Địa Danh Đức Mẹ Cô Đơn

Năm 1968, chính quyền Sài Gòn giao cho ông Nguyễn Văn Vững (Hai Vững) một mảnh đất rất lớn, chừng hơn 5 hecta, một vùng đất hoang, có nhiều chỗ trũng sình lầy. Mục đích dùng để lập những nhà nuôi người già đau yếu tàn tật và các trẻ mồ côi. Hiện nay, vẫn còn một cơ sở rất lớn còn sót lại, được Nhà nước xây cất lại và quản lý, mang tên: Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc. Khi những người này qua đời, ông mang chôn cất tại nhiều khu vực. Ông là người Công giáo, nên cứ mỗi nghĩa địa ông lại lập một tượng đài để cầu nguyện. Ngoài đài Đức Mẹ Cô đơn, còn 2 đài Đức Mẹ khác và 1 đài Thánh Giuse cũng ở gần đó.  

Lúc trước, nơi đây rất hoang vắng, xa xa có vài chòi lá của cư dân canh tác dựng tạm để trú nắng tránh mưa. Dân quanh vùng hầu hết là lương dân nên nghĩ tượng ấy của đạo Chúa, và chẳng ai đoái hoài đến việc hương khói phụng thờ. Mồ mả không có người thân đến viếng. Mẹ chỉ đứng nơi đây cùng hài nhi Giêsu như bị quạnh hiu lạc lõng nơi thanh vắng, với những nấm mộ dưới chân Mẹ được phủ bằng những bãi cỏ trông kém mỹ quan, có lẽ vì thế mà hình thành tên gọi là “Đức Mẹ Cô Đơn”.  

Nghe đồn Mẹ rất thiêng, một số giáo dân từ các xứ đạo bên Gò Vấp thường rủ nhau đến đây cầu nguyện. Họ đi bộ ven quốc lộ 1A, từ ngã tư Tân Thới Hiệp qua khỏi cầu Bến Cát một đoạn, rồi sang trái men theo bờ ruộng lúa và những con đường mòn dẫn tới đài Đức Mẹ. Lâu dần, những người đến đây viếng Mẹ xong ra về, bỏ lại những bó hoa tàn úa thành đống rác vun vãi, bình lư đầy ngập chân nhang, tượng và đài bụi bám chờ mưa làm sạch, không người quản lý chăm sóc. Những điều này đã góp phần làm nên sự “Cô Đơn” của Mẹ như danh gọi. Mặc dù khu vực đài Đức Mẹ nằm tại một vị trí thuận lợi ngay mặt tiền đường.  

Thánh danh Mẹ tại đây là Mẹ Thiên Chúa, theo như dòng chữ khắc trên tấm bia đá cũ xưa từ khi có tượng đài: “Sancta Maria Mater Dei ora pro nobis”. (Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con). Sở thích của ông Hai Vững là sưu tầm các ảnh tượng Công giáo, hầu hết các tượng Mẹ và các Thánh đặt trong vùng này, cũng như rải rác trong các nhà giáo dân, đều được ông mang về từ bên Pháp. Điều này minh chứng bằng bố cục điêu khắc hình tượng Đức Mẹ Cô Đơn, hầu như chưa ai được nhìn thấy mẫu tượng này trưng bày nơi các nhà thờ, cũng như các cơ sở sản xuất ảnh tượng Công giáo tại Việt Nam. Mẹ đứng trên đài cao giữa lô đất, trên vai có Chúa Hài Đồng, gương mặt Mẹ dịu hiền cúi nhìn xuống thật trìu mến. Chiêm ngưỡng tượng Mẹ, trong lòng mọi người đều có cảm nhận sâu xa về một tình thương bao la của người mẹ đối với con yêu dấu. Với bố cục hình tượng này, càng nhìn càng thấy nơi bức tượng toát lên một tình cảm mãnh liệt của lòng yêu thương sâu thẳm dạt dào nơi Mẹ dành cho tất cả con cái loài người. Bức tượng như nói lên được niềm tâm sự: “Ta luôn yêu thương các con như yêu thương Con yêu dấu của ta vậy”.  

