Địa điểm Du Lịch An Giang ấn Tượng Nhất định Phải đến

Top điểm du lịch An Giang ấn tượng nhất định phải đến

An Giang gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi vẻ đẹp bình dị của vùng sông nước miền Tây sông nước, nơi có sự pha trộn và hội tụ của nhiều nền văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm, Hoa. Bên cạnh đó, An Giang còn níu chân nhều du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, nên thơ bởi cánh đồng lúa xanh ngắt, hàng thốt nốt vút tận trời cao. Với địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, có dãy Thất Sơn huyền bí, nhiều di tích lịch sử, văn hóa và nhiều điểm check-in ấn tượng, An Giang đang là tọa độ thu hút đông đảo du khách. Hãy cùng tìm hiểu những địa điểm du lịch An Giang siêu đẹp nhất định phải đến:

Bản đồ du lịch An Giang

Xuất phát từ TP. Long Xuyên, cửa ngõ ra vào tỉnh An Giang, du khách phải đi trải nghiệm Chợ Nổi Long Xuyên nét mua bán trên sông đặc trưng của người miền Tây, đến cù lao Ông Hổ ở xã Mỹ Hòa Hưng, tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vườn táo…

Chợ Nổi Long Xuyên

Nằm trên khu vực sông Hậu, gần Trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi du lịch Miền Tây. Khung thời gian đẹp nhất để tham quan Chợ nổi Long Xuyên là từ 5 giờ sáng. Không tấp nập như chợ nổi Cái Răng và cũng không ồn ào như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Long Xuyên tỉnh An Giang được đánh giá là một trong những chợ nổi vẫn còn giữ được nét bình dị, nguyên sơ nhất.

Chợ Nổi Long Xuyên

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tạo lạc tại cù lao ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên rộng 1.600 m2 với những hàng cây cổ thụ, gió mát, chim ca. Hai công trình tiêu biểu là Khu đền thờ và Nhà trưng bày về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn. Đây là một trong những điểm đến ấn tượng của TP Long Xuyên thu hút rất đông khách du lịch. Đặc biệt du khách đến đây đều đến viếng đền thờ Bác Tôn để tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ kính yêu; đồng thời tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Ảnh: Trí Phan

Vườn táo

Từ Khu lưu niệm bác Tôn, vượt những cung đường rợp bóng cây xanh giữa cù lao hiền hòa, qua các chợ nhỏ, du khách sẽ đến với điểm du lịch sinh thái đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích khi đến Mỹ Hòa Hưng đó là vườn Táo Hồng ở đầu cù lao ông Hổ. Đi vào vườn, bạn không khỏi thích thú với những chùm sơri hồng hồng, đỏ đỏ vừa chín tới, những trái ổi được bao bọc kỹ lưỡng tránh bị sâu; bên trong là những chùm táo chín treo lủng lẳng trên cành. Chén muối ớt trên tay, bạn có thể thỏa thích, tự tay hái bất kỳ trái cây nào trong khu vườn này. Nhiều nhất là táo, cho trái quanh năm.

Vườn táo

Ngược lên TP. Châu Đốc vùng đất có bề dày lịch sử, mang đậm dấu ấn văn hóa phương Nam thời mở cõi. Hiện nay, Châu Đốc là một đô thị du lịch – lễ hội hấp dẫn du khách với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng bên ngã ba sông và nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Phước Điền… 

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Miễu Bà chúa Xứ có thể xem là địa danh nổi tiếng nhất của An Giang. Đây là ngôi miếu linh thiêng nổi tiếng thu hút hàng triệu người dân tứ xứ đến phúng viếng hằng năm.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Nằm đối diện theo hai hướng tả hữu (trái, phải) của Miếu Bà còn có sự hiện diện của hai công trình kiến trúc khác là lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn lăng) và di tích Tây An cổ tự (chùa Tây An). Đây là hai công trình cùng với miếu Bà Chúa Xứ tạo nên một bộ ba điểm tham quan hấp dẫn nhất thành phố Châu Đốc ngay dưới chân núi Sam. Vì vậy, khi có dịp du lịch Miền Tây, thăm vùng đất An Giang thì bạn nên tham quan trọn vẹn ba điểm này.

