Dịch COVID-19 ở Mỹ Tăng Mạnh Trở Lại, Chuyên Gia Nêu Rõ Nguyên ...

Dịch COVID-19 ở Mỹ tăng mạnh trở lại, chuyên gia nêu rõ nguyên nhân - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Rexburg, tiểu bang Idaho, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Theo Đài NPR, số ca nhiễm đang tăng lên ở hơn một nửa số tiểu bang của Mỹ. Trung bình số ca nhiễm mỗi ngày tại Mỹ đã tăng 14% so với trước đó một tuần, và tăng 12% so với trước đó 2 tuần.

Các đợt bùng phát ngày càng tăng ở khu vực trung tây và đông bắc là nguyên nhân chủ yếu đẩy số ca nhiễm tăng cao trên toàn nước Mỹ. Bệnh viện nhiều tiểu bang tại khu vực đồi núi phía tây đã bị quá tải vì số lượng bệnh nhân tăng cao.

Giới chuyên gia lo ngại đây có thể là báo hiệu cho một đợt tăng vọt số ca nhiễm vào mùa đông.

Số ca nhiễm tăng lên ở Mỹ là bước ngoặt đáng buồn sau khi số ca nhiễm tại nước này giảm dần từ giữa tháng 9 tới cuối tháng 10 năm nay.

“Tôi ghét phải nói điều này nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở điểm bắt đầu của đợt bùng dịch mới trong mùa đông” - bác sĩ George Rutherford, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California ở thành phố San Francisco, cho biết.

Số ca nhiễm tăng lên hiện nay tại Mỹ vẫn chưa kéo theo số ca nhập viện tăng vọt. Thông thường số người bệnh nhập viện sẽ tăng lên vài tuần sau khi số ca nhiễm tăng.

Dù vậy, giới chuyên gia dự đoán diễn biến tiếp theo sẽ không dẫn đến mức tử vong và ca bệnh nặng nhiều như năm ngoái.

Theo NPR, tình hình trở nên tồi tệ đến mức nào sẽ phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của người dân. Các bang miền Nam đã phải hứng chịu một đợt bùng dịch trong suốt mùa hè. Điều đó vô tình có thể tạo ra đủ khả năng miễn dịch, giúp bảo vệ người dân khỏi đợt bùng dịch vào mùa đông.

Ngoài ra, những khu vực không rơi vào hoàn cảnh tương tự vẫn có thể hưởng lợi từ tỉ lệ tiêm chủng cao hơn.

“Phần lớn dân số đã có miễn dịch ở mức nào đó. Tình hình hiện nay rất khác, có ít người có nguy cơ nhiễm bệnh hơn trước”, ông Nicholas Reich - chuyên gia sinh học tại ĐH UMass Amherst, tiểu bang Massachusetts - cho biết.

Các chuyên gia dự đoán khu vực trung tây và đại bình nguyên (Great Plains) - những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhưng chưa từng bùng dịch mạnh - có thể sẽ có số ca nhiễm tăng lên trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Tính đến nay, Mỹ đã tiêm hơn 440 triệu liều vắc xin COVID-19 cho người dân. Hơn 195 triệu người, tương đương 58,8% dân số Mỹ, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Giáo sư Ali Mokdad tại Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe của Đại học Washington nhận định khả năng lây nhiễm tăng lên là điều dễ hiểu.

Theo ông, các nguyên nhân chính là người Mỹ đang đi lại như trước đại dịch, đeo khẩu trang ít hơn so với năm ngoái và số người dành thời gian trong nhà nhiều hơn vì thời tiết lạnh. Khả năng miễn dịch giảm xuống - ở cả những người đã khỏi bệnh hoặc tiêm đầy đủ vắc xin - cũng là nguyên nhân lớn khiến số ca nhiễm tăng cao.

"Nếu bạn tổng hợp tất cả những yếu tố đó với nhau, kết hợp với tấm gương ở châu Âu - nơi nhiều quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn Mỹ vẫn chứng kiến số ca nhiễm tăng lên, thì đương nhiên chuyện này sẽ xảy ra", ông Mokdad nói.

COVID-19 thế giới 17-11: Dịch căng lên tại châu Âu, có nước chỉ còn 20 giường bệnh có máy thở COVID-19 thế giới 17-11: Dịch căng lên tại châu Âu, có nước chỉ còn 20 giường bệnh có máy thở

TTO - Hệ thống y tế của Slovakia, một quốc gia châu Âu, đang căng mình trước đợt lây nhiễm COVID-19 mới. Cả nước này chỉ còn 20 giường bệnh có máy thở cho bệnh nhân COVID-19.

Từ khóa » Dịch Corona Bên Mỹ