Điểm Báo Ngày 12/5/2022
Có thể bạn quan tâm
Chuẩn bị tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID -19
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, đề xuất nhu cầu vắc xin mũi 4 trước 25.5. vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành; viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur; cục y tế các bộ, ngành về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã triển khai tiêm chủng được khoảng hơn 215 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.
Tỷ lệ bao phủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi lần lượt là 100% và 96,4%.
Tỷ lệ tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 57,5%.
Tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là 13,7%.
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; đề xuất nhu cầu vắc xin tiêm mũi 4 gửi các viện vệ sinh dịch tễ, viện pasteur theo phân vùng quản lý trước 25.5.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành, các đơn vị tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn thành trong quý 2/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả và hoàn thành việc tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong quý 2/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid -19 mũi 4.
Đối tượng tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến dầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Vắc xin Covid-19 cho tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do Astra Zeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3.
Khoảng cách: ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3: trì hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19. (Tiền phong, trang 10, Hà Nội mới, trang 7, Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Khởi động Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác 2022
Chiều 10/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2022 với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19".
Hành trình là hoạt động tiêu biểu của phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, được Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hằng năm, thu hút hàng chục nghìn lượt y bác sĩ, thầy thuốc trẻ tình nguyện tham gia.
Mỗi năm các bác sĩ, thầy thuốc trẻ tình nguyện khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hằng trăm nghìn người dân, tập trung vào khối đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, hành trình vẫn được tổ chức với phương thức linh hoạt, phù hợp với tình hình chống dịch tại các địa phương, gắn với chăm sóc sức khỏe từ xa sử dụng telehealth (khám từ xa) và hoạt động chủ động thăm khám tại cộng đồng của các hội, câu lạc bộ thầy thuốc trẻ trên cả nước.
Trong giai đoạn đại dịch, Hội Thầy thuốc trẻ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Hội đã huy động hơn 130 tỷ đồng hỗ trợ hiện vật cho lực lượng y tế tuyến đầu, tiêu biểu với những mô hình container cung cấp oxy, container xét nghiệm lưu động và khám bệnh.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động gần 20.000 tình nguyện viên cả nước, khám, sàng lọc, tư vấn và chuyển tuyến cho gần 4 triệu lượt người dân. Bộ cẩm nang chăm sóc sức khỏe khi nhiễm COVID-19 của Hội đã được chia sẻ với hơn 10 triệu lượt tải.
Hành trình diễn ra từ ngày 14/5 đến hết năm 2022. Lễ ra quân cấp Trung ương tổ chức vào ngày 14/5, tại Trường Quốc học Huế.
Hành trình dự kiến thu hút hơn 20.000 thầy thuốc trẻ cả nước tham gia tư vấn, khám bệnh trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo; hơn 1 triệu người dân sẽ được khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19; hơn 3 triệu người sẽ được tư vấn sức khỏe qua điện thoại và telehealth.
Người dân truy cập thông tin, tải tài liệu và app cũng như đăng ký khám qua website của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: http://thaythuoctre.vn từ ngày 14/5. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ trực tiếp với các tỉnh, thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam và hội, câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tại địa phương để được khám bệnh, tư vấn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
“Cầu cứu” bác sĩ vì Thức 'thâu đêm suốt sáng' sau nhiễm COVID-19
Dù đã khỏi bệnh COVID-19 khoảng 1,5 tháng nhưng chị N.T.Q. thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ, đêm chỉ ngủ 2-3 tiếng, thậm chí nhiều đêm thức trắng. Tình trạng này kéo dài liên tục khiến bệnh nhân gần như kiệt sức và phải nhập viện điều trị. BSCK2 Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc – Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân N.T.Q (46 tuổi, quê Thanh Hóa) vào viện ngày 30/4/2022 do mất ngủ, lo lắng sau nhiễm SARS-CoV-2.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi khỏi bệnh COVID-19 khoảng 1,5 tháng, chị Q. bỗng nhiên có biểu hiện mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, dù lên giường ngủ lúc 22h như bình thường nhưng rất lâu sau đó mới ngủ được và sáng ngủ dậy rất sớm. Trung bình một đêm chị này chỉ ngủ được 3 tiếng nên tinh thần rất mệt mỏi, làm việc không hiệu quả.
