Điểm Danh 6 Nỗi Sợ Phổ Biến Khi Đi Làm Và Giải Pháp Khắc Phục

Nỗi sợ thất bại không phải là rào cản duy nhất ngăn những bạn trẻ mới ra trường đạt được thành công trong sự nghiệp. Trên thực tế, có vô vàn những nỗi sợ trong tâm lý khiến bạn sợ đi làm và chán chường với công việc của mình.

Hãy cùng Glints điểm lại những nỗi sợ hãi thường gặp nhất khi mới đi làm, xem bạn có bao nhiêu trong số đó và tìm cách “thỏa hiệp” với chúng qua bài viết sau!

Những nỗi sợ phổ biến khi đi làm mà ai cũng từng trải qua

1. Nói trước đám đông

Một nỗi sợ hãi mà đại đa số các bạn trẻ đều mắc phải khi đi làm chính là ngại nói chuyện hay thuyết trình trước đám đông. Đây là một điểm yếu có thể gây ảnh hưởng không tốt đến công việc của rất nhiều nhiều, khiến việc truyền đạt và trình bày ý tưởng trở nên khó khăn, kém hiệu quả.

nỗi sợ đi làm phổ biến - nói trước đám đông
© Freepik.com

Chứng sợ nói trước đám đông phổ biến đến mức còn có một tên gọi riêng cho nó – là Glossophobia. Một số người mắc chứng lo âu này luôn cố tránh né việc nói trước đám đông. Những người khác thì phải vật lộn để hoàn thành bài phát biểu của họ với giọng nói run rẩy và lòng bàn tay đẫm mồ hôi.

Nỗi sợ nói trước đám đông có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: vấn đề tâm lý, sợ bị người khác đánh giá, thiếu kinh nghiệm thuyết trình, hay không có sự chuẩn bị chu đáo. Dù vì lý do gì, nỗi sợ này sẽ rào cản cho quá trình giao tiếp và hợp tác hiệu quả của bạn.

Đọc thêm: Cách Cải Thiện Kỹ Năng Thuyết Trình Trước Đám Đông

2. Áp lực công việc

Việc sợ đi làm cũng thường bắt nguồn từ áp lực công việc đè nặng. Nỗi sợ áp lực này xuất phát chủ yếu từ sự thiếu kinh nghiệm trong cách sắp xếp, tổ chức và quản lý công việc.

Những người mới tại văn phòng thường không định hình được công việc của mình trong ngày hôm nay sẽ là gì. Nếu không có ai đó dẫn dắt, họ sẽ dễ dàng mất phương hướng và loay hoay với “núi công việc” không biết phải giải quyết từ đâu.

Bên cạnh đó, deadline dày đặc, sự mất cân bằng trong công việc và cuộc sống cũng là nguyên nhân khiến những nhân viên mới cảm luôn cảm thấy áp lực, mệt mỏi, chán nản, và thậm chí là sợ đi làm.

3. Sợ đặt câu hỏi

Trên thực tế, việc đặt câu hỏi cho người khác tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại là một nỗi sợ hãi thường trực trong tâm lý của những người mới đi làm. Nguyên nhân của nỗi sợ hãi này nằm phần nhiều trong tâm lý của chúng ta. Bạn có thể sợ họ sẽ từ chối và bạn sẽ cảm thấy thất vọng vì bị từ chối.

sợ đặt câu hỏi khiến bạn áp lực khi đi làm
© Freepik.com

Bạn cũng có thể cảm thấy lo lắng vì sợ rằng người khác sẽ đánh giá về năng lực của bạn, cho rằng bạn thật tệ hoặc không đủ giỏi nếu không biết về điều đó.

Hoặc nếu không phải vì những lý do trên, thì có thể là do cảm giác phiền phức mà bạn sợ mình sẽ mang lại cho người khác. Trong tâm trí của bạn, họ sẽ vẫn giúp bạn nhưng với một thái độ không vui, và từ đó có ấn tượng xấu với bạn.