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên nền cao tựa lưng vào núi Sam, đối diện với miếu Bà Chúa Xứ, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi an nghỉ của Tổng trấn Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân. Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc đặc sắc, cổ kính, với một tổng thể hài hòa mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn.

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Chùa Tây An

Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được xác lập kỷ lục Việt Nam là ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam. Chùa Tây An nằm trên nền cao, thoáng rộng, tựa lưng vào núi Sam vững chãi phía sau, là một công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao, xung quanh có nhiều cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh sắc hài hòa.

Chùa Tây An

Chùa Phước Điền (Chùa Hang)

Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền Tự, một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam. Với vẻ đẹp thanh tịnh, thơ mông nhưng cũng mang chút trầm mặc, chùa hang là sẽ là điểm đến vô cùng thú vị cho những du khách yêu cái đẹp.

Chùa Phước Điền (Chùa Hang)

Nằm trên triền núi Sam nên chùa Hang mang đến cho du khách một cảm nhận vô cùng tuyệt vời. Một không gian rất hữu tình nhưng cũng không kém phần linh thiêng. Ngôi chùa hơn một trăm tuổi này có tầm nhìn vô cùng thoáng đãng và không gian yên tĩnh đầy tôn nghiêm. Chùa Hang được bao bọc bởi rừng cây xanh thẳm của núi non hùng vĩ, nhiều loài cây đến mùa lại bung nở thắm tô cả một vùng, đem lại bức tranh nên thơ cho chùa Hang cổ kính.

Chùa Huỳnh Đạo

Chùa Huỳnh Đạo tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông 2, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với kiến trúc độc đáo và không giang rộng lớn, ngôi chùa rồng linh thiêng đẹp như tiên cảnh là nơi được nhiều du khách và Phật tử đến tham quan chiêm bái.

Chùa Huỳnh Đạo – Ảnh: kim10.06

Làng nổi Châu Đốc

Miền Tây sông nước với khung cảnh được thể hiện đậm nét tại Làng Nổi Châu Đốc. Khung cảnh đăc trưng tại đây chủ yếu là những ngôi nhà bè nổi trên nước và phương tiện di chuyển bồng bềnh bằng thuyền bè, các bạn hoàn toàn có thể hòa mình vào nhịp sống nơi đây cho một ngày du ngoạn và tham quan.

Làng nổi Châu Đốc

Làng Chăm – Thánh đường Hồi Giáo Jamiul Azhar

Rẽ qua xứ lụa Tân Châu du khách trong và ngoài nước sẽ bị thu hút từ nét văn hóa đặc sắc làng Chăm với những ngôi nhà sàn gỗ truyền thống hay kiến trúc độc đáo của những ngôi thánh đường Hồi Giáo, ngắm những cô gái Chăm miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống….Nhắc tới các thành đường Hồi Giáo nổi tiếng của vùng đất này không thể không nhắc đến Masjid Jamiul Azhar. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar thuộc địa phận xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Đây được coi là một trong những thánh đường lâu đời và đẹp nhất ở An Giang, và trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi sinh sống nơi đây. Cho dù bạn có phải là người theo đạo Hồi hay không thì chắc chắn vẫn sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy của nó.

Thánh đường Hồi Giáo Jamiul Azhar

Thánh Đường Cù Lao Giêng

Về cù lao Giêng (Chợ Mới) không chỉ là vùng đất màu mỡ, khí hậu trong lành, cây trái xum xuê và dồi dào sản vật, nơi đây còn khiến nhiều du khách gần xa bất ngờ bởi quần thể kiến trúc công trình tôn giáo độc đáo: Nhà Thờ Cù Lao Giêng, Tu viện dòng nữ tu Providence, chùa Đạo Nằm, Đình Tấn Mỹ, phủ thờ Mã Tộc, chùa Bà Vú…. Quần thể kiến trúc nhà đạo cổ xưa ở đây mãi cho đến bây giờ vẫn tồn tại uy nghi, trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Trong đó nổi bật nhất vẫn là Nhà Thờ Cù Lao Giêng.

