Dịch Vụ 'bẻ Khóa' Esim Cho IPhone Khóa Mạng Nở Rộ - VnExpress

Apple bắt đầu hỗ trợ esim trên các mẫu iPhone ra mắt từ năm 2018, gồm XS, XS Max, XR, sau đó là loạt iPhone 11, iPhone SE (2020) và gần đây là iPhone 12. Tại Việt Nam, chỉ có các model chính hãng và máy quốc tế mới có thể dùng esim này, còn iPhone lock thì không. Hiện tại, một số cửa hàng bán hàng đồ Apple xách tay đã "bẻ khóa" được esim cho các mẫu iPhone trên với giá từ 350.000 đến 500.000 đồng.

Sau khi thêm esim bằng thủ thuật, mẫu iPhone XS Max khóa mạng có thể dùng esim như bản quốc tế.

Sau khi thêm esim bằng thủ thuật, mẫu iPhone XS Max khóa mạng có thể dùng esim như bản quốc tế.

Theo một kỹ thuật viên sửa điện thoại, bản chất của việc "bẻ khóa" esim là tạo một server ảo giống server của Apple nhằm đánh lừa iPhone. Việc mở khóa có thể chia thành 5 bước: cài đặt proxy thủ công cho mạng Wi-Fi; truy cập một địa chỉ website để tải tập tin cấu hình esim; cài đặt tập tin này và kích hoạt chứng chỉ đáng tin cậy; gửi mã QR của esim để chủ cửa hàng đăng ký hệ thống; và cuối cùng là cài đặt esim như máy quốc tế.

Theo người này, trong 5 bước trên, bước thứ 4 là quan trọng nhất. Ở phần này, chủ cửa hàng sẽ bán một mã gồm 6 chữ số - gọi là mã OTP - với giá từ 350.000 đến 500.000 đồng - để kích hoạt mã QR của esim sắp thêm thông qua một website riêng.

Để có mã QR của esim, người dùng phải đăng ký với nhà mạng. Mã QR của esim sẽ được lưu vào server riêng. Việc cuối cùng là thêm esim như một chiếc iPhone bình thường bằng cách mở camera, quét lại mã QR và thực hiện các bước theo hướng dẫn trên máy.

Thử nghiệm với chiếc iPhone 11 Pro khóa mạng mua từ Nhật Bản, sau khi thêm esim, các tính năng trên máy không khác nhiều so với phiên bản bán tại Việt Nam hoặc xách tay quốc tế. Việc thực hiện cuộc gọi, nhắn tin, hay thậm chí cập nhật phần mềm iOS đều bình thường. Tuy nhiên, việc nhận sóng không ổn định.

Những chiếc máy thêm esim dạng này có thể thành "cục chặn giấy" nếu bị khôi phục cài đặt gốc. "iPhone lock hiện nay vẫn phụ thuộc vào mã ICCID. Khi khôi phục cài đặt gốc, ICCID sẽ bị vô hiệu hóa, khi đó máy sẽ chọn esim để kích hoạt (active). Do esim này được thực hiện bằng thủ thuật, quá trình không thể thực hiện và iPhone có thể bị 'treo'", kỹ thuật viên này giải thích. "Để khắc phục, người dùng cần xóa esim trước khi khôi phục gốc cho máy và thêm lại từ đầu".

Việc thêm esim cho iPhone lock khá rườm rà và tiềm ẩn rủi ro. Ngoài việc sóng không ổn định, người dùng có thể gặp phiền phức nếu vô tình khôi phục cài đặt gốc cho máy. Ngoài ra, người dùng có thể bị lừa mua mã OTP trực tuyến nếu chẳng may gặp những nơi làm ăn gian dối.

iPhone khóa mạng là sản phẩm chỉ dùng cho một số thị trường nhất định, xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng xách tay. Trước đây, loại iPhone này từng được ưa chuộng vì giá bán rẻ hơn so với máy quốc tế, nhưng nay không còn được yêu thích do giá cao, khó cập nhật iOS mới và nhiều lỗi.

Bảo Lâm

  • iPhone khóa mạng Verizon được người Việt săn lùng
  • iPhone khóa mạng sắp hết thời
  • iPhone khóa mạng không còn được ưa chuộng vì đắt
  • iPhone 'lock' - lựa chọn giá rẻ kèm nhiều phiền phức
  • 'Độ' iPhone XR, iPhone 11 thành hai sim vật lý

Từ khóa » Sử Dụng Esim Trên Iphone Lock