Điện Biên Phủ - Chiến Thắng Của Sức Mạnh Trí Tuệ Và Lòng Dân Việt ...
Có thể bạn quan tâm
Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022)
---
Điện Biên Phủ - Chiến thắng của sức mạnh trí tuệ và lòng dân Việt Nam
Cách đây 68 năm, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập tự do trong thế kỷ 20. Chiến thắng vang dội đó đã để lại nhiều bài học sâu sắc, hiện vẫn còn nguyên giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Trong những năm từ 1947 đến 1953, quân và dân ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông (năm 1947), chiến dịch Biên giới (năm 1950)... làm cho cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến có lợi cho ta, tạo ra thế bất lợi đối với thực dân Pháp.
Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút, làm tiêu hao quân chủ lực của ta, đồng thời khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta và Thượng Lào. Thực dân Pháp bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân và nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại tại 49 cứ điểm, với 3 phân khu. Xác định cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài "bất khả xâm phạm".
Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp, phân tích cục diện chiến trường và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và hình thành 5 đòn tấn công nhằm tiêu diệt sinh lực cũng như buộc địch phải phân tán lực lượng. Trong đó, mặt trận Tây Nguyên đã phối hợp rất đắc lực với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Tướng Nguyễn Chánh (người Quảng Ngãi) đã chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, đập tan cuộc hành quân Atlante (Ác- lăng) của tướng chỉ huy quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Tây Nguyên và là Tư lệnh chiến dịch Atlante là De Beaufort.
Đến ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch. Lúc bấy giờ, cán bộ, chiến sĩ đều hăng hái triển khai kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, trước tình hình địch tăng cường lực lượng, phương tiện và thay đổi trận địa cũng như hệ thống phòng ngự…
Sau khi nhận được ý kiến của đại tá Phạm Kiệt (một người con của quê hương Quảng Ngãi) đề nghị xem xét lại cách đánh; đồng thời cùng với những tin tức trinh sát từ các mặt trận gửi về, tại cuộc họp khẩn của Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang phương châm tác chiến và kế hoạch mới "đánh chắc, tiến chắc".
Điện Biên Phủ có địa hình rừng núi hiểm trở, việc di chuyển khó khăn do có nhiều đèo cao, vực sâu. Để bảo đảm các điều kiện cho Chiến dịch thắng lợi trọn vẹn, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân các địa phương, phát huy được sức mạnh của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ các điều kiện về hậu cần, kỹ thuật, phương tiện cho bộ đội tham gia trận quyết chiến lịch sử này.
Nghị quyết của Bộ Chính trị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quân dân cả nước tích cực hưởng ứng sôi nổi, đồng lòng, dốc sức cho Chiến dịch. Bên cạnh 55.000 quân chủ lực, hơn 10 vạn người gồm: lực lượng dân công, thanh niên xung phong, và các lực lượng khác đã tham gia Chiến dịch, trên tinh thần tất cả tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo các tài liệu, sách báo... ghi lại, trong 210 ngày, từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, có hơn 261 nghìn dân công hỏa tuyến, trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia, làm mới 89km đường và sửa chữa hơn 500km đường giao thông...
Đặc biệt, sự sáng tạo độc đáo, biểu hiện trí thông minh của nhân dân ta, làm cho thực dân Pháp hết sức bất ngờ và thán phục. Đó là việc sử dụng các phương tiện thô sơ và xe đạp thồ là phương tiện chính. Quân và dân các địa phương đã huy động 22.000 lượt xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, một đội ô tô 628 chiếc... đã vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ Chiến dịch.
Trải qua 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm...", thông qua phương châm tác chiến phù hợp, đầy thông minh, sáng tạo, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch, bằng quyết tâm cao độ; với 3 đợt tấn công bất ngờ, sấm sét; thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” các lực lượng của quân đội ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “không thể công phá” và "bất khả xâm phạm". Kết quả, bắt sống tướng De Castries (Đờ-cát-xtơ-ri), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 nghìn tên địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, phương tiện của địch và giành thắng lợi vang dội.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trước tiên, phải khẳng định sự lãnh đạo tài tình, đầy sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy cao độ lòng yêu nước, thương nòi của nhân dân ta, dân tộc ta; làm cho nhân dân ta thấy rõ lợi ích sống còn của dân tộc mà đoàn kết chiến đấu chống thực dân xâm lược, giành độc lập tự do, đã tạo nên sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh nhân dân và chính nghĩa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại là trận quyết chiến chiến lược đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta, chấm dứt ách xâm lược của thực dân Pháp gần 100 năm trên đất nước ta, giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đồng thời, còn là bài học về tinh thần đoàn kết, sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh kiên cường và truyền thống yêu nước, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam, bài học về nghệ thuật quân sự; bài học về phát huy, hiệu triệu sức mạnh của toàn dân tộc và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhất là 2 nước Lào và Campuchia; bài học về thế trận lòng dân, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.
Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục là động lực, nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta trên đường đổi mới, phát triển và hội nhập.
Điều khá đặc biệt, rất đáng trân trọng và tự hào là, có hai vị tướng tài năng người Quảng Ngãi đã trực tiếp đóng góp trí tuệ và công sức vào thành quả chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, mà trực tiếp là Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ, với cương vị là Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu 5, tướng Nguyễn Chánh (người Quảng Ngãi) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc lãnh đạo quân dân giữ vững vùng tự do Liên khu 5. Từ năm 1951, tướng Nguyễn Chánh đã giữ trọng trách vừa là Bí thư Liên khu ủy, vừa là Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Là một người lãnh đạo toàn diện, ở tướng Nguyễn Chánh thể hiện rõ là một cán bộ có tầm nhìn chiến lược, đồng thời là một nhà chỉ huy thao lược, rất kiên quyết và có tài năng tổ chức, nhất là công tác phối hợp rất đắc lực với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Và tướng Nguyễn Chánh đã chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, đập tan cuộc hành quân Atlante (Ác- lăng) của tướng chỉ huy quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Tây Nguyên và là Tư lệnh chiến dịch Atlante là De Beaufort. Chiến thắng này góp phần cùng với thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ quyết định, buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Đặc biệt, trong Chiến dịch, giữa lúc tình hình chiến trường vô cùng căng thẳng; quân và dân ta háo hức chờ lệnh chỉ huy nổ súng tấn công. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra lo ngại vì lực lượng pháo phòng không của ta còn quá mỏng và không thiện chiến, trong khi quân Pháp tập trung toàn bộ máy bay ở chiến trường Đông Dương về cứ điểm Điện Biên Phủ. Với vai trò là đặc phái viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh và phụ trách công tác bảo vệ của Mặt trận, Phạm Kiệt suy nghĩ, trăn trở, là người duy nhất mạnh dạn đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem xét lại kế hoạch "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Ý kiến đề xuất của Phạm Kiệt cùng với những tin tức trinh sát từ các mặt trận gửi về đã cung cấp nhiều căn cứ quan trọng để Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đề xuất với Đảng ủy quyết định thay đổi phương châm tác chiến cũng như kế hoạch; từ phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc", nhằm bảo đảm cho quân, dân ta chắc thắng ở Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Lúc bấy giờ toàn bộ cán bộ, chiến sỹ hăng hái triển khai kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Bản thân tôi thì khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu bằng điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tôi đánh giá rất cao ý kiến đó, cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt trận gởi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang "đánh chắc, tiến chắc". (Trích dẫn theo sách Danh tướng Phạm Kiệt, Bản lĩnh và tài đức, nxb. Công an nhân dân, 2013). |
Tuấn Anh
Từ khóa » Trình Bày Chiến Dịch Lịch Sử điện Biên Phủ 1954
-
Dựa Vào Lược đồ (Hình 54), Trình Bày Diễn Biến Chiến Dịch Lịch Sử ...
-
Chiến Dịch Điện Biên Phủ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chiến Thắng Điện Biên Phủ 1954 - ý Nghĩa Lịch ... - Tỉnh Quảng Nam
-
Chiến Thắng Lịch Sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) | Hồ Sơ - Nhân Chứng
-
Chiến Dịch Lịch Sử Điện Biên Phủ - Đảng Cộng Sản Việt Nam
-
Trình Bày Diễn Biến Chính Của Chiến Dịch Điện Biên Phủ Năm 1954
-
Chiến Thắng Điện Biên Phủ 1954 - Ý Nghĩa ... - Truyền Hình Cao Bằng
-
Dựa Vào Lược đồ (Hình 54), Trình Bày Diễn Biến Chiến Dịch Lịch Sử ...
-
Chiến Dịch Điện Biên Phủ Lịch Sử, Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Việt ...
-
Trình Bày Diễn Biến Của Chiến Dịch Điện Biên Phủ? - Nguyễn Lệ Diễm
-
Dựa Vào Lược đồ (hình 54), Trình Bày Diễn Biến Chiến Dịch Lịch Sử ...
-
Ý Nghĩa Lịch Sử Của Chiến Thắng Điện Biên Phủ - Cong Doan Hai Phong
-
Chiến Thắng Điện Biên Phủ - Kỳ Tích Của Thời đại Hồ Chí Minh
-
Bảo Tàng Chiến Thắng Lịch Sử Điện Biên Phủ