Địa Chí Huyện Bình Lục: Phần Thứ Nhất: Địa Lý - Báo Hà Nam điện Tử

Chương 1: ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH

I. Vị trí địa lý

Bình Lục là huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hà Nam, có tọa độ: 200 21’40” đến 200 32’52” vĩ độ Bắc và từ 1050 51’30” đến  1050 59’12” kinh độ Đông; phía Đông giáp huyện Mỹ Lộc, phía Nam giáp huyện Vụ Bản và huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), phía Tây giáp huyện Thanh Liêm và Thành phố Phủ Lý, phía Bắc giáp huyện Duy Tiên và huyện Lý Nhân. Diện tích tự nhiên là 144,214 km². Tính đến 1/4/2019 dân số trong toàn huyện là 133.046 người ở 18 xã, 1 thị trấn, trong đó nam là 65.251 người, chiếm 49 %; nữ là 67.795 chiếm 51 %. 

Trên địa bàn của huyện Bình Lục có đường quốc lộ 21A đi liền với đường sắt Bắc Nam theo hướng Hà Nội đi Nam Định và ngược lại từ thôn Duy Dương xã Trung Lương đến thôn Đa Tài xã Đồn Xá dài 6540m (km 62 + 160 đến km 68 + 700, km 68 + 40 có Ga Bình Lục). Theo chiều dọc hướng Tây Bắc - Đông Nam: có đường giao thông chính: 21A, 21B, đường ĐT 496 (đường 63 cũ) và đường ĐT 495B. Theo hướng Bắc Nam có đường ĐT 496B (đường 56 cũ),quốc lộ 37 (đường 64 cũ), đường ĐT 491 (đường 62 cũ), đường 499, cùng với hệ thống đường giao thông của huyện, các xã trong huyện tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn trong huyện và thành phố Phủ Lý đi Nam Định; Phủ Lý đi Lý Nhân; Bình Lục đi Ý Yên; Bình Lục đi Thanh Liêm, Phủ Lý; Bình Lục đi Vụ Bản, Nam Định. Vị trí địa lý và điều kiện giao thông hiện có đã tạo thế cho Bình Lục giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các huyện trong tỉnh Hà Nam và các tỉnh trong vùng và cả nước, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội và các trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ để khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên trong và thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, Bình Lục còn là địa bàn quan trọng trong thế trận khu vực phòng thủ của tỉnh Hà Nam, của quân khu 3 nhất là hướng phòng thủ từ hướng Đông Nam.

Về quản lý hành chính lãnh thổ: Bình Lục có thị trấn Bình Mỹ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện và 18 xã: Bình Nghĩa, Tràng An, Đồng Du, Đồn Xá, An Mỹ, Mỹ Thọ, An Đổ, La Sơn, Tiêu Động, An Lão, Trung Lương, Bối Cầu, Hưng Công, An Nội, Ngọc Lũ, Bồ Đề, Vũ Bản, An Ninh với 111 thôn, tiểu khu.

Phần thứ nhất Địa lý

II. Địa giới Bình Lục qua các thời kỳ Lịch sử

1. Thời Hùng Vương: Vùng đất Hà Nam (Trong đó có Bình Lục) thuộc quận Giao Chỉ. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi soạn năm 1434 (Mục 21, trang 560) chép: Sơn Nam là quận Giao Chỉ ngày xưa. Đời Hán Vũ đế, Niên hiệu Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 Tr CN) đánh chiếm nước Nam Việt và chia thành 8 quận. Vùng đất Bình Lục – Hà Nam vẫn thuộc quận Giao Chỉ. Sách Tiền Hán thư, địa lý chí (quyển hạ, tr 10b) chép: Quận Giao Chỉ thời Hán có 10 huyện, Bình Lục – Hà Nam thuộc  huyện Chu Diên. (Thời Hán: quận Giao Chỉ là miền Bắc bộ Việt Nam ngày nay)

Tiếp đến thời: Ngô, Tống, Tề, Lương...  Theo sách Sử học bị khảo : Nhà Ngô đặt quận Vũ Bình, quận này nằm giữa sông Hồng và sông Đáy, Bình Lục (Hà Nam) nằm trong quận Vũ Bình.

 2. Thời kỳ thuộc Tùy, Đường, nhà Tùy bỏ quận đặt huyện, quận Vũ Bình được đổi thành huyện Vũ Bình. Niên hiệu Khai hoàng 18 (598) Nhà Tùy đổi thành huyện Long Bình. Vùng đất Hà Nam thuộc huyện Long Bình.

Thời kỳ tự chủ độc lập: Từ các Triều Đinh, Lê dựng nước, 1 số địa danh của vùng đất Hà Nam như núi Đọi đã được ghi trong sử sách.

3. Thời nhà Lý, khi Lý Công Uẩn lên ngôi chia cả nước làm 24 lộ (Thuận Thiện năm thứ nhất: 1010), vùng đất Hà Nam ngày nay thuộc phủ Lỵ Nhân thuộc Lộ Đại La Thành và 1 phần đất của lộ Hoàng Giang. Phủ Lỵ Nhân lúc bấy giờ bao gồm huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân và Phủ lý hiện tại. Riêng huyện Bình Lục thuộc lộ Hoàng Giang. Đến đời nhà Trần thì Bình Lục thuộc Châu Lỵ Nhân.

4. Thời kỳ nhà Trần: Năm Thiên ứng Chính bình thứ 11 (1242)  chia nước làm 12 Lộ. Vùng đất Hà Nam thuộc Châu Lợi Nhân (Nhà Trần đổi Lỵ Nhân thành Lợi Nhân) thuộc Lộ Đại La Thành. Châu Lợi Nhân có 6 huyện: Bình Lục, Cổ Bảng, Cổ Giả, Cổ Lễ, Lợi Nhân và Thanh Liêm (Sách Dư địa chí Hà Nam – phần I, trang 4).Sách Đường thư địa lý chí chép: (trang 1052 – Tổng tập Dư địa chí VN, Mục: Phương đình dư địa chí. Cuối đời Trần, (thuộc nhà Minh) niên hiệu Vĩnh Lạc  năm thứ 4 đời vua Minh thành Tổ (1406); đặt Giao Chỉ bố chính tư, 15 phủ, 36 phân hạt châu, 181 huyện, 5 trực lệ châu, 29 phân hạt huyện. Giao Châu phủ gồm 13 huyện, 5 châu. Gồm các huyện: Đông Quan, Từ Liêm, Thạch Thất, Phù Lưu,Thanh Đàm, Thanh Oai, Ứng Bình, Bình Lục, Lợi Nhân, An Lãng, An Lạc, Phù Ninh, Lập Thạch. Năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407): lấy 5 châu Oai Man, Phúc An, Tam Đái, Từ Liêm, Lợi Nhân thuộc Phủ Giao Châu, bản phủ thân lĩnh 2 huyện Đông Quan, Từ Liêm.... Châu Lợi Nhân lĩnh 6 huyện là: Thanh Liêm, Bình Lục, Cổ Bàng, Cổ Giả, Cổ Lễ, Lợi Nhân.

5. Thời kỳ nhà Lê: Lê Lợi chia nước làm 5 Đạo, vùng đất Hà Nam thuộc Nam đạo. Năm 1469 (niên hiệu Quang Thuận năm thứ 10)  lập đơn vị hành chính phủ, đổi đơn vị hành chính đạo thành thừa tuyên, vùng đất Hà Nam là Phủ Lỵ Nhân (đổi lại Lợi Nhân thành Lỵ Nhân) thuộc thừa tuyên Sơn Nam. Sách  Hồng đức bản đồ (năm 1490) (Mục Thừa tuyên Sơn nam , phần IV) : Phủ Lỵ Nhân gồm 5 huyện: huyện Bình Lục có 31 xã, 5 trang , 01 sở. Cùng năm, nhà Lê bỏ thừa tuyên đặt đơn vị hành chính Xứ, Phủ Lỵ Nhân thuộc Xứ Sơn Nam. Đến năm Hồng Thuận (1509 - 1516) bỏ Xứ lập trấn, phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam. Trấn Sơn Nam có 9 Lộ phủ, 36 thuộc huyện, 2059 làng, xã. Phủ Lỵ Nhân có  5 huyện, 277 xã; huyện Bình Lục có 27 xã, 7 thôn, 5 trang, 1 trại.

Hai tấm Bản đồ trong Hồng Đức Bản đồ (Triều Lê) thể hiện: Sơn Nam Thừa Tuyên. Sách: Tổng tập Dư địa chí VN, Tập 1, Hồng Đức Bản đồ (Triều Lê),phần II Niên đại, trang 687 – 688 chép: Hồng Đức năm 21 (1490), ngày mùng 5 tháng 4, mùa Hạ, Vua định Thiên hạ Bản đồ gồm 13 thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương,36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Sơn Nam thừa tuyên có:  9 phủ, 36 huyện.

Bản đồ trên thể hiện  Sơn Nam Thừa tuyên có Chú dẫn : D8  An Lão sơn – D10 Bình Lục huyện; C8 Thanh Liêm huyện – C9 Lỵ Nhân phủ, C11Kim Bảng Huyện – C11 Duy Tiên huyện; E11 Nam Sang huyện...

Thời Lê Trung Hưng, năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1741) chia trấn Sơn Nam thành 2: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, Phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng. 

6. Thời Tây Sơn: Vùng đất Hà Nam vẫn là phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng gồm 5 Huyện: Duy Tiên, Kim bảng, Nam Xương, Ninh Lục (đổi Bình Lục thành Ninh Lục), Thanh Liêm.  Huyện Ninh Lục (Bình Lục) gồm 12 xã : Vũ Bản, Ngô Xá, An Cước, Đồng Du, Đồn Xá, Hương Cái, Thứ Nhất, An Lão,An Đổ, Trung Lương, Ô Mễ, Trịnh Xá; và 2 thôn: Thôn Hạ, thôn Ô lữ.

7. Thời nhà Nguyễn: năm Minh Mệnh thứ 3 (1822)  đổi Lỵ Nhân thành Lý Nhân, đổi Ninh Lục thành Bình Lục. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) bỏ đơn vị hành chính trấn, thành lập đơn vị hành chính tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, thôn; lập tỉnh Hà Nội. Phủ Lý Nhân là 1 trong 4 phủ thuộc tỉnh Hà Nội; gồm 5 huyện, 33 tổng,  286 xã, thôn, trang, phường, trại, sở. Huyện Bình Lục có 4 tổng, 37 xã thôn. Năm 1888, Niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 3, đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Hà Đông, huyện Bình Lục của phủ Lý Nhân lại thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1890, niên hiệu Thành Thái năm thứ 2, toàn quyền Đông Dương quyết định cắt 3 huyện Bình Lục, Nam Xang, Thanh Liêm của phủ Lý Nhân để thành lập Phủ Liêm Bình, sát nhập vào tỉnh Nam Định . 

Ngày 20/10/1890 thành lập tỉnh Hà Nam gồm  phủ Lý Nhân: kể cả 3 huyện của phủ Liêm Bình là Bình Lục, Nam Xang, Thanh Liêm và còn mở rộng thêm: 2 tổng  Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội sát nhập vào huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cùng với 17 xã của huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng và thuộc huyện Thượng Nguyên, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định sát nhập vào huyện Lý Nhân; tổng Ngọc Lũ thuộc huyện Mỹ Lộc, tổng Cổ Viễn thuộc huyện Thượng Nguyên và 6 xã của tổng Vũ Bản thuộc huyện Vụ Bản nhập vào huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. 

Bản đồ dưới đây được vẽ năm 1899 trên Lụa khổ 100.120 cm rút từ Bản đồ tỉnh Hà Nam: Phòng Thống sứ Bắc kỳ, số 1537,Tiểu dẫn và địa chí, Bản đồ,Bảng thống kê các làng xã. ( Sách Địa danh và Tài liệu Lưu trữ về Làng xã Bắc kỳ - Mục Bản đồ - trang LI X ).