Thánh Đường Cù Lao Giêng

Thánh đường cù lao Giêng hay còn gọi là Thánh đường họ Đầu Nước, là nhà thờ thuộc Giáo phận Long Xuyên, tọa lạc tại ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới. Theo tư liệu cũ, đây là ngôi thánh đường đầu tiên của xứ Nam kỳ xây dựng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đến 13 năm.Trải qua thời gian dài với biết bao thăng trầm, nhà thờ vẫn hiên ngang với tòa tháp chuông vươn cao giữa hàng cây xanh mướt và là biểu tượng, niềm tự hào của bao thế hệ trên đất cù lao!

Rừng Tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư (Xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá xứ thốt nốt An Giang. Vào mùa nước nổi, khu rừng tràm xanh mướt nổi bật giữa mênh mông nước đỏ phù sa. Tham quan rừng tràm trên những chiếc thuyền máy, xuôi theo dòng nước, lướt trên “biển” bèo xanh ngắt, hai bên bạt ngàn sen, bìm bịp nở hoa, cỏ năng tươi tốt du khách không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước cảnh sắc, thiên nhiên rất đỗi độc đáo của khu rừng sinh thái.

Rừng Tràm Trà Sư

Đến đây, bạn có thể tìm được rất nhiều góc “sống ảo” mang đậm màu sắc điển hình vẻ đẹp miền Tây Nam Bộ. Để phục nhu cầu đi lại ở rừng tràm, nơi đây đã xuất hiện bến tàu với thiết kế nhiều mô hình tổ chim bồ câu, lên hình chất lừ đốn tim giới trẻ.

Điểm nhấn cho toàn bộ khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư là “Cây Cầu tre vạn bước” có tổng chiều dài trên 10 km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại. Giai đoạn 1 xây dựng 4 km, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ 1/1/2020. Từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách vì tính độc đáo của công trình. Giúp du khách tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc của khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu.

Núi Cấm

Nếu du khách có dịp đến thăm An Giang, hẳn sẽ không thể bỏ qua địa danh núi non vô cùng nổi tiếng: núi Cấm. Ngọn núi ấy đã làm nên vẻ đẹp riêng, ghi dấu trong lòng du khách bốn phương mỗi khi nhớ đến mảnh đất này. 

Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm

Núi Cấm, hay còn  gọi Thiên Cấm Sơn là khu du lịch nổi tiếng tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nổi bậc với độ cao 710m, nằm trong dãy Thất Sơn và là ngọn núi cao nhất Tây Nam Bộ. Được thiên nhiên ưu ái, Thiên Cấm Sơn bao phủ bởi rừng xây xanh ngút tầm mắt xen lẫn vô vàn loài hoa khoe sắc, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đến khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, bạn sẽ được tận hưởng sự tĩnh lặng của núi non, lắng nghe hơi thở của núi rừng và cũng để cảm nhận được cái không khí lành lạnh của màn sương mỏng bàng bạc, bao phủ quanh triền núi… Một vẻ đẹp tuyệt vời của mảnh đất An Giang.

Nơi ấy có những cảnh đẹp rung động lòng người như suối Thanh Long, Hồ Thủy Liêm, Vồ Bồ Hong, chùa Phật Lớn, Chùa Vạn Linh, công viên nước Thanh Long… Tới đây, du khách cảm giác mình như sống trong mây, khung cảnh toát lên sự tĩnh lặng như cõi bồng lai, khiến con người như rũ bỏ sạch bụi trần để hòa làm một với chốn thiềng Phật.

Chùa Lầu

Phước Lâm Tự hay còn được gọi là chùa Lầu, tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngôi chùa không chỉ có không gian thanh tịnh mà còn hấp dẫn bởi kiến trúc độc đáo. Sở dĩ chùa còn được gọi là Chùa Lầu là bởi được xây dựng theo kiến trúc tầng lầu xếp chồng lên nhau. Chùa sơn màu đỏ nổi bật nên chụp ảnh ở đây đẹp chẳng kém gì đang ở xứ sở Hoa Anh Đào.

