Điển Cố (2) | Mistletoe Magic

pc32

(11) Bá vương ngạnh thượng cung

” bá vương ” chỉ những người siêu mạnh mẽ, ” ngạnh thượng cung ” hiểu là ” xuất ra uy lực còn mạnh hơn cung nỏ “, mà ” cường cung ” thì hiển nhiên sẽ bắn ra ” cường tiễn “, từ ” cường tiễn ” hài âm hoàn toàn với ” cưỡng gian “. Cho nên cụm từ này người xưa thay thế cho từ ” cưỡng gian ”

“Bá vương ngạnh thượng cung” là thành ngữ xuất phát từ điển cố về một trận giao tranh giữa Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và Hán Cao Tổ Lưu Bang. Chuyện kể rằng lần nọ Hán Sở tranh hùng, giằng co quyết liệt suốt mấy tháng mà thắng bại vẫn bất phân. Trận chiến này khiến già trẻ lớn bé đều mỏi mệt khổ đau, tiếng oán thán ngập trời ngập đất. Hạng Vũ thấy thế bèn nói thẳng với Lưu Bang rằng: “Thiên hạ náo loạn đã nhiều năm, cũng vì hai người chúng ta. Bản vương muốn đơn thân độc mã khiêu chiến với Hán vương, hai ta sống mái một phen, đừng để con dân thiên hạ phải tiếp tục chịu khổ.” Lưu Bang cười đáp: “Ta thích đấu trí chứ không đấu sức.” Hạng Vũ bèn lệnh cho một tráng sĩ xuất chiến, chẳng ngờ ngay lập tức gã tráng sĩ nọ bị thủ hạ của Lưu Bang (vốn là thiện xạ kỵ binh) bắn chết. Sở Bá Vương thập phần tức giận, tự mình khoác khôi giáp cầm vũ khí tiến lên ứng chiến. Chì cần Hạng Vũ trừng mắt một cái, tên thiện xạ kỵ binh kia đã run như cầy sấy, buông cung tếch thẳng về thành…

(12) Đoạn tụ chi phích

Câu này được bắt nguồn từ mối tình  “đoạn tụ” giữa Hán Ai Đế và Đổng Hiền.

Đổng Hiền là nhân vật chính trong câu chuyện “tình yêu cắt áo” của Hán Ai Đế rất nổi tiếng. Ai Đế vì Đổng Hiền đã cam tâm tình nguyện bỏ đi không ít những người đẹp trong hoàng cung để sủng ái một mình ông ta, thậm chí còn muốn đem giang sơn nhường lại cho ông ta. Mối tình giữa họ trở thành hình mẫu cho những người đồng tính luyến ái ở đời sau.

Đổng Hiền tự là Thánh Khanh người vùng Vân Dương. Cha là Đổng Cung từng làm đến chức ngự sử. Vào thời đó, Đổng Hiền còn là một người hầu bên cạnh thái tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều. Cho đến một hôm, Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì Ai Đế, khi đó đã là hoàng đế nhìn thấy. Chỉ nhìn một cái, Ai Đế đã phát hiện, dường như mấy năm không gặp vì Đổng Hiền đã trưởng thành và tuấn tú hẳn lên và đem so với những cung nữ phấn sáp trong lục viện anh ta còn kiều diễm hơn. Ai Đế không cầm được sự vui mừng lịnh cho Đổng Hiền theo sau mình hầu hạ. Từ đó Ai Đế đối với Đổng Hiền ngày càng sủng ái hơn. Ngồi cùng xe, ngủ cùng giường, làm gì cũng không rời xa Đổng Hiền. Ông ta còn phong cho Đổng Hiền làm Hoàng Môn Lang, bắt Đổng Hiền lúc nào cũng phải ở bên cạnh mình. Cha của Đổng Hiền là Đổng Cung cũng được thăng lên Bá Lăng Lệnh rồi Quang Lộc đại phu.

Theo sử sách còn ghi chép lại, Đổng Hiền không chỉ có khuôn mặt giống mỹ nữ mà từ ngôn ngữ cử chỉ đều giống phụ nữ, “tính tình dịu dàng”, “giỏi quyến rũ”. Vì vậy Ai Đế ngày càng súng ái Đổng Hiền hơn. Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của Ai Đế mà ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình. Người đời sau gọi mối tình đồng tính là “mối tình cắt tay áo” cũng là có nguồn gốc là điển cố này.

