Dị ứng Penicillin: Bạn đã Biết Gì? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Dị ứng penicillin là gì?
  • 2. Thông tin về Penicillin và các nhóm thuốc liên quan
  • 3. Đối tượng nào có nguy cơ dị ứng Penicillin cao hơn?
  • 4. Làm thế nào để nhận biết một tình trạng dị ứng penicillin?
  • 5. Vậy làm thế nào để chẩn đoán chính xác tình trạng dị ứng penicillin?
  • 6. Điều trị dị ứng penicillin
  • 7. Biện pháp dự phòng với dị ứng penicillin

Dị ứng penicillin hiện nay không phải là tình trạng hiếm gặp ở người sử dụng thuốc và gây ra không ít cản trở cho việc điều trị y khoa. Lý do là vì, penicillin là một trong những thuốc được Bác sĩ kê toa phổ biến cho các bệnh lý nhiễm khuẩn hiện nay. Vì vậy, việc người dùng tự nhận biết và chủ động liên lạc trung tâm y tế khi xảy ra dị ứng penicillin là cần thiết.

1. Dị ứng penicillin là gì?

Dị ứng penicillin là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch cơ thể đối với penicillin. Trong đó, tình trạng đặc trưng bởi các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp như nổi mề đay, phát ban hay ngứa. Thậm chí có trường hợp, người bệnh bị phản ứng phản vệ, đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng đến đa cơ quan.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tình trạng dị ứng Penicillin có thể đã bị đánh giá quá mức. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng các kháng sinh không cần thiết và mắc tiền hơn trong điều trị.

Do đó, việc chẩn đoán chính xác một người có thực sự dị ứng với Penicillin hay không là cần thiết, nhất là trong những trường hợp nghi ngờ. Nhằm đảm bảo cho những lựa chọn điều trị tốt nhất trong tương lai của bạn.

dị ứng penicillin
Bạn có dị ứng với penicillin không?

2. Thông tin về Penicillin và các nhóm thuốc liên quan

Penicillin thuộc về một nhóm thuốc kháng khuẩn, là kháng sinh Beta-lactam. Đây là một loại thuốc mà hiện nay đang được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị các bệnh lí nhiễm khuẩn. Vì vậy, tình trạng dị ứng Penicillin cũng khá thường gặp trong dân số.

Mặc dù cơ chế của các loại thuốc này khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng chống lại nhiễm trùng bằng cách tấn công thành các tế bào vi khuẩn. Ngoài penicillin, các beta-lactam khác thường liên quan đến phản ứng dị ứng là một nhóm gọi là cephalosporin. Nếu bạn đã có phản ứng dị ứng với một loại penicillin thì bạn có thể dị ứng với các loại penicillin khác hoặc với một số cephalosporin. Nhưng điều đó không nhất thiết luôn luôn có.

Các thuốc trong nhóm Penicillin

  • Amoxicillin.
  • Ampicillin.
  • Dicloxacillin.
  • Nafcillin.
  • Oxacillin.
  • Penicillin G.
  • Penicillin V.
  • Piperacillin.
  • Ticarcillin.

Các thuốc thuộc nhóm Cephalosporins

  • Cefaclor.
  • Cefadroxil.
  • Cefazolin.
  • Cefdinir.
  • Cefepime (Maxipine).
  • Cefotetan.
  • Cefprozil.
  • Cefuroxime.
  • Cephalexin (Keflex).

3. Đối tượng nào có nguy cơ dị ứng Penicillin cao hơn?

Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng Penicillin. Nhưng khi bạn có một vài đặc điểm sau, điều đó có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng này nhiều hơn:

  • Đã từng có tiền sử dị ứng như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc khác.
  • Gia đình có người có tiền sử dị ứng.
  • Sử dụng Penicillin với liều tăng dần, liều cao, sử dụng lặp lại hoặc sử dụng kéo dài.
  • Mắc các bệnh lí thường liên quan đến dị ứng thuốc như nhiễm HIV, Epstein – Barr virus.

