Dị ứng Hải Sản Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? | Genetica®

Mặc dù hầu hết các trường hợp dị ứng thực phẩm thường bắt nguồn từ thời thơ ấu, nhưng cũng có những loại dị ứng phát triển khi đến tuổi trưởng thành. Một trường hợp tiêu biểu có thể kể đến dị ứng hải sản. Cùng với dị ứng cá, dị ứng hải sản là loại dị ứng phổ biến nhất ở người lớn.

Theo Tổ chức nghiên cứu và giáo dục về dị ứng thực phẩm (Food Allergy Research & Education – FARE), có khoảng hơn 6,5 triệu người Mỹ trưởng thành gặp vấn đề với dị ứng hải sản. Vậy dị ứng hải sản là gì? Dị ứng hải sản có triệu chứng ra sao và cách phòng ngừa thế nào? Hãy cùng Xét nghiệm gen Genetica® tìm hiểu nhé!

1, Dị ứng hải sản là gì?

Dị ứng hải sản là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với các protein cụ thể trong các loại hải sản bao gồm động vật có xương sống (các loại cá có xương sống) và động vật không xương sống (động vật giáp xác và động vật thân mềm). Theo các số liệu thống kê khác nhau giữa các quốc gia, ước tính có khoảng 1% dân số bị dị ứng hải sản, đặc biệt phổ biến hơn ở những nơi mà hải sản là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống chẳng hạn như các nước thuộc khu vực Châu Á.

Nếu bạn được chẩn đoán có dị ứng với hải sản, bạn có nguy cơ dị ứng với một hoặc một số loại hải sản thường gặp như cá, tôm (xem ngay bài viết dị ứng tôm tại đây), cua, sò, trai, mực, bạch tuộc… Một số ít trường hợp thậm chí dị ứng với tất cả các loại hải sản. Tương tự như nhiều loại dị ứng thực phẩm khác, dị ứng hải sản cũng gây những triệu chứng cơ bản ở nhiều cơ quan trong cơ thể.

Phần lớn các trường hợp đều xảy ra phản ứng dị ứng chỉ trong vài phút hoặc một giờ đồng hồ đầu tiên sau khi ăn hải sản. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, các phản ứng có thể xảy ra lâu sau khi ăn hoặc tiếp xúc với hải sản đó. Phản ứng dị ứng cũng thường có mức độ trầm trọng hơn sau mỗi lần tiếp xúc. Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:

  • Triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Triệu chứng hô hấp: khó thở, thở khò khè
  • Các triệu chứng khác: ngứa ran trong miệng, phát ban, các vùng sưng
  • Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ với các triệu chứng nguy hiểm như mạch nhanh, huyết áp tụt, sốc. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong

Mặc dù dị ứng hải sản không hoàn toàn di truyền, tuy nhiên nếu trong gia đình bạn có người bị dị ứng, nguy cơ bạn bị dị ứng hải sản cũng cao hơn. Mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể xảy ra dị ứng hải sản, tuy nhiên dị ứng này phổ biến ở người lớn hơn trẻ nhỏ. Ở người lớn, dị ứng hải sản phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Ngược lại, ở trẻ em, dị ứng hải sản có xu hướng phổ biến hơn ở bé trai.

Dị ứng hải sản là gì? Có nguy hiểm không?

 2, I-ốtt có phải nguyên nhân gây dị ứng hải sản không?

I-ốt là một nguyên tố được tìm thấy ở khắp cơ thể và có vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormon tuyến giáp và nhiều acid amin khác nhau. Có thể khẳng định rằng con người khó có thể tồn tại nếu như thiếu i-ốt. Tuy nhiên, có nhiều thông tin gây nhầm lẫn về mối quan hệ giữa dị ứng hải sản và i-ốt.

Điều này một phần có thể do i-ốt là một khoáng chất có nhiều trong hải sản. Nhiều người tin rằng i-ốt có thể tác động và gây ra phản ứng dị ứng ở người dị ứng hải sản. Một bộ phận người còn e ngại việc chụp x-quang bởi i-ốt được dùng trong các loại thuốc và chất cản quang khi chụp x-quang. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học Journal of Emergency Medicine đã kết luận i-ốt không làm tăng nguy cơ dị ứng với những người có dị ứng hải sản. Đặc biệt, những người dị ứng hải sản cũng không bị gia tăng nguy cơ phản ứng với các thuốc có thành phần chứa i-ốt.

3, Nguyên nhân gây dị ứng hải sản

Dị ứng hải sản thường có thể được nhận biết bằng cách xuất hiện các triệu chứng ngay sau khi ăn hải sản từ vài phút đến 1 giờ. Để xác định chính xác các triệu chứng có phải do dị ứng cá hay không, có thể dựa vào 2 xét nghiệm: xét nghiệm kháng thể trong máu (blood antibody test) và xét nghiệm lẫy da (skin prick test)

  • Xét nghiệm máu, hay còn được biết đến là xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu của phản ứng dị ứng là xét nghiệm giúp đo lường phản ứng của hệ thống miễn dịch với từng loại hải sản.
  • Xét nghiệm lẫy da cũng giúp phát hiện chính xác tình trạng dị ứng. Để thực hiện xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ đưa một lượng nhỏ các chất gây dị ứng vào dưới da. Nếu bạn bị dị ứng với tác nhân nào, các phản ứng dị ứng sẽ xảy ra tại vị trí da đó, giúp xác định tình trạng dị ứng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phát hiện sớm nguy cơ bị dị ứng hải sản của bản thân bằng xét nghiệm gen. Đây là xét nghiệm an toàn, không gây xâm lấn nhưng vẫn cho kết quả chính xác cao.

Dị ứng hải sản là gì? Có nguy hiểm không?

4, Dị ứng hải sản có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Dị ứng hải sản không thể chữa khỏi hoàn toàn. Cách duy nhất là hãy phòng tránh tối đa các nguy cơ có thể gây ra phản ứng dị ứng. Bên cạnh việc tránh ăn các loại hải sản gây dị ứng, bạn có thể có một số lưu ý sau:

  • Hỏi về cách chế biến thức ăn khi ăn ở nhà hàng. Một số món ăn tại nhà hàng có thể sử dụng nước mắm hoặc nước sốt chế biến từ hải sản làm tăng nguy cơ dị ứng.
  • Tránh ăn ở nhà hàng hải sản hoặc mua sắm ở chợ hải sản. Một số người xảy ra phản ứng dị ứng ngay cả khi chỉ hít phải hơi nước khi chế biến hải sản hoặc khi chạm vào hải sản.

Đọc kỹ nhãn thực phẩm để đảm bảo hải sản không nằm trong thành phần của những món đồ bạn định mua.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://kidshealth.org/en/parents/shellfish-allergy.html#catallergies
  2. https://acaai.org/allergies/allergic-conditions/food/shellfish/
  3. https://www.healthline.com/health/allergies/shellfish#iodine

Từ khóa » Dị ứng Hải Sản Là Gì