Sau sự kiện đó, Đổng Hiền biết rằng hoàng đế có lòng yêu thương mình thật sự nên vô cùng cảm động. Nhưng để tránh những sự việc như vậy tái diễn, ông ta tổ chức một cuộc cải cách y phục trong hoàng cung. Ông ta là người đi đầu trong việc mặc loại y phục tay bó tà ngắn, vừa hoạt động thuận lợi, dễ dàng không giống tập quán trang phục của triều Hán về trước, lấy việc mặc áo lót rộng và ống tay dài làm đẹp. Cách cải cách này của Đổng Hiền trở thành một trào lưu trong hoàng cung. Các cung nữ phi tần đều tranh nhau học theo cách mặc của ông ta, cắt ống tay áo mặc một bộ đồ giản tiện và cho đó là mốt thời thượng.

Để biểu hiện sự sủng ái của mình đối với Đổng Hiền, Ai Đế còn phong Đổng Cung là đại thần là một chức quan chuyên lo gỗ đá cho các công trình xây dựng. Ai Đế còn lịnh cho Đổng Cung xây dựng cho Đổng Hiền một tư dinh mới thật tráng lệ, quy mô vượt hơn hẳn các vị đại thần. Những ngọc lạ châu quý trong cung đều để cho Đổng Hiền tự chọn lấy, thậm chí nhiều đồ dùng của vua như giày, quần áo và xe ngựa đều dùng chung với Đổng Hiền. Vợ và em của Đổng Hiền nhiều lần được ban thưởng mà không rõ lý do vì sao.

Ân sủng trong nội cung còn chưa đủ, Ai Đế còn muốn người được mình yêu thương có một địa vị đứng đầu trong triều chính. Ai Đế muốn phong Đổng Hiền tước hầu nhưng mãi vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp. Sau đó vừa lúc thừa tướng Vương Gia chết, trong triều giảm đi một thế lực phản đối Đổng Hiền, Ai Đế đã bãi miễn chức Đại tư mã đang do một người họ ngoại đảm nhiệm, phong cho Đổng Hiền chức Đại tư mã. Đây là chức quan cao nhất trong triều đình nhà Hán.

Đổng Hiền mới bước vào tuổi 22 mà đã đạt đến chức vị đó, quyền lực rất lớn, cơ hồ đã có thể chia đôi thiên hạ cùng với hoàng đế. Theo sử sách còn ghi chép lại thời đó có một vua của Hung Nô đến Trung Quốc để triều kiến hoàng đế triều Hán. Ông ta thấy người giữ chức Đại tư mã quyền lực nhất triều lại là một thiếu niên mỹ mạo tuấn tú, bất giác cảm thấy kinh hãi vô cùng. Khi ông ta hỏi dò, hoàng đế mới đáp rằng: “Tuy Đại tư mã tuổi còn rất trẻ nhưng là người hiền đức nhất nước này. Vì tài năng mới được thăng chức vị cao như vậy”. Kết quả là, Thiền Vu của Hung Nô tin đó là sự thật mới kính cẩn hướng về phía Đổng Hiền hành đại lễ còn chúc mừng hoàng đế triều Hán có được một hiền thần tuổi rất trẻ như Đổng Hiền.

Sau đó, tình yêu của Ai Đế tựa hồ như không còn biết làm thể nào để tỏ sự sủng hạnh đặc biệt của mình đối với Đổng Hiền. Có một ngày, Ai Đế mở yến tại điện Kỳ Lân cùng chư thần, sau khi uống vài chun rượu, đột nhiên Ai Đế nhìn Đổng Hiền bằng đôi mắt đầy thâm tình rồi cười nói rằng: “Trẫm muốn theo vua Nghiêu vua Thuấn thực hiện việc nhường ngôi, liệu có được không?”. Ý của câu này chính là Ai Đế muốn học theo cách làm của các vua thời trước lấy ngôi vị của mình nhường lại cho Đổng Hiền. Một câu nói của thiên tử khiến cả triều văn võ bá quan ngỡ ngàng, nói cũng không thành lời.

Đợi khi các đại thần tỉnh lại, một người mới tiến lên phía trước nói: “Thiên hạ này là thiên hạ của Cao hoàng đế chứ không phải là thiên hạ của bệ hạ. Bệ hạ chỉ là người kế thừa lại thiên hạ này của tổ tông mà thôi. Nếu truyền lại ngôi vị thì chỉ có thể truyền lại cho con cháu đời đời mà thôi. Bệ hạ là vua một nước, cần phải biết rằng thiên tử không nói đùa, cho nên ngàn vạn lần không nên nói những lời như vậy!”. Ai Đế nghe lời nói này, im lặng không nói thêm lời nào nữa nhưng hiển nhiên là không còn hứng thú gì. Ai Đế ra lịnh đuổi người đó ra khỏi bữa tiệc về sau có mở yến tiệc cũng không cho ông ta tham gia nữa.