Chùa Lầu

Chùa Kim Tiên

Chùa Kim Tiên tọa lạc xã An Phú, gần thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Đây được đánh giá là ngôi chùa bề thế, nguy nga tráng lệ bậc nhất vùng Bảy Núi. Điểm nhấn của chùa Kim Tiên là có tượng phật A Di Đà cao 24m. Ngoài chiêm bái, cúng viếng như phong tục thì chùa còn đãi cơm chay, nước cho người dân miễn phí sau khi cúng viếng.

Chùa Kim Tiên

Hàng cây thốt nốt

Cây thốt nốt hiện hữu khắp mọi nơi dọc miền quê An Giang, từ những con đường uốn cong rợp mát đến những cánh đồng lúa bát ngàn hay những ngọn núi hùng vĩ giữa đồng bằng cũng đều có bóng dáng loài cây ấy. Khi nói đến loài cây này, người ta thường nhắc đến vùng Tịnh Biên, Tri Tôn là nơi có những hàng thốt nốt nổi tiếng. Du khách thường nói đến thốt nốt “trái tim”, thốt nốt “cô đơn”, thốt nốt “sinh đôi” nhưng ấn tượng nhất là hàng cây thốt nốt ở núi Phú Cường, An Nông, Tịnh Biên, An Giang. Những hàng cây cao ngút ngàn, tỏa bóng mát dưới ánh nắng rực rỡ tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp như tranh vẽ.

Hàng cây thốt nốt núi Phú Cường

Núi Cô Tô

Huyện Tri Tôn, An Giang với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ cùng những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng đã thu hút rất nhiều du khách đến đây khám phá và lưu lại những bức ảnh ấn tượng.

Núi Cô Tô – Ảnh: myxhoa

Nằm giữa những cánh đồng bao la, bát ngát, ngọn núi Cô Tô khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ say đắm lòng người. Khi đặt chân đến nơi bạn còn không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh bao la rộng lớn và núi non hùng vĩ trước mặt. Ở khu vực “Sân Tiên” gần điện Năm Căn có biểu tượng chữ “TRI TÔN” tuyệt đẹp, trở thành điểm check-in gây sốt trong suốt thời gian qua. Được các bạn trẻ ví là “cánh cửa thiên đường”.

Hồ Soài So

Hồ Soài So nằm ở sườn núi Cô Tô là một hồ nước nhân tạo lớn nhất An Giang. Với vẻ đẹp hoang sơ, nước hồ quanh năm xanh biếc và phẳng lặng, hồ là điểm đến được nhiều người yêu thích bởi cảnh quan bình yên và không khí trong lành, dễ chịu. Đứng ở ven hồ ngước mắt nhìn lên bạn có thể thấy ngọn núi Tô sừng sững giữa bầu trời cao thẳm.

Hồ Soài So

Đồi Tức Dụp

Đồi Tức Dụp thuộc địa phận xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một ngọn đồi nằm bên núi Cô Tô, thuộc dãy Thất sơn hùng vĩ. Đến đây, du khách được hòa mình vào khung cảnh tuy hoang sơ nhưng tuyệt mỹ. Trải nghiệm tận mắt thấy tai nghe những câu chuyện huyền thoại, lịch sử hào hùng… chiêm ngưỡng bảo tàng quân khí đa dạng nhất tại khu vực biên giới Tây Nam. Ngoài ra còn được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ hữu tình và có những giây phút thư giản thú vị với nhiều trò chơi hấp dẫn. Ngọn đồi tuy nhỏ nhưng có cấu trúc bởi thiên tạo vô cùng độc đáo và huyền bí. Trong lòng Đồi bao gồm nhiều hang sâu, động lớn với nhiều ngõ ngách ăn luồng và thông nhau do các tảng đá lớn, nhỏ chồng chất lên nhau. Nơi đây, vào mỗi mùa trong năm đều khoác lên mình một vẻ đẹp riêng vô cùng lãng mạn như: phượng đỏ, hoa lan rừng, hoa giấy, đồi vạn tuế xanh um cùng vô vàn loài hoa tỏa sắc hương vây quanh tô điểm cho khung cảnh khu đồi.

Đồi Tức Dụp

Cánh Đồng Tà Pạ

Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer. Cánh đồng Tà Pạ không chỉ đẹp vào mùa lúa chín. Đi du lịch An Giang vào bất cứ mùa nào, bạn cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp như một bức tranh thủy mạc của cánh.