Năm 1810, huyện Bình Lục chưa có tổng Văn Mỹ, các xã Đinh Xá, Phạm Xá, Mỹ Duệ, Vĩnh Duệ còn thuộc tổng Đội Sơn của huyện Duy Tiên, xã Ngô Khê, xã Cát Lại còn thuộc huyện Nam Sang. Ngày 7/3/1913 tỉnh Hà Nam đổi gọi là Đại lý (cấp hành chính nhỏ hơn tỉnh) Hà Nam thuộc tỉnh Nam Định. Ngày 31/3/1923 thành lập lại tỉnh Hà Nam, trong đó vẫn có huyện Bình Lục; lấy các xã: Đinh Xá, Phạm Xá, Mỹ Duệ và Vĩnh Duệ của tổng Đội Sơn huyện Duy Tiên cùng xã Ngô Khê, Cát Lại của Huyện Nam Sang thành tổng Văn Mỹ sát nhập vào huyện Bình Lục. Năm 1924 huyện Bình Lục gồm 8 tổng, 70 xã. Đến năm 1935, theo sách Bình Lục dư địa chí của Ngô Vi Liễn, huyện Bình Lục vẫn có 8 tổng, 70 xã, dân số 112.675 người.

Phần thứ nhất Địa lý

8. Năm 1945: sau Cách Mạng tháng Tám, huyện Bình Lục của tỉnh Hà Nam có 38 xã: Hòa Bình, Bối Kênh, An Lão, Liên Đích, Bình Thành, Tiêu Động, La Hào, La Sơn, Mạnh Chư (trước gọi là Giáp Bảy), Phủ Tải, Bình Minh (trước gọi là Giáp Ba), Trung Lương, Mỹ Thọ, An Dương, Cao Cái, Bối Cầu, Đồn Xá, Bồ Xá, Ngô Khê, Tràng Duệ, Cát Lại, An Cước, An Cư, Trịnh Xá, Tái Kênh, Đinh Xá, An Nội, Văn Ấp, Vụ Bản, Hưng Công, Ngọc Lũ, Vũ Bản, An Ninh, Thành Thị, Đồng Du, Tử Thanh, Tiên Khoán, Nguyên Xá. Tháng 11/1946, Hà Nam là 1 trong 8 tỉnh thuộc Khu 2 (cả nước chia làm 12 Khu); đến đầu năm 1948, Hà Nam thuộc Liên khu III; Tháng 5/1949 Liên Khu III sát nhập các xã nhỏ thành xã mới với quy mô lớn hơn như:  An Lão (Bối Kênh, An Lão), Liên Đích (Liên Đích, Tiêu Động),  La Hào (La Hào, La Sơn), An Đổ (Mạnh Chư, Phủ Tải), Trung Lương (Bình Minh, Trung Lương),  Mỹ Thọ (Mỹ Thọ, An Dương),  Bối Cầu (Bối Cầu, Cao Cái), Đồn Xá (Đồn Xá, Bồ Xá), Ngô Khê (Ngô Khê, Tràng Duệ),  Cát Lại (Cát Lại, An Cước), Trịnh Xá (Trịnh Xá, An Cư),  Đinh Xá (Tái Kênh, Đinh Xá). Tháng 11/1949 Liên Khu III quyết định hợp nhất 1 số xã mới gồm: xã Vũ Bản (Vũ Bản, Thành Thị), An ninh (An ninh, Nguyên Xá),  Ngọc Lũ (Ngọc lũ, Văn Ấp), An Nội (An Nội, Tử Thanh, Tiên Khoán). Tháng 4/1956, tỉnh Hà Nam có thị xã Phủ Lý và 5 huyện: Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng, Duy Tiên và Lý Nhân. Đến tháng 6/1965: thành lập tỉnh Nam Hà  từ 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam sát nhập gồm: 14 huyện trong đó huyện Bình Lục, thành phố Nam Định và thị xã Phủ Lý. Tháng 1/1966, Bộ Nội Vụ quyết định: thành lập xã Tiêu Động từ 2 xã Tiêu Động và xã Bình Thành; sát nhập thôn Vĩnh Tứ thuộc xã Hòa Bình vào xã Quế Sơn (xã An Lão đổi tên), sát nhập xóm Quang Trung thuộc xã Đồng Du về xã Hưng Công, sát nhập xóm Ngọc Lâm thuộc xã Hưng Công về xã Bối Cầu.  ngày 15/9/1969 Chính phủ quyết định hợp nhất 2 huyện Bình Lục và Thanh Liêm thành lập huyện Thanh Bình, đến tháng 1/1974 chưa thực hiện được việc hợp nhất thì lại có quyết định dừng không hợp nhập nữa. Tháng 12/1975, thành lập tỉnh Hà Nam Ninh từ 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình sát nhập, tháng 12/1976 sát nhập 2 xã Quế Sơn và xã Hòa Bình thành xã An Lão; tháng 4/1977: 9 xã của huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định là: Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Hưng, Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến nhập vào huyện Bình Lục, năm 1984 tách 2 xã Mỹ Trung và Mỹ Phúc về thành phố Nam Định. Ngày 13/2/1987 thành lập thị trấn Bình Mỹ (gồm 1,44 ha đất và 51 nhân khẩu của xã An Đổ; 164,48 ha đất và 947 nhân khẩu của xã An Mỹ; 90 ha đất và 573 nhân khẩu của xã Mỹ Thọ; 3,91 ha đất của xã Trung Lương). Đến năm 1991, lại tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh: Ninh Bình và Nam Hà như năm 1976. Ngày 1/1/1997, tỉnh Nam Hà lại được chia tách thành 2 tỉnh Hà Nam và Nam định như trước năm 1965. Huyện Bình Lục chuyển giao lại 7 xã: Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Hưng, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận về tỉnh Nam Định (thành lập huyện Mỹ Lộc 2/1997). Năm 2013, huyện Bình Lục chuyển giao 2 xã Đinh Xá, Trịnh Xá về Thành Phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đến năm 2019, huyện Bình Lục bao gồm 18 xã : Bình Nghĩa, Tràng An, Đồng Du, Đồn Xá, An Mỹ, Hưng Công, Bối Cầu, Trung Lương, An Nội , Vũ bản, An Ninh, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Đổ, Mỹ Thọ, La Sơn , Tiêu Động , An Lão và Thị trấn Bình Mỹ .

III. Dân số

Huyện Bình Lục nằm trong vùng đồng chiêm trũng điển hình, là quê hương của những người từ thời cổ đại Đông Sơn trước Công nguyên từ 3 – 5 thế kỷ đã từ vùng cao đi xuống khai phá vùng đồng bằng lầy lội, sông ngòi chằng chịt để phát triển nền văn minh lúa nước - một vùng quan trọng của văn minh Đông Sơn, nền tảng của Văn hóa Việt ngày nay. Người Bình Lục có nghề trồng lúa nước phát triển gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng, sông Châu Giang  bằng kỹ thuật luyện kim tinh xảo, các nghề thủ công khác bước vào cuộc sống văn minh từ 4000 năm về trước. Nghề chế tạo, luyện kim đồng thau đạt tới trình độ cao mà chứng tích là trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng và thạp đồng phát hiện ở núi An Lão. Trống đồng Ngọc Lũ thuộc loại cổ nhất và đẹp nhất trong những chiếc trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam.  

Thời đại đồ đồng thau phát triển cũng là thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của cư dân Bình Lục thời đại đồ đồng, thời kỳ Hùng Vương ngày càng phong phú, phong tục tập quán nảy sinh từ văn minh lúa nước là chủ yếu. Trên trống đồng Ngọc Lũ khắc họa hình ảnh những tốp người trang phục chỉnh tề vừa đi vừa múa, chuyển động nhịp nhàng xung quanh những tia mặt trời thể hiện ngày vui hội mùa. Cảnh đua thuyền trên thân trống, cảnh ngày lễ hội cầu mùa của  cư dân nông nghiệp Bình Lục còn lưu lại dấu ấn trong một số lễ hội truyền thống ở Bình Lục.

Truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước được thể hiện cụ thể từ thời Hùng Vương. Trong thần phả ở đình Công  Đồng (làng An Thái, xã An Mỹ) đã nới tới các vị tướng và nhân dân địa phương tham gia đánh giặc Ân, dẹp loạn cướp phá.

1. Quy mô dân số năm 1928, huyện Bình Lục có dân số là 102.851 người, diện tích là 160 km², mật độ dân cư 643 người / km². Năm 1935: huyện Bình Lục có 112.675 người ở 8 tổng, 70 xã. Năm 2003 có 157.624 người.  Năm 2008 có 143.767 người ở 20 xã, 1 thị trấn. Tính đến 1/4/2019 là 133.046 người ở 18 xã, 1 thị trấn, trong đó nam là 65.251 người, chiếm 49%; nữ là 67.795 chiếm 51%. Sau 10 năm, tính từ 2009, quy mô dân số tăng thêm là 2012 người, tỷ lệ tăng dân số bình quân /năm giai đoạn 2009 - 2019 là 0,2%/năm. 

Tỷ lệ giới tính trong dân số huyện Bình Lục là 96,2 nam/100 nữ; trong đó khu vực thành thị là 107 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 96,3 nam/100 nữ.

2. Mật độ dân số huyện Bình Lục năm 2019 là: 922,6 người/km2, trong đó mất độ dân số của thị trấn Bình Mỹ 2.261,7 người/km2; xã có mật độ dân số cao nhất là xã Bình Nghĩa với 1.570 người/km2 .

Dân số khu vực thành thị huyện Bình Lục năm 2019 là 6.421 người, chiếm 4,8 %; khu vực nông thôn là 126.625 người, chiếm 95,2 %.

Huyện Bình Lục có 132.853 người dân tộc Kinh, chiếm 99,9% và 193 người dân tộc khác, chiếm 0,1 % so với tổng dân số toàn huyện. 

Số dân từ 15 tuổi trở lên đã kết hôn là 81,1%. Trong đó có vợ có chồng là 72,2%; ly hôn chiếm 0,8%; góa vợ hoặc góa chồng chiếm 7,9%,  tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn tương ứng là 14,6% và 19%. Toàn huyện có khoảng 94,8% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông được đi học. Số người từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết là 98,6%, trong đó thành thị là  99,7%, nông thôn là 98,5%.

3. Tổng số hộ tính đến 01/4/2019 là 42.295 hộ, tăng 3.342 hộ so với năm 2009; tỷ lệ tăng hộ bình quân năm là 0,8% / năm trong giai đoạn 2009 - 2019.

Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,1 người, thấp hơn 0,1 người/hộ so với năm 2009. Khu vực thành thị, trung bình mỗi hộ có 3,1 người/hộ; khu vực nông thôn có bình quân mỗi hộ có 3,3 người / hộ.. Tỷ lệ hộ nghèo (tính đến 12/2019) toàn huyện là 3,56%. Tỷ lệ hộ có nhà kiên cố là 69% ; Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 22,8 m2/người; cao hơn 4,8 m2 / người  so với năm 2009

 4. Tình hình nguồn nhân lực Lao động của Huyện Bình Lục năm 2019 (nguồn cung cấp: Phòng thống kê Bình Lục) 

Tổng số người trong độ tuổi lao động toàn huyện: 85353 người LĐ, LĐ nam là  41.823 đạt 49% so với tổng số người LĐ, LĐ nữ là 43.530 người LĐ chiếm tỷ lệ 51% so với tổng số người LĐ.

Trong đó:  a. Người lao động khu vực nông thôn: 62.357 người đạt 73,05%  so với tổng số người LĐ toàn huyện; tỷ lệ so với nhân khẩu đạt 51,38%, Người trong độ tuổi lao động bình quân/hộ đạt: 1,69  - Tổng số lao động có khả năng lao động là 55.034 người đạt tỷ lệ so với người trong độ tuổi lao động đạt 88,26%  - Cơ cấu theo nhóm tuổi: từ 15-19 đạt 1,26%, từ 20-29 đạt 12,27%, từ 30-39 đạt 19,90%, từ 40-49 đạt 32,95%, từ 50-54 đạt 23,94%, từ 55-60 (với LĐ nam)  đạt 9,86% .  - Nhân khẩu ăn theo LĐ : 0,63 - Tổng số người trên tuổi LĐ tham gia LĐ 14.081 người.

b. LĐ chia theo trình độ chuyên môn: Đến năm 2020 đã đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn cho 18.114 LĐ. Trong đó cấp chứng chỉ, cấp bằng cho 5.164 LĐ; giải quyết việc làm mới hàng năm bình quân 3.130 LĐ/năm (số xuất khẩu LĐ là 940 LĐ). Tỷ lệ LĐ đã qua đào tạo đạt 64%; trong đó có chứng chỉ, bằng cấp đạt 50%. 

c. LĐ chia theo nghành sản xuất chính: nông nghiệp là 24.846 người LĐ đạt 45,15% so với tổng số LĐ (cao nhất trong tỉnh và cao hơn cả mức trung bình toàn tỉnh là 30,82%), lâm nghiệp là 6 người LĐ đạt 0,01%, thủy sản là 285 người LĐ đạt 0,52%, công nghiệp là 10335 người LĐ đạt 18,78%, xây dựng là  6.675 người LĐ đạt 12,13%, thương nghiệp là 6.415 người LĐ đạt 11,66% ; vận tải là 1.546 người LĐ đạt 2,81%, dịch vụ khác là 4.441 người LĐ đạt 8,07%, không làm việc là 485 người LĐ đạt 0,88%  

d. Số lượng LĐ trong các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tôn giáo là 22.996 người LĐ đạt 26,95% so với tổng số người LĐ toàn huyện, LĐ là nữ là 47,4% .LĐ phân theo loại hình kinh tế: doanh nghiệp là 6.409 đạt 27,87% so với tổng số LĐ phi nông ngiệp, hợp tác xã là 298 người LĐ đạt 1,3% , cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản là 12.692 người LĐ đạt 55,2% , đơn vị hành chính sự nghiệp là 3.188 người LĐ đạt 13,8% , cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là 409 người đạt 1,78%.  