Ai Đế khi đó còn rất trẻ nhưng đã sớm nghĩ đến những ngày sau khi mình chết đi sẽ không còn Đổng Hiền nữa, thấy rất thương tâm. Ai Đế bèn lịnh cho các đại thần xây dựng bên cạnh lăng mộ của mình một phần mộ khác để chuẩn bị sau này nếu Đổng Hiền có chết thì sẽ an táng bên cạnh phần mộ của mình. Ý muốn của ông ta là sau khi chết cũng muốn được chôn cùng người yêu của mình, “sống thì cùng giường, chết thì cùng huyệt”. Nhưng điều đó là không thể được, ngày họ phải chia tay đã sớm đến. Tháng 6 năm Nguyên Thọ thứ hai, Ai Đế mới chỉ 26 tuổi mắc bạo bệnh mà chết. Thái hoàng thái hậu để cho Vương Mãng làm chủ triều chính. Vương Mãng cực lực phản đối Đổng Hiền, không muốn để cho ông ta tiến cung. Đổng Hiền cũng biết mình gặp đại họa đến nơi rồi, vì vậy ông ta và vợ con cùng tự sát tại nhà để tránh hậu hoạn và cũng là chết để đáp lại mối tình của Ai Đế dành cho mình.

Nguồn: http://kimlong9999.blogspot.com/2009/02/trai-tim-hoan-hao.html

(13) Cử án tề mi

câu chuyện kể về vợ Lương Hồng thời Đông Hán là Mạnh Quang. Sau khi lấy Lương Hồng, Mạnh Quang rất tôn trọng chồng. Bà là người rất xấu xí, vừa béo vừa đen, khỏe đến mức có thể bê được cối đá. Lương Hồng là người rất có danh tiếng. Trước khi lấy vợ, rất nhiều nhà danh giá muốn gả con gái cho ông nhưng ông đều không đồng ý.

Sau ngày cưới, Mạnh Quang bỏ khăn che mặt, mặc quần áo hàng ngày để làm việc nhà. Sau đó, nàng cùng chồng lên núi ở, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc.

(14) Tết Đoan Ngọ ( Tết Đoan dương ) 

Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại Trung Quốc (còn gọi là Lễ hội Thuyền rồng) cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên và Việt Nam. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều, và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.

Ở Việt Nam, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.

Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được,lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh,lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên. Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày tết Đoan Ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.

Như vậy, theo truyền thuyết trên thì mùng 5 tháng 5 có nguồn gốc từ văn hoá Trung Hoa.

Truyền thuyết tại Việt Nam

Vào một ngày sau vụ mùa nông dân chúng đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

(15) Tết Trùng Cửu

Có nhiều điển tích về ngày Tết này:

Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: ” Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn… Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.

Sách “Phong Thổ Ký” lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước D.L.), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn… Tục ấy thành lệ. Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước D.L.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Cổ thi có câu: “Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao”. “Đăng cao” là lên chỗ cao. “Trùng cửu” và “Đăng cao” đều do điển tích trên.

(16) Cỏ Ngu Mỹ Nhân

Ngu Cơ 虞姬, có tên là Ngu Diệu Dực 虞妙弋 (?-202 TCN), là vương phi xinh đẹp tuyệt trần của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng.

Ngu Cơ thường xuyên đi cùng Hạng Vũ tướng mạo tuyệt vời lại thạo cung kiếm ra chiến trận, sát cánh cùng Sở Bá vương trong suốt nhiều năm chinh chiến. Nàng sở hữu nét đẹp trong sáng như tiên nữ giáng phàm, đôi mắt hồ thu, cái nhìn mơ màng xa xăm, giọng nói nhẹ như gió, cử chỉ uyển chuyển tựa mây đã choán hết trái tim trượng phu. Đoạn tiễn biệt giữa hai người trong thành Cai Hạ là một đoạn bi tráng rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc được Sử ký của Tư Mã Thiên nhắc tới.

