Đi Tìm Người Viết Câu Hát “giận Mà Thương” - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Nhà viết kịch, nhà báo Xuân Trình: Vững tin “Thời tiết ngày mai”
- Nhà viết kịch Lộng Chương: Người thắp lửa những đam mê tuổi trẻ
- Nhạc sỹ, nhà viết kịch Minh Phương: “Người tuyên truyền viên vĩ đại”
- "Cay mũi" vì ông Trump thắng cử, nhà viết kịch đạt giải Nobel “khăn gói” rời Mỹ
- Nhà viết kịch Chu Thơm: Rất cảm phục những người thầy “bất đắc dĩ”
Hai bài hát này đã được không ít các nghệ sỹ tên tuổi thể hiện trên các sân khấu lớn trong và ngoài nước nhân các dịp “lễ trọng”, nhưng oái oăm thay, bài “Giận mà thương” chỉ được người ta giới thiệu là: Dân ca, Ví, Giặm hoặc dân ca xứ Nghệ, còn bài “Trông cây lại nhớ đến người” thì chỉ giới thiệu là nhạc và lời của nhạc sỹ Đỗ Nhuận.
Chuyện cứ mãi thành “quên” như thế, càng lâu các thế hệ trẻ sẽ chỉ biết đến bài “Trông cây lại nhớ đến Người” là của nhạc sỹ Đỗ Nhuận mà không biết đến một sự thật; bài hát này là của tác giả Nguyễn Trung Phong viết lời theo làn điệu dân ca xứ Nghệ, sau đó, trong một lần Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh đi biểu diễn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận nghe được bài hát ấy, với sự nhạy cảm của một nhạc sỹ tài năng, ông đã cải biên thành bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” dựa trên nền nhạc dân ca như ta biết ngày nay.
Đã đến lúc chúng ta phải trả lại sự công bằng cho nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong; mỗi khi giới thiệu bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” thì nên giới thiệu là: “Sáng tác: Nguyễn Trung Phong, cải biên: nhạc sỹ Đỗ Nhuận”.
Bác Hồ với các diễn viên Đoàn Văn công Nghệ An sau khi biểu diễn vở “Cô gái sông Lam” tại Phủ Chủ tịch (tối 27 tháng 5 năm 1962). |
Còn đối với bài hát “Giận mà thương” thì số phận của nó càng ngày càng bị đẩy xa hơn đối với “người cha đẻ” của nó. Thế hệ sau, kể cả những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cứ mặc nhiên rằng bài hát “Giận mà thương” là dân ca, từ dân gian mà ra, làn điệu là dân gian và lời bài hát cũng của dân gian nốt.
Chính vì hiểu theo thể dân ca không có tác giả soạn lời nên đương nhiên không thể biết đến hoàn cảnh sáng tác của bài hát. Chính vì không biết đến hoàn cảnh ra đời của bài hát nên đã có không ít những bài bình tán “trật lấc” về ý nghĩa cũng như những gửi gắm mà tác giả mượn lời người vợ yêu chồng để gửi đến người nghe qua câu hát giận thương:
“Anh cứ nhủ rằng em không thương Em đo lường thì rất cặn kẽ Chính thương anh nên em bàn với mẹ Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường”
…..
Từ trước đến nay, không ít người hiểu bốn câu hát trên theo chiều là vì người vợ quá yêu chồng, không muốn chồng đi làm ăn xa, mà xa ở đây là “ngược Lường”, ở đó vừa rừng núi xa xôi, vừa có nhiều cô…gái đẹp. Không khuyên nhủ được chồng ở nhà, cô vợ đã phải nhờ đến sự can thiệp của mẹ...Nghĩ như thế là hoàn toàn sai về bài hát nếu như chúng ta biết được hoàn cảnh ra đời của nó:
Những năm đất nước còn chiến tranh, để dốc toàn lực cho tiền tuyến “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hậu phương lớn miền Bắc đã thực hiện mô hình kinh tế tập thể, làm việc theo giờ giấc kẻng còi, việc buôn bán giao thương đã có các cửa hàng của nhà nước.
Ủng hộ chủ trương đó, năm 1967, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã xây dựng vở kịch dân ca "Khi ban đội đi vắng". Ông đã đưa tác phẩm này về quê bàn bạc và hợp tác với người chú ruột của mình là đạo diễn Nguyễn Trung Đính cùng người em là nhà biên kịch, nguyên chủ nhiệm HTX Diễn Bình là ông Nguyễn Trung Giáp. Ba người thống nhất dàn dựng và lần đầu tiên lên sân khấu do đội văn nghệ xã Diễn Bình biểu diễn, sau đó vở kịch này được chuyển vào cho Đoàn Dân ca Nghệ An dàn dựng ở sân khấu chuyên nghiệp.
Với vở “Khi ban đội đi vắng", sau khi đội văn nghệ Diễn Bình biểu diễn, được đông đảo khán giả hưởng ứng, nhưng cứ mỗi lần xem biểu diễn xong, Nguyễn Trung Phong lại cứ thấy nó thiêu thiếu một điều gì đó. Chính vì cái thiếu đó mà nó vo nhỏ đi chiều kích của vở diễn.
Cái thiếu ở đây là làm sao phải tìm được một làn điệu dân ca, hay một bài dân ca cổ xứ Nghệ nào đó để lột tả được tâm trạng của một người vợ quá yêu chồng, muốn chồng đi đúng đường, không vi phạm pháp luật.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, đi tìm hỏi các nghệ nhân trong vùng vẫn không có một bài hát nào phù hợp cho vở kịch, Nguyễn Trung Phong đã làm một điều mà từ trước đến nay ông chưa bao giờ làm, đó là tự sáng tác lấy một bài hát theo làn điệu dân ca xứ Nghệ cho vở kịch. Và bài hát “Giận mà thương” đã ra đời như thế. Đến đây thì chúng ta đã hiểu tại sao lại khuyên anh không ngược Lường. Lường ở đây là địa danh chợ Lường ở huyện Đô Lương thuộc Nghệ An.