Phần thứ nhất Địa lý
Nguồn cung cấp: Phòng Thống kê, Phòng Nội vụ huyện Bình Lục

5. Sự phân bổ các điểm quần cư ở Bình Lục

Trên địa bàn Bình Lục, từ xa xưa người Việt (dân tộc Kinh) cư trú tập trung thành từng làng, theo trật tự dày đặc. Mỗi làng là một điểm dân cư với chức năng kinh tế - xã hội bắt nguồn từ chế độ công xã nông thôn ra đời sớm trong lịch sử Việt Nam. Làng thường tập trung ở ven các dòng sông hoặc trên các đống đất cao, có quy mô dân số khác nhau, nhỏ có vài trăm người như Phú Đa xã Bối Cầu, lớn có đến gần vạn người như làng An Lão xã An Lão. Loại hình quần cư này phù hợp với nền sản xuất lúa nước và thủ công nghiệp gắn với hoạt động phụ trong thời gian nông nhàn lâu ngày thành chuyên môn hóa những sản phẩm như thêu, đan lát, dệt, ren, mỹ nghệ, làm nón.... Một số thôn tập hợp thành xã, là đơn vị hành chính đầu tiên trở lên tới nhà nước trung ương. Làng xã  ở Bình Lục thể hiện rõ đặc điểm làng xã Việt Nam nhất là ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi cung cấp sức người, sức của cho đất nước đồng thời là nơi giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, không để bị ngoại xâm đồng hóa, biểu hiện đầy đủ của nông thôn cơ bản là khép kín với nền kinh tế tự túc. Đến nay, diện mạo nông thôn làng xã ở Bình Lục đang có những thay đổi mạnh mẽ cả về  quy mô, cấu trúc, hình thái, rõ nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người dân đang được hoàn chỉnh với trình độ ngày một cao hơn theo chiều hướng phát triển chung của tỉnh Hà Nam và của cả nước. Tuy nhiên, trong từng loại hình cư trú truyền thống ở đồng bằng, tùy thuộc vào đặc điểm phân hóa tự nhiên, lịch sử văn hóa – xã hội, cũng có những đặc tính riêng biệt. Ở Bình Lục, về cơ bản  có những loại  hình điểm quần cư  như sau:

- Loại hình cư trú vùng trồng lúa nước: đặc trưng của vùng trồng lúa nước hai, ba vụ. Làng mạc ở đây vừa theo trật tự dày vừa có quy mô lớn, chiếm ưu thế trong nông thôn Bình Lục như 1 số xã: Vũ Bản, An Nội....

-  Loại hình cư trú kết hợp nông nghiệp với thủ công nghiệp: phổ biến ở những vùng quanh đô thị và thị trấn với giá trị sản xuất cao hơn với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Hoạt động thủ công nghiệp khẩn trương quanh năm hoặc theo thời vụ. Quy mô làng xóm thường lớn, trật tự quần cư dày đặc có khi chen chúc  theo đường làng ngõ xóm: làng Phu (An Đổ), An Thái (An Mỹ), Đô Hai (An Lão)...

- Loại hình cư trú kết hợp giữa nông nghiệp với ngư nghiệp: xuất hiện phổ biến ở dọc sông để lao động đánh bắt cá... gắn với sản xuất nông nghiệp trồng lúa, màu. Các điểm dân cư thường không lớn phân bổ theo tuyến dài trên các bờ sông hoặc các gò cao gần bờ sông để tiện cho việc khai thác thủy sản và việc trồng lúa, màu.

- Loại hình quần cư đô thị: Đó là các thị trấn, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện; các thị tứ là điểm dân cư đông đúc với hoạt động kinh doanh và dịch vụ như Thị trấn Bình Mỹ, thị tứ ngã tư Đô hai (An Lão), Ba Hàng (Tiêu Động) Chợ sông (Tràng An).

  Chương 2: ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN I. Đất đai

1. Diện tích tự nhiên

Bình Lục nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hà nam, có diện tích tự nhiên 14.421,4 ha. Diện tích đất nông nghiệp: 10.463,1 ha, chiếm 72,6 % diện tích đất tự nhiên, giảm 2,8 ha so với năm 2017. Diện tích đất phi nông nghiệp: 3.923,6 ha chiếm 27,2 diện tích đất tự nhiên, tăng 3 ha so với năm 2017. Diện tích đất chưa sử dụng: 34,7 ha chiếm 0,2% diện tích đất tự nhiên, giảm 0,2 ha so với năm 2017.

2. Thổ nhưỡng của Bình Lục được hình thành từ 2 mẫu chất cơ bản sau:

- Mẫu chất phong hóa từ  phiến thạch sét, cát bột kết và cát kết. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, các loại đá vôi bị phong hóa mạnh tạo nên một lớp đất sâu dày, các thành phần khoáng từ nghèo nàn (cát kết) đến phong phú (Phiến thách sét và cát bột kết), cụ thể ở núi An Lão. - Mẫu chất phù sa: đây là vật liệu cơ bản để bồi đắp nên đồng bằng ở Bình Lục, chiếm tới 83,8% diện tích tự nhiên phân bổ ở tất cả các xã trong huyện, tỷ lệ có khác nhau do vị trí ở trung lưu hay hạ lưu các sông, tùy theo tốc độ dòng chảy trên sông, nhất là sự khác nhau về thành phần cơ giới và tính chất lý học, hóa học khác nhau, độ phì khác nhau. Ở các xã ven sông Châu Giang, mẫu chất phù sa có thành phần cơ giới chủ yếu là cát mịn có tỷ lệ từ 46 - 54%; sau đó đến sét 22-26%, thành phần cát thô chỉ chiếm 2,6 - 3,5%. Trong mẫu chất phù sa đã có thành phần hữu cơ có nguồn gốc từ sự phân hủy xác sinh vật chiếm từ 0,8 – 1,03 đồng thời đã có 1 lượng đáng kể đạm, lân, kali. Sự tác động của khí hậu: ánh sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ bốc hơi tác động trực tiếp lên đá gốc, phân hủy đá gốc tạo thành lớp bở rời trên mặt đá gốc, đó chính là các mẫu chất đất. Sự tác động của khí hậu qua chế độ mưa tập trung ở Bình Lục mùa mưa chiếm 80% lượng mưa cả năm đã làm cho đất vàm cao ở  các xã bị rửa trôi mạnh. Ở các khu vực đất càng cao càng dễ bị chua và thành phần cơ giới chủ yếu là cát dần dần chiếm ưu thế do bị bào mòn, rửa trôi mạnh. Tác động mùa khô dài, trong khi mực nước cách mặt đất không xa dẫn đến hiện tượng thẩm thấu lên bề mặt và bay hơi các ion sắt, nhôm sẽ được chuyển lên bề mặt làm thành kết von sắt, mangan  xung quanh các hạt cát, sét, sỏi sạn.

Sự tác động của địa hình: đất đai ở Bình Lục với địa hình dốc dần từ Tây Bắc đến Đông Nam do vậy dẫn đến hiện tượng: 

- Địa hình vàm cao, quá trình rửa trôi làm cho đất có thành phân cơ giới  chủ yếu là cát thô, cát mịn, sét, limông chiếm tỷ lệ nhỏ, hình thành lên loại đất thịt nhẹ hay cát pha. Phân bổ chủ yếu ở các xã ven sông Châu Giang.

- Địa hình trũng là nơi tích đọng nhiều phần tử sét, limông, bùn, xác thực vật phân hủy dẫn đến tỷ lệ sét trong đất cao tạo nên loại đất thị nặng chủ yếu ở các xã  nội đồng (chính là nhóm đất phù sa chua FLd) có diện tích 8.001 ha chiếm tỷ lệ 55 % diện tích tự nhiên.

Sự tác động của sinh vật: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới là nơi diễn ra trao đổi mạnh nhất giữa các thành phần sống (cây rừng, động vật, vi sinh vật) và các thành phần vô sinh (chất khoáng, mùn, nước, khí cacbonic, ánh sáng ...)

Kết quả để lại vòng chu chuyển vật chất là đất càng phát triển về tầng chiều dày và tỷ lệ chất khoáng, chất mùn tồn tại trong đất ngày càng nhiều. Thảm thực vật trên đất càng dày che chắn cho đất không bị sói mòn, không bị rửa trôi mạnh, giữ cho mặt đất luôn ẩm, tơi xốp là điều kiện tốt nhất để các vi sinh vật đất phân hủy chất hữu cơ và tạo nên thảm mục dày, góp phần cải tạo đáng kể chất đất và chế độ thủy văn của lưu vực các con sông.

Sự tác động của con người: đó là hệ thống kênh mương tưới tiêu ở Bình Lục ngày càng hoàn thiện, bảo đảm khả năng chủ động đến 80% diện tích trồng lúa màu, đưa phần diện tích ngập úng trước đây thành đất 2 lúa. Hệ thống cống, đê, trạm bơm, kênh mương dẫn tưới nước có nhiều phù sa lắng đọng và ao hồ nuôi trồng thủy sản cũng đem lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Do tỷ lệ đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp; 2,1 sào/người nên quá trình canh tác gieo trồng sản xuất, người Bình Lục đã nâng hệ số sử dụng đất, thâm canh tăng vụ cùng với chế độ chăm bón các loại phân bón phân hữu cơ và vô cơ, việc làm ải, làm dầm... đã tác động trực tiếp tới độ phì, độ tơi xốp, hàm lượng mùn và các khoáng chất trong đất, trực tiếp tác động đến hiệu quả khai thác sử dụng đất trong nông nghiệp. 

3. Hiện trạng sử dụng đất A. THỐNG KÊ, KIỂM KÊ DIỆN TÍCH ĐẤT PHÂN THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA 21 XÃ, THỊ TRẤN (Số liệu tính đến ngày 01/01/2005)

Đơn vị tính : ha 

Phần thứ nhất Địa lý
Nguồn cung cấp: Phòng TNMT Bình Lục

B. THỐNG KÊ, KIỂM KÊ DIỆN TÍCH ĐẤT PHÂN THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA 19 XÃ, THỊ TRẤN (Số liệu tính đến 31/12/2018)                                          Đơn vị tính:  ha

Phần thứ nhất Địa lý
Nguồn cung cấp: Phòng TNMT Bình Lục

II. Địa hình

1. Đặc điểm địa hình: Bình Lục có địa hình thấp trũng nhất so với các huyện trong tỉnh Hà Nam và vùng đồng bằng sông Hồng. Cốt đất trung bình từ 1 đến 1,5 m, cao dần về khu vực ven sông Châu Giang, thấp dần về phía nội đồng và có nhiều vùng lòng chảo. Không kể các địa  hình nhân tạo như: đê, đập, đường sá, bờ vùng – bờ thửa ... thì mật độ chia cắt không đáng kể, trung bình từ 3 đến 5 km/km². 

Địa hình huyện Bình Lục thể hiện khá rõ tính chất phân bậc, với độ chênh lệch địa hình không lớn, có thể chia thành 2 vùng địa hình: 

- Vùng ven sông Châu Giang gồm 7 xã: Bình Nghĩa, Tràng An, Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh, chiếm 36% diện tích tự nhiên toàn huyện; hướng dốc chính từ Tây bắc đến Đông Nam, địa hình cao, cốt đất trung bình trên 1,5 m thuận lợi cho phát triển cây rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp.