4. Sợ mắc sai lầm

Ai cũng hiểu rằng sai lầm là một phần của cuộc sống, nhưng không phải ai cũng dễ dàng đón nhận nó. Rất nhiều người cảm thấy sợ hãi với việc mắc lỗi trong khi làm việc, vô hình trung mang tới nỗi sợ đi làm không đáng có.

Tương tự như nỗi sợ đặt câu hỏi, sự sợ hãi về việc làm sai một điều gì đó xuất phát từ sự lo ngại rằng khả năng của bạn sẽ bị đánh giá. Bạn không muốn đồng nghiệp hay cấp trên nghĩ rằng lỗi lầm đó thể hiện trình độ làm việc của chính mình.

5. Sợ giao tiếp

Có những người vẫn cảm thấy cô đơn ngay cả khi họ làm việc trong văn phòng nhộn nhịp, bận rộn. Bởi lẽ, nỗi sợ giao tiếp khiến họ trở nên ngượng ngùng, khó bắt chuyện, mang lại cảm giác cô đơn và lạc lõng tại nơi công sở.

ngại giao tiếp khi đi làm
Bạn có từng cảm thấy lạc lõng khi khó trò chuyện với mọi người khi đi làm?

Điều này được thể hiện rõ nhất khi bạn luôn chỉ ngồi một chỗ, đứng ngoài mọi cuộc trò chuyện vui vẻ trong công ty. Bạn cũng luôn cố gắng tránh né những hoạt động team-building hay các bữa tiệc nhỏ của công ty với muôn vàn lý do.

Chứng sợ giao tiếp còn có thể kéo theo những nỗi sợ hãi khác khi đi làm bên trên, như sợ nói trước đám đông, hay sợ đặt câu hỏi. Tất cả những điều này sẽ chỉ khiến bạn khó khăn hơn trên hành trình phát triển bản thân và làm chậm con đường thăng tiến sau này.

Đọc thêm: Kỹ Năng Giao Tiếp Bạn Cần Biết Để Kết Bạn Nơi Công Sở

6. Sợ khó hòa nhập

Có một nỗi sợ đi làm cũng khá phổ biến – sợ không thể hòa nhập vào môi trường công sở. Khi bước vào một môi trường mới, chúng ta sẽ cảm thấy lạ lẫm với rất nhiều thứ: không gian làm việc, đồng nghiệp mới, văn hóa mới,… Những điều quá mới mẻ ập đến cùng một lúc có thể vô tình khiến ta cảm thấy ngột ngạt và dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Điều bạn có thể làm là thử liên hệ với một số nhân viên mà bạn đã gặp trước ngày bắt đầu đi làm. Lý tưởng nhất sẽ là những người cộng tác nhiều với bạn trong quá trình làm việc. Bạn có thể mời họ đi ăn trưa, bàn việc chung để có thể kết nối thân mật hơn. Qua đó, bạn cũng có thể biết thêm về văn hóa công ty để dễ dàng hòa nhập hơn với mọi người.

12 “bí kíp” giúp bạn nhanh chóng vượt qua nỗi sợ đi làm

1. Nhận thức về sự thay đổi hiện tại

Điều đầu tiên cần làm khi đứng trước nỗi sợ đi làm chính là chấp nhận và thừa nhận sự thay đổi đang diễn ra. Đó là những bước đầu để bạn có thể kiểm soát nỗi sợ.

Bạn có thể đặt tâm thế ngược lại: thay vì quá sợ đi làm vì những thay đổi ập đến, hãy xem đây là một cơ hội để bạn khám phá những điều mới mẻ, mở lòng mình để đón nhận thế giới xung quanh.

cách vượt qua nỗi sợ đi làm
© Freepik.com

2. Gọi tên nỗi sợ của mình

Khi bạn lo sợ về sự thay đổi, hãy viết ra giấy những nỗi sợ hãi của mình để phân tích chúng một cách khách quan hơn.

