Đi Xem Hội Thi đá Chim Chích Chòe - Báo An Giang Online

Lần đầu tiên, Hội thi chim đá nghệ thuật được tổ chức ở An Giang, quy tụ gần 50 “vận động viên” (đến từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang…) tham dự. Đơn vị đứng ra tổ chức là Chi Hội chim nghệ thuật tỉnh An Giang. Cứ mỗi chú chim tham gia, nghệ nhân đóng góp mức phí 300.000 đồng.

Như bao giải đấu chuyên nghiệp khác, Ban Tổ chức hội thi quay số để chọn cặp đôi “đụng mặt” nhau ở vòng 1. Các nghệ nhân thống nhất mỗi trận đấu kéo dài không quá 3 phút. Từ vòng sau trở đi, nếu cặp chim cùng một chủ, trận đấu kéo dài không quá 5 phút; nếu khác chủ sẽ bỏ tính giờ, ai “knock-out” đối thủ thì thắng.

Hội thao được chuẩn bị cả tháng trước đó, nên quy tụ đội ngũ “vận động viên” chất lượng, ngang tài ngang sức, cống hiến rất nhiều trận đấu đẹp mắt cho người xem. Có 2 phần thi riêng biệt, dành cho chích chòe lửa và chích chòe than (còn gọi là chìa vôi).

Hai chú chích chòe lửa quan sát nhau trước trận đấu. Bên cạnh là một chú chim mái, “nguyên nhân” kích thích tính chiến đấu của các “vận động viên” trống.

Trọng tài mở cửa lồng để đôi bên “xáp lá cà” với nhau. Chú chim nào chạy trước, đá yếu sức hơn, coi như thua cuộc.

Một cặp đôi chích chòe lửa thi đấu kịch liệt ngay khi vừa gặp nhau. Đôi lúc, chúng nằm vật ra, giữ nguyên tư thế bất động rất lâu, chỉ thấy hơi thở phập phồng. Một số “vận động viên” khác hạ gục đối thủ trong vòng mấy chục giây hoặc chỉ tập trung… ăn, quên đá hoặc nhát quá, bay ra khỏi lồng, lượn lờ trên cành cây, phải bị “triệu tập” về…

Suốt thời gian diễn ra hội thi, người ngoài cuộc thì thích thú bình luận, xem trận đấu một cách thoải mái, thích những đòn chiến đấu “bung nóc”. Ngược lại, các nghệ nhân chăm chú theo dõi “vận động viên” của mình thi đấu, can thiệp ngay khi sự cố xảy ra, xót xa khi thấy chúng bị đuối sức, bị thương.

Chích chòe than 07 gặp đối thủ 05. Cả hai giằng co nhau suốt 30 phút (trong đó khoảng 20 phút “án binh bất động”, chờ đối phương kiệt sức, thì quật ngay). Thậm chí, một “vận động viên” bứt luôn lông của đối thủ, ngậm hồi lâu khoe “chiến tích”.

Chú chích chòe than 01 bỏ chạy sau thời gian dài cầm cự. Mặc dù ít giây sau đó, đối thủ của chú cũng “chạy làng”, nhưng theo luật chơi, chú chim 1 thua. Trọng tài phải “giải cứu” chú ra khỏi lồng, chờ chủ nhân đến chăm sóc.

Hội thi diễn ra từ sáng sớm đến chiều tà; từ lúc trời nắng chang chang đến lúc mưa rỉ rả. Sàn đấu được di chuyển liên tục theo nắng mưa của trời, bảo đảm điều kiện sức khỏe tốt nhất cho “vận động viên”. Người xem vẫn chăm chú theo dõi suốt nhiều giờ, không hề tỏ ra mệt mỏi hay buồn chán.

Anh Huỳnh Đông Vỹ (ngụ TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, áo hồng, giữa) đem qua 3 chú chích chòe lửa. Cuối giải, anh gom về 1 giải nhất, 1 giải nhì, xem như toàn thắng. “Thi đá chim đôi lúc mang tính chất “hên xui”, bất ngờ, vì không đoán được chúng sẽ hành động thế nào. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất vui vì có những sân chơi chuyên biệt thế này, xa cỡ nào tôi cũng tranh thủ góp mặt” – anh Vỹ bày tỏ.

GIA KHÁNH

Từ khóa » đá Chích Chòe Lửa