Từ năm 2005 đến nay, nhà cửa mọc lên san sát, đường xá thuận lợi, nhiều người đi lại tiện đường ghé qua chiêm bái nguyện cầu ngày càng đông đảo. Năm 2011, nơi đây được dọn dẹp và trải lên mặt sân bằng một lớp đá mi tương đối sạch sẽ, tuy vậy trên 20 ngôi mộ trước tượng đài vẫn còn đó. Có hôm người người tấp nập chen chân nhộn nhịp; đủ sắc màu hoa ngạt ngào tươi thắm, nhang khói nghi ngút ngát hương được dâng lên Mẹ suốt mỗi ngày. Lại cũng có nhiều người đến đây cúng vái cầu cơ, tạo thành những điều mê tín dị đoan.  

Ông Hai Vững trước khi qua đời có để lại một di chúc trao khu đất có tượng đài cho nhà thờ Ba Thôn quản lý. Mãi đến cuối năm 2014, khu vực tượng đài Đức Mẹ Cô Đơn mới được trùng tu. Trong 23 ngôi mộ được bốc dở, thực sự chỉ có 7 ngôi mộ thật. Còn lại là những mô đất cao cao mà hằng năm người tảo mộ cứ ngỡ là ‘mả lạng’ nên bồi thêm đất dùm. Công trình chỉnh trang đã hoàn thành trước ngày đại lễ Giáng Sinh 2014. Khu đất được bao bọc bởi tường cao 2 mét phía sau và bên phải tượng đài. Bên trái là hàng rào đặt trên tường cao 1 mét. Mặt tiền trên đường Tô Ngọc Vân được lắp đặt bằng 4 cánh cổng sắt kiên cố. Sân đài lót bằng đá tảng 50x20cm bề dầy trên 10cm và được phủ lên bằng một lớp bê-tông. Những dãy ghế đá cẩm thạch được kê ngay ngắn trên sân trước tượng đài thật hài hòa, tạo nên sự nghiêm trang và ấm cúng. Tượng Đức Mẹ được đặt trên tòa tháp cao 2 mét giữa sân, trước tượng Thánh giá chuộc tội. Chúa Hài Đồng được Mẹ đặt trên vai tựa người vào bên má, bàn tay Mẹ nâng tay con đặt trên đùi con trẻ như âu yếm vuốt ve và bảo vệ Người bằng một nụ hôn ngọt ngào. Những tấm biển bằng mica, bằng đồng thau, hoặc bằng đá granit nho nhỏ có ghi những dòng chữ Tạ ơn Đức Mẹ được gắn trên tường rào đủ để chứng minh về sự linh thiêng của Mẹ ngót  50 năm qua.  

Giờ đây, nơi Đức Mẹ ngự đã được trùng tu khang trang sạch sẽ, chắc chắn Mẹ sẽ không còn cô đơn nữa. Những người con của Mẹ, cũng như những ai còn lạc loài nhưng đặt trọn niềm tin nơi Mẹ, sẽ ngày đêm đến đây khẩn cầu nài van dưới chân Mẹ. Theo ước tính, mỗi ngày hiện nay có ít nhất trên 300 lượt khách đến hành hương, suốt từ mờ sáng đến nửa đêm. Nhân ngày Tết dương lịch 01/01/2015, lễ Thánh Maria – Mẹ Thiên Chúa, cha Vinh sơn – chánh xứ Ba Thôn –  đã đến cử hành nghi thức làm phép tượng và khuôn viên đài. Tham dự còn có cha Giám đốc Cộng thể Don Bosco, các cha trong dòng và nhiều giáo dân trong giáo xứ.  

Nếu ai có dịp đi ngang qua quận 12, trên quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt Ngã tư Ga đến cầu vượt Tân Thới Hiệp, có ngã ba rẽ phải vào đường Tô Ngọc Vân theo hướng về nhà thờ giáo xứ Ba Thôn, qua cầu Bà The khoảng 400m sẽ thấy đài Đức Mẹ bên trái. Hãy dừng lại, chào Mẹ và nguyện cầu. Chắc chắn: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời” (Kinh Hãy nhớ).  

Nguồn thông tin:   – Lm. Vincent Trần Bích – chánh xứ Ba Thôn. – Ông Giuse Nguyễn Phú Diện – giáo dân gx. Ba Thôn. Bài viết & Hình ảnh: Pet. Minh Sơn

Từ khóa » đức Mẹ Cô đơn Giáo Xứ Phước Lộc