Các biểu hiện mất ngủ của bệnh nhân ngày một tăng dần, đêm ngủ chập chờn, phải thức dậy giữa đêm 3-4 lần, sau đó mỗi lần 20-30 phút mới ngủ lại được, có những đêm thức trắng. Kèm theo đó là hàng loạt các biểu hiện lo lắng, stress, có cơn hồi hộp đánh trống ngực, run tay chân, vã mồ hồi, người mệt mỏi, cảm giác choáng váng, ù tai, buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng…
"Bệnh nhân không sử dụng biện pháp gì để cải thiện giấc ngủ của mình. Các biểu hiện kéo dài 2 tuần bệnh nhân đi khám và điều trị tại viện tỉnh Thanh Hóa, triệu chứng không thuyên giảm nên đã đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần và được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ sau nhiễm SARS-CoV-2" – BS. Ngọc thông tin.
Theo BS. Ngọc, trường hợp này, ngoài được điều trị bằng hóa dược, bệnh nhân được mở rộng kiến thức về cách vệ sinh giấc ngủ, nâng cao thể trạng, đề phòng biến chứng biểu hiện rối loạn giấc ngủ và đã hồi phục giấc ngủ lại như xưa sau 3 ngày điều trị. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, tỉnh táo, tiếp xúc được, đỡ lo lắng căng thẳng, ăn uống ngon miệng. Ban đêm bệnh nhân đã ngủ được 8-9 tiếng, ngủ liền từ 21-6h sáng, sáng tỉnh táo.
Nhiều người mất ngủ, hoang tưởng, ảo giác hậu COVID
TS. Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới có đến hơn 200 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19, trong đó đáng chú ý là vấn đề sức khỏe tâm thần, rất nhiều trường hợp rối loạn tâm thần nặng nề, xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, suy giảm trí nhớ...
"Nếu như trước đây, một phòng khám chuyên ngành tâm thần tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân thì nay, sau đại dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân tới khám tăng tới hàng trăm bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân chủ yếu phàn nàn về tình trạng rối loạn giấc ngủ sau COVID-19, chiếm tỷ lệ 70-80%" - BS. Dũng thông tin.
Theo ThS.BSCK2 Đoàn Thị Huệ - Viện Sức khỏe Tâm thần, mất ngủ là một triệu chứng hay gặp ở thời kỳ sau nhiễm COVID-19, bệnh nhân bị suy giảm số lượng và/hoặc chất lượng giấc ngủ. Điều này gặp phải là do tình trạng viêm thần kinh và sự gián đoạn của hàng rào máu não. Trong đó, các cytokine đóng vai trò chủ đạo trong việc phá vỡ hàng rào máu não gây tổn thương viêm hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh.
“Mối liên quan giữa giấc ngủ và nhiễm SARS-CoV-2 là hai chiều. Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh miễn dịch tế bào cũng như dịch thể và thiếu ngủ có thể làm giảm phản ứng miễn dịch càng làm trầm trọng hơn triệu chứng COVID-19” - BS. Huệ nói.
Làm gì khi bị rối loạn giấc ngủ?
Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, TS. Dũng khuyến cáo:
Khi có rối loạn giấc ngủ, người dân nên có sự tư vấn của chuyên khoa để bảo đảm được điều trị tốt nhất.
- Nếu chưa đến được cơ sở chuyên khoa thì cần tự chăm sóc bản thân như bảo đảm đủ lượng vitamin, calo hàng ngày, luyện tập thể dục hàng ngày, bù đủ nước, điện giải và cần phải quan tâm đến vệ sinh giấc ngủ.
- Đặc biệt, người dân không tự ý sử dụng các loại thuốc bổ, tự mua thuốc điều trị hay dùng thuốc nam. "Người bị mệt cả cơ thể và trí não nhưng nếu cứ dùng thuốc tuần hoàn để nâng cao sức khỏe sẽ càng làm cho người bệnh luôn tỉnh táo, càng mất ngủ..." - TS. Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề vệ sinh giấc ngủ, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ, những người gặp rối loạn giấc ngủ cần quan tâm đến môi trường ngủ sạch sẽ thông thoáng, lựa chọn trang phục rộng rãi thoải mái bảo đảm lưu thông khí huyết cho cơ thể. Căn phòng càng giản tiện các thiết bị, đồ dùng càng tốt.
Bệnh nhân nên tạo nhịp sinh học đi học vào một giờ cố định, bảo đảm không gian yên tĩnh hoặc có thể nghe nhạc nhẹ khi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp ngâm chân bằng nước ấm, dược liệu, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ.
