Diễn đàn 'Điều Em Muốn Nói': Học Sinh đang Thiếu Nơi để Giãi Bày

Học sinh cởi mở, thẳng thắn hơn

Trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, N.L.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), gửi lời khẩn cầu tới cha mẹ, thầy cô đừng tạo áp lực, thay vào đó hãy tin tưởng, động viên để em được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vượt qua kỳ thi. Bởi theo P., bản thân em đã tự tạo áp lực cho chính mình bằng ý nghĩ, nếu em không thi đỗ, bố mẹ sẽ rất thất vọng.

Do đó, ngoài học tập trên lớp, tối đến em thường làm bài tập, ôn luyện đến 1-2 giờ sáng với mục tiêu thi đỗ trường chuyên hoặc một trường THPT tốp đầu. Khi buồn bã, mệt mỏi em thường tìm đến bạn thân để chia sẻ vì bố mẹ đối với em có khoảng cách thế hệ.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nói rằng, mới đây trường mời chuyên gia đến trò chuyện, trao đổi, giải tỏa tâm lý cho học sinh. Học sinh rất cởi mở, thẳng thắn nói ra những điều các em băn khoăn.

“Thậm chí có em hỏi thẳng chuyên gia: cô quan niệm thế nào về tình yêu đồng giới? Để hỏi được như thế chứng tỏ học sinh đã phải trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và dũng cảm để nói ra. Chương trình kết thúc, hơn một giờ sau, tôi vẫn thấy học sinh chờ để được gặp, nhờ chuyên gia tư vấn riêng ở sân trường”, bà Nga nói.

Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, thừa nhận, sau đại dịch, cả học sinh và giáo viên đều gặp khó khăn về tinh thần và thể chất. Do đó, nhà trường phải tìm cách giúp học sinh thích nghi với thói quen học tập mới, giải tỏa áp lực tâm lý. Giáo viên cũng cần phải gần gũi, tạo được sự tin tưởng các em mới chịu mở lòng, chia sẻ.

Trẻ bị bạo hành tinh thần, chịu nhiều áp lực

Bà Vũ Kim Nga, nhân viên tư vấn Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), thông tin, trong và sau đại dịch COVID-19, nội dung trẻ gọi đến chia sẻ có nhiều vấn đề mới, trong đó gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí nhiều em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Tình trạng này gia tăng ở học sinh bậc THCS - THPT.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, học sinh ngày nay gặp nhiều vấn đề, chịu nhiều áp lực, từ kết quả học tập, thi cử, đến kỳ vọng của bố mẹ… Thậm chí tham gia mạng xã hội các em cũng chịu tác động vì quá nhiều thông tin tiêu cực. “Rõ ràng học sinh rất cần một nơi để than phiền, trút hết tâm tư nhưng thực tế hiện nay đang rất thiếu điều đó”, ông Tú nói.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, đặc trưng của “thế hệ Z” này là dành nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính nên tiếp nhận thông tin nhanh nhưng cũng dễ bị tiêm nhiễm bởi những tin tức độc hại hoặc tham gia vào các cuộc khẩu chiến trên mạng.

Các em cũng được cha mẹ đầu tư, chiều chuộng hơn nhưng lại dành ít thời gian quan tâm, chia sẻ. Khi học tập ở trường, học sinh chịu áp lực vì thành tích, đặc biệt là vào các kỳ kiểm tra, thi cử. Mâu thuẫn bạn bè cũng có nguy cơ bùng nổ thành những vụ việc bạo lực học đường. Học sinh dễ dàng tiếp cận các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…, cộng với việc muốn khẳng định bản thân khiến các em ám ảnh.

“Do đó, giáo viên khi phát hiện học sinh có dấu hiệu trầm cảm cần trò chuyện, lắng nghe các em nói. Từ từ khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, góp nhặt từng niềm vui. Giao nhiệm vụ học tập vừa sức, động viên học sinh và trao đổi với phụ huynh để tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý”, PGS Hà nói.

Hôm nay (17/5), Hội đồng đội T.Ư phối hợp báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Ba Đình tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói tại Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Khách mời của chương trình là lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện Cục Bảo vệ trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nghệ sĩ Xuân Bắc, TS Trần Thành Nam, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà… Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham gia của gần 1.000 học sinh THCS, trưởng phòng GD&ĐT 30 quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường THCS - THPT ở Hà Nội.

Hà Linh

Từ khóa » điều Muốn Nói Bây Giờ