Dì Tôi - Giác Ngộ Online

GN - Tuổi đã xế chiều nhưng dì tôi vẫn chưa lấy chồng. Người ta bảo phụ nữ tuổi Dần cao số. Đã có nhiều người đàn ông bước chân vào cuộc đời dì rồi lại lặng lẽ quay gót ra đi. Có lần dì đã định bụng phó mặc cho số phận theo một người lái buôn muối từ Thái Bình sang, nhưng đến khi người ta sang dạm ngõ thì dì trốn biệt vào trong buồng. di toi.jpgẢnh minh họa Dì thương bà già yếu, dì đi lấy chồng rồi lấy ai chăm lo cho bà, những lúc trái gió trở trời, đôi chân bà đau nhức ai là người bóp chân cho bà, những lúc mưa bão ai lợp lại mấy viên ngói vỡ, ai che chắn cho chuồng gà chơ vơ góc vườn khỏi ướt mưa, ai bắc thang trèo lên giàn trầu hái những lá trầu tươi xanh nhất để bày lên bàn thờ ngày rằm, mùng một,…

Dì ở cùng bà trong một căn nhà nhỏ nằm sâu trong xóm. Ngôi nhà cũ tường vôi bong tróc loang lổ, mái ngói xỉn màu như hàm răng bà ăn trầu. Cũng như bao người phụ nữ khác, dì cũng khát khao có một mái ấm gia đình, có một bờ vai đàn ông để nương tựa, có những đứa con thơ bé.

Bà kể nhiều đêm dì mất ngủ, thẫn thờ ngồi bên bậu cửa sổ, đăm đắm nhìn ra cái cổng tán dựa vào gốc cây xoài, đổ bóng sõng soài giữa tấm nệm ánh trăng vàng vọt trên nền xi-măng thô ráp. Lòng thòng những tiếng dế văng vẳng, vỡ vụn tiếng mọt trở mình trong song cửa. Rồi dì lặng lẽ nằm gọn vào lòng bà như đứa trẻ tìm chút hơi ấm của mẹ, dì khóc rưng rức. Bà thức nhưng vờ ngủ, đôi mắt rịn ra từng giọt nước mắt tưởng chừng đã cạn khô trong hốc mắt già nua.

Dì ăn mặc tuềnh toàng, quanh năm suốt tháng chỉ mấy manh áo sờn bạc được bà con họ hàng mặc thừa đem cho. Cái quần lao động cáu vàng vì lội ruộng, ống xắn ống thả. Lúc nào dì cũng tất bật, chân thấp chân cao.

Dì cặm cụi đan làn từ sáng sớm đến khi bóng đêm đổ đầy vào căn nhà cấp bốn. Bàn tay dì chai sần bao lần bật máu. Dì bảo mỗi chiếc làn người ta trả cho dì hai nghìn đồng, cả ngày làm được hơn chục nghìn. Bữa thì năm, bảy nghìn cá diếc con con về nấu lõng bõng nước, bữa thì mấy tấm đậu phụ hay vài quả cà. Dì và vội mấy miếng cơm cho qua bữa rồi lại đứng dậy lúi húi đan làn.

Mọi người trách dì hà tiện, tự buộc khổ vào mình. Dì chỉ lặng im, đôi mắt nhìn xa xăm, đổ đầy nỗi âu lo. Tôi gặng hỏi, dì chỉ thở dài: “Người ta có chồng, có con, còn có chỗ nương tựa lúc tuổi già, dì một thân một mình, biết trông chờ vào ai, thôi thì lúc còn khỏe, còn làm được, cố ki cóp nhặt nhạnh chút tiền để lo hậu sự”. Miệng tôi đắng ngắt, cắn chặt vào môi, mảnh trời chiều ngoài kia cũng như run run.

Dì là con út, chưa một lần được thấy mặt cha (ông ngoại tôi mất trong chiến tranh) nên mẹ tôi thương dì nhiều lắm. Cứ khi nhắc đến chuyện của dì là mẹ tôi lại không cầm được nước mắt. Mỗi lần tôi về thăm dì đều nằng nặc dúi vào tay tôi mấy đồng và bảo: “Dì ở quê thế nào cũng sống được, mày ở nơi đất khách quê người cầm lấy mà xoay xở”. Tôi nắm thật chặt trong tay những đồng tiền mặn chát mồ hôi và nước mắt của dì và chợt nhận ra tóc dì đã bạc hơn rất nhiều.

Từ khóa » Dì Phước Dúi Vào Tay Tôi