Điểm Yếu Lớn Nhất Của Võ Thuật Trung Quốc Là Gì?

Kể từ khi ra đời ở Thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên, võ thuật Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, thông qua những bộ truyện nổi tiếng của Kim Dung hay bộ phim võ thuật đình đám, mà võ Trung Quốc ngày càng được quảng bá rộng hơn. Nhiều người xem nơi đây là cái nôi của võ thuật thế giới.

Điểm yếu lớn nhất của võ thuật Trung Quốc là gì? - 1

Võ thuật Trung Quốc tồn tại nhiều điểm hạn chế so với thời cuộc.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi các cao thủ võ truyền thống Trung Quốc liên tiếp thất bại một cách dễ dàng, người ta đã hướng sự nghi ngờ về tính thực chiến của võ thuật Trung Quốc. Dường như, nó chỉ là "liều thuốc" để duy trì sức khỏe, chứ không thể mang lên võ đài.

Thực tế, bất cứ môn võ nào đều có điểm yếu. Đó là lý do MMA trở thành môn võ có tính thực chiến cao nhất ở thời điểm này. Nó là tổng hợp của nhiều loại võ khác nhau trên thế giới Muay Thái, Kickboxing, Teakwondo, Nhu thuật... để lấy từng điểm mạnh của các môn võ, triệt tiêu những điểm yếu. Cần phải nói rằng, ngay cả bản thân từng môn võ đơn lẻ kể trên đều có tính thực chiến khác nhau.

Nhưng có vẻ như võ truyền thống của Trung Quốc không theo hơi thở của hiện đại. Những hạn chế dần dần biến nó trở nên lạc hậu và không hợp với thời cuộc (trong những trận đấu đòi hỏi tính thực chiến). Vậy đâu là điểm yếu chết người, khiến cho võ Trung Quốc tụt dốc thê thảm?

Bị "trói buộc" bởi những triết lý

Võ Trung Quốc ra đời từ thời xa xưa đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những triết lý. Người học võ không chỉ lĩnh hội chiêu thức, mà còn phải hiểu những tầng ý nghĩa sâu xa. Như võ sư Xu Xiangdong từng chia sẻ: "Những gì chúng ta thấy trong võ thuật chỉ là những nhánh cây. Gốc của võ thuật Trung Quốc là Đạo giáo, Đạo Phật và Đạo Khổng. Bạn có thể đánh mạnh vào một sợi dây treo? Bạn có thể đứng yên trên một quả bóng lăn không? Đó không phải là về sức mạnh thể chất của bạn, nó là về sự hiểu biết của bạn về vật thể và không gian. Chiến đấu không phải là về hình thức, mà về cả tâm trí".

Trong đó, Đạo Khổng (Nho giáo) có ảnh hưởng lớn nhất, ăn sâu vào triết lý của những người sáng tạo ra võ thuật. Đó là hệ tư tưởng bao gồm tôn giáo, triết học, đạo đức và khoa học chính trị. Nó ảnh hưởng và định hình mọi khía cạnh của cuộc sống ở Trung Quốc trong hai thiên niên kỷ, trong đó có cả võ thuật.

Điểm yếu lớn nhất của võ thuật Trung Quốc là gì? - 2

Võ thuật Trung Quốc bị "trói buộc" bởi những quy tắc, đặc biệt là Nho Giáo

Chúng ta có thể thấy sự phản ánh các khái niệm cốt lõi của Nho giáo trong môn phái võ thuật truyền thống ở Trung Quốc.

Nhân nghĩa là một nguyên tắc cốt lõi của Nho giáo. Lòng vị tha là một đặc điểm tự nhiên của con người. Nó thôi thúc mọi người bảo vệ gia đình hay những người yếu thế trong xã hội. Do đó, yếu tố cốt lõi của võ học truyền thống Trung Quốc không nằm ở sự hung hăng (dù nó vẫn có những đòn hiểm). Có thể bạn đã từng nghe đâu đó về việc "học võ để tự vệ và rèn luyện sức khỏe". Đó chính là triết lý xuất phát từ Nho giáo của Trung Quốc. Họ xem rằng tấn công chỉ phương thức "bất đắc dĩ" cuối cùng.

Trong hàng ngàn năm, những bậc thầy về võ thuật Trung Quốc đều sở hữu những tiêu chuẩn đạo đức, ngoài khả năng kungfu mạnh mẽ của họ. Trong hệ thống giá trị của võ thuật cổ truyền, người ta không học kungfu để phô trương, và cũng không cần chứng tỏ sức mạnh của mình. Họ học nó rất siêng năng chỉ để liên tục cải thiện bản thân.