4. Làm thế nào để nhận biết một tình trạng dị ứng penicillin?

Dị ứng penicillin có thể xảy ra cả ở những người đã từng sử dụng penicillin trước đó mà không có vấn đề gì. Chính vì vậy, việc nhận biết được tình trạng dị ứng penicillin rất cần thiết. Thông thường, phản ứng dị ứng này sẽ xảy ra ngay lập tức trong vòng một giờ đầu sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một vài trường hợp phản ứng dị ứng xảy ra khoảng vài tiếng, vài ngày hoặc vài tuần sau.

Các dấu hiệu thường gặp như:

  • Nổi mề đay.
  • Phát ban.
  • Ngứa.
  • Ngứa, chảy nước mắt.
  • Sưng phù (thường ở mặt hoặc tay, chân).
triệu chứng dị ứng Penicillin
Các triệu chứng thường gặp của dị ứng Penicillin

Hiếm gặp hơn, nhưng vẫn có những trường hợp phản ứng dị ứng Penicillin sẽ dẫn đến phản ứng phản vệ. Phản ứng này gây đe dọa tính mạng. Chúng gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể với các triệu chứng như:

  • Sốt.
  • Đau bụng, buồn nôn.
  • Ói, tiêu chảy.
  • Khó thở.
  • Khò khè, nặng ngực.
  • Hạ huyết áp.
  • Mạch nhanh, yếu.
  • Choáng.

Hoặc người bệnh có thể có các phản ứng muộn. Các phản ứng này là kết quả của dị ứng Penicillin như:

  • Thiếu máu do thuốc.
  • Hội chứng DRESS.
  • Hội chứng Steven – Johnson.
  • Viêm thận.

5. Vậy làm thế nào để chẩn đoán chính xác tình trạng dị ứng penicillin?

Bác sĩ sẽ thăm khám toàn diện, tìm các triệu chứng thường gặp của dị ứng Penicillin như đã đề cập. Đặc biệt không thể bỏ sót là tiến hành hỏi bệnh sử và tiền căn bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ cho thực hiện một số xét nghiệm sau.

Test lẫy da (Skin test)

Để thực hiện test lẫy da, bác sĩ hoặc y tá sẽ đưa một lượng nhỏ penicillin nghi ngờ vào da bạn (thường ở vùng cẳng tay) bằng kim nhỏ. Sau 15 phút, nhân viên y tế xem lại vùng da thực hiện test.

Test dương tính khi tại vị trí thực hiện test, xuất hiện nốt sưng, đỏ, ngứa. Kết quả dương tính cho thấy, tỷ lệ cao đây là dị ứng penicillin. Một kết quả âm tính nghĩa là bệnh nhân không có khả năng cao bị dị ứng. Tuy nhiên, đôi lúc một số loại dị ứng thuốc không bị phát hiện bằng test lẫy da.

Hình minh họa một test lẫy da thông thường
Hình minh họa một test lẫy da thông thường

Thử thách đánh giá (Graded challenge)

Sau khi test lẫy da âm tính nhưng vẫn nghi ngờ khả năng bệnh nhân bị dị ứng penicillin và cần điều trị kháng sinh. Bác sĩ có thể tiến hành thử thách đánh giá liều.

Thử thách đánh giá được xếp loại có lẽ là thử nghiệm in vivo đáng tin cậy nhất để chứng minh hoặc bác bỏ một cách dứt khoát việc liệu có tồn tại dị ứng kháng sinh hay không. Quy trình thử thách không thay đổi phản ứng của bệnh nhân với thuốc . Vì vậy, khi những bệnh nhân sử dụng thuốc mà không có gì bất thường. Điều này chứng minh rằng họ không bị dị ứng.

Lý do phổ biến nhất để thực hiện thử thách đánh giá là để xác nhận rằng bệnh nhân có thể sử dụng được loại thuốc thay thế, trừ thuốc đang nghi ngờ, mà bệnh nhân có kết quả xét nghiệm da âm tính.  

Bắt đầu cho người bệnh dùng thuốc với liều thấp khoảng 1/100 liều mong muốn. Sau đó tăng dần liều từ từ, mỗi lần tăng khoảng 10 lần liều khởi đầu. Quy trình tiến hành như vậy đến khi đat liều mong muốn. Trong thời gian này, người bệnh được theo dõi sát.  Và sau khi đạt đến liều điều trị nếu tình trạng người bệnh vẫn ổn. Người bác sĩ có thể kết luận là bệnh nhân không dị ứng với loại Penicillin này.