Trước khi đi ngủ nên tránh tiếng ồn mạnh, sử dụng chất kích thích hay tập thể dục quá nặng, ăn nhiều đồ dầu mỡ. Nên tránh việc suy nghĩ quá nhiều về công việc trong ngày, tập trung nhiều hơn vào thực tại để duy trì giấc ngủ tốt hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Sở Y tế Hà Nội thu hồi giấy phép nhà thuốc số 9 Bạch Mai
Liên quan đến loạt bài điều tra về việc nhà thuốc câu kết "cò mồi" giăng bẫy người bệnh, ngày 11.5.2022, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa ký ban hành quyết định số 733/QĐ-SYT về việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” GPP của Nhà thuốc số 9 Bạch Mai... (Chi tiết xem báo Lao động, trang 4).
Khoa khám bệnh “qua mặt” phần mềm quản lý
Tại BV Đa khoa khu vực Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng thu tiền KCB và để ngoài sổ sách kéo dài được bạn đọc phản ánh đến báo Tiền phong... (Chi tiết xem báo Tiền phong, trang 10).
Bắt tạm giam giám đốc và 2 cán bộ CDC Hà Giang nhận hối lộ của Việt Á
Hôm nay 11-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ tại CDC Hà Giang, bắt tạm giam 4 tháng đối với giám đốc, trưởng khoa xét nghiệm và kế toán trưởng CDC Hà Giang. Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 11-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang), khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can là giám đốc, trưởng khoa xét nghiệm và kế toán trưởng CDC Hà Giang vì đã có hành vi nhận hối lộ, được quy định tại khoản 4, điều 354, Bộ luật hình sự.
3 bị can là Nguyễn Trần Tuấn (sinh năm 1971), giám đốc CDC Hà Giang, thường trú tổ 9 phường Minh Khai, TP Hà Giang; Phan Thị Nga (sinh năm 1971), trưởng khoa xét nghiệm CDC Hà Giang, thường trú tại tổ 9, phường Minh Khai, TP Hà Giang và Tô Minh Huệ (sinh năm 1972), kế toán trưởng CDC Hà Giang, thường trú tại tổ 13 phường Minh Khai, TP Hà Giang.
Theo tài liệu của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang, 3 người này đã nhận hối lộ của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á với số tiền hàng tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này cả 3 đã nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang.
Trước đó, từ ngày 10-2 đến ngày 29-3-2022, Thanh tra tỉnh Hà Giang đã thanh tra tại 6 đơn vị gồm: Sở Y tế; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên; Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Yên Minh và Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Bắc Quang, phát hiện sai phạm hơn 4,5 tỉ đồng.
Theo kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh Hà Giang yêu cầu các tổ chức và cá nhân liên quan thu hồi nộp ngân sách nhà nước với số tiền trên 4,5 tỉ đồng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 297 triệu đồng; CDC Hà Giang trên 4 tỉ đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên trên 164 triệu đồng và Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang trên 88 triệu đồng.
Cũng tại kết luận thanh tra số 03, Thanh tra tỉnh Hà Giang chỉ ra nhiều sai phạm tại 87 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch của ngành y tế tỉnh trong 2 năm (2020 - 2021).
Theo đó, tổng giá trị được duyệt là hơn 101,6 tỉ đồng (nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp trên 81 tỉ đồng; nguồn thu dịch vụ, thu khác trên 20,4 tỉ đồng). Tổng giá trị trúng thầu trên 95 tỉ đồng (tỉ lệ giảm giá bình quân qua đấu thầu là 6,2%). Tổng giá trị ký hợp đồng trên 94 tỉ đồng.
Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra 60/87 gói thầu trên. Kết quả cho thấy có 21 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, chưa đúng với các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các gói thầu đã được UBND tỉnh, Sở Y tế phê duyệt.
Có 2 gói thầu chào hàng cạnh tranh, thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu không phù hợp với kế hoạch đấu thầu được duyệt, vì trong quá trình tổ chức đấu thầu không có nhà thầu tham dự nên phải hủy thầu.
Sau đó chủ đầu tư không trình, thẩm định, phê duyệt lại kế hoạch đấu thầu, không thẩm định lại giá mà vẫn thực hiện theo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt trước.
