Dịch Vụ Giám định Là Gì? - Luật Hoàng Anh
Có thể bạn quan tâm
Dịch vụ giám định là một trong những dịch vụ khoa học kĩ thuật cao và mang tính đặc thù, đồng thời, giám định cũng được xem là một ngành kinh doanh. Tầm quan trọng của dịch vụ giám định không chỉ liên quan đến số phận của hàng hóa hay doanh nghiệp có hàng hóa cần giám định, mà liên quan đến cả tính mạng của con người. Giám định thương mại là hoạt động đòi hỏi sự đầu tư lớn về chất lượng nhân sự và cơ sở vật chất. Vậy dịch vụ giám định là gì? Dịch này có những đặc điểm gì nổi bật?
Khái niệm
Hiểu theo nghĩa chung nhất thì giám định là việc một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, thông qua trình tự nhất định để xem xét và kết luận về hiện trạng thực tế của một sự vật hay hiện tượng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hoạt động giám định trong thực tế rất phong phú, đa dạng. Mỗi hoạt động giám định được đặc trưng bởi yêu cầu giám định, nội dung giám định, cơ quan tiến hành giám định và mục đích sử dụng kết quả giám định.
Trong lĩnh vực thương mại, các thương nhân và người tiêu dùng khi tham gia quan hệ mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại cũng thường xuất hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ của một cơ quan chuyên môn, độc lập với các bên nhằm xác định rõ tình trạng thực tế của hàng hoá, dịch vụ liên quan đến số lượng, chất lượng, giá trị, yêu cầu kĩ thuật của hàng hoá, nội dung và yêu cầu của dịch vụ, tổn thất thực tế và nguyên nhân dẫn đến các tổn thất thực tế đó. Người ta gọi các hoạt động này là dịch vụ giám định.
Tại Điều 254 Luật Thương mại 2005 định nghĩa về dịch vụ giám định như sau:
“Điều 254. Dịch vụ giám định
Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.”
Đặc điểm của dịch vụ giám định
Dịch vụ giám định có các đặc trưng pháp lí cơ bản sau:
Thứ nhất, tham gia quan hệ giám định có hai bên: Người thực hiện việc giám định hàng hoá và người yêu cầu giám định hàng hoá.
Người thực hiện việc giám định hàng hoá phải là thương nhân thoả mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện đó là:
+ Phải được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp. Các thương nhân không phải là doanh nghiệp, ví dụ, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác không được kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.
+ Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá;
+ Là doanh nghiệp hoạt động độc lập và chuyên kinh doanh dịch vụ giám định. Các doanh nghiệp này không được cung ứng dịch vụ thương mại và mua bán hàng hoá, trừ những hàng hoá phục vụ cho việc kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá của doanh nghiệp. Quy định này để đảm bảo tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định hàng hoá, dịch vụ thương mại do thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định tiến hành.
+ Có giám định viên có trình độ chuyên môn; có quy trình, phương pháp giám định trong lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ được yêu cầu giám định.
Riêng các tổ chức giám định được trưng dụng để thực hiện yêu cầu giám định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì còn phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định cụ thể của Bộ khoa học và công nghệ. Như vậy, xuất phát từ đặc thù của hoạt động giám định hàng hoá mà pháp luật có những yêu cầu rất khắt khe đối với những tổ chức giám định hàng hoá.
Người yêu cầu giám định (khách hàng) có thể là các tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước có nhu cầu giám định hàng hoá, dịch vụ thương mại. Người yêu cầu giám định hàng hoá có thể là thương nhân mà cũng có thể không phải là thương nhân. Ví dụ, khi thực hiện việc mua bán hàng hoa hay cùng ứng dịch vụ thương mại, các thương nhân có thể thoả thuận lựa chọn một tổ chức giám định độc lập để giảm đình tình trạng hàng hoá, dịch vụ. Hay khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, toà án có thể ra quyết định trưng cầu giám định để đưa ra các phán quyết chính xác, đúng pháp luật. Cơ quan quản lí nhà nước về đầu tư nước ngoài có thể chỉ định một tổ chức giám định để giám định lại giá trị tài sản góp vốn bằng hiện vật của các bên vào vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh nếu nghi ngờ tính chính xác của kết quả định giá do các bên liên doanh thoả thuận lựa chọn.
Thứ hai, nội dung của hoạt động giám định là xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, dịch vụ liên quan đến số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì, xuất xứ, giá trị hàng hoá; kết quả thực hiện dịch vụ, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch của hàng hoá, dịch vụ; các tổn thất và nguyên nhân dẫn đến tổn thất của một hoặc các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hoá hoặc dịch vụ thương mại và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng (theo Điều 255 Luật Thương mại 2005).
Như vậy, pháp luật thương mại chỉ điều chỉnh hoạt động giám định liên quan đến hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của các hoạt động kinh doanh thương mại mà thôi. Các hoạt động giám định khác như giám định thương tật, giám định pháp y... không do Luật thương mại điều chỉnh.
Thứ ba, kết luận về hiện trạng hàng hoá, dịch vụ thương mại theo yêu cầu của khách hàng có giá trị ràng buộc đối với các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ thương mại.
Kết luận của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về hiện trạng hàng hoá, dịch vụ thương mại theo yêu cầu của khách hàng phải được xác lập dưới hình thức văn bản. Văn bản này gọi là chứng thư giám định. Chứng thư giám định có giá trị bắt buộc đối với các bên, trừ trường hợp một hoặc các bên chứng minh được rằng kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc có sai sót về kĩ thuật, nghiệp vụ giám định.
Thứ tư, giám định là một hành vi thương mại độc lập. Thương nhân thực hiện việc giám định hàng hoá như một nghề nghiệp độc lập và thường xuyên. Thực hiện việc giám định, thương nhân được trả thù lao theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật, ngay cả trường hợp giám định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Từ khóa » Giám định Chất Lượng Hàng Hóa Là Gì
-
Cấp Chứng Thư Giám định Chất Lượng - Isocert
-
Giám định Chất Lượng Hàng Hóa
-
Giám định Chất Lượng Sản Phẩm - HQTS
-
Tại Sao Phải Kiểm định Chất Lượng Sản Phẩm, Hàng Hóa?
-
Kiểm định Chất Lượng Hàng Hóa - TICC
-
Giám định Và Các Loại Hình Giám định - VinaCert
-
Các Loại Kiểm định Chất Lượng - VIETNAM CERT
-
Giám định - Vinacontrol
-
Xác định Chất Lượng Hàng Hóa - Sở Tư Pháp An Giang
-
Giám định Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu - Intertek
-
Kinh Doanh Dịch Vụ Giám định Chất Lượng Sản Phẩm, Hàng Hóa 2022
-
Cách đăng Ký Kiểm định Chất Lượng Sản Phẩm
-
GIÁM ĐỊNH SẢN PHẨM - Trung Tâm Kiểm Nghiệm
-
Phân Tích, Kiểm Nghiệm Chất Lượng Hàng Hóa Và Những Điều ...