"Điểm Nóng" Rừng Giáp Ranh Gia Lai – Đăk Lăk – Phú Yên

Khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk – Phú Yên đang trở thành “điểm nóng” của vấn nạn xâm hại rừng. Nếu không ngăn chặn hiệu quả, rừng sẽ tiếp tục mất.

Điểm nóng phá rừng

Mới đây, Sở NN-PTNT 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên đã tổ chức hội nghị tổng kết kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

Theo đánh giá, diện tích vùng giáp ranh giữa 3 địa phương trải rộng, dài qua nhiều huyện, phần lớn có địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hạn chế, thiếu thốn.

Các tỉnh tiếp tục ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều khu vực còn tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như khu vực giáp ranh giữa huyện Krông Pa (Gia Lai) với huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên. Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, thông suốt cả đường bộ (quốc lộ Trường Sơn Đông), đường sông (sông Krông H’Năng).

Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa 3 huyện của 3 tỉnh là Krông Pa (Gia Lai) – huyện Sông Hinh (Phú Yên) – huyện Krông Năng (Đăk Lăk) là nơi có Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với hệ động thực vật phong phú, đa dạng, nhiều loại động thực vật nguy cấp, quý hiếm như: Trắc, cẩm, hương, gõ, giổi, căm xe, quế, sâm đất, mật nhân, voi, cheo cheo… Vì thế, trong nhiều năm trở lại đây, khu vực này là “điểm nóng” của vấn nạn xâm hại rừng.

Trong 5 năm qua, khu vực này đã phát hiện 252 vụ việc vi phạm, gồm 36 vụ phá rừng, 4 vụ khai thác rừng, 89 vụ tàng trữ lâm sản và 123 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tại đây, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 30 vụ, hành chính 222 vụ, gây thiệt hại 35,6 ha rừng, lâm sản tịch thu lượng lớn gỗ tròn, xẻ các loại, phạt tiền gần 470 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh trải dài hơn 100km, tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Đường giao thông thuận lợi, hệ động thực vật đa dạng nên rừng trở thành điểm nóng và lâm tặc luôn manh động, sẵn sàng dùng vũ lực chống trả lực lượng chức năng.

Những vạt rừng còn lại của Tây Nguyên vẫn đang hàng ngày đứng trước mối đe dọa. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, khu vực giáp ranh nhiều nơi không có điện lưới, sóng điện thoại di động, không đường đi lại nên gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng.

Theo ông Hoan, để bảo vệ tốt vùng khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh Gia Lai – Đăk Lăk – Phú Yên cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm trong sạch nội bộ, phòng chống các biểu hiện bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm của lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Trăn trở trong công tác bảo vệ rừng, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết, quản lý bảo vệ rừng đang là vấn đề khó khăn nhất. Dù trong nhiều năm qua, huyện đã huy động quyết liệt cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn đang là bài toán khó.

Trong thời gian tới, ông Thảo cho rằng, quan trọng cần phải giải quyết tốt cơ chế cung cấp thông tin và xử lý thông tin, trách nhiệm trong quy chế phối hợp. Bên cạnh đó, cần xem lại mức thu nhập của các cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Thu nhập của một cán bộ bảo vệ rừng có vài triệu thì làm sao khích lệ tinh thần họ cống hiến với công tác giữ rừng, không tiêu cực được?

Cũng theo ông Thảo, giao rừng về cho các xã trực tiếp quản lý, bảo vệ sẽ hiệu quả hơn. Nhiều xã đã thực hiện rất tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. So với trước đây, tình hình vi phạm lâm luật giảm 90%.

Quản chặt di dân tự do

Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đăk Lăk) thì cho rằng, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh, cần di dời các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp trái phép trên đất rừng; phối hợp chặt chẽ để thành lập các đoàn liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát vào mùa cao điểm.

Những vụ phá rừng tự nhiên vẫn chưa được khống chế hiệu quả tại khu vực nhạy cảm của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Cùng quan điểm về việc cấp thiết phải quản lý chặt chẽ dân di cư tự do, các hộ dân cư trú bất hợp pháp tại khu vực giáp ranh, vấn đề quản lý hoạt động, di dời các cơ sở chế biến gỗ, sản xuất mộc trên địa bàn vùng giáp ranh cũng được tỉnh Phú Yên đặc biệt lưu tâm.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, hiện nay công tác bảo vệ rừng vô cùng khó khăn. Đây không chỉ là trách nhiệm của các hạt kiểm lâm, chủ rừng mà là cả của hệ thống chính trị.

Thời gian qua, 3 tỉnh đã có sự phối hợp trong công tác bảo vệ rừng nhưng chưa thực sự thỏa mãn. Minh chứng là điểm nóng phá rừng vẫn diễn ra liên tục, rừng bị tàn phá nhiều.

Như vậy, rõ ràng công tác bảo vệ rừng của các tỉnh làm chưa tốt. Nguyên nhân do cơ chế chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, chế độ chính sách cho các chủ rừng còn nhiều hạn chế, cùng với bất cập trong chế tài xử lý.

Theo ông Đỗ Xuân Dũng, Sở NN-PTNT Đăk Lăk đã rà soát lại, thay đổi các nội dung để tháo gỡ vướng mắc trong quản lý bảo vệ rừng. Đăk Lăkk mong muốn cùng với Gia Lai và Phú Yên xâu chuỗi lại những vướng mắc để kiến nghị mạnh mẽ với trung ương, nếu không trong thời gian tới rừng sẽ tiếp tục bị mất.

Ông Dũng cũng kiến nghị, khu vực giáp ranh rừng Ea So còn nhiều loại động vật quý hiếm, rất mong Gia Lai và Phú Yên phối hợp mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ các loài động vật này.

Nguồn: Tuấn Anh/ nongnghiep.vn

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  3. Gần 5.000 m2 rừng phòng hộ tại Bình Định bị đốn hạ, ai chịu trách nhiệm?
  4. Xử lý, tái chế và tái sử dụng các sản phẩm loại bỏ từ hoạt động chiếu sáng
  5. “Điểm nóng” về xâm hại tài nguyên rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô
  6. Vì sao vùng giáp ranh Gia Lai – Đắk Lắk – Phú Yên thành điểm nóng phá rừng?
  7. Suy thoái tài nguyên rừng trên thế giới – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
  8. Tín chỉ carbon rừng: Tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam
  9. Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị

Từ khóa » Gỗ Sơn Mộc Có Tốt Không