- Vùng nội đồng gồm 11 xã: Đồn Xá, An Mỹ, Mỹ Thọ, An Đổ, La Sơn, Tiêu Động, An Lão, Trung Lương, Bối Cầu, An Nội, Vũ Bản và thị trấn Bình Mỹ, chiếm 64% diện tích tự nhiên của huyện. Cốt đất cao trung bình 1m; dạng địa hình không đều, có nhiều vùng trũng nhỏ, dễ bị ngập, úng khi có mưa lớn kéo dài (từ 150-200mm trở lên). Đây là vùng  sản xuất lương thực chính của huyện.

2. Các nhân tố hình thành và phát triển địa hình: Về nhân tố nội sinh bao gồm 3 nhân tố chính là Vận động kiến tạo, kiến trúc địa chất và cấu tạo nham thạch.

- Vận động kiến tạo: Bình Lục thuộc vùng đồng bằng thấp nằm trong miền đồng bằng sụt võng Hà Nội được thiết lập trên móng uốn nếp với nền đá kết tinh nhưng bị sụt vào cuối Cổ sinh (các đây chừng 200 triệu năm). Các sụt lún mạnh nhất vào kỳ Miôxen, lấp đầy bởi các trầm tích dày 40 – 60 m với thành phần cát, bột, sét; sét bột thuộc bãi bồi hoặc hỗn hợp sông biển hình thành trong điều kiện sóng yếu và dư thừa vật liệu hạt mịn. Hoạt động sụt lún đột biến diễn ra vào khoảng 4.200 năm trước với biên độ 4 – 4,5m khiến cho nhiều nơi trong đồng bằng có độ cao thấp hơn + 3m đều bị chìm ngập trong nước biển, tạo nên 1 lớp trầm tích mới; Các dấu tích gậm mòn còn để lại dưới chân các khối núi đá vôi. Sự xuất hiện các dạng địa chất khác nhau ở địa bàn huyện là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất phải kể đến vai trò của các vận động kiến tạo trước đây còn để lại thông qua sơ đồ cấu trúc cổ, sau đó là vai trò của các vận động mới, một mặt phát triển theo hướng kế thừa; mặt khác quan trọng hơn là phát triển theo khuynh hướng mới đã phá vỡ và ngày càng làm biến đổi sâu sắc bình độ cấu trúc cổ, thiết lập các yếu tố mới trong bộ mặt hiện tại của địa hình Bình Lục.

- Kiến trúc địa chất: Hướng địa hình là Tây Bắc – Đông Nam, hướng địa hình đó được quyết định bởi hướng của các đứt gãy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đã hồi sinh và hoạt động rất tích cực vào giai đoạn Tân kiến tạo. Về kiến tạo địa chất, các đứt gãy này đã hình thành các thung lũng sông Hồng, sông Đáy, chia đồng bằng sụt võng thành những đới kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Như vậy, các yếu tố địa hình âm (thung lũng các sông, vùng trũng giưa núi), dương (núi đồi) không phân bổ ngẫu nhiên mà thể hiện rõ quy luật mang tính đường lineamant (danh từ của Haubs)

- Cấu tạo nham thạch: các đá trầm tích phiến sét, sa thạch cổ sinh và Trung  sinh ở Bình Lục chiếm diện tích không đáng kể, tạo nên đồi và núi thấp với sười thoải và đỉnh hình tròn, độ cao không lớn. Cụ thể là núi An Lão đứng riêng rẽ trên bề mặt đồng bằng được cấu tạo bằng nhiều loại đá khác nhau trên các cấu trúc khác nhau và bị phủ 1 lớp phong hóa có bề dày không đồng nhất tùy theo cấu tạo nham thạch và lớp phủ thực vật trên núi.

Về nhân tố ngoại sinh: Tác động  của khí hậu, huyện Bình Lục có khí  hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm ướt với nhiệt độ trung bình năm cao là 23,4 độC, lượng mưa lớn 1800 - 2000 mm, độ ẩm cao 85% là điều kiện khiến cho quá trình phong hóa vật lý và hóa học diễn ra mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự sói mòn, rửa trôi nước theo dòng tạm thời như mương xói, khe rãnh và nước chảy thường xuyên sông suối bào mòn và cuốn trôi đất đá. 

Hoạt động của con người cũng có ảnh hưởng  rất lớn đến sự hình thành và phát triển của địa hình trong điều kiện trình độ kỹ thuật ngày càng phát triển. Ở Bỉnh Lục, với sự tập trung dân cư đông đúc và hoạt động nông nghiệp phát triển  cùng các hoạt động kinh tế khác, con người làm thay đổi mạnh mẽ địa hình đồng bằng khiến cho rất khó nhận ra các địa hình tự nhiên ban đầu. Phần lớn địa hình trên đồng bằng hiện tại là các dạng địa hình mới do con người tạo ra trong quá trình sống và các hoạt động kinh tế: đê điều, đường sá, kênh mương, bờ vùng bờ thửa....tạo nên cho đồng bằng một diện mạo mới mẻ và hiện đại của địa hình huyện Bình Lục. 

3. Các kiểu địa hình Ở Bình Lục có 2 kiểu địa hình cơ bản sau đây: 

- Kiểu địa hình đồng bằng bồi tụ trên vịnh biển nông, cấu tạo bởi trầm tích Đệ Tứ; sau đó con người đắp đê chống lụt, khiến cho bề mặt đồng bằng không còn được bồi đắp phù sa thường xuyên hàng năm, tạo thành các ô trũng. Ở trung tâm đồng bằng, lớp phù sa Đệ Tứ ở trên cùng có chiều dày từ 80 đến 120 m nơi con người đang sống và lao động sản xuất. Thành phần trầm tích rất đa dạng với cát, sét, bột, bãi bồi hoặc hỗn hợp sông biển. Lớp phù sa trên bề mặt đồng bằng có thành phần cơ giới nhẹ, độ phì cao. Khi con người chưa đắp đê nước lũ hàng năm thường tràn qua bờ sông, 1 phần vật liệu đọng lại ven sông tạo thành các gờ, gò sông; phần còn lại gồm các vật liệu nhỏ hơn chủ yếu là sét theo nước loang ra khắp đồng bằng châu thổ theo quy luật càng xa sông thì vật liệu bồi tụ càng ít, do đó bề mặt đồng bằng càng thấp, tạo ra nhiều đầm lầy. Tài liệu thăm dò địa chất đã đánh giá ở Hà Nam, có mỏ than bùn được hình thành do thực vật trong điều kiện ở các đầm lầy (ở Bình Lục không có mà chủ yếu ở Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng, Thanh Liêm). Càng về sau, con người đắp đê trên nền các gờ, gò sông để chống lụt bảo vệ nhà cửa, mùa màng; từ đó châu thổ được tách ra khỏi quá trình phát triển của tự nhiên, bề mặt đồng bằng không còn được cung cấp lớp phù sa hàng năm để san bằng các vùng trũng, đầm lầy. Do vậy các vùng trũng đã hình thành trước đây càng trở nên rõ ràng hơn. Hà Nam được gọi là ô trũng lớn của đồng bằng châu thổ sông Hồng; còn trong phạm vi tỉnh Hà Nam thì ô trũng điển hình nhất là huyện Bình Lục với độ cao thấp nhất. Tuy vậy, với  địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ mặc dù hiện không còn được bồi đắp phù sa, Bình Lục vẫn là nơi quần cư đông đúc và có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. - Kiểu địa hình đồi, núi thấp cấu tạo bởi đá trầm tích tuổi cổ sinh và trung sinh. Sự hình thành các núi đồ thấp là do sự bóc mòn trên những nơi có hoạt động nâng Tân kiến tạo yếu. Cùng với đa số núi đồi tạo thành kéo dài theo hướng chung là Tây Bắc – Đông Nam, nhưng  Bình Lục lại hình thành  dưới dạng đồi sót như núi An Lão.

4. Núi đồi: huyện Bình Lục có núi An Lão  trước đây có tên gọi là Lão Sơn, An Lão Sơn, Quế Sơn, Nguyệt Hằng.. nằm ở phía đông nam xã An Lão, cách sông Ninh Giang 400m. Theo bản đồ quân sự A48, núi An Lão có độ cao 85 m, (còn gọi là Cao điểm 85), chu vi chân núi rộng 30 mẫu Bắc Bộ (10,5 ha). Phía đông  chân núi có 2 hòn đá to xếp cạnh nhau, dân làng gọi là đá ông Voi (nay không còn). Trên lưng núi phía đông có giếng Ngọc, quanh năm đầy nước ngọt, (nay không còn); phía trên giếng Ngọc là chùa Tiên còn gọi là chùa Văn Điện được xây dựng bằng đá có 6 pho tượng đá và bàn cờ Tiên (năm 2016, dân làng An Lão đã xây dựng lại). Tại sườn núi phía Tây Bắc, ngày13/9/1985 đã phát hiện Trống đồng, Thạp đồng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nam. Trên đỉnh núi  tương đối bằng phẳng, những năm 1950 – 1951, thực dân Pháp chiếm đóng đã xây Đồn gồm 1 trận địa pháo và công sự phòng ngự của 1 trung đội lính, có đường đi lên đồn ở phía Tây núi (sau ngày giải phóng 1954, đồn bốt ở đỉnh núi An Lão đã bị dỡ bỏ). Chân núi phía Đông Bắc có 1 đình thờ Hồ Tố Đại Vương, phía nam cách khỏang 700 m có chùa An Lão gọi là Trùng Quang Tự.

Phần thứ nhất Địa lý
Phong cảnh núi Nguyệt Hằng, xã An Lão.

Ngày xưa, núi An Lão có hình cái lọng, rừng thông già từ núi mọc lên trông rất đẹp mắt, nhiều tao nhân mặc khách đã từng lên núi vãng cảnh, Chúa Trịnh đến  vãng cảnh có thơ đề tặng :  

Nam châu tự cổ địa dư khoan An lão sơn đầu sơn thắng quan Lão chướng trùng trùng thanh củng hướng Trường lưu miễu miễu lục hồi hoàn

Tạm dịch:

Đất rộng nam châu vốn từ xưa Đầu non An Lão cảnh xinh chưa Non cao xanh tốt dày muôn lớp Biêng biếc giếng sâu uốn khúc thưa (Hoàng việt Dư địa chí – Phan Huy Chú, Mục Hà Nội ; Tổng tập Dư địa chí VN – Tập 1, trang 931 )

Nhà thơ Nguyễn Khuyến, Tam Nguyên Yên Đổ lấy hiệu là Quế sơn từng nhiều lần lên thăm núi và có 1 số Bài thơ vịnh núi rất độc đáo. Lão sơn

Ngã châu nhất sơn thị An Lão Thông thông, uất uất hà tiên hảo Ngã tằng lịch quá vạn trùng sơn Khước quái bất quá thử sơn đạo Thử sơn dữ ngã tối tương lân Hiểu thúy, hôn ân nhập hộ tần Binh nguyên tuyệt nghiễn bán không biểu Viễn vọng nghi thị độc lập nhân Sơn cận ngã vô khoảnh khắc bộ Nga quy sơn nghinh bán nhật lộ Bỉ thử địch diện bán hân nhiên Uyển nhược tương liên, bất tương ngỗ Xuân tiền, Các lão Nguyễn Bàng Linh Phỏng ngã, ước ngx thử sơn hành Ngã cửu suy bệnh dật hứng thiểu Hà dĩ đối thử du nhiên sinh Cận văn sơn khê tiệm mao tắc Miễn cưỡng phù cùng thả nhất trắc Sơn danh An Lão, lão giả an  Hoặc giả vãn niên lưỡng tương đắc

Nguyễn Văn Tú dịch:

Miền có núi, núi tên An Lão Vẻ um tùm, xinh khéo là xinh Nghĩ mình trải mấy non xanh Lạ sao núi ấy còn đành chưa qua Núi Lão vốn cùng ta gần gũi Thường sớm chiều bóng rọi hiên ngoài Đồng bằng một ngọn ngất trời Trông như người đứng chơi vơi một mình Núi sát cạnh mà mình chẳng tới  Đường xa về , núi đợi đón ta Gặp nhau đây đấy mặn mà Cùng nhau lòng vẫn chan hòa đinh ninh Mùa xuân trước, Bàng Linh “Các Lão” Hẹn cùng ta tới dạo một phen Lâu nay gân cốt đã hèn Mà sao thấy hẹn, ta liền ưng ngay Nay nghe nói núi đầy cỏ mọc Gượng vớ cây gậy trúc thăm qua Nỗi lòng ta lại với ta Núi tên An Lão, ắt là già yên

Ngoài ra còn các Bài: Vịnh núi An Lão, Núi An Lão huyện ta. ( Thơ văn Nguyễn Khuyễn – Nguyễn văn Huyền, trang 425 – 430 )

III. Địa chất

1. Lịch sử phát triển địa chất lãnh thổ huyện Bình Lục gắn liền với lịch sử phát triển địa chất tỉnh Hà Nam, vùng Ninh Bình và vùng đồng bằng sụt võng Hà Nội, có thể tóm tắt quá trình 4 giai đoạn: 

- Giai đoạn Proterozoi (móng kết tinh của đồng bằng), đây chính là quá trình phát triển 1 địa máng nguyên thủy.