Cánh Đồng Tà Pạ

Sự trong lành, mát mẻ của không khí nơi đây, cùng với những hàng cây thốt nốt cao vút bao quanh cánh đồng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh đồng quê thật sinh động, mơ màng. Với vẻ đẹp say đắm lòng người của cánh đồng lúa Tà Pạ, chắc hẳn đây sẽ là điểm đến tuyệt vời trong hành trình du lịch An Giang của bạn.

Chùa Tà Pạ

Ngọn núi bên cạnh cánh đồng còn có chùa Tà Pạ, một trong những điểm tham quan phổ biến của khách du lịch khi tới vùng đất này. Ngôi chùa Phật giáo Khmer nằm giữa khung cảnh thanh bình, mang tới tầm nhìn trải rộng xuống những thửa ruộng bên dưới. Chùa không được xây trên nền đất bằng phẳng mà được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên khi nhìn từ xa ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung.

Chùa Tà Pạ

Hồ Tà Pạ

Hồ Tà Pạ thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi đây nổi tiếng với hồ nước trong xanh ngắt có thể nhìn xuống được đáy. Xung quanh hồ thì được bao bọc bởi những ngọn núi cao hùng vĩ, tạo nên một không gian lãng mạng, nên thơ và hữu tình được mệnh danh là tuyệt tình cốc của An Giang khung cảnh thơ mộng thật hiếm có khó tìm.

Hồ Tà Pạ

Con đường tầm vong Ô Tà Sóc

Con đường tầm vông đẹp như tranh nằm trong căn cứ Ô Tà Sóc thuộc xã Lương Phi (Tri Tôn) là một phần của dãy núi Dài, theo tiếng của đồng bào dân tộc Khmer có nghĩa là “suối ông Sóc”. Từ cổng khu căn cứ Ô Tà Sóc rồi đến hồ Ô Tà Sóc, dọc đường đi chính là những cây tầm vông cao vút trải dài liên tiếp tạo nên một khung cảnh hết sức ngoạn mục. Cây tầm vông tương tự như cây tre, cây trúc ở các làng quê, khi đứng một mình sẽ không thể thấy được vẻ đẹp của loài cây này. Tuy nhiên khi cả khu rừng được bao phủ bởi hàng ngàn cây tầm vông bạn sẽ thấy được sự cuốn hút của khung cảnh này. Bên cạnh con đường tầm vông rợp màu xanh mát thì Ô Tà Sóc còn có nhiều điểm vui chơi tự nhiên rất thích hợp cho những muốn trải nghiệm sự yên bình và hoang sơ của núi rừng Tri Tôn.

Con đường tầm vong Ô Tà Sóc Ảnh: Henry Dương

Cổng trời Koh Kas

Đến An Giang hội “sống ảo” sẽ ngỡ ngàng với vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của chiếc “cổng trời” tại huyện Tri Tôn. Tọa lạc tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, “cổng trời” là cổng chùa Koh Kas một kiến trúc cổ độc đáo của người Khmer. Nơi đây được du khách gọi với nhiều cái tên như “cổng trời An Giang”, “cổng trời thời gian”.

Cổng trời Koh Kas

Cổng trời An Giang không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp của kiến trúc, mà còn bởi khung cảnh của không gian xung quanh. Nhìn từ trên xuống, du khách sẽ cảm thấy thực sự choáng ngợp trước bức tranh thơ mộng của thiên nhiên và tạo hóa đã ban tặng cho nơi này.

Đường vào chùa Hàng Còng

Chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram (tên khác là Krăng Krốch, tọa lạc ấp An Hòa, xã Châu Lăng, Tri Tôn) là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng đến bên trong, có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Đường đi vào chùa trải dài theo hàng cây còng, mà cây nào cũng có hoành to, 2-3 người ôm mới xuể. Các nhánh cây hướng vào nhau, tạo thành mái vòm thiên nhiên, che mát con đường, khung cảnh thật lãng mạn không kém gì các phim Hàn Quốc.