Có 16 gói thầu thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu không đúng theo mẫu quy định tại các thông tư số 11, 19, 23 của Bộ Kế hoạch và đầu tư; 2 gói thầu nhà thầu không có giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối…
CDC Hà Giang còn thực hiện ứng trước thiết bị, đấu thầu sau. CDC Hà Giang đã ứng trước 41.142 test LightPower IVASAR-CoV2 và 36.696 kit tách chiết tay iVAaRNA của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; ứng 22.900 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh Truelie Covid-19 Rapid Test của Công ty trách nhiệm hữu hạn liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ công tác xét nghiệm, sau đó thực hiện đấu thầu để hoàn trả lại các đơn vị.
Ngoài ra, CDC Hà Giang mở 2 sổ theo dõi nhập, xuất kho vật tư, hóa chất, sinh phẩm là chưa đúng quy định. Các vật tư trên sổ này không cập nhật, theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán...
Đặc biệt, nhiều đơn vị trong ngành y tế Hà Giang ứng trước bộ sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh ứng trước hơn 19.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm các loại với tổng số tiền trên 4,6 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra đơn vị chưa thanh toán.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang có ứng 1.250 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV2 AgRapid Test15 của Công ty cổ phần dược và trang thiết bị y tế Bình Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ xét nghiệm nhưng đến thời điểm thanh tra đơn vị chưa thanh toán.
CDC Hà Giang đã ứng trước hơn 77.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm các loại của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và ứng 22.900 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ xét nghiệm, sau đó thực hiện đấu thầu để hoàn trả lại các đơn vị.
Sáng 11-5, cơ quan công an cũng đã bắt tạm giam để điều tra với cựu giám đốc và 2 thuộc cấp ở CDC Hậu Giang, cùng liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á. (Tuổi trẻ, trang 1, Thanh niên, trang 1, Công an nhân dân, trang 8, Sài gòn giải phóng, trang 9).
Lãng phí bệnh viện hơn 200 tỷ đồng
Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu được xây dựng với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, nhưng đáng buồn là sau hơn một năm hoàn thành và đưa vào sử dụng không tiếp nhận một bệnh nhân nào. Nhiều trang thiết bị y tế đắt tiền “đắp chiếu”, xuống cấp; hơn 130 cán bộ, nhân viên “ngồi chơi xơi nước” gây lãng phí lớn…
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân, bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu, cho biết: Bệnh viện được xây dựng trên khu đất rộng 13.000 m², thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Năm 2010, được khởi công và đầu năm 2021, bệnh viện hoàn thành, gồm ba khu, quy mô một trệt, hai tầng lầu với hơn 100 giường bệnh.
“Có thể nói, đây là bệnh viện có quy mô khá lớn, được “ưu tiên” đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất tỉnh Bạc Liêu tính đến thời điểm này. Trong đó có một máy chụp CT hiệu Canon do Nhật Bản sản xuất, trị giá hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều máy móc khác như siêu âm, Xquang…, trị giá hàng tỷ đồng, nhưng không thể hoạt động vì không đồng bộ. Đáng lưu ý, một số công trình, hạng mục, máy móc tuy chưa sử dụng nhưng đã xuống cấp, hư hỏng. Trong đó có 4/8 máy giúp thở vừa lắp đặt, chưa hoạt động đã gặp “sự cố”. Ngoài ra, hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng nhưng không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động; ba xe cứu thương trị giá hơn năm tỷ đồng nhưng trang thiết bị kèm xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động… Dù chưa đưa vào hoạt động, song khi kiểm tra có nhiều trang thiết bị y tế bị thiếu, gặp sự cố, xuống cấp, hư hỏng…”, bác sĩ Trần Văn Khánh bức xúc.
Cũng theo bác sĩ Trần Văn Khánh, trước tình trạng nêu trên, bệnh viện đã mấy lần có báo cáo bằng văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nêu rõ thực trạng tình hình; những bất cập, yếu kém, sai phạm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình làm chủ đầu tư xây dựng, mua sắm các thiết bị y tế của bệnh viện này.
Theo Báo cáo số 01 ngày 5/1/2022 của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu do Giám đốc bệnh viện Trần Văn Khánh ký, có nêu rõ về tình trạng các thiết bị: “Chủ đầu tư đã lắp đặt và bàn giao cho bệnh viện hệ thống thiết bị y tế theo Hợp đồng số 01/2020/MINEXPORT-SYTBL gói thầu số 11, gồm 77 danh mục, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều danh mục đã lắp đặt xong nhưng không thể nghiệm thu để bàn giao, đưa bệnh viện vào hoạt động, tiếp nhận bệnh nhân. Phần lớn các danh mục không có hồ sơ gốc, chỉ có bản photocopy, không thể bàn giao giá trị tài sản.