- Giai đoạn Paleozoi, giai đoạn này có sự phát triển vật chất phân dị ở sâu với khuynh hướng granit hóa vỏ trái đất tại vùng này, có cấu trúc kiểu vỏ lục địa điển hình với sự có mặt đầy đủ các lớp bazan, granit và lớp trầm tích.

- Giai đoạn Paleozoi – Triat: đây là giai đoạn phát triển kéo dài của miền địa võng phát triển trên vỏ lục địa hay còn gọi là quá  trình địa máng tái sinh.

- Giai đoạn Mezo – Kainozoi: Giai đoạn này xảy ra cải biến mạnh mẽ vỏ trái đất đã hình thành trước đó. Vùng đồng bằng sụt võng Hà Nội là nơi xảy ra những hoạt động kiến tạo sụt lún lớn nhất và mạnh mẽ nhất ở miền Bắc Việt Nam. Đến thời kỳ Tân kiến tạo, đứt gãy sông Hồng đã hồi sinh cùng với các đứt gãy sông Chảy, sông Lô. Do đó đã chia đồng bằng sụt võng Hà Nội thành những đới kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Vùng đồng bằng Hà Nội nổi lên khỏi mặt nước. Dưới tác động của các nhân tố ngoại sinh, các quá trình phong hóa và bóc mòn xảy ra mạnh mẽ. Khi đó, trên bề mặt đồng bằng, mạng lưới sông ngòi dày đặc cùng với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng sông xâm thực sâu và xâm thực ngang mạnh mẽ, làm cho bề mặt trầm tích bị bào mòn không đều. Quá trình phong hóa laterit đã tạo cho phần trên của trầm tích có màu sắc loang lổ khác nhau.

Khoảng 4.200 năm cách ngày nay, 1 đợt biển tiến đột biến với biên độ 4 – 4,5 m đã xảy ra ở phạm vi rộng lớn cả miền Bắc Việt Nam. Các nơi có độ cao thấp + 3 m đều bị nước biển phủ kín. Sau đó đồng bằng được nâng lên nhanh với biên độ 1 – 1,5 m, và tiếp tục nâng dần lên trên mặt nước biển, ổn định cho đến ngày nay.

2. Kiến tạo: Bình Lục (Hà Nam) nằm ở phía đông nam kiến tạo Đông Bắc Bộ, 1 phần diện tích của vùng trũng Hà Nội, được coi là đới sụt lún sông Hồng. Do có vị trí ở phần rìa của vùng trũng Hà Nội nên lãnh thổ Bình Lục có cấu  trúc địa chất khá đơn giản, bao gồm 2 đơn vị cấu trúc là vùng trũng Hà Nội và đới Ninh Bình.

3. Địa tầng: Về địa chất, Bình Lục nằm ở phía tây vũng trũng Hà Nội, không có mặt đầy đủ các trầm tích  từ cổ điển đến trẻ. Các trầm tích cổ nhất là giới Paleoproterozoi lộ ra trong diện tích hẹp tại núi An Lão, đông nam huyện Bình Lục.

Giới Holoxen Muộn: Hệ tầng Thái Bình phân bổ rộng rãi bao gồm toàn bộ huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên và 2/3 huyện Thanh Liêm. Đây là Hệ tầng được tạo thành trẻ nhất, khoảng từ 3000 năm đến nay, chiếm đến 90 % diện tích phân bổ của Hệ  Đệ Tứ trong toàn tỉnh.

Trầm tích nguồn gốc sông biển: Diện phân bổ huyện Bình Lục và đông nam huyện Thanh Liêm . Mặt cắt được mô tả gồm 2 tập: 

- Tập 1 (18,3 – 23,8 m) bao gồm bột sét lẫn cát màu vàng, xám vàng, xám nâu, chứa ít vỏ sò, hến vụn nát, dày khoảng 4,5 m .

- Tập 2 (23,8 – o m) bao gồm bột sét màu nâu, xám sẫm,  chứa phong phú các hóa thạch thân mềm và bào tử phấn hoa tuổi Holoxen Muộn.

4. Theo nguồn gốc phát sinh, có thể chia đất đai của huyện Bình Lục thành 4 nhóm chính: 

a. Nhóm đất phù sa (FL): có diện tích 13.824,39 ha, chiếm 95,86 % diện tích tự nhiên. Đây là loại đất chính của huyện, phân bổ ở tất cả các xã. Loại đất này được hình thành trên trầm tích của sông Hồng, sông Châu Giang thể hiện rõ qua đặc tính xếp lớp của vật liệu phù sa. Đất phù sa của huyện được chia thành 4 loại đất: 

- Đất phù sa glây (FLg) có diện tích 1.977,93 ha, phân bổ ở những nơi địa hình thấp, thường bị ngập nước hoặc tiêu chậm vào mùa mưa như: An Lão, Tiêu Động, La Sơn, An Nội, Vũ Bản, Bối Cầu..

- Đất phù sa có tầng đất biến đổi (FLc) có diện tích 1521,18 ha, phân bổ ở các chân ruộng Vàn, là đất phù sa được hình thành do quá trình canh tác và làm thủy lợi.

- Đất phù sa chua (FL d) có diện tích 8001,69 ha; thời kỳ trước đây là loại đất phù sa ít chua, sau đó do các yếu tố địa hình và khí hậu rửa trôi dần các chất bề mặt làm cho đất trở nên ngày một chua hơn được phân bổ ở các xã trong đồng như: An Mỹ, Đồn Xá Mỹ Thọ, An Đổ, La Sơn, Tiêu Động, An Lão, Trung Lương, Bối Cầu, An Nội, Vũ Bản.

- Đất phù sa ít chua (FLe) có diện tích 2.323,59 ha, được hình thành do sự bồi đắp thường xuyên của phù sa hệ thống sông Châu Giang. Loại đất này phân bổ chủ yếu ở các xã vùng ngoài đê như An Ninh, Bồ Đề, Ngọc Lũ, Hưng Công, Đồng Du, Tràng An, Bình Nghĩa. Nhìn chung nhóm đất phù sa của huyện có độ phì tương đối khá, có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng nhất là trồng lúa và các loại rau, màu.

b. Nhóm đất glây (GL): nhóm đất này có diện tích 111,94 ha, chiếm 0,77 % diện tích tự nhiên, phân bổ nhiều ở các xã An Lão, Bối Cầu... Đất được hình thành trên trầm tích phù sa không được bồi đắp trong thời gian dài, thường phân bổ ở những nơi có địa hình thấp, bị ngập nước. Nhóm đất glây có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét, đất có hàm lượng mùn cao, được chia làm 2 loại chính là đất glây sẫm màu (GL u) và đất glây chua (GL d). Từ đặc điểm này đòi hỏi phải có hệ thống thủy lơi, kênh mương tưới tiêu chủ động để phục vụ khai thác cho sản xuất có hiệu quả.

c. Nhóm đất có Tầng biến đổi (CM) có diện tích 477,13 ha chiếm 3,07 % diện tích tự nhiên, phân bổ nhiều ở các xã: An Nội, La Sơn, Mỹ Thọ,  Tiêu Động.. . Trong nhóm đất này có đất biến đổi sáng màu (CM ch) và biến đổi chua (CMd) hình thành do quá trình canh tác lúa và màu.

d. Nhóm đất tầng mỏng (LP)  có diện tích không đáng kể, xuất hiện ở núi An Lão khoảng 7,92 ha, được hình thành trên khu vực đồi dốc, thảm thực vật che phủ kém, quá trình rửa trôi, xói mòn xảy ra mạnh mẽ. Nhóm đất này chỉ có duy nhất 1 loại đất chính là đất tầng mỏng chua (LPd), đất có thành phần cơ giới là thị pha cát, tầng đất mỏng, hàm lượng mùn và đạm thấp, ít có tác dụng cho sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp .

IV. Khoáng sản

Chưa có những Tài liệu nghiên cứu  đã được công bố cho thấy về khoáng sản ở huyện Bình Lục.

V. Khí hậu

Khí hậu huyện Bình Lục phản ảnh rõ tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt, thuộc Tiểu vùng khí hậu đồng bằng với đặc điểm là nhiệt độ trung bình thường không quá 23°C,  lượng mưa không quá 2000 mm.Theo số liệu của Trung tâm khí tượng thủy văn Hà Nam  và phòng TNMT huyện tổng hợp cụ thể như sau:

1. Nhiệt độ  - Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23°C – 24°C - Nhiệt độ cao tuyệt đối là 39 °C: 6/1997 - Nhiệt độ thấp tuyệt đối là 6 °C - Biên độ nhiệt trong ngày nhỏ hơn 10 °C  - Lượng bức xạ mặt trời tính trung bình năm từ 100 Kcal/cm². - Tổng tích ôn hòa (Tổng nhiệt độ hoạt động) khoảng từ 8.300 – 8.500 °C  - Trong năm thường có 8 – 9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20°C , chỉ  có 3 tháng có nhiệt độ trung bình dưới 20°C. Không có tháng nào có nhiệt độ trung bình dưới 16°C. Nhiệt độ trung bình của tháng nóng nhất có thể lên 38°C   (các năm 2001 – 2002). Nhiệt độ trong mùa Đông có thể lên trên 30 °C  (tháng 11/ năm 2001 là 31°C, tháng 11/2002 là 32°C). 

2. Độ ẩm không khí

Trung bình cả năm dao động trong khoảng từ 83 – 85%. Các tháng có độ ẩm cao là tháng 7 tháng 8  tới 92%, độ ẩm thấp nhất vào thời gian có gió Tây Nam, có khi xuống dưới 80%. Độ ẩm cực đại vào cuối mùa Đông khi có mưa phùn nhiều là thời gian ẩm tương đối của không khí thường đạt trị số > 90%. Mặc dù độ ẩm tuyệt đối không lớn nhưng do nhiệt độ thấp nên không khí luôn trong tình trạng bão hòa hơi nước, gây mưa phùn kéo dài. Đến tháng 8, 9 với trị số trung bình nhiều năm đạt xấp xỉ 90% là thời kỳ chịu ảnh hưởng của mưa bão. Độ ẩm cực tiểu thường rơi vào các tháng đầu mùa Đông là thời kỳ lạnh và khô, trị số trung bình nhiều năm đạt khoảng 83%. Trị số thấp nhất những năm gần đây là gần 31% vào tháng 11 năm 2000. Vào thời kỳ đầu mùa Hạ khi hoàn lưu gió Tây biến tính trở nên khô nóng (gió Lào hoạt động mạnh), trị số trung bình đạt 83,5 %, trị số thấp nhất những năm gần đây là 51% vào tháng 5/2001. Tuy cực đại và cực tiểu của độ ẩm tương đối nhưng sự chênh lệch giữa các trị số cực đại và cực tiểu không nhiều: 90,5% vào tháng 3 và 82,9% tháng 12, sự chênh lệch này ở Bình Lục – Hà Nam là cao quanh năm và khá ổn định. 