Trước đây, khi nhà nước chưa thực hiện chính sách kinh tế tập trung, bao cấp thì người dân ở các huyện miền biển như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… của Nghệ An thường đưa các sản vật từ biển như cá, mắm, muối…ngược lên chợ Lường để bán, sau đó mua các sản vật rừng như măng khô, mộc nhĩ từ chợ Lường đem về xuôi bán.
Nay thực hiện theo chính sách mới, nhà nước cấm người dân “đi buôn”, ai đi buôn là vi phạm pháp luật nên người vợ đã ngăn chồng không đi buôn trên chợ Lường nữa. Một mình người vợ khuyên, anh chồng không nghe, nên người vợ phải “cầu cứu” đến cả mẹ để khuyên chồng. Tuy rất giận chồng vì cứ muốn vi phạm pháp luật, nhưng một mặt cũng rất thương chồng chỉ vì lo cho đời sống gia đình mà đi vào đường sai. “Giận mà thương” là như thế đó.
Ngoài hai bài hát khá nổi tiếng và có số phận đặc biệt trên, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong còn sáng tác và dàn dựng nhiều vở kịch dân ca. Vở chèo “Nhắc lại” ông viết năm mới 23 tuổi đã đoạt giải Nhất Hội diễn tỉnh Nghệ An năm 1952. Năm 1955, ông viết vở kịch "Ở lại". Sau cải cách ruộng đất năm 1956, ông viết vở dân ca "Tấc đất tấc vàng". Rồi năm 1957 ông viết vở chèo "Trương Viên".
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929-1990). |
Năm 1958, viết vở dân ca "Vẹn cả đôi đường". Năm 1961, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), ông đã cho ra đời vở chèo 5 màn "Cô gái sông Lam" sau khi đoàn chèo Nghệ An biểu diễn thành công ở tỉnh; năm 1962 được chọn tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc và đã giành được Huy chương Vàng toàn đoàn và 4 huy chương Vàng cá nhân.
Tối 27 tháng 5 năm 1962, Đoàn Văn công Nghệ An được mời vào Phủ Chủ tịch công diễn và vinh dự cho đoàn là dù đang bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã đến thưởng thức vở diễn. Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Năm 1973, vở chèo “Cô gái sông Lam” được chuyển thể thành dân ca xứ Nghệ. Tên tuổi của NSND Hồng Lựu gắn liền với vai cô Nghệ trong vở kịch cho đến mãi ngày nay.
Sau thành công của vở diễn “Cô gái sông Lam”, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong còn cho ra đời hàng loạt vở kịch, ca kịch, chèo… đáng chú ý như kịch dân ca “Chị thư ký đội sản xuất” (1967); “Giữa vụ cày” (1983); chèo “Chị Thảo” (1968); “Hạt lúa quê ta” (1970); “Một cuộc đời” (1976); cải lương “Ngọn lửa không bao giờ tắt” (1981) …
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Phó Giám đốc Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, là người không qua một trường lớp đào tạo về chuyên môn nhạc và kịch, nhưng đã viết những vở kịch sân khấu nổi tiếng một thời. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc đưa dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ lên sân khấu, vì như chúng ta biết, trước đây dân ca Ví, Giặm thường chỉ hát theo Phường, và được diễn xướng trong không gian hẹp mang tích chất tự phát là chính.
Với bề dày thành tích trong hoạt động văn hóa văn nghệ và những đóng góp đáng kể cho dân ca xứ Nghệ nói riêng và dân ca nói chung, nhưng cho đến nay, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong vẫn chưa được vinh danh xứng đáng với những đóng góp của ông. Trong khi đó, bạn bè ông không ít người đã được nhận Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1990. Trước khi mất, ông dặn con trai: “Con chụp lại tấm ảnh chụp Bác Hồ với các diễn viên Đoàn Văn công Nghệ An sau khi đoàn vào biểu diễn vở “Cô gái sông Lam” tại Phủ Chủ tịch phục vụ Người và được Người khen thưởng, cùng tấm ảnh của cha để lên bàn thờ”.
Người viết câu hát “Giận mà thương” đã ra đi gần 30 năm nay, nhưng câu hát ấy thì mãi như là biểu tượng của những người con gái xứ Nghệ. “Giận thì giận mà thương lại càng thương”.Từ khóa » Giận Thì Giận Mà Thương Thì Thương Anh Sai đường Em Không
-
Giận Mà Thương - Minh Trang | Dân Ca Nghệ Tĩnh NGHE MỘT LẦN ...
-
Giận Mà Thương - Dân Ca Nghệ Tĩnh Thu Hiền [Official Full]
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương (Dân Ca Nghệ Tĩnh) [có Nhạc Nghe]
-
Giận Mà Thương - Lâm Chấn Huy
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương - Hồng Duyên
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương (lyrics) - Trình Bày: Thu Hiền
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương - TimMaSoKaraoke.Com
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương - TimMaSoKaraoke.Com
-
Giận Mà Thương - V.A - NhacCuaTui
-
Giận Mà Thương (Dân Ca Nghệ Tĩnh) - Lời Bài Hát Việt
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương 1 - Thu Hiền
-
Lời Bài Hát "Giận Mà Thương" Chính Xác Nhất - Chuyên Trang Du Lịch
-
Giận Mà Thương Anh ơi, Chớ... - Dân Ca Ví, Giặm Xứ Nghệ | Facebook
-
Lời Bài Hát Giận Mà Thương 1 - Show News