Dịch Bệnh Diễn Biến Hết Sức Phức Tạp, Hải Phòng Cấp Bách ứng Phó
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu kết luận hội nghị. |
Dịch bệnh có thể bùng phát với 500 ca mắc/1 ngày
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, trong thời gian từ ngày 11/10 đến 20/12, Hải Phòng đã phát hiện 4.378 ca; trung bình 220 ca/ngày trong tuần vừa qua. Hiện có 3.103 ca đang điều trị (trong đó điều trị tại nhà 2.175 ca), tầng 1 có 2.997 bệnh nhân chiếm 96,58%, tầng 2 có 93 bệnh nhân chiếm 3%, tầng 3 có 13 bệnh nhân chiếm 0,42%. Tổng số hồi phục xuất viện là 1.348 ca, tổng số tử vong là 6 ca.
Về công tác điều trị, Hải Phòng đã triển khai điều trị F0 tại nhà với 226 Trạm Y tế lưu động đi vào hoạt động, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, nhân viên y tế đã được đào tạo.
Đồng thời, ngành y tế Hải Phòng đã chuẩn bị hơn 45.000 túi thuốc cho Trạm Y tế lưu động, đủ điều trị khoảng 22.000 F0 nhẹ, không triệu chứng tại cộng đồng; xây dựng phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các cấp độ, chia làm 3 tầng điều trị, huy động tối thiểu 40% giường bệnh kế hoạch của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố với tổng số giường 3.412 để điều trị cho tầng 2 và tầng 3.
Ngành Y tế Hải Phòng nhận định dịch COVID-19 tại Hải Phòng đang có diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng, dịch bệnh từ cộng đồng xâm nhập vào các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối gây khó khăn cho việc kiểm soát, khống chế.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, miền Bắc bước vào mùa Đông Xuân với khí hậu thuận lợi cho việc bùng phát các bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19. Đặc biệt, biến thể Omicron với tốc độ lây lan mạnh hơn biến thể Delta 4,5 lần hiện đang bùng phát tại Nam Phi và một số quốc gia Châu Âu, khả năng xâm nhập của biến thể này vào thành phố là rất cao do Hải Phòng là một trong những đầu mối giao thông lớn của cả nước (đường biển, đường hàng không và đường bộ).
Với các nguy cơ trên, Sở Y tế Hải Phòng dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, dịch bệnh tiếp tục bùng phát với số ca mắc có thể lên tới 500 ca/ngày.
Dịch COVID-19 tại Hải Phòng đang có diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng. |
Mở rộng điều trị F0 tại nhà
Sau khi nghe ý kiến của các Sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kết luận: Đến thời điểm này, thành phố xác định dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thành phố, số ca dương tính trung bình trên 200 ca/ngày. Thành phố Hải Phòng thực hiện tiêm vaccine tốt, nên việc phân tầng điều trị thể hiện chênh lệch rõ rệt. Tuy nhiên, những ngày gần đây số ca diễn biến nặng có chiều hướng tăng nhanh.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kêu gọi toàn thể nhân dân có ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19, mỗi hộ gia đình có F0 tự mua bộ xét nghiệm và máy đo nồng độ oxy trong máu để tự theo dõi sức khỏe để báo cho các cơ sở y tế, trong thời gian tới thành phố sẽ hạn chế việc xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng.
Hiện nay, việc điều trị F0 tại nhà chiếm 70%; tại quận, huyện, thành phố chiếm 30%. Thành phố Hải Phòng đang chỉ đạo việc điều trị tại nhà phải đạt 85-90%, để dự phòng giường bệnh cho các ca nặng điều trị tại các cơ sở y tế.
Lên phương án lập thêm 500 Trạm Y tế lưu động
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá 226 Trạm Y tế lưu động trên địa bàn thành phố đang hoạt động hiệu quả, đề nghị các địa phương điều tiết nhân lực ở các Trạm Y tế lưu động từ các khu vực có ít ca nhiễm sang khu vực có nhiều ca nhiễm.