Bên cạnh đó, triết lý khác của Khổng Tử là về quân tử. Họ quan niệm rằng người quân tử không được phép cúi đầu, luồn lách mà phải hiên ngang. Đó là lý do võ thuật Trung Quốc chú trọng nhiều vào quyền cước, với những chiêu thức thật đẹp "thế rồng, thế phượng", chứ không chú trọng tới yếu tố di chuyển, né đòn của đối thủ. Thậm chí, ở khía cạnh nào đó, việc sử dụng quá nhiều chiêu thức, khiến cho nó trở nên "rườm rà" và lạc hậu.

Một điểm đáng chú ý là võ thuật hiện đại không quá chú trọng nhiều vào chiêu thức. Nó khá đơn giản nhưng hiệu quả. Có nghĩa rằng võ sĩ phải tìm cách hạ gục đối thủ thật nhanh, bằng nhiều cách khác nhau. Do đó, họ chú trọng nhiều về di chuyển, ra đòn cũng như né đòn.

Gần như không một môn phái ở Trung Quốc không chịu ảnh hưởng bởi triết lý nhất định. Như Thiếu Lâm chịu ảnh hưởng của đạo Phật, phía Không Động chịu ảnh hưởng của cả Nho Giáo, Đạo Giáo và Đạo Phật. Do đó, vô hình chung, nó như thể bị "trói buộc" bởi chiêu thức hay rộng ra là tư duy của hàng nghìn năm trước.

Khó trong việc truyền bá

Mặc dù nền công nghiệp điện ảnh võ thuật Trung Quốc phát triển nhưng việc truyền bá võ thuật ở Trung Quốc cũng gặp nhiều vấn đề. Thưở xa xưa, võ cổ truyền Trung Quốc không được dậy cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Điểm yếu lớn nhất của võ thuật Trung Quốc là gì? - 3

Ngày nay, nhiều người chỉ xem luyện tập võ Trung Quốc để rèn luyện sức khỏe, chứ không phải chiến đấu.

Các sư phụ chỉ dậy cho những đệ tử "lứa đầu". Và sau đó, những đệ tử này lại đi truyền dạy cho những lứa tiếp theo. Đương nhiên, cách truyền dạy không hiệu quả. Các đệ tử có quá ít kinh nghiệm và năng lực để truyền dạy võ công. Các đệ tử lứa sau cũng không nhận được tinh hoa võ thuật từ sư phụ. Nó khiến cho võ thuật Trung Quốc mai một dần.

Chuyên gia Tao Feng từng nhận định trên Beijing Business Today. "Taekwondo được truyền bá trên khắp thế giới, với tư tưởng rộng mở. Tuy nhiên, các võ sư võ truyền thống Trung Quốc lại giữ tư tưởng khá bảo thủ. Họ chỉ truyền dạy những bí kíp võ công cho những người trong gia đình hay thân tín. Do ít được truyền bá nên võ thuật Trung Quốc cứ thế mai một dần".

Thực tế, mặc dù Trung Quốc đã cố gắng truyền bá võ thuật ra thế giới thông qua các Học viện Khổng Tử nhưng tính thương mại vẫn chưa cao, do sự bảo thủ trong việc truyền dạy.

Trong khi đó, giáo sư Que Huafeng cho rằng những nhiều người chỉ xem tập luyện võ thuật Trung Quốc là phương pháp... rèn luyện sức khỏe, chứ không phải là chiến đấu. Do đó, nó không còn thu hút được những trẻ em theo học. Bởi dù sao những môn võ thực chiến cũng có sự thu hút lớn hơn.

Võ Trung Quốc dưới góc nhìn khác

Nếu nhiều người xem tập võ là công cụ chiến đấu thì rõ ràng võ Trung Quốc không phải là lựa chọn. Nhưng ở góc nhìn tích cực hơn, đó hoàn toàn có thể là phương pháp rèn luyện sức khỏe rất tốt.

Võ Trung Quốc chú trọng khá nhiều vào nội công, để hướng tới tới yếu tố sức khỏe. Đơn cử như một bài tập hàng ngày của võ sư Xu Xiangdong ở thời điểm mới học võ là hứng chịu 100 cú đấm vào bụng. Điều đó đòi hỏi ông phải vận khí, chống lại nó. Vì yếu tố này, Xu Xiangdong vẫn có sức khỏe cường tráng dù đã hơn 60 tuổi.

Nhiều quan điểm ở Trung Quốc cho rằng, việc học võ chính là học đạo. Nó giúp rèn luyện con người hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Ngay cả học viện quân sự nổi tiếng West Point cũng đã nghiên cứu những cuốn sách của Tôn Tử nói về nghệ thuật chiến tranh và võ học Trung Quốc.

Từ khóa » Các Môn Võ Thuật Trung Quốc