3. Nắng 

Bình Lục có số giờ nắng trung bình năm từ 1.200 – 1.600 giờ. Từ tháng 1 đến tháng 3 số giờ nắng giảm do bức xạ mặt trời còn thấp, trời u ám, có mưa phùn và nhiều mây nên đó là thời kỳ có số giờ nắng ít nhất trong năm (trị số thấp nhất là 6,9 giờ vào tháng 3/1996).  Đến tháng 4, mặt trời đã chuyển về Bắc bán cầu nên bức xạ tăng lên rõ rệt khiến trời ấm lên, tình trạng trời u ám và mưa phùn đã chấm dứt nên số giờ nắng tăng mạnh , tới 79,1 giờ so với tháng 3 chỉ là  42,6 giờ. Sang tháng 5, số giờ nắng tăng hơn khi mặt trời lên Thiên đỉnh, tại Bình Lục là 148,1 giờ. Tiếp tục tăng liên tục đến tháng 8 đạt 165,1 giờ. Đến tháng 10 vẫn ở mức cao khi đạt 156 giờ. Đến tháng 11 số giờ nắng giảm đi do có gió mùa Đông Bắc và  sang tháng 12 tiếp tục giảm mạnh cho đến tháng 3 năm sau.

4. Gió

Trên địa bàn Bình Lục, trong năm có 2 hướng gió thịnh hành là gió Đông Nam thổi vào mùa hạ với tốc độ 2 - 4 m/s. Gió Đông Bắc có tốc độ không lớn nhưng thường gây lạnh đột ngột vào những tháng cuối  Đông. Chế độ gió ở Bình Lục phân hóa rõ giữa mùa Hạ và mùa Đông do nhân tố hoàn lưu khí quyển là cơ bản, còn do địa hình thấp nên ảnh hưởng không đáng kể.

Gió Nam thịnh hành nhất vào đầu mùa Hạ chiếm 21,8 %, nhiều nhất trong các hướng gió thổi trong tháng 5, tốc độ trung bình  3m/s phổ biến cả năm; đến nửa đầu mùa Đông tốc độ gió giảm cùng với tần suất  xuất hiện ít dần, tháng 12 chỉ có 0,8 %. 

Gió Đông thịnh hành nhất gần như suốt năm, tần suất xuất hiện cao nhất vào những tháng cuối mùa Đông, tối đa là 31 % vào tháng 2 . Sang mùa Hạ tần suất giảm dần đến cuối năm.

Gió Tây Nam thịnh hành vào giưa mùa Hạ với đặc điểm khô nóng, tần suất cao nhất là vào tháng 6 : 16,7 %, hầu như ít xuất hiện vào thời gian còn lại trong năm. Tốc độ gió trung bình từ 2 – 3m/s vào mùa Hạ và 1 – 2 m/s vào thời gian còn lại trong năm.

Gió Tây Bắc thịnh hành vào nửa cuối mùa Hạ và nửa đầu mùa Đông, tần suất cao nhất là 12 % vào tháng 9. Tốc độ gió trung bình phổ biến là 3m/s

Gió Bắc – Tây Bắc, thịnh hành nhiều vào nửa cuối mùa Hạ, tần suất cao nhất là 13,9 % vào tháng 9 cũng là lúc tốc độ gió lên tới 4m/s. Ngoài ra gió Bắc – Tây Bắc còn hay xuất hiện vào mùa Thu và đầu mùa Đông.

Gió Nam – Đông Nam thịnh hành nhất vào mùa Xuân và đầu mùa Hạ với tần suất cao nhất là 12,1 % ở tháng 5, tốc độ gió cao nhất vào nửa cuối mùa Đông 4m/s, tần suất trong các tháng 1 và 3 là 2,4 % - 2,8 %.

Gió Đông Nam thịnh hành cả năm, tần suất cao nhất là 15 % vào tháng 4, tốc độ trung bình là 2 – 3 m/s.

Gió Bắc xuất hiện quanh năm, thịnh hành nhất vào nửa đầu mùa Đông với tần suất cao nhất là 33,1 % trong tháng 12, tốc độ gió thường là 2 – 3 m/s.Vào giữa mùa Hạ, tốc độ gió yêu nhất là 1m/s trong tháng 6. Gió Tây thịnh hành vào giữa mùa Hạ với tần suất cao nhất là 10 % trong tháng 7.

Tần suất lặng gió ở Bình Lục – Hà Nam khá cao. Mùa Thu và nửa đầu mùa Đông. Tần suất lặng gió cao nhất trong năm vào tháng 12 là  31, 7 %, thấp nhất là 7,3 % vào đầu mùa Hạ khi có nhiều hướng gió khác nhau như: Nam, Đông Nam, Đông, Đông – Đông Nam .

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10 với đặc trưng là nóng ẩm và mưa  nhiều. Hướng gió thịnh hành là gió Đông – Nam với tốc độ 2- 4 m/s . Nhiệt độ trung bình cao nhất là 38 °C , lượng mưa từ 1.100 – 1.500 mm, chiếm 80 % lượng mưa cả năm. Khi mùa lũ đến, mực nước sông Hồng, sông Nhuệ, sông Châu Giang lên cao  tình  trạng  ngập, úng cho phần lớn các vùng trũng trong huyện ( chủ yếu vùng nội đồng trong đê ) sẽ xảy ra khi có mưa lớn ( Từ 150 200 mm trở lên ) trên địa bàn của huyện.

Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau, có khí hậu lạnh, ít mưa. Hướng gió thịnh hành là gió Đông – Bắc, thường gây lạnh đột ngột. Nhiệt độ trung bình thấp nhất là 15 °C  , lượng mưa ít, chỉ đạt 15 – 20 % lượng mưa cả năm.

5. Lượng mưa 

Lượng mưa trung bình cả năm từ 1.800 – 2000 mm. Mưa tập trung vào các tháng 7,8,9 với gần 80 % tổng lượng mưa cả năm. Ngày có lượng mưa cao nhất lên đến 200 – 250 mm. Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là giai đoạn mưa ít nhất : ít hơn 50 mm/tháng ( cá biệt như  tháng 12/1996 là 2,1 mm; tháng 12/2000 là 1,5 mm ). Mưa phùn thường diễn ra  vào cuối mùa Đông ( tháng 2 – 3 ), lượng mưa không lớn nhưng kéo dài vì độ ẩm không khí gần như bào hòa. Số ngày mưa trong thời gian này tới 10 – 12 ngày/tháng, lượng mưa có trường hợp trên 100 mm/tháng như: 3/1990 là 239,3 mm, tháng 3/1994 là  154,8 mm, 3/2001 là  135,1 mm .

6. Bức xạ măt trời 

Với vị trí địa lý của địa bàn, huyện Bình Lục nằm ở điểm có góc nhập xạ lớn, thời điểm góc nhập xạ thấp nhất là ngày Đông chí cũng gần 47 º. Từ tháng 5 – 8 góc nhập xạ lớn hơn 80 º.Thường hàng năm có 2 lần  mặt trời lên đỉnh chiếu thẳng là thời điểm góc nhập xạ lớn nhất 90 º vào ngày 12/6 và 2/7. Trong năm, thời gian chiếu sáng trong ngày  rất dài, ít có  độ chênh lệch nhiều giữa mùa hạ và mùa đông. Thời gian chiếu sáng dài và góc nhập xạ lớn quanh năm nên Bình Lục giàu năng lượng mặt trời, ánh sáng và nhiệt lượng. Số liệu thống kê cho thấy tổng bức xạ ở Bình Lục là 122,8 Kcal/cm²/năm, tháng  2 thấp nhất là 2 Kcal/cm² và tháng 7 cao nhất là 15,4 Kcal, cán cân bức xạ trung bình quanh năm cao từ 70 – 80 Kcal/cm²/năm. Lượng bức xạ tổng cộng lớn và cán cân bức xạ quanh năm dương  đã tạo ra 1 đặc điểm nổi bật của khí hậu Bình Lục là tính chất nền nhiệt độ cao, trung bình cả năm từ 23 – 24 °C , riêng tháng 5 có nhiệt độ trung bình trên 25 °C . Tuy nhiên, với vị trí địa lý nằm trong vùng nội chí tuyến nhưng gần chí tuyến Bắc hơn là gần xích đạo nên theo thời gian trong năm, chuyển động biểu kiến của mặt trời  cũng tạo ra sự thay đổi tương đối rõ theo mùa của bức xạ tổng cộng và cán cân bức xạ, góp phần cùng hoàn lưu khí quyển  tạo nên hai mùa nóng và lạnh đối lập nhau.

7. Hoàn lưu khí quyển

Hoàn lưu khí quyển ở Bình Lục là 1 bộ phận của hoàn lưu gió mùa  miền Bắc Việt nam,  được hình thành do tác động kết hợp của 3 cơ chế gió mùa châu Á: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Nam Á trong đó gió mùa Đông Nam Á chi phối mạnh nhất. Hàng năm, suốt từ mùa Đông đến mùa Hạ  ở Bình Lục – Hà Nam chịu ảnh hưởng của nhiều trung tâm tác động khí quyển là áp thấp xích đạo,  áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương; mùa Đông là áp cao Xibia và áp thấp Aliêuchiên, mùa hạ là áp thấp Ấn Độ - Miến Điện. Điểm nổi bật của cơ chế hoàn lưu gió mùa ở Bình Lục – Hà Nam là sự tương phản sâu sắc giữa mùa Đông và mùa Hạ về tính chất, phạm vi, cường độ hoạt động của các trung tâp khí áp , các khối khí thịnh hành và hệ thống thời tiết.

Mùa Hạ ở Bình Lục thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, đây cũng là mùa mưa trong năm, gây nóng - ẩm với nhiệt độ trung bình là 28 – 29 °C , độ ẩm tương đối trung bình 88 %.Tùy từng năm, có thể xuất hiện các đợt nóng gay gắt kéo dài như năm  1998 có 3 – 4 đợt ( có đợt nóng tới 38 °C, chưa từng có trong 40 năm trở lại đến nay), năm 2000 lại không có. Trong những ngày nắng gắt, nhiệt độ có thể lên tới 35 – 36 °C , thường trong toàn mùa có 2/3 số ngày nóng và rất nóng, còn lại 1/3 số ngày dịu mát hơn. Số ngày có mưa chiếm khoảng 50 %, ngày khô chiếm khoảng 20 %, số ngày ẩm không mưa chiếm 30 % .

8. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt 

Giông : hiện tượng Giông ở bình Lục trung bình mỗi năm có khoảng 45 ngày có Giông. Vào mùa Hạ, phổ biến từ tháng 5 – 9 , trung bình mỗi tháng có 7,2 ngày có Giông. Những tháng còn lại trong năm hiện tượng Giông ít hẳn, trung bình chỉ còn 1,47 ngày có Giông/tháng.

Bão: Bình Lục nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và cách biển không xa nên chịu ảnh hưởng đáng kể của bão. Hàng năm bão đỏ bộ vào  huyện chủ yếu tập trung vào các tháng 7,8,9 trung bình có từ 2 – 4 cơn bão đổ bộ vào huyện, gây mưa lớn dẫn đến hay bị ngập úng. Tại Bình Lục , lượng mưa trong trận bão tháng 9/1978 là 512 mm trong 7 ngày; riêng ngày 22/9/1978 lượng mưa tới 333 mm . 

Mưa phùn: ở Bình Lục, mưa phùn diễn ra mạnh vào cuối Đông ( tháng 2, 3) khi gió mùa thổi qua vịnh Bắc bộ rồi xâm nhập vào đồng bằng sông Hồng.Trung bình mỗi năm ở Bình lục có 31,8 ngày có mưa phùn. Từ tháng 1 – 3, hiện tượng mưa phùn ngày càng tăng, là thời kỳ mưa phùn nhiều nhất trong năm, riêng tháng 3 là có trị số cao nhất 11,1 ngày. Đến tháng tư, hiện tượng này giảm dần chỉ còn 5,4 ngày và đến tháng 5 rất ít xảy ra. Mưa phùn chấm dứt  từ tháng 6 đến tháng 9 rồi lại xuất hiện vào tháng 10 và tăng dần đến tháng 12.

Sương mù: Trung bình hàng năm ở Bình Lục có 15,7 ngày có sương mù. Từ tháng 1 đến tháng 8 số ngày có sương mù giảm dần, riêng tháng 7,8 thường không xảy ra. Tháng 9 sương mù xuất hiện và theo chiều hướng tăng dần đến tháng 12 thì đạt cao nhất 3,5 ngày/tháng. Giữa mùa Đông là lúc sương mù diễn ra mạnh nhất. Ở Bình Lục – Hà Nam là sương mù bức xạ, xuất hiện vào ban đêm khi bức xạ mặt đất mạnh khiến cho lớp không khí gần mặt đất bị mất nhiệt và tạo ra sương mù. Buổi sáng, khi mặt trời lên thì sương mù cũng tan dần rồi mất hẳn.