Sau khi đã ghi hết ra giấy, bạn nên tìm hiểu bản chất gốc rễ của sự việc, và đề ra giải pháp tương ứng thích hợp. Lúc này, bản thân bạn cũng sẽ biết cách chuyển hóa những nỗi sợ đi làm này của mình thành một “bài toán” dễ giải quyết hơn rất nhiều.

3. Thỏa hiệp với cảm xúc

Trong quá trình thay đổi môi trường, việc cảm thấy không thoải mái là lẽ đương nhiên. Trong những khoảnh khắc ấy, hãy chấp nhận cảm xúc của mình. Đừng cố gắng chối bỏ cảm giác không thoải mái ấy mà hãy thừa nhận, đối diện, thỏa hiệp với nó.

4. Tìm một “khung giờ riêng” cho nỗi sợ của bản thân

Có một sự thật không thể chối cãi rằng: khi đi làm, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với những nỗi sợ, lo lắng, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, bạn chớ nên để chúng len lỏi vào ngày làm việc của mình, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc thật sự và có thể khiến kết quả công việc tệ hơn.

cách khắc phục cảm xúc tiêu cực khi đi làm
Dành thời gian riêng để “thỏa hiệp” với nỗi sợ ngoài giờ làm việc.

Hãy chọn cho mình một khung giờ riêng để đối diện với những nỗi sợ ấy. Làm được điều này tức nghĩa bạn đã đủ mạnh mẽ để đối diện, gọi tên và thừa nhận nó đang tồn tại. Sau đó, hãy tìm cách chuyển hóa những cảm xúc sợ hãi ấy thành tâm thế và hành động phù hợp và tích cực hơn.

5. Hãy thử nói ra

Giao tiếp, giao tiếp, giao tiếp. Điều quan trọng nhắc lại ba lần. Chọn một người mà bạn cảm thấy an toàn và tin tưởng để nói ra những điều bạn nghĩ. Bạn có thể sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ họ. Hoặc nếu không, bạn vẫn sẽ cảm thấy vui vì có người sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của mình và không phán xét điều đó.

Nếu nhân viên luôn cố gắng truyền đạt hiệu quả nỗi sợ đi làm của họ cho đồng nghiệp và các cấp quản lý, những mối lo ngại ấy sẽ được xoa dịu và giải quyết hiệu quả hơn rất nhiều.

6. Tìm đến những điều tích cực

Nỗi sợ hãi có thể đến từ việc tạo ra những viễn cảnh tiêu cực về tương lai không có thật. Vì quá lo lắng nên não bộ của bạn bắt đầu điều hướng suy nghĩ và làm lu mờ đi những điều tích cực đang diễn ra trong cuộc sống.

Trong những trường hợp ấy, hãy nghĩ về những tình huống trong quá khứ khi bạn phải đối mặt với sự thay đổi. Hãy tự đặt câu hỏi về những lần bạn đã điều hướng chúng lạc quan hơn: Làm thế nào bạn có thể xoay xở được? Bạn có nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè của mình không? Liệu bạn đã chăm sóc bản thân thật tốt? Những phẩm chất cá nhân bạn đã thể hiện đã giúp ích gì? Bạn có kiên trì không?

7. Nhớ về lý do khiến công ty tuyển dụng bạn

Khi cảm thấy sợ đi làm vì những lo lắng liên quan đến kỹ năng và khả năng, hãy nghĩ về lý do vì sao công ty lại tuyển chọn bạn thay vì hàng trăm, hàng ngàn ứng cử viên còn lại.

chán nản công việc thì làm gì?
Công ty tuyển dụng vì họ tin tưởng bạn có năng lực.

Nhà tuyển dụng chắc chắn phải nhìn thấy được tiềm năng, sự nỗ lực không ngừng của bạn để từ đó đưa ra quyết định tuyển dụng. Họ đã tin tưởng bạn rất nhiều, vậy cớ sao bạn lại chọn không tin tưởng chính mình, phải không nào?