Nhiều thiết bị y tế mặc dù đã được Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng không thể bàn giao cho bệnh viện được do luôn gặp sự cố trong vận hành (toàn bộ hệ thống thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn và các máy giúp thở bị trục trặc). Ngày 3/12/2011, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu ban hành quyết định số 1254 tạm giao thiết bị cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi quản lý, sử dụng. Bệnh viện thật bất ngờ nhưng phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đồng thời không yên tâm khi đưa vào phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, hơn một năm qua, hơn 130 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện chủ yếu “ngồi chơi xơi nước” hưởng lương, không có việc làm, bởi bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân do chưa được nghiệm thu chính thức.
Để tìm hiểu khách quan và rõ hơn những vấn đề lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu đã báo cáo, kiến nghị đến Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, phóng viên đã trao đổi ý kiến với bác sĩ Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu. Bác sĩ Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ “rót nhỏ giọt” vài tỷ đồng. Đáng lưu ý, ban đầu Sở Y tế làm chủ đầu tư dự án, nhưng đến năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Do thay đổi chủ đầu tư và do “chồng chéo, nhì nhằng” việc bàn giao, tiếp nhận và do nhiều nguyên nhân khác, cho nên công trình xây dựng ì ạch kéo dài hơn 10 năm mới hoàn thành.
“Khi dự án xây dựng đã hoàn thành, đồng thời mua sắm cơ sở vật chất, đặc biệt trang thiết bị y tế khá hiện đại, tân tiến trị giá hơn 100 tỷ đồng, tổng trị giá đầu tư cho bệnh viện này hơn 200 tỷ đồng, Sở Y tế có quyết định bàn giao cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu, nhưng Giám đốc bệnh viện kiên quyết không chịu nghiệm thu và đưa công trình vào hoạt động. Chính vì vậy, hơn một năm qua, bệnh viện này không tiếp nhận một bệnh nhân nào, hơn 130 cán bộ, nhân viên của bệnh viện “ngồi chơi xơi nước”.
Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trực tiếp là đồng chí Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng chủ trì, phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các đơn vị có liên quan trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu để sớm giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền. Vụ việc đang chờ Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh có kết luận chính thức và chỉ đạo cụ thể” - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Bùi Quốc Nam cho biết.
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang kết hợp các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh tiến hành kiểm tra, xem xét, làm rõ để có kết luận chính thức; đồng thời trình Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc. (Nhân dân, trang 8).
Từ khóa » Dịch Corona Ngày 12/5
-
Ngày 12/5: Có 3.949 Ca COVID-19 Mới, Số Khỏi Bệnh Nhiều Gần Gấp ...
-
Bản Tin Cập Nhật Covid-19 Ngày 12/5/2022 - Cục Y Tế Dự Phòng
-
Ngày 12/5: Có 3.949 Ca COVID-19 Mới, Số Khỏi Bệnh Nhiều Gần Gấp ...
-
Ngày 12/5, Cả Nước Ghi Nhận 3.949 Ca Mắc Mới ...
-
Ngày 12/5: Có 3.949 Ca Covid-19 Mới, Số Khỏi Bệnh Nhiều Gần Gấp đôi
-
Ngày 12/5: Số Ca Nhiễm COVID-19 Tăng Hơn 1.000 Ca So Với Hôm ...
-
Ngày 12/5, Cả Nước Ghi Nhận 3.949 Ca Mắc Mới ...
-
Ngày 12/5: Có 3.949 Ca COVID-19 Mới, Số ... - UBND Tỉnh Quảng Ngãi
-
Sáng 12/5, Không Có Ca Mắc Mới, Việt Nam Chỉ Còn 20 Bệnh Nhân ...
-
Sáng 12/5, Không Có Ca Mắc Mới, Việt Nam Chỉ Còn 20 Bệnh Nhân ...
-
Thông Tin Phòng Chống Dịch COVID-19 đến 19h Ngày 12/5/2021
-
Diễn Biến Dịch Covid-19 Trên địa Bàn Tỉnh Ngày 12/5/2022
-
Cả Nước Có 3.949 Ca Mắc Mới, Tăng Gần 1.200 Ca ... - Dịch COVID-19
-
Cập Nhật Thông Tin đại Dịch COVID-19 Tính đến 19 Giờ 00 Ngày 12/5 ...