Hạng Vũ và Lưu Bang vốn đã giảng hoà ở Hồng Câu để chia đôi thiên hạ. Nhưng sau đó Lưu Bang bội ước đánh úp Hạng vương khiến Hạng vương phải chạy vào thành Cai Hạ.

Hạng vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng vương thức dậy nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng vương kinh hoàng, nói:

Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lại đông như thế? Đêm hôm đó Hạng vương uống rượu trong trướng cùng Ngu Cơ. Hạng vương đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài “Cai Hạ ca”:

Lực bạt sơn hề, khí cái thế, Thời bất lợi hề, Truy bất thệ Truy bất thệ hề khả nại hà, Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà. Dịch:

Sức dời núi, khí trùm trời, Ô Truy chùn bước bởi thời không may! Ngựa sao chùn bước thế này? Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng? Hạng vương ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:

Hán binh dĩ lược địa, Tứ diện Sở ca thanh. Trượng phu ý khí tận, Tiện thiếp hà liêu sinh. Dịch:

Quân Hán lấy hết đất, Khúc Sở vang bốn bề. Trượng phu chí lớn cạn, Tiện thiếp sống làm chi. Rồi Ngu Cơ lấy gươm tự vẫn để tránh làm vướng bận Hạng Vũ. Hạng Vương thấy Ngu Cơ chết, khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn. Sau đó Hạng Vũ chọn 28 kỵ binh trung thành, liều chết phá vòng vây của quân Hán vượt ra ngoài. Chạy đến sông Ô Giang thì cùng đường. Tự thấy không còn mặt mũi nào qua sông về Giang Đông tái dựng cơ đồ, đành tự vẫn.

Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là “Ngu mỹ nhân thảo”. Lại có thuyết cho rằng hương hồn bà không tan, hóa thành 2 khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quýt vào nhau, người ta gọi là Cỏ ngu.

Mối tình của Ngu Cơ và Hạng Vũ được đời sau truyền tụng và ca ngợi. Cảnh Hạng Vũ vĩnh biệt Ngu Cơ trước khi xuất trận lần cuối được đời sau diễn thành vở Kinh kịch nổi tiếng Bá Vương Biệt Cơ.

(17) Tứ thư

Tứ Thư (四書 Sì shū) là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn. Chúng bao gồm:

Đại Học (大學 Dà Xué) Trung Dung (中庸 Zhōng Yóng) Luận Ngữ (論語 Lùn Yǔ) Mạnh Tử(孟子 Mèng Zǐ) Thông thường người ta hay nói là: Tứ Thư Ngũ Kinh.

Tứ Thư và Ngũ Kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo. Các sách này còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc.

Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu, nhưng có thể nói một cách vắn tắt là: sự học chú trọng ở luân thường đạo lý, chủ trương biến hóa tùy thời, sự vụ thực tế nên không bàn đến những cái viển vông ngoài sinh hoạt của con người nơi trần thế.

Xem thêm tại Đây

(18) Ngũ kinh

Ngũ Kinh còn là cách gọi khác của Ngũ Thư Ngũ Kinh (五經 Wǔjīng) là năm quyển kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo. Theo truyền thuyết, năm quyển này đều được Khổng Tử soạn thảo hay hiệu đính. Sách kinh điển gồm hai bộ: Ngũ Kinh và Tứ Thư. Năm quyển Ngũ Kinh gồm có:

Kinh Thi (詩經 Shī Jīng): sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng và trong sáng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai “học Kinh Thi chưa?”, người con trả lời “chưa”. Khổng Tử nói “Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao” (sách Luận ngữ). Kinh Thư (書經 Shū Jīng): ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ. Kinh Lễ (禮記 Lǐ Jì): ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời” (sách Luận Ngữ). Kinh Dịch (易經 Yì Jīng): nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái,… Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện. Kinh Xuân Thu (春秋 Chūn Qiū): ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa. Ông nói: “Thiên hạ biết đến ta bởi kinh Xuân Thu, thiên hạ trách ta cũng sẽ ở kinh Xuân Thu này”. Đây là cuốn kinh Khổng Tử tâm đắc nhất, xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc xảy ra. Ngoài ra còn có Kinh Nhạc do Khổng Tử hiệu đính nhưng về sau bị Tần Thủy Hoàng đốt mất, chỉ còn lại một ít làm thành một thiên trong Kinh Lễ gọi là Nhạc ký. Như vậy Lục kinh chỉ còn có Ngũ kinh.