Mùa Đông ở Bình Lục kéo dài khoảng 3 – 4 tháng, tùy từng năm nhưng thường biểu hiện rõ nhất trong 3 tháng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Có năm mùa Đông có thể kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, do áp cao Xibia hoạt động mạnh đưa không khí cực đới về nước ta dưới  hình thức các đợt gió mùa với tần xuất cao, cường độ mạnh . Trạng thái thời tiết đặc trưng là kiểu thời tiết nóng lạnh bất thường xen kẽ nhau khiến cho biên độ nhiệt giữa ngày nóng và ngày lạnh có thể lên tới 15 – 20 °C .

Giai đoạn chuyển tiếp Mùa Xuân và mùa Thu : huyện Bình Lục có có địa thế thấp so với đại bộ phận lãnh thồ đồng bằng nên ít có khả năng chi phối tạo nên sự thay đổi về bản chất và tình hình chung của các mùa khí hậu trên địa bàn.

Chế độ bốc hơi: Bình Lục có địa hình thấp trũng và gió nhiều, nhiệt độ trung bình cao nên lượng bốc hơi khá cao: trung bình là  845,6 mm/năm chiếm khoảng 40 – 45 % tổng lượng mưa cả năm. Từ tháng 1 đến tháng 3, trị số bốc hơi có chiều hướng giảm dân do hiện tượng mưa phùn tăng lên vào nửa cuối mùa Đông, sau đó trị số bốc hơi tăng lên liên tục và đến cực đại vào tháng 7, sang tháng 8, 9 trị số bốc hơi giảm nhanh vì có mưa và bão nhiều, sau đó tăng lên vào thời kỳ hanh khô có tính chất chuyển mùa ( tháng 10 ) rồi lại từ từ giảm dần đến đầu năm sau.   VI. Thủy văn

Hệ thống thủy văn Bình Lục được hình thành như ngày nay là do tác động, ảnh hưởng và chi phối của nhiều yếu tố khác nhau. Cơ bản từ các yếu tố sau:

1. Chế độ Khí hậu

Chế độ khí hậu mà trực tiếp nhất là chế độ mưa và chế độ bốc hơi đã chi phối đến nguồn nước của thủy văn Bình Lục.  Lượng mưa hàng năm cao từ 1800 – 2000 mm là nguồn cung cấp nước bề mặt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 mà tập trung từ tháng 6,7,8,9 đã làm cho  hệ thống thủy văn ở Bình Lục đạt đến cao độ về dung lượng chứa. Mùa mưa ở Bình Lục cũng là mùa nước lên của sông Hồng tác động trực tiếp đến lượng nước của sông Đáy, sông Châu Giang, sông Ninh Giang ... cũng lên cao hơn. Ngoài ra ở Bình Lục, trên 1 nền nhiệt cao nhưng lại có độ ẩm lớn vào các tháng mùa mưa đã hạn chế 1 phần sự bốc hơi từ mặt đất. Như vậy, trong năm ở Bình Lục  ngoại trừ lượng nước mất đi do bốc hơi thì lượng nước mưa, nước  tham gia dòng chảy mặt,  lượng nước lưu giữ, chứa ở các ao, hồ, đầm.... và lượng nước từ tham gia dòng chảy ngầm đã  góp phần làm cho hệ thủy văn – tài nguyên nước tại Bình Lục phong phú.

2. Thổ nhưỡng, nham thạch 

Với những đặc điểm về thổ nhưỡng đất đai ở Bình Lục,  vào mùa mưa thì lớp bề mặt nhanh chóng bão hòa nước ( ở Bình Lục lại có mực nước ngầm không sâu ), dòng chảy mặt phát sinh chuyển nước vào các mương máng, ao, hồ, đầm và ra sông, khi mưa càng lớn thì thì dòng chảy mặt sẽ càng mạnh do lớp thổ nhưỡng bề mặt nhanh bão hòa nước.

3. Địa hình

Tác động đến dòng chảy thông qua 2 yếu tố là độ cao địa hình và dạng địa hình. Bình Lục là vùng đất trũng, thấp nhất tỉnh có dạng địa hình tương đối bằng phẳng và thoải  khi có mưa sẽ tạo điều kiện cho nước thấm sâu xuống mặt đất cùng với dòng chảy mặt chuyển nước ra các sông  với chiều thấp dần của địa hình theo chiều từ Tây Bắc xuống Đông Nam.Ngoài ra có 1 lượng nước mưa sẽ được chứa, lưu giữ nước trong mương máng, ao hồ, đầm...

4. Yếu tố thực vật

Bình Lục không có rừng, với thảm cây trồng trên đất nông nghiệp các thành phần phân phối nguồn nước chuyển xuống từng tầng đất sâu giảm nhiều, mức độ điều tiết tới dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm yếu hơn  so với nơi có thảm thực vật rừng. 

5. Sự tác động của con người 

Chinh phục vùng đất  chiêm trũng, cư dân Bình Lục phải cải tạo hệ thống thủy văn, từng bước khống chế lũ, lụt phạm vi cục bộ trong xã, trong huyện , rộng hơn là cả tỉnh và vùng châu thổ.  Tác động tích cực từ con người tới hệ thống thủy văn là từng bước đào đắp hình thành hệ thống đê vững chắc dọc theo các sông  như sông Châu Giang, sông Ninh giang... Đồng thời đã xây dựng  ngày càng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương tưới và tiêu nước qua các đập, trạm bơm, cống, kè.... góp phần chủ động khả năng điều tiết các nguồn nước phục vụ cho đời sống của nhân dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cho lãnh thổ thoát khỏi cảnh úng, ngập.

Tác động tiêu cực: đó là  việc hạn chế trong sử lý  các chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí làm ô nhiễm môi trường nước cùng với việc khai thác sử dụng nước còn lãng phí thất thoát đã làm cạn kiệt tài nguyên nước, từng bước ảnh hưởng rõ rệt đến hệ thống thủy văn. Trong nhiều năm  đến nay, huyện Bình Lục đã có nhiều cố gắng để khắc phục tác động tiêu cực từ con người đến hệ thủy văn, đến môi trường nguồn nước song vẫn  chưa bảo đảm an toàn thủy văn, nguồn nước bền vững.

6. Tài nguyên nước của Bình Lục

Được tạo nên  từ nguồn nước rơi do mưa, nước từ các dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm chuyển vào lãnh thổ . 

Lượng mưa trung bình từ 1800 – 2000 mm ,  cung cấp cho  diện tích bề mặt hứng nước là 144,21 km²  lượng tài nguyên nước rơi khoảng 265 triệu  m³. Dòng chảy mặt từ sông Hồng, sông Đáy, sông Châu Giang hàng năm đưa vào lãnh thổ gần 2,3 tỷ m³ Dòng chảy ngầm chuyển qua lãnh thổ  theo hướng Tây Bắc – Đông Nam cũng bổ xung lượng đáng kể nước ngầm thương xuyên cho Bình Lục từ các lãnh thổ khác trong và ngoài tỉnh. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Hà Nam tính toán cho thấy tài nguyên nước đổ vào lãnh thổ từ dòng chảy mặt lớn gấp 9,36 lượng nước rơi do địa hình thấp trũng hơn các đị bàn xung quanh.

Tài nguyên nước rơi bình quân mỗi người dân Bình Lục là 1.950 m³/ người, thấp hơn  mức bình quân của cả nước là  8513 m³/người,  sự chênh lệch này có 1 phần do mật độ dân cư ở Bình Lục cao hơn mật độ dân cơ cả nước gần 4 lần. 

Tài nguyên nước mưa tính theo bình quân/ người  tuy không nhiều nhưng Bình Lục ở vào vị trí địa hình thấp trũng nhất Hà Nam, bề mặt lãnh thổ trước đây có nhiều ao, hồ, đầm chứa nước nhưng hiện nay đang bị thu hẹp; lại có nhiều nước ở các con sông đổ vào cùng với tài nguyên nước ngầm khá phong phú nên khả năng đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho dân cư và nước bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh không thiếu.   7. Hệ thống sông ngòi và kênh mương ở Bình Lục

Từ trước đến nay, cư dân Bình Lục trong quá trình khai thác đồng bằng để sản xuất nông nghiệp đã tạo ra hệ thống sông đào và kênh mương dày đặc . Ngoài các sông lớn  như sông Đáy, sông Châu thì sông Sắt (trước đây gọi là sông mới )  là do con người đào đắp trong quá trình khai thác lãnh thổ để sản xuất nông nghiệp và mở rộng địa bàn cư trú. Tổng diện tích sông, ngòi kênh mương và ao hồ ở Bình Lục năm 2019 là 433,2 ha. Mật độ sông của Bình Lục là 1,25 km/km², cao hơn mức bình quân của tỉnh là 0,25 km/km² . Mật độ kênh mương ở Bình Lục là  5,2 km/km² . 

8. Nước ngầm

Lãnh thổ Bình Lục hình thành do sự bồi đắp trầm tích qua nhiều thời kỳ địa chất, từ trầm tích cacbonat dưới dạng đá vôi phân lớp dày đến trầm tích lục nguyên được bồi đắp bởi hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Châu Giang và sông Ninh Giang. Các lớp trầm tích đó phần lớn là cát, cát sỏi, sạn, cát sạn xen với các tầng setsits thấm nước nên bao chứa trong đó những thấu kính nước và những tầng chưa nước. Trầm tích biển là đá vôi tuổi Triat cũng dề bị nước chảy hòa tan tạo thành khe chứa nước, mạch chứa nước và động chứa nước ở dưới sâu. Bình Lục – Hà Nam nằm ở hữu ngạn và hạ lưu sông Hồng, kẹp giữa sông Châu Giang và sông Ninh Giang có độ  cao từ 1 – 1,5 m thấp dần theo hướng Tây Bắc – Đông Nam trở thành điều kiện tốt để  tạo thành, tàng trữ và bổ xung luân chuyển nguồn nước ngầm cho lãnh thổ Bình Lục. Kết quả khảo sát của Trường Đại học Mỏ địa chất cho thấy sâu dưới lòng đất Bình Lục có  các địa tầng sau: 

- Tầng  chứa nước lỗ hổng trầm tích hỗn hợp sông, biển và đầm lầy; hệ tầng Thái Bình hình thành cách đây gần 500 nghìn năm ( tuổi Holoxen ). Thành phần chính của tầng chưa nước này là cát mịn dưới dạng thấu kính cát, cát pha có diện tích nhỏ, phân bổ trong các lớp sét, sét pha đa nguồn gốc. Thấu kính cát, cát pha này có chiều dày từ 2 – 9m, nằm sâu cách mặt đất từ 8 đến 15m . Mực nước tĩnh trong tần chưa nước này lên cách mặt đất từ 1 – 3m. Modul tiềm năng khai thác là 245 m³/ngày – đêm/km². Nguồn bổ câp. chính cho tầng chứa nước này là nước mưa và nước mặt thẩm thấu theo chiều thẳng đứng. Chính vì vậy, mực nước cao nhất của tầng chứa nước này vào tháng 9 ( mùa mưa ) và thấp nhất vào tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm. Biên độ giao động giữa 2 mùa từ 1 đến 1,5 m.

- Tầng chưa nước lỗ hổng trầm tích lục địa , hệ tầng Hà Nội hình thành cách đây từ 500 – 750 nghìn năm tuổi ( tuổi Pleistoxen ). Thành phần thạch lọc chủ yếu của tầng chứa nước này là cát hạt thô, sạn, sỏi. Chiều dày của tầng chứa nước trung bình khoảng 28,4 m  trên địa bàn Bình Lục, có độ dày của tầng chứa nước từ 10 -15 m.Tiềm năng khai thác đạt 426,8 m³/ngày – đêm/km². Nguồn gốc của tầng chứa nước này là nước nhạt được chôn vùi và có sự bổ xung nước trẻ thẩm thấu, không có mối quan hệ thủy lực trong vung với nước mặt sông Hồng và sông Đáy. Có thể khai thác để phục vụ cho sinh hoạt con người nhưng phải xử lý loại bỏ các chất cặn, lắng và xử lý loại bỏ sắt. Ngoài ra ở Bình Lục có 1 trữ lượng đáng kể ở vùng sâu dưới lòng đất núi An Lão . Đây là tầng chưa nước khe nứt cacxtơ trong trầm tích đá vôi ( lớp đá nâu đen xám, mềm ) tuổi Triat, tầng chứa nước nằm sâu cách mặt đất từ 75 - 80 m có phạm vi cách chân núi khoảng từ 40 – 50 m, chất lượng nước tốt phục vụ cho sinh hoạt của con người nhưng khai thác có nhiều  khó khăn.