Đường vào chùa Hàng Còng. Ảnh: Tăng Trúc Anh

Khu du lịch Núi Sập – Hồ ông Thoại

Không quá nổi bật những sẽ là một trong các địa điểm An Giang mà bạn nên đến, khu du lịch Núi Sập có mô hình na ná công viên nhưng sở hữu diện tích khá lớn đồng thời có kha khá các trò chơi thú vị như đạp vịt, đi thuyền, các khu vui chơi, điểm dừng chân ăn uống hay câu cá tại hồ nước lớn cực rộng.

Khu du lịch Núi Sập – Hồ ông Thoại

Đặc biệt tại lòng hồ số 2 đang xây dựng Thiện Viện Trúc Lâm An Giang góp phần tạo thêm vẻ mỹ quan về mặt kiến trúc, văn hóa tâm linh và là điểm nhấn mới cho khu du lịch Núi Sập.

Thiền Viện Trúc Lâm An Giang – Ảnh: Duy An

Những Lưu ý khi du lịch An Giang

Thời tiết và trang phục:

  • An Giang có khí hậu nắng nóng quanh năm. Hãy mang theo quần áo thoáng mát, mũ, kính râm và kem chống nắng.
  • Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, hãy chuẩn bị áo mưa hoặc ô dù nếu đi vào thời gian này.
  • Khi tham quan các đền chùa, hãy ăn mặc lịch sự, kín đáo.

Di chuyển:

  • An Giang có hệ thống giao thông khá phát triển, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc xe buýt.
  • Nếu tự lái xe, hãy chú ý tuân thủ luật lệ giao thông và cẩn thận khi di chuyển trên các tuyến đường nông thôn.
  • Nếu thuê ô tô, hãy thỏa thuận giá cả trước khi đi.

Ăn uống:

  • An Giang nổi tiếng với nhiều món ăn ngon và đặc sản như bún cá Châu Đốc, lẩu mắm, bánh xèo, tung lò mò, cơm tấm Long Xuyên… Hãy dành thời gian thưởng thức những món ăn này.
  • Đừng quên thử các loại trái cây tươi ngon của địa phương như thốt nốt, xoài, nhãn…

Tham quan:

  • Khi tham quan các khu di tích lịch sử và tôn giáo, hãy tôn trọng văn hóa và tín ngưỡng địa phương.
  • Nếu leo núi hoặc đi rừng, hãy chuẩn bị giày dép phù hợp và mang theo nước uống.
  • An toàn: Khi đi thuyền hay vui chơi sông nước nhớ cẩn thận và mặc áo phao.

Lưu trú:

  • An Giang có nhiều lựa chọn lưu trú từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay. Hãy đặt phòng trước, đặc biệt là vào các dịp lễ tết.
  • Nếu muốn trải nghiệm cuộc sống địa phương, bạn có thể chọn ở homestay.

Vấn đề Khác:

  • Người dân An Giang thân thiện và mến khách. Đừng ngại hỏi đường hoặc trò chuyện với họ để hiểu thêm về văn hóa và con người nơi đây.
  • Hãy học một vài câu chào hỏi cơ bản bằng tiếng địa phương để giao tiếp dễ dàng hơn.
  • Mua quà lưu niệm cho người thân và bạn bè. An Giang có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như lụa, thổ cẩm, đồ gốm…
  • Hãy giữ gìn vệ sinh môi trường và tôn trọng thiên nhiên.

Đặt tour An Giang trọn gói

  • Để có một chuyến đi An Giang thật trọn vẹn và đáng nhớ, du khách đừng quên tham khảo các Tour An Giang hấp dẫn của Thám Hiểm MeKong – Công ty du lịch uy tín đáng tin cậy.
  • Tham khảo chương trình chi tiết tại đây: Tour An Giang

Hy vọng với những chia sẻ về những địa điểm du lịch An Giang hot nhất ở trên có thể giúp ích cho các bạn những thông tin bổ ích trong chuyến đi của mình. Nếu có dịp du lịch Miền Tây đến thăm tỉnh có diện tích lớn nhất miền Tây Nam Bộ này bạn đừng bỏ qua những địa điểm này nhé.

Từ khóa » Hình Quê An Giang