Các test không áp dụng trong người bệnh có các triệu chứng nặng như hội chứng Steven-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN).

6. Điều trị dị ứng penicillin

Phương pháp điều trị đối với tình trạng dị ứng Penicillin có hai chiến lược điều trị và theo tình trạng của người bệnh:

Điều trị triệu chứng

  • Khi bác sĩ đã xác định bệnh nhân có tình trạng này hoặc nghi ngờ, việc cho bệnh nhân ngưng dùng thuốc là bước khởi đầu của điều trị.
  • Đối với bệnh nhân chỉ có các phản ứng nhẹ phát hiện ở ngoài da thì điều trị bằng thuốc kháng histamine như Diphenhydramine là đủ.
  • Đối với trường hợp nặng hơn, khi bệnh nhân có phản ứng phản vệ thì cần xử lí cấp cứu bằng Epinephrine (1mg/ml) tiêm bắp (0,3-0,5mg/ 5-15 phút) để giải quyết triệu chứng. Đi kèm với hỗ trợ bằng thuốc kháng histamine bằng dòng kháng H1, H2 ( như Diphenhydramin 25 -50 mg, Ranitidine 50mg). Bác sĩ có thể dùng thêm Glucocorticoid.
  • Ngoài ra, cần theo dõi sát và có các chăm sóc y tế sẵn sàng để duy trì huyết áp và hỗ trợ đường thở khi cần.

Điều trị giải mẫn cảm

  • Trong trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh vẫn cần sử dụng kháng sinh. Nếu không có lựa chọn điều trị kháng sinh phù hợp nào khác, bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp điều trị gọi là giải mẫn cảm thuốc. Điều này có thể giúp người bệnh dùng được một liều penicillin để điều trị nhiễm trùng.
  • Với phương pháp này, người bệnh bắt đầu uống một liều rất nhỏ từ 1/1000000 đến 1/10000 tổng liều điều trị. Sau đó tăng dần liều thấp sau mỗi 15 đến 30 phút trong vài giờ hoặc vài ngày. Liệu trình tiếp tục cho đến khi người bệnh sử dụng được toàn bộ liều điều trị mà không có phản ứng gì.
  • Tỷ lệ thành công của phương pháp giải mẫn cảm có thể lên đến 100%

7. Biện pháp dự phòng với dị ứng penicillin

Những lưu ý chung

Dị ứng Penicillin gây cản trở việc điều trị tốt nhất cho bệnh nhân tại thời điểm mắc bệnh. Cần tiến hành nhiều xét nghiệm tại thời điểm nghi ngờ tình trạng dị ứng để xác định.

 Tuy nhiên, theo các nghiên cứu ghi nhận thời điểm tốt nhất để đánh giá dị ứng penicillin là khi bạn khỏe mạnh.

Nếu có một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng Penicillin đã đề cập ở trên. Bạn có thể thảo luận về tình trạng dị ứng trong chương trình kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ điều trị chính hoặc bác sĩ nhi khoa.

Các trường hợp nên đặc biệt lưu ý

Xác định tình trạng dị ứng Penicillin là một ý tưởng tốt trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật. Vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm trùng và hồi phục hậu phẫu.

Cuối cùng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang nghĩ đến việc thụ thai có thể muốn đánh giá dị ứng với penicillin. Vì Penicillin là nhóm thuốc được sử dụng cho nhiễm trùng trong thai kỳ và trong khi sinh vì nhiều lý do. Bệnh nhân mang thai cũng có thể được đánh giá an toàn cho dị ứng thuốc trong tam cá nguyệt thứ ba.

Penicillin là loại kháng sinh được sử dụng thông dụng trong điều trị y khoa. Chính vì vậy, tình trạng dị ứng với Penicillin có thể rất dễ xảy ra. Điều này gây cản trở đến việc bạn có thể nhận được lựa chọn điều trị tối ưu nhất. Khi sử dụng thuốc mà cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Bạn hãy ghi nhận và lập tức liên hệ với các cán bộ y tế hoặc trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lí phù hợp.

Ngoài ra với các trường hợp có các yếu tố dễ dị ứng, bạn có thể chủ động. Tìm sự tư vấn của các bác sĩ trong chương trình khám sức khỏe định kì để được hỗ trợ.

Từ khóa » Thay Thế Khi Dị ứng Penicillin