Xem thêm tại Đây

(19) Mạnh Bà

Theo truyền thuyết, sau khi con người chết đi, linh hồn của họ sẽ bị đưa đến các điện địa ngục để chịu tội cho đến khi đi đến điện thứ 10, là khu Vong Đài của Mạnh Bà. Tại đây họ trải qua quá trình chuẩn bị đầu thai sang kiếp khác. Con đường dẫn tới điện của Mạnh Bà được gọi là đường Hoàng Xuân. Người ta kể rằng Mạnh Bà sống vào thời Tây Hán. Bà đã đọc sách Nho giáo từ khi tuổi còn nhỏ, sau này lớn lên lại tiếp tục học kinh điển Phật giáo. Mạnh Bà đã sống một cuộc đời ‘quá khứ không truy cầu, tương lai không vọng tưởng’. Bà dồn tâm sức khuyên bảo mọi người không sát sinh, ăn chay thanh tịnh. Bà vẫn còn trong trắng cho đến khi đã 81 tuổi. Người thời đó gọi bà là Mạnh Bà. Sau này, Mạnh Bà đã lên núi tu hành và đắc Đạo. Vào thời Đông Hán, nhiều người có thể kể về những chuyện trong đời trước của họ. Vậy nên thiên cơ đều bị tiết lộ. Vì thế thiên thượng bèn cử Mạnh Bà làm thần U Minh phụ trách các linh hồn sắp được chuyển sinh thành người. Món canh Quên Lãng của Mạnh Bà được nấu bằng thảo mộc của thế giới con người. Nó giống như rượu và có 5 vị: ngọt, đắng, cay, mặn và chua. Bất cứ ai muốn chuyển sinh sang kiếp khác cũng phải uống món canh này. Với những linh hồn tìm cách bỏ trốn và không chịu uống canh Mạnh Bà, lập tức sẽ xuất hiện hai cái móc trồi lên từ dưới đất giữ chặt chân họ và một cái ống đồng sắc nhọn sẽ cứa vào cổ họng để bắt họ uống món canh. Theo truyền thuyết, canh Mạnh Bà có thể xóa hết ký ức về những đời trước của một người, đó là lý do vì sao người ta đến trong cuộc đời này mà chẳng hề nhớ gì về những đời trước của mình, và bị mê mờ bởi danh, lợi và tình trong cõi trần tục này.

(20 ) Tương kính như tân

Vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), vua nước Tấn cử một sứ thần sang thăm nước Lỗ.

Một hôm trời nắng, trên đường trở về nước Tấn, sứ thần đi ngang qua nước Kế. Ông nhìn thấy một nông phu đang làm cỏ ngoài đồng và một phụ nữ trẻ, có lẽ là vợ của anh ta, cô đang mang bữa trưa ra cho chồng.

Người phụ nữ trẻ bưng bữa trưa bằng cả hai tay cho chồng một cách rất tôn kính. Và người chồng cũng như vậy, kính cẩn nhận lấy bữa trưa của mình. Trong lúc người nông phu dùng bữa, vợ anh đứng một bên chờ đợi một cách lễ độ.

Vị sứ thần vô cùng ấn tượng trước những gì ông đã thấy và nghĩ rằng “Họ đối xử với nhau thật là tôn trọng như vậy!”. Ông tiến đến nói chuyện với cặp vợ chồng, sau đó mời họ cùng đi về nước Tấn.

Khi về đến nước nhà, vị sứ thần ngay lập tức vào yết kiến vua nước Tấn và kể lại cho nhà vua nghe câu chuyện về cặp vợ chồng. Ông tâu với nhà vua rằng “Tôn kính là một biểu hiện của đức hạnh. Ai biết kính lễ, ắt là người có đạo đức! Chúng ta cần giáo dục người dân về đức tính tốt này.”

Sau đó, ông tiến cử người nông phu cho nhà vua. Theo lời khuyên của ông, nhà vua phong người nông phu một chức vụ quan trọng của nước Tấn.

Câu chuyện dựa trên các ghi chép trong Tả Truyện, một trong những tác phẩm tường thuật lịch sử Trung Quốc đầu tiên, trong đó thuật lại hầu hết thời Xuân Thu.

Về sau câu nói Tương Kính Như Tân 相敬如賓 (Xiang Jing Ru Bin), được dịch là “đối xử với nhau với sự tôn trọng như đối với khách” đã trở thành một thành ngữ, nó được sử dụng để diễn tả cách đối xử giữa phu thê đó là nên tôn trọng lẫn nhau

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Ngạnh Thượng Cung