho thấy rằng đây là tượng cổ khoảng cuối thế kỷ XVIII, đôi ngai phong cách thời Nguyễn, nhưng đôi thánh vị thì phong cách cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

Bước tiếp vào gian trong cùng là tượng nữ thần toàn thân kim sắc, môi son, mày liễu, trên đầu đội mũ miện với nhiều trang sức và hoa văn quý hiếm, hai bên có hai thị nữ đứng hầu. Sư cô giới thiệu: đây là tượng công chúa. Cả đoàn bàng hoàng đứng sững lại trước vẻ đẹp của kim tượng. Màu sơn tuy mới, nhưng phong cách mỹ thuật khiến tôi nghĩ rằng đây là tượng cổ. Tôi vờ hỏi, thế tượng gian ngoài là ai?

Sư cô bảo đó là tượng em trai của công chúa, tôi nối thêm: là ngài Trung Tịnh thượng hầu? Tôi nhìn quanh, nhưng không thấy tượng nào nữa, bèn hỏi thế tượng mẹ bà ở đâu, trả lời: tượng bà đặt ở bên Tam bảo. Tôi thở phào. Chúng tôi sang làm lễ bên Tam bảo, rồi vòng sang phía sau thì thấy một ngôi tượng hậu nhỏ nhắn, đầu đội mũ tì lư, khuôn mặt phúc hậu, đối sang bên kia (hữu) là tượng Quan Âm Tống Tử.

Một ngày điền dã vất vả từ sáng sớm đến cuối chiều, chúng tôi đã tìm lại được đến đúng ngôi chùa Từ Ân với tấm bia của Hồ Tông Thốc, và tượng của các vị công chúa và hoàng tử. Chị LN cùng mọi người trong đoàn rưng rưng cảm xúc. Từ những giấc mơ tưởng chừng vu vơ, đến giờ chị đã tìm lại được, đã tận mục sở thị tượng chân dung của Thiệu Ninh công chúa - thành hoàng đình Phú Xuân quê hương chị. Mọi vấn đề về thành hoàng cũng như việc dựng tượng, ngai thánh, bài vị đến đây đã có lời giải.

  • Hành cung của vua như thế nào?
  • Cầu kỳ xe cộ của Vua

Từ khóa » Tĩnh Huệ Công Chúa