Điện Biên: Điều Chỉnh Phí Cấp Quyền Khai Thác Khoáng Sản

Mỏ đá Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh
Mỏ đá Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh

Ngày 16/6/2014, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 12), kèm theo bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo bảng tính giá thuế tài nguyên của UBND tỉnh Điện Biên, mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường là sản phẩm đá hộc với đơn giá 130.000đ/m3 nhân với hệ số nở rời 1,5. Theo bảng tính này, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường sẽ phải nộp 195.000đ/m3.

So với các tỉnh khác trong khu vực, hệ số nở rời của tỉnh Điện biên được áp ở mức tối đa 1,5. Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La được áp dụng tại thời điểm tháng 1/2016, hệ số nở rời tối thiểu là 1,2 và tối đa là 1,4 (áp theo chất lượng địa chất từng  mỏ); tỉnh Lào Cai hệ số nở rời được tính mức trung bình là 1,47. Cùng với việc UBND tỉnh Điện Biên tính theo giá tính thuế tài nguyên của đá hộc thành phẩm với đơn giá 130.000đ/m3, cao hơn rất nhiều so với các tỉnh khác. Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, phải chật vật trong việc nộp phí cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Đình Nghiệp, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Minh Quý, cho biết: Việc UBND tỉnh Điện Biên đang áp và tính theo giá thuế tài nguyên của đá thành phẩm (đá hộc) là chưa đúng, mà phải tính theo giá trữ lượng địa chất hoặc hỗn hợp sau nổ mìn (đá xô bồ chưa qua sàng tuyển). Nếu áp dụng mức tthu cũ, mỗi năm doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 800 triệu đồng. Là một doanh nghiệp nhỏ, thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn, mức thuế quá cao khiến doanh nghiệp lận đận trong việc tính phí cấp quyền.

Trích dẫn Công văn số 1553/ĐCKS-KTĐCKS ngày 29/5/2015 của Tổng cục Địa chất khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường, trả lời kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: “Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giá tính thuế tài nguyên đá hỗn hợp chưa qua chế biến của UBND cấp tỉnh ban hành”.

Như vậy, việc xác định đơn giá để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải tính theo thuế tài nguyên của đá hỗn hợp chưa qua sàng tuyển chứ không phải là thuế tài nguyên của đá hộc thành phẩm. Tuy nhiên, tại bảng giá thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Quyết định 12, lại chưa xác định đơn giá đối với đá hỗn hợp sau nổ mìn. Nên việc áp dụng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định sẽ phải chờ tới khi giá đá hỗn hợp sau nổ mìn được ban hành.

Qua thực tế triển khai việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định 12, tỉnh Điện Biên đã gặp rất nhiều khó khăn, từ phía các công ty khai thác đá để làm vật liệu xây dựng thông thường.

2. Việc chậm ban hành mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng trong việc nộp thuế
Việc chậm ban hành mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng trong việc nộp thuế

Căn cứ vào Nghị định 203/2013/NĐ-CP, ngày 28/11/2013 của Chính Phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; trên cơ sở tổng hợp văn bản thẩm định của các Sở, ban ngành có liên quan. Tháng 11/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, trình UBND tỉnh Điện Biên Quy định giá đá hỗn hợp sau nổ mìn để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Căn cứ vào mức dự toán đặc thù khai thác đá tại Công bố số 196/CB-SXD ngày 03/3/2016 của Sở Xây dựng, văn bản thẩm định số 2072/STC-TĐ ngày 09/11/2016 của Sở Tài chính, Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 1116/BC-STP ngày 21/11/2016, ý kiến tham gia của Sở Xây dựng, Sở Công thương, Cục Thuế tỉnh và các quy định có liên quan. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên xây dựng giá đá hỗn hợp sau nổ mìn được cấu thành với đơn giá 60.000đ. Giá đá hỗn hợp sau nổ mìn được áp dụng làm căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo đó, đối với trường hợp chưa phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do chưa nộp hồ sơ kê khai của các năm 2014, 2015 thì áp dụng theo Quyết định 12; lần nộp của năm 2016 và các lần kế tiếp được áp dụng giá đá hỗn hợp sau nổ mìn quy định tại dự thảo quyết định kèm theo.

Trường hợp đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước ngày dự thảo quyết định kèm theo có hiệu lực,  nhưng chưa thực hiện nộp tiền thì phải nộp đầy đủ số tiền mà Cục Thuế tỉnh Điện Biên đã thông báo, lần nộp của năm 2016 và các lần kế tiếp được áp dụng giá đá hỗn hợp sau nổ mìn quy định tại dự thảo quyết định kèm theo.

Đối với trường hợp đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2016 tính theo Quyết định 12, sẽ được tính lại theo giá tại dự thảo quyết định kèm theo. Số tiền nộp thừa sẽ được trừ vào các lần nộp tiếp theo( nếu nộp nhiều lần) hoặc thoái trả theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (nếu nộp 1 lần).

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc tài chính, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, chia sẻ: Nếu mức giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường mới được ban hành, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà Công ty phải nộp giảm xuống còn khoảng 10,8 tỷ đồng trong 10 năm. Chia đều các năm thì mỗi năm Công ty phải nộp trên 1 tỷ đồng; điều này vừa sức của Công ty.

Tuy nhiên, dù dự thảo này đến nay vẫn chưa được bàn hành. Không hiểu vì lí do gì, hay còn vướng mắc ở khâu nào mà UBND tỉnh Điện Biên vẫn chưa ký quyết định ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên mới để áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn.

Việc áp dụng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quá cao cũng như chậm ban hành mức giá mới, vô hình chung đã khiến cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trăn trở không biết mình có thể trụ bám trong bao lâu?

Để chính sách đi vào cuộc sống và phù hợp với hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương, UBND tỉnh Điện Biên cần có cơ chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để giúp đỡ doanh nghiệp phát triển, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài & ảnh: Trần Hương – Hà Thuận

 

Từ khóa » Hệ Số Nở Rời Của đá Hộc