8. Kết nối cùng đồng nghiệp

Có thể nói, con người ở môi trường làm việc chính là yếu tố quan trọng để giữ con người. Hay nói cách khác, đó chính là những người đồng nghiệp gắn bó với ta mỗi ngày.

Vào những ngày mới gặp mặt, bạn sẽ đâu đó mang cảm giác rằng những người đồng nghiệp ấy khó gần. Nhưng sự việc không hẳn như thế, có thể họ cũng đang ngại phải giao tiếp với người mới giống như bạn.

Vì vậy, hãy chủ động kết nối với họ để họ cảm thấy thoải mái hơn với bạn và ngược lại. Tuy nhiên, bạn chỉ nên kết nối khi bạn thực sự mong muốn làm như vậy. Đừng chỉ vì cả nể mà “vạ” kết nối lung tung, thiếu chọn lọc nhé!

9. Tự ý thức nâng cao giá trị bản thân

Hãy dành thời gian để nhìn nhận giá trị của mình trong tổ chức này, sau đó nỗ lực tìm cách để nâng cao giá trị bản thân hơn. Có thể, những nỗi sợ đi làm sẽ được khỏa lấp bằng những niềm vui nơi công sở khi bạn đã có thể góp sức mình vào những dự án của công ty.

10. Tìm cách giảm stress

Căng thẳng cũng chính là một phần nguyên do của nỗi sợ đi làm. Một kỹ thuật rất hiệu quả để giảm căng thẳng tại nơi làm việc là thiền định. Không nhất thiết phải ở trong môi trường thiên nhiên, yên tĩnh mới có thể thiền. Môi trường công sở hoàn toàn có thể là nơi phù hợp để bạn thực hiện các bài tập thiền định ngắn 3 – 5 phút.

Mỗi khi cảm thấy căng thẳng và áp lực, hãy chậm lại một chút để thiền, hít thở thật sâu và đều để cơ thể bình tĩnh hơn. Tinh thần phấn chấn sẽ giúp bạn lấy lại “đam mê” với công việc của mình.

11. Đừng quá khắt khe với chính mình

Có thể kỹ năng của bạn chưa tốt ngay từ ban đầu, nhưng chính thái độ và tâm thế làm việc mới là thứ quyết định bạn đi xa được đến đâu. Chỉ cần bạn đủ tận tâm để hoàn thành công việc đó, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.

khắc phục nỗi sợ đi làm
© Freepik.com

Tuy nhiên, bạn nên tránh đặt ra những mục tiêu quá xa tầm với để rồi tự khoác lên người một chiếc áo quá khổ. Thành công luôn đồng hành với những ai biết nỗ lực phấn đấu trong khả năng, sức lực của mình.

12. Chăm chỉ hoàn thành tốt công việc

Trong môi trường công sở, có đôi lúc nỗi sợ đi làm lại không đến từ bản thân mà đến từ những “drama” xung quanh. Trong những trường hợp ấy khi bạn biết một nhóm đồng nghiệp đang xúm chùm để nói xấu ai đó, hãy cố gắng tránh xa những điều đó.

Điều quan trọng bạn cần nhớ là bạn đến công ty này để làm việc, chứ không phải cuốn bản thân theo những điều tiếng không hay ấy. Có đôi lúc, những “drama” ấy lại vô tình vạ đến bạn chỉ vì bạn cố gắng tham gia vào nó.

Hãy làm việc thật chăm chỉ, hoàn thành tốt công việc của mình và thành tâm với đồng nghiệp. Vì hữu xạ tự nhiên hương. Càng làm những điều đúng với suy nghĩ và lương tâm của mình, nỗi sợ đi làm sẽ không còn nữa!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Nhập đánh giá

Đánh giá trung bình 4.5 / 5. Lượt đánh giá: 10

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Nhập ý kiến của bạn

Từ khóa » Nỗi Sợ Của Bạn Là Gì