9. Ao, hồ 

Các ao, hồ nhỏ hình thành trong quá trình vượt đất làm nền cho đường giao thông,cầu cống,kênh mương, nhà ở và theo điều tra ở Bình Lục có tới  trên 50 % số các hộ nông nghiệp có ao, hồ nhỏ ở đất thổ cư. Diện tích ao, hồ nhỏ thường không quá 0,4 ha ( dưới 1 mẫu Bắc bộ ), với độ sâu trung bình từ 1 – 1,5 m. Diện tích ao hồ ở Bình Lục khoảng 433,2 ha. Các ao, hồ, kênh mương, thùng đào thường giữ nước quanh năm phục vụ cho sản xuất hộ gia đình, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước cung cấp là nước mưa và  do các công trình thủy nông cung cấp.

10. Sông

Sông Châu Giang khởi nguồn trong lãnh thổ tỉnh Hà Nam, là chi lưu sông Đáy ở Phủ Lý chảy về, thu nhận nguồn nước mặt của huyện Duy Tiên và nhận được  hợp lưu từ sông Nông Giang từ bắc Duy Tiên chảy vào. Sông chia làm 2 nhánh, 1 nhánh làm ranh giới giữa huyện Duy Tiên và Bình Lục ở phía Tây Bắc và Bắc chảy theo hướng Đông – Tây qua xã Tràng An và xã Bình Nghĩa ra Thành phố Phủ Lý; 1 nhánh làm ranh giới huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục phía Bắc chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua các xã: Bình Nghĩa (địa phần Cát Lại), Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh và chảy ra trạm bơm  Như Tác gần đê sông Hồng. Tổng chiều dài sông Châu Giang qua huyện Bình Lục là 31,750 km. Sông Châu có  vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân 2 bên bờ. Chế độ nước của sông Châu Giang được điều tiết chặt chẽ qua hệ thống cống trên đập Phủ Lý, đập Vĩnh Trụ và Trạm bơm Hữu Bị. Trong mùa mưa, sông Châu Giang có vai trò tiêu nước là chính qua cống tại đập Phủ Lý thoát vào sông Nhuệ Giang rồi ra sông Đáy; trạm bơm Hữu Bị tiêu nước sông Châu Giang ra sông Hồng. Mùa cạn khô sông Châu Giang lại được cấp nước từ sông Hồng qua hệ thống cống Mộc Nam  qua kênh dẫn đến sông Nông Giang rồi vào sông Châu cấp nước cho các trạm bơm ở hai bờ sông. Do được điều tiết chặt chẽ nên sông Châu Giang khá điều hòa, các phương tiện giao thông đường thủy có thể đi lại quanh năm. Kết quả phân tích nước sông Châu Giang cho thấy nước sông bị ô nhiễm amoniac, nitrit, độ kiềm yếu, khu vực Vĩnh trụ nước còn bị nhiễm khuẩn cao. Sông Châu Giang qua địa bàn Bình Lục có các chi lưu: sông Sắt, Kênh S17 (sông Bùi) và sông Ninh Giang.

Sông Ninh Giang  khởi nguồn từ bờ hữu sông Châu Giang tại địa phận thôn Thanh Trực, xã An Ninh – Bình Lục. Sông Ninh Giang là ranh giới phía Đông và Đông Nam của huyện Bình Lục với các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên (tỉnh Nam Định). Sông chảy qua địa phận các xã: An Ninh, Bồ Đề, Vũ Bản,  Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc – Nam Định) Trung Lương, Tiêu Động, An Lão đến địa phận thôn Lan xã An Lão ra khỏi địa phận Bình Lục đổ vào sông Đáy. Sông Ninh Giang có chiều  dài 29,5 km trên khoảng cách lưu vực 17,5 km tạo nên độ uốn khúc là 1,65. Trên đường đi tại địa phận  Bình Lục, sông Ninh Giang  chia nước vào sông Luyện Giang và sông Dương (sông Gừng) và nhận nước từ sông Sắt đổ vào. Đồng thời còn nhận được thêm nước từ các mương, ngòi tiêu nước trên địa bản của phần lớn các xã ven hai bờ sông đổ vào. Sông Ninh Giang có lưu vực khoảng 118,4 km². Chế độ nước sông Ninh Giang phụ thuộc vào chế độ mưa trên lưu vực thuộc huyện Bình Lục và phía bắc các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên (tỉnh Nam Định). Do vậy chế độ nước của sông Ninh Giang có 2 mùa : mùa cạn từ tháng 11 tới tháng 5  năm sau; mùa lũ từ tháng 6 và kết thúc vào thâng 10. Ở địa phận xã Vũ Bản và An Nội sông Ninh Giang (bờ Bắc) không có đê mà chỉ có con bối chạy dài làm đường liên xã. bên hữu sông Ninh Giang thuộc địa phận các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên có đê Ất Hợi chạy sát ven sông. Đoạn từ Cầu họ đên Mai Động (Trung Lương) và đoạn từ xã Tiêu Động xã An Lão bờ phía Tây có đê  thường xuyên được đắp bồi và gia cố thêm để ngăn không cho nước chảy vào đồng trong mùa lũ , có 7 km bề mặt đê đã được làm đường bê tông thuận tiện cho giao thông.

Hiện nay, sông Ninh đoạn từ xã An Ninh đến xã Vũ Bản sông  đã bị bồi lấp, dòng chảy thu hẹp hiện gọi là kênh CT9 . Đến đầu thôn Hưng Vượng (xã Vũ Bản) sông Ninh Giang được nối vào kênh Chính Tây đổ ra Kênh S 17, ở kênh  Chính Tây đến địa phận xã An Nội  có nhánh kênh CT11 cũng đổ ra kênh S17. Đoạn sông Ninh Giang từ Hưng Vượng xã Vũ Bản qua xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc – Nam Định) đã bị bồi lấp hoàn toàn, đoạn chảy qua thôn Phúc, Lộc, Sùng Văn  xã Mỹ Thuận hiện còn như con mương nhỏ. Đoạn từ Cầu Họ (thôn Thượng Đồng) đến  thôn Mai  Động xã Trung Lương cũng bị bồi lấp thu hẹp nhất là bãi chân đê phia nam. Đoạn sông từ Mai Động xã Trung Lương đến thôn Lan  xã An Lão, sông vẫn còn rộng, có khả năng bảo đảm cho hoạt động của các phương tiện giao thông thủy dưới 20 tấn trọng tải vào mùa khô và dưới 50 tấn vào mùa mưa. 

Theo An Nam lược chí và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, trước đây sông Ninh Giang là con sông lớn bảo đảm thuận tiện cho việc giao thông  đi lại từ sông sông Hồng, gần phủ Thiên Trường vào sông Châu rồi theo Ninh Giang ra sông Đáy vào khu Trường Yên – Ninh Bình. Sông Ninh đến xã Vũ Bản, đoạn đầu chợ Vọc hiện nay có Ngòi Cả nối Ninh Giang với Phủ Quắc Hương, thái ấp của Trần Thủ Độ thời nhà Trần. Tiếp đến đoạn sông giáp chợ Mạng  xã Mỹ Thuận cũng có  Ngòi lớn nối Ninh Giang với Hành cung Ứng Phong thời nhà Lý (ở thôn Đại Vinh xã Mỹ Thuận bây giờ).

Trong kháng chiến chống Pháp, sông Ninh Giang là đường giao thông thủy tiếp tế  quan trọng cả về người và vũ khí, lương thực từ vùng tự do đến vùng bị  giặc tạm chiếm. Theo kết quả điền giã thì từ những năm  60  thế kỷ XX là giai đoạn sông Ninh Giang đã bị bồi lấp dẫn đến thực trạng như hiện nay.

Sông Ninh Giang có vai trò tiêu nước chủ yếu  trong mùa mưa lũ cho toàn bộ vùng trũng thấp ở Bình Lục. Mùa khô, sông Ninh Giang nhận nước từ sông Hồng qua trạm bơm Như Trác đưa vào sông sông Châu, sông Sắt. Nước sông Ninh Giang qua kiểm nghiệm cho thấy đã bị ô nhiễm bởi lượng vi khuẩn , lượng Amon ,nitrit vượt quá tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

Sông Sắt (sông Mới) là chi lư của sông Châu Giang khởi nguồn thông Giếng Bóng xã Đồng Du được khai đào vào năm 1903. Trên địa phận huyện Bình Lục, sông chảy theo hướng Bắc – Nam  thành ranh giới giưa các xã phía tây là Đông Du, An Mỹ, Thị trấn Bình Mỹ, An Đổ với các xã phía Đông là Hưng Công,. Bối Cầu, Trung Lương dài 9,75 km, có độ uốn khúc nhỏ = 1,05. Chế độ nước của sông Sắt theo chế độ mưa trên lưu vực chạy dài theo 2 bên bờ sông. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 6, kết thúc vào tháng 10. Mùa khô cạn từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Sông Sắt giữ vai trò tiêu nước cho sông Châu và phần lưu vực trong huyện ngược lại, đến mùa khô cạn thì sông Sắt  lại là nguồn cung cấp nước cho huyện Bình Lục, huyện Thanh Liêm qua hệ thống kênh đào theo hướng Đông Tây. Hai bờ sông Sắt có đê  ngăn nước sông tràn vào đồng, hiện nay 2 bờ đê của sông Sắt đã được bồi đắp và gia cố, đoạn từ cầu Sắt xuống đến giáp sông Ninh Giang ( Mai  Động  xã Trung Lương và Giải Đông xã An Đổ) đã được gia cố làm thành đường giao thông mặt bê tông. 

Các mẫu phân tích nước cho thấy nước sông  Sắt trung tính bị nhiễm bẩn cao bởi vi khuẩn, amoniac, do vậy chỉ  phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Sông Luyện Giang là chi lưu của sông Ninh Giang từ cống Giải xã An Đổ  chảy qua phía nam xã An Đổ và xã La Sơn  theo hứng Đông Tây có chiều dài 6 km. Do bị bồi lấp nên hiên nay sông Luyện Giang tiêu S16 của các xã phía nam huyện. 

Sông Dương Giang (có tên là sông Gừng)  lấy nước sông Ninh Giang qua kênh S17 chạy vào xã Trung Lương (phía nam thôn Cửa)  dài 3,5 km do bị bồi lấp, đến nay gọi là kênh S7.

11. Khai thác sử dụng tài nguyên nước

Huyện Bình lục hiện có 7 nhà máy nước sạch.

- Nhà máy nước sạch ở xã Bồ Đề khai thác nước mặt ở sông Châu Giang  có công suất đạt 1500 m³/ ngày đêm.

- Nhà máy nước sạch ở xã Đồng Du khai thác nước mặt của sông Châu Giang có công suất đạt 2500 m³ / ngày đêm.

- Nhà máy nước sạch ở thị trấn Bình Mỹ khai thác nước mặt của sông Sắt có công suất đạt 1500 m³ / ngày đêm.

- Nhà máy nước sạch ở xã An Đổ khai thác nước mặt sông Sắt có công suất đạt 1950 m³ / ngày đêm.

- Trạm nước sạch ở xã Tiêu Động khai thác nước mặt sông Ninh Giang có công suất 400 m³ / ngày đêm.

Nhà máy nước sạch ở xã An Lão khai thác nước mặt sông Ninh Giang  có công suất 800 m³ / ngày đêm.

 - Nhà máy nước sạch tại xã Hưng Công và xã An Ninh có công suất đạt 5500 m³ / ngày đêm.  Tất cả các nhà máy, trạm cấp nước sạch của huyện đều  dùng Công nghệ sử lý nước sạch theo tiêu chuẩn VN, bảo đảm nước đủ tiêu chuẩn phục vụ cho sinh hoạt của người dân với kết quả: toàn huyện có 98,4% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 78,8%  hộ dân dùng nước sạch. Trên các sông, kênh mương đều có hệ thống công bê tông kiên cố để  điều hành cả việc tưới và tiêu nước an toàn, có hiệu quả, tiết kiệm nước.

Địa chí Huyện Bình Lục

Từ khóa » Nơi Có Sự Bào Mòn Rửa Trôi đất đai Mạnh Nhất Là A. đồng Bằng. B. Miền Núi. C. ô Trũng. D. Ven Biển