Đề nghị UBND các quận huyện gửi dự thảo quyết định thành lập các Trạm Y tế lưu động cho Văn phòng UBND thành phố tổng hợp, trước mắt chưa huy động nhân lực sinh viên các trường y trên địa bàn.
Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính xây dựng đề xuất phương án thành lập thêm 500 Trạm Y tế lưu động tại các địa phương, sẵn sàng thực hiện khi thành phố có nhu cầu.
Thành lập các Tổ chăm sóc cộng đồng
Đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã thành lập các Tổ chăm sóc cộng đồng, hỗ trợ các gia đình F0, F1 mua sắm thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường rà soát lại các đối tượng, đặc biệt là lao động tự do thường xuyên di chuyển giữa các địa phương để tiêm cho các đối tượng này; đến tận nhà tiêm cho những già, người cao tuổi, người không di chuyển được đủ điều kiện tiêm để tiêm cho người dân.
Cho rằng thời điểm này người dân rất chủ quan, thành phố đã ban hành các cấp độ dịch theo từng khu vực, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị các địa phương chủ động áp dụng mức độ giãn cách theo quy định; các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng thời lượng tuyên truyền công tác phòng chống dịch, tập trung vào hướng dẫn tự xét nghiệm, tự theo dõi điều trị tại nhà.
Không tụ tập đông người, di chuyển đến vùng có dịch
Trước đó, ngày 20/12, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản hỏa tốc số 9884/UBND-VX về việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Văn bản nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng và lan rộng ở tất cả các quận/huyện, xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp,... làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, xã hội của nhân dân thành phố.
Trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết khí hậu mùa Đông Xuân ở miền Bắc, Nhân dân được nghỉ dài ngày trong dịp Lễ, Tết, các lễ hội và đặc biệt sự xâm nhập của biến thể Omicron là nguy cơ cao cho việc bùng phát dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Để chủ động ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian ngắn nhất, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, không tổ chức tụ tập đông người tại nhà và nơi công cộng; không di chuyển đến vùng dịch khi không cần thiết.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp: Rà soát các sự kiện, hoạt động đông người, chỉ tổ chức khi thật sự cần thiết, giảm tối đa quy mô tổ chức, tuân thủ 5K và xem xét tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV- 2 đối với người tham dự.
Áp dụng biện pháp hành chính phù hợp từng cấp độ dịch
UBND thành phố Hải Phòng cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện áp dụng các biện pháp hành chính đối với các xã phường về phòng chống dịch phù hợp với từng quy mô cấp độ dịch.
Cụ thể, đối với các địa phương (quy mô cấp xã, phường) ở cấp độ 4:
- Không tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời.
- Ngừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện đường bộ (trừ xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, xe công vụ).
- Ngừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, cưới, hỏi.
- Ngừng các hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
- Hạn chế tối đa đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.
- Không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
- Đối với chợ tiểu thương, chợ đầu mối: Hạn chế số lượng người mua, bán cùng một thời điểm; thực hiện 50% công suất người bán, các tiểu thương kinh doanh luân phiên trong tuần; 50% công suất người mua, phát thẻ đi chợ.
- Đối với trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích: Giới hạn số lượng khách vào 50% công suất.
- Ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao: trò chơi điện tử, bi-a, làm tóc (bao gồm cả cắt tóc), làm đẹp, bán hàng rong; các cơ sở kinh doanh khác do địa phương căn cứ Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 23/11/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
- Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch (Không áp dụng cho các cơ sở lưu trú phục vụ cách ly) hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; trường hợp cơ sở lưu trú đang phục vụ khách trên 50% thì không đón khách mới.
Đối với các địa phương (quy mô cấp xã, phường) ở cấp độ 3:
- Ngoài trời tập trung không quá 30 người, trong nhà tập trung không quá 20 người trong cùng thời điểm.
- Hoạt động tập luyện thể dục thể thao trong nhà phải hạn chế số lượng người tập (công suất sử dụng phòng tập tối đa là 30%), tạm dừng hoạt động đối với các phòng tập có thiết kế khép kín có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
- Tiệc đám hiếu, đám hỷ, liên hoan… tổ chức tại nhà riêng: tập trung không quá 20 người trong cùng một thời điểm.
- Nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về, không được phục vụ khách tại chỗ.
- Đối với chợ tiểu thương, chợ đầu mối: Hạn chế số lượng người mua, bán cùng một thời điểm; thực hiện 50% công suất người bán, các tiểu thương kinh doanh luân phiên trong tuần; 50% công suất người mua.
- Đối với trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích: Giới hạn số lượng khách vào 50% công suất.
- Ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao: trò chơi điện tử, bi-a, làm đẹp, bán hàng rong.
- Cơ sở cắt tóc, gội đầu phục vụ không quá 03 người cùng một thời điểm.
- Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch (Không áp dụng cho các cơ sở lưu trú phục vụ cách ly) hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; trường hợp cơ sở lưu trú đang phục vụ khách trên 50% thì không đón khách mới.
- Ngừng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đông người không cần thiết tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu thực sự cần thiết hoạt động không quá 20 người.
- Đối với hoạt động lễ hội: Chỉ tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức các hoạt động hội; không mời khách tham dự phần nghi lễ.
Đối với các địa phương (quy mô cấp xã, phường) ở cấp độ 1, 2:
- Tiếp tục dừng các hoạt động đối với các dịch vụ: Karaoke, quán bar, vũ trường, bi-a, massage.
- Các dịch vụ ăn uống trong nhà (bao gồm cả tiệc cưới) được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo giãn cách, công suất tối đa 50% sức chứa. Khuyến khích bán hàng mang về và phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch, yêu cầu bắt buộc phải quét mã QR Code.
- Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải ứng dụng khai báo y tế, quét mã QR và tuân thủ 5K.
- Giảm quy mô và thời gian tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, chính trị.
Chấn chỉnh các hoạt động hiếu, hỉ, giỗ, chạp, liên hoan tất niên,…
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động hiếu, hỉ, giỗ chạp, cải táng, liên hoan tất niên,... tập trung đông người theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tập trung đông người (chợ, siêu thị, bến xe, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ…), đặc biệt là các xã, phường ở cấp độ 3, cấp độ 4, khu vực đông công nhân thuê trọ, khu vực phong tỏa, các cơ sở sản xuất, đơn vị thi công dự án, công trình xây dựng. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát F0, F1 tại nhà, không để lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Tiếp tục rà soát hết các đối tượng chưa tiêm vaccine phòng chống COVID-19, tiêm chưa đủ liều, các đối tượng tiêm nhắc lại và tiêm bổ sung trên địa bàn, lập danh sách gửi về Sở Y tế để tổ chức tiêm.
Kiểm tra, giám sát các hoạt động tổ chức lễ hội tại địa phương; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch.
Sẵn sàng chuyển đổi công năng, thành lập các khu cách ly, theo dõi, điều trị F0 đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Sở Y tế Hải Phòng phối hợp với các địa phương khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản, liều bổ sung và nhắc lại; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà và tại các cơ sở y tế; đảm bảo cung ứng thuốc, trang bị bảo hộ cho các cơ sở điều trị và trạm y tế lưu động…
Thành lập khu cách ly F1, F0 tại doanh nghiệp
Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân quận huyện chỉ đạo rà soát công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp; vận động tiêm vaccine cho những người chưa tiêm đầy đủ.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ (3-5 ngày/lần) cho tối thiểu 20% người lao động (ưu tiên đối với nhóm người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao); đối với các doanh nghiệp đang có ca bệnh dương tính thực hiện xét nghiệm định kỳ 100% người lao động của đơn vị (tần suất 5-7 ngày/lần) cho đến khi dịch được kiểm soát và khống chế.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thành lập các khu cách ly F1, F0 để sẵn sàng cách ly đối với người lao động ngoại tỉnh, công nhân ở khu nhà trọ không đủ điều kiện cách ly.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xem xét việc cho người lao động đang cư trú tại các địa phương cấp độ 4 nghỉ làm (có hưởng lương), nếu đi làm phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần.
Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, không để bùng phát dịch trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng và các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch theo quy định;
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố phối hợp với Cảng vụ Hàng hải và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp giám sát, kiểm dịch. Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp xuống tàu và lên bờ trái phép...
Khẩn trương mua sắm thiết bị phục vụ điều trị 300 bệnh nhân nặng, nguy kịch
UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 576/TB-UBND ngày 20/12/2021 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp nghe báo cáo về việc mua sắm vật tư y tế, phương tiện phòng hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thành lập Bệnh viện dã chiến diều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở tầng 2 và tầng 3.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế, ý kiến của các dồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố và các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND thành phố kết luận như sau:
Một là, giao UBND các quận, huyện chuẩn bị nhân lực để thành lập thêm trạm y tế lưu động, đặc biệt là các địa phương có khu, cụm công nghiệp, đông dân cư. Thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng để hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm cho các F0, F1 cách ly tại nhà. Thực hiện nghiêm việc phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà theo chỉ đạo của thành phố.
Hai là, UBND thành phố giao Sở Y tế mua sắm thuốc, vật tư y tế cấp phát cho các trạm y tế lưu động. Làm việc cụ thể với các doanh nghiệp sản xuất oxy để cung cấp oxy cho các trạm y tế lưu động; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Rà soát, tiếp tục khẩn trương mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ 300 giường điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (100 giường hồi sức tích cực - ICU và 200 giường bệnh nhân nặng); đề xuất mua sắm vật tư tiêu hao cấp cho các trạm y tế lưu động trên dịa bàn thành phố.
Hoàn thiện phương án nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố; báo cáo UBND thành phố.
Ba là, UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, cùng Sở Y tế đề xuất mức thưởng cho nhân viên y tế và lực lượng vũ trang tham gia chống dịch nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bốn là, tạm thời chưa thành lập Bệnh viện dã chiến. Giao Sở Y tế chủ trì, cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án thực hiện khi có yêu cầu của thành phố.
Từ khóa » Hai Bệnh Nhân Covid ở Hải Phòng
-
Cổng Thông Tin điện Tử Thành Phố Hải Phòng
-
Cổng Thông Tin điện Tử Sở Y Tế Hải Phòng
-
Hải Phòng Gần 1.000 Giáo Viên, Học Sinh Mắc COVID-19 - Bộ Y Tế
-
Hải Phòng Vượt 11.000 Ca COVID-19, Ghi Nhận 578 Ca Nhiễm Mới ...
-
Hải Phòng Ghi Nhận Ca Bệnh đầu Tiên Tử Vong Do ... - Dịch COVID-19
-
'Liều Thuốc' Thích ứng, Chủ động Trong Phòng Chống Dịch ở Hải Phòng
-
Ca Mắc COVID-19 Cộng đồng Tại Hải Phòng Tiếp Tục Có Xu Hướng ...
-
Số Ca Dương Tính Tăng Cao, Hải Phòng Tăng Cường điều Trị F0 Tại Nhà
-
Hải Phòng Nói 'có Nhầm Lẫn' Khi Bộ Y Tế Công Bố Hơn 1.800 Ca ...
-
COVID Hải Phòng Hôm Nay 9/2: Gần 1.000 Giáo Viên, Học Sinh F0
-
Tin COVID Hải Phòng Hôm Nay: Xuất Hiện Hàng Trăm Ca Mắc Tại ổ ...
-
Hải Phòng Lý Giải Vì Sao Số Liệu Ca Nhiễm Covid-19 Của Thành Phố ...
-
Hải Phòng Ghi Nhận 103 Ca Mắc COVID-19 Mới - Báo Lao động
-
Hải Phòng Phong Tỏa Chợ Sắt, Phát Hiện Gần 80 Ca